(Baothanhhoa.vn) - Hàng chục năm nay, nhiều người biết đến Trịnh Anh Đạt bởi bài thơ “Rau má” nổi tiếng của ông trên thi đàn. Bài thơ được người ta truyền khẩu hệt như ca dao, dưới nhiều hình thức khác nhau: Đọc, ngâm, phổ nhạc thành bài hát, lồng điệu thành hát xẩm, chầu văn, ca trù và thậm chí cả... cải lương! Trịnh Anh Đạt là một doanh nhân ngành du lịch, chủ Khách sạn Hoa Thành Đạt ở Hải Phòng, đã sang định cư cùng gia đình ở Mỹ.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Lang thang cùng nhà thơ Rau Má

Hàng chục năm nay, nhiều người biết đến Trịnh Anh Đạt bởi bài thơ “Rau má” nổi tiếng của ông trên thi đàn. Bài thơ được người ta truyền khẩu hệt như ca dao, dưới nhiều hình thức khác nhau: Đọc, ngâm, phổ nhạc thành bài hát, lồng điệu thành hát xẩm, chầu văn, ca trù và thậm chí cả... cải lương! Trịnh Anh Đạt là một doanh nhân ngành du lịch, chủ Khách sạn Hoa Thành Đạt ở Hải Phòng, đã sang định cư cùng gia đình ở Mỹ.

Nhà thơ Trịnh Anh Đạt (người ngồi giữa) cùng bà con nông dân trên cánh đồng rau má Thành Nhà Hồ.

Ông cũng là một “tín đồ” của mạng xã hội nên không khó để tôi kết nối, làm quen dù cách xa nửa vòng trái đất. Thỉnh thoảng “chát chít” với Trịnh Anh Đạt trên facebook, tôi biết trong năm nay ông có chuyến về thăm quê hương, nên mời ông làm một chương trình giới thiệu về bài thơ “Rau má”. “Hò hẹn” mãi, cuối cùng tôi đã được lang thang cùng Trịnh Anh Đạt suốt mấy ngày nắng hạ trên miền quê xứ Thanh “bão lụt nắng hanh”.

Thỉnh thoảng tôi được nghe bài thơ “Rau má” phổ nhạc thành bài hát, có bài để nguyên bản lời thơ, có bài đặt lại lời là “cây rau má gạo”. Cách đây mấy năm, nhà báo Nguyễn Văn Bình, Phó Giám đốc Đài VTC đã tổ chức một chương trình ca nhạc, trong đó giới thiệu bài thơ “Rau má” dưới hình thức hát xẩm. Trong một lần chị em CLB nữ văn nghệ sĩ xứ Thanh gặp mặt, Nghệ sĩ Nhân dân Thanh Tâm đã trình diễn bài thơ bằng 5 làn điệu âm nhạc khác nhau. Đôi khi bài thơ được người hát chuyển đổi một vài từ để phù hợp với nhạc lý, cũng có khi người ta không nhớ chính xác nên làm sai lệch một số từ. Nhưng rõ ràng, bài thơ “Rau má” xuất hiện ở khắp mọi nơi, từ chương trình văn nghệ quần chúng cho đến sân khấu nhà hát lớn, trên những chuyến xe du lịch, được truyền khẩu ở bàn tiệc sang trọng cho đến quán bia dân dã, những nơi sinh hoạt cộng đồng có mặt người Thanh Hóa. Thỉnh thoảng tôi cũng đọc cho bạn bè nghe trong những không gian phù hợp.

Bài thơ “Rau má” của Trịnh Anh Đạt cứ “lí lơi” trong tôi, cho đến một ngày nắng hè rực rỡ, tác giả của nó đã bay từ nửa vòng trái đất về với quê hương để đi tìm lại “hồn rau má” cùng tôi. Tất nhiên, ông trở về bởi nhiều lời hẹn khác nhau: Về thăm gia đình, người thân ở Việt Nam; về để sắp xếp quản lý công việc làm ăn ở Khách sạn Hoa Thành Đạt – Hải Phòng, nơi ông làm chủ; hay gặp gỡ bạn bè, nhất là anh chị em văn nghệ sĩ đã lâu không gặp mặt, về vì nỗi nhớ quê hương tha thiết... Tôi không dám hẹn ngày cụ thể với ông, bởi tôi biết ông đang quay như chong chóng bởi những cuộc gặp gỡ, đón tiếp rất nồng hậu của nhiều “yếu nhân” văn chương; chỉ dám len lén thả vài tin nhắn nhắc ông về chương trình làm phim rau má xứ Thanh. May quá, cuối cùng thì ông đã sắp xếp được thời gian để “lang thang” cùng tôi.

Hóa ra rất là hữu duyên, khi tôi biết bài thơ “Rau má” từ khi ra đời đến nay vừa tròn... 20 tuổi. Vậy thì làm một chương trình để kỷ niệm tuổi hai mươi của nó thật đúng dịp và ý nghĩa. Nhưng tôi cứ rụt rè mãi vì thấy ngài ấy khá bận. Suốt mấy ngày nắng nóng là thế, Trịnh Anh Đạt cứ như trai trẻ đang yêu, lao theo các lời hẹn không ngừng nghỉ, hết “phượt” miền Tây xứ Thanh lại về thăm hòn Trống Mái Sầm Sơn... Trong các cuộc chơi, “nâng khăn sửa túi” cho ngài là các nàng thơ Diệu Thường, Trương Thị Mầu, Kim Cúc, Vân Hương; chiến hữu cặp kè “bầu rượu túi thơ” thì có Huy Quân, Huy Trụ, ngoài ra còn có các fan hâm mộ tháp tùng như Trần Trạch, Ngọc Dũng... Đã thế, Trịnh Anh Đạt vừa dứt các cuộc chơi, tôi tranh thủ liền, mời ngài ấy tiếp tục đi một vòng để “xem dấu vết kinh thành xa xưa”, với những Thành Nhà Hồ, Phủ Trịnh, Gia Miêu Triệu Tường, Đền Bà Triệu, Lam Kinh...; rồi lại đưa ngài ấy đi tìm rau má, hái hoa sen, thả diều, chơi chọi gà... đủ cả! Nhờ thế mà khui ra được ối chuyện hay...

Ở cái phố Ga Đò Lèn thuộc thị trấn Hà Trung, ngày nay vẫn còn truyền tụng câu ca: “Trời mưa trời gió đùng đùng - cha con ông Sùng đi bán lạc rang”. Cụ Chu Văn Phong ở thôn Tương Lạc, xã Hà Phong vừa đọc cho chúng tôi nghe vừa cười vang nhà và giải thích: Không phải là người ta khịa ra cho trẻ con hát như kiểu các bài vè, đồng dao, mà chuyện ông Sùng là có thật. Đó chính là người cha của nhà thơ Trịnh Anh Đạt. Thuở ấy, gia đình ông Đạt cũng như nhiều người dân ở phố Ga Đò Lèn phải bám vào đường tàu để sống. Nhà đông con lại còn “nghèo nổi tiếng”, cha con ông Sùng hàng ngày kiếm sống bằng nghề bán lạc rang ở bến tàu. Trịnh Anh Đạt cũng thành thật “khai” tiếp câu chuyện: Hồi nhỏ chỉ vì câu trêu đùa ấy mà ông đánh nhau với bạn, bỏ học mất một năm, sau mới đi học lại.

Thời ấy đói kém, Trịnh Anh Đạt cùng bầy trẻ đi dọc đường tàu kiếm rau má về ăn thay cơm. Nghe cụ Phong kể, những năm tiêu thổ kháng chiến, đường sắt bị bỏ hoang, rau má mọc um tùm, cứ ra bươi đá, lật cả tà vẹt, thanh ray lên để hái về ăn chống đói. Đó chính là năm Trịnh Anh Đạt sinh ra. Sau này đường sắt khôi phục, cậu bé Đạt lớn lên cùng bầy trẻ con ở phố Ga, ngoài những giờ học và phụ cha bán lạc rang, thì theo chúng bạn lên đường tàu tìm rau má. Trẻ con tinh nghịch, đâu có ý thức về an toàn đường sắt, nên cứ mải lật đá hái rau, khiến các chú tuần đường và công nhân duy tu đường sắt rất bực mình. Câu nói “dân Thanh Hóa ăn rau má, phá đường tàu” ban đầu mang ý nghĩa miêu tả công cuộc tiêu thổ kháng chiến, dù dân đói phải ăn rau má thay cơm nhưng vẫn tích cực hưởng ứng lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, phá đường, phá cầu để ngăn bước quân thù. Về sau, người Thanh Hóa đi công tác, chiến đấu, gặp dân các vùng miền khác, mỗi lần tìm cớ trêu trọc nhau, thì câu nói ấy trở thành lời đùa vui diễu cợt để tạo tiếng cười hài hước.

Về Hà Trung quê hương của Trịnh Anh Đạt, chúng tôi cùng ông lang thang ra cánh đồng làng đang vào vụ gặt. Những thửa ruộng vàng rực lên dưới nắng chiều. Những người nông dân bịt kín khăn chống nắng, chỉ hở đôi mắt cười cười với nhà thơ và cô MC Ngọc Bích xinh đẹp. Nhìn những bờ xôi ruộng mật thế này, thật là khó khăn để tìm ra một vồng rau má tươi tốt. Cuối cùng, chúng tôi dừng chân bên một đầm sen bát ngát, hương thơm ngào ngạt. Không tìm được rau má thì đi hái sen vậy. Thế là câu chuyện lại quay sang “ước mơ của người Thanh Hóa: Lá rau má to bằng lá sen, ăn một lá no cả ngày”. Trịnh Anh Đạt bảo: Ước mơ ấy là có thật đấy, bởi thời đói kém cơ hàn ấy, đến cả rau má cũng hiếm hoi, người ta chả dám mơ đến cơm gạo vì nó xa vời quá, chỉ mơ tìm được đủ rau má để ăn. Vì vậy, ước lá rau má to bằng lá sen, chỉ cần kiếm được một vài lá thôi là cũng đủ no rồi. Không ai đánh thuế ước mơ, vậy mà trong khốn khó, ước mơ cũng phải dè sẻn, tiết kiệm như vậy đấy.

Lên thăm Thành Nhà Hồ, chúng tôi đề nghị các nghệ sĩ của CLB nghệ thuật quần chúng nơi đây hát bài “Rau má” theo làn điệu xẩm. Một cách ngẫu nhiên, họ cứ say sưa đàn hát mà không hề biết, vị khách ngồi ngay trước mặt họ đang chăm chú lắng nghe lại chính là tác giả của bài thơ “Rau má”. Khi được MC Ngọc Bích giới thiệu, ông Nguyễn Văn Hùng, người hát bài xẩm rất bất ngờ. Họ bắt tay nhau và trò chuyện hồi lâu.

Bước vào khu dịch vụ dành cho khách tham quan, khi thấy chúng tôi quan tâm đến quầy bán trà rau má mang thương hiệu Tây Đô, chị nhân viên vui vẻ giới thiệu về tác dụng của trà rau má và còn đọc luôn cả bài thơ “Rau má” của Trịnh Anh Đạt, trong đó có hai câu thơ được in trên bao bì của những gói trà: “Vĩ nhân và các đời vua – cũng từ rau má ốc cua nên người”. Và chúng tôi được một trận cười nổ bụng khi chị nhân viên đọc nhầm một câu thơ trong bài. Hóa ra, bài thơ “Rau má” khi lưu truyền ra dân gian có rất nhiều dị bản khác nhau. Trịnh Anh Đạt liền đem giấy bút ra chép lại nguyên bản bài thơ, giúp chị nhân viên đọc đúng, hiểu đúng để giới thiệu cho khách.

Nghe tin nhà thơ Rau Má về Thành Nhà Hồ, anh Vũ Đình Viên, Chủ tịch xã Vĩnh Long đã ra đón tiếp, dẫn nhà thơ đi thăm cánh đồng rau má nằm ngay trong lòng Thành đá Tây Đô. Dù vùng trồng rau má chưa được nhiều, nhưng bà con đã có ý thức trồng rau sạch, vì vậy vừa qua có một đơn vị tìm đến mua rau má tươi đưa về Sầm Sơn phục vụ khách du lịch, với giá thu mua khá cao. Bà con cũng hy vọng sẽ có nhiều khách hàng như thế, nhất là có những hợp đồng bao tiêu sản phẩm lâu dài, số lượng lớn để có thể mở rộng diện tích.

Rời Thành Nhà Hồ lên Lam Kinh, chúng tôi được anh Vũ Đình Sỹ, Giám đốc Ban Quản lý Di tích Lam Kinh đích thân lái xe điện đưa đi tham quan một vòng. Biết có nhà thơ Rau Má trong đoàn, anh rất hào hứng, vừa cầm vô lăng vừa hát một bài hát về Lam Kinh. Anh cũng ngỏ ý nếu nhà thơ Trịnh Anh Đạt có bài nào viết về Lam Kinh, anh xin được lưu lại để có dịp thì phổ nhạc. Trịnh Anh Đạt liền đọc ngay bài thơ “Về Lam Kinh nghe cây rừng hát”: Nỗi niềm mỗi bước một dừng/Lối mòn đỏ giữa điệp trùng Lam Kinh/Màu xanh như thể vô tình/ Lặng thầm cây tự vặn mình biếc xanh/ Hiến ngàn vạn lá lìa cành/ Khảm hồn sông núi mài thành giáo gươm!.../Bao đời lập đế xưng vương/ Chỉ cây rừng hát lời thiêng lá rừng!” Bài thơ gợi về truyền thuyết Nguyễn Trãi dùng kế sách lấy mật, mỡ viết lên lá cây rừng tám chữ: “Lê Lợi vi quân, Nguyễn Trãi vi thần”, côn trùng ăn đục thành chữ, sau đó lá rụng trôi theo sông suối đi khắp nơi; mọi người dân nhìn thấy cho rằng đây là điềm trời, liền nô nức theo nghĩa quân Lam Sơn đánh giặc. Cây rừng đã được quân sư Nguyễn Trãi cùng minh chủ Lê Lợi “mài thành giáo gươm” để giết giặc ngoại xâm. Theo Trịnh Anh Đạt, đây là một diệu kế độc nhất vô nhị trong lịch sử quân sự, không chỉ ở Việt Nam mà còn với cả thế giới. Ông cũng bày tỏ mong muốn Ban Quản lý Di tích Lam Kinh cũng như các cấp, ngành liên quan nghiên cứu, xây dựng “tượng đài lá” mang tính nghệ thuật, tạo dấu ấn riêng thu hút khách tham quan về với đất thiêng Lam Kinh.

Anh Vũ Đình Sỹ giới thiệu cho nhà thơ về sự kỳ bí của những cây lá ở Lam Kinh, ngoài cây đa thị nổi tiếng, nơi đây còn rất nhiều cây di sản có tuổi đời từ 300 đến 600 năm; có cây ổi biết cười, cây lim biết hiến mình để làm cột xây chính điện Lam Kinh... Cây cối cũng có hồn vía như con người vậy. Và xứ Thanh cũng thật kỳ lạ, có những cây lá đơn thuần, mộc mạc, nhưng qua sự sáng tạo của con người, có thể mang đến những giá trị to lớn, có khi thay cơm gạo cứu đói, có khi làm thành món bánh đặc sản thơm ngon hấp dẫn, thậm chí còn trở nên vĩ đại như những chiếc lá biết đánh giặc ở rừng Lam Kinh này.

Buổi trưa hôm ấy, chúng tôi được anh Vũ Đình Sỹ đãi một bữa cơm toàn đặc sản của vùng đất Lam Kinh – Thọ Xuân. Anh cũng không quên mời nhà thơ Trịnh Anh Đạt ăn món rau má “gan ruột”. Cuối buổi, khách còn được mời tráng miệng món “bánh rau má” được sản xuất tại TP Sầm Sơn.

Suốt những ngày lang thang ở các vùng miền xứ Thanh, từ quê hương Hà Trung của Trịnh Anh Đạt lên Thành Nhà Hồ, Lam Kinh, rồi về thành phố ngắm cảnh Hàm Rồng – sông Mã trên chiếc du thuyền sang trọng, chúng tôi đều được dùng những bữa cơm có các món rau má, cua ốc. Xưa, cây rau má là thức ăn chống đói trong những ngày giáp hạt “tháng ba ngày tám”, nay nó là món ăn đặc sản trên những bàn tiệc, trở thành sản phẩm hàng hóa phục vụ du lịch. Trịnh Anh Đạt nói vui: Mơ ước “lá rau má to bằng lá sen” của người Thanh Hóa đã thành sự thực khi cây rau má được nâng cao giá trị trong đời sống. Thảo nào dân gian xưa đặt ra câu đố về rau má: “Là đồng tiền nằm nghiêng trong bụng”; theo Trịnh Anh Đạt, không ngẫu nhiên mà cha ông ví rau má tựa đồng tiền, là bởi người ta nhìn thấy giá trị to lớn nhiều mặt của nó chứ không hẳn là thấy hình hài của chiếc lá tròn giống đồng tiền chinh mà ví như vậy. Rau má không còn là thứ cây cỏ dại trên cánh đồng làng, là món ăn “qua ngày đoạn tháng” của người nghèo, mà đã mang lại giá trị kinh tế khi con người biết phát huy những công năng của nó trong đời sống.

Chưa kết thúc chuyến đi “lang thang xứ Thanh”, Trịnh Anh Đạt đã nhận được lời mời của nhà báo Nguyễn Văn Bình, Phó Giám đốc Đài VTC tham gia chương trình giao lưu nghệ thuật “Xứ Thanh trong tôi” tại Bảo tàng Hồ Chí Minh – Hà Nội. Chúng tôi lại được làm khách mời cùng ông ra Thủ đô để viết tiếp câu chuyện về rau má. Tại chương trình “Xứ Thanh trong tôi”, một lần nữa Trịnh Anh Đạt đứng trước rất nhiều người là con dân Thanh Hóa, hầu hết là các nhà báo, văn nghệ sĩ đang sinh sống, công tác ở thủ đô, để nói về lý do thôi thúc ông viết nên bài thơ giản dị mà sâu sắc ấy, đó chính là tình yêu quê hương, trân trọng mảnh đất chôn rau cắt rốn của mình. Một lần nữa, chúng tôi được nghe các nghệ sĩ của CLB xẩm Hà Thành trình diễn bài “Rau má” qua làn điệu xẩm, trong không gian nghệ thuật đậm chất làng quê nông thôn Việt Nam.

Lúc chia tay, Trịnh Anh Đạt bịn rịn nói với chúng tôi: Ít hôm nữa sẽ về Mỹ với gia đình. Trong những món quà mang về “bển” cho người thân, bạn bè, có lẽ ông không quên món trà rau má Tây Đô, món bánh rau má Sầm Sơn và biết bao kỷ niệm đẹp mà bạn bè văn nghệ sĩ dành cho ông trong những ngày về thăm quê hương xứ sở. Tôi biết, về nơi phồn hoa xứ người, ông sẽ lại nhớ đến quay quắt vị ngai ngái của rau má quê nhà...


Bài và ảnh: Mai Hương

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]