(Baothanhhoa.vn) - Trong bức thư gửi cán bộ y tế ngày 27-2-1955, Bác Hồ đã căn dặn: “Người bệnh phó thác tính mạng của họ nơi các cô, các chú; Chính phủ phó thác cho các cô, các chú việc chữa bệnh tật và giữ gìn sức khỏe của đồng bào. Đó là nhiệm vụ rất vẻ vang. Vì vậy người thầy thuốc phải thương yêu, phải săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn, lương y phải như từ mẫu”. Khắc ghi lời dạy của Người, đội ngũ thầy thuốc trong tỉnh đã không quản ngại khó khăn, không ngừng nỗ lực học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, tu dưỡng đạo đức để hoàn thành trọng trách cao cả - chăm sóc và bảo vệ sức khỏe Nhân dân.

Kỷ niệm 68 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27-2-1955 - 27-2-2023)

Khắc ghi lời Bác dạy: Lương y phải như từ mẫu!

Trong bức thư gửi cán bộ y tế ngày 27-2-1955, Bác Hồ đã căn dặn: “Người bệnh phó thác tính mạng của họ nơi các cô, các chú; Chính phủ phó thác cho các cô, các chú việc chữa bệnh tật và giữ gìn sức khỏe của đồng bào. Đó là nhiệm vụ rất vẻ vang. Vì vậy người thầy thuốc phải thương yêu, phải săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn, lương y phải như từ mẫu”. Khắc ghi lời dạy của Người, đội ngũ thầy thuốc trong tỉnh đã không quản ngại khó khăn, không ngừng nỗ lực học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, tu dưỡng đạo đức để hoàn thành trọng trách cao cả - chăm sóc và bảo vệ sức khỏe Nhân dân.

Khắc ghi lời Bác dạy: Lương y phải như từ mẫu!Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Phước Sung cùng các đồng nghiệp Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa kiểm tra dấu hiệu phục hồi của bệnh nhân sau phẫu thuật. Ảnh: Tô Hà

Những tấm gương nhiệt huyết, tài năng

Sinh ra và lớn lên trong gia đình có bố công tác trong ngành y và được bố truyền nhiệt huyết, sự thiêng liêng của nghề “cứu người” nên sau khi hoàn thành chương trình THPT, chị Nguyễn Thị Thắm đã theo học y sĩ định hướng y học cổ truyền. Năm 1995 tốt nghiệp, chị xin về làm việc tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh Thanh Hóa và đến năm 2020 chị tốt nghiệp CKII khi đã ở tuổi 48. Gần 30 năm gắn bó với nghề, bác sĩ CKII Nguyễn Thị Thắm đã không ngừng phấn đấu, rèn luyện nâng cao nghiệp vụ, y đức, hết lòng tận tụy chăm sóc sức khỏe cho các bệnh nhân; luôn nhận được sự kính trọng, yêu mến từ đồng nghiệp, người bệnh. Trong công việc, bác sĩ Thắm luôn gương mẫu đi đầu thực hiện, chấp hành tốt các quy chế chuyên môn, nghiệp vụ; trực tiếp tham gia khám, điều trị cho các bệnh nhân rối loạn tâm thần, bệnh trầm cảm, động kinh, bệnh tâm căn, bệnh nhân nhi mắc các bệnh như chậm phát triển tâm thần, động kinh, tự kỷ và các rối loạn tâm thần chung; luôn gần gũi, lắng nghe ý kiến của người bệnh và gia đình người bệnh.

Bác sĩ Thắm tâm sự: Chăm sóc, điều trị cho người bệnh bình thường đã khó, chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân tâm thần lại càng khó hơn, bởi họ bị hạn chế về nhận thức, tư duy nên trong công tác chăm sóc điều trị gặp rất nhiều khó khăn. Bệnh nhân tại đây khá đặc biệt, khi họ hạn chế về nhận thức, tư duy, thường có những hành vi không tự chủ. Có những bệnh nhân nặng, sức khỏe sa sút, tinh thần bất ổn, luôn cần người hỗ trợ; có những bệnh nhân bình thường rất hiền lành, nhưng khi phát bệnh thường kích động, mất kiểm soát, đập phá, gào thét, tự làm tổn thương bản thân hoặc tấn công cán bộ, y, bác sĩ...

Vì vậy, công việc của cán bộ, y, bác sĩ tại bệnh viện vô cùng vất vả, không chỉ đòi hỏi phải có chuyên môn tốt; mà cần kiên trì, bền bỉ, nhanh nhạy, khéo léo trong thực hiện nhiệm vụ, xử trí các tình huống bất ngờ, nguy hiểm để bảo đảm an toàn cho bệnh nhân và bản thân. Nhận thức rõ sự khác biệt đó, để đáp ứng yêu cầu công việc, đồng thời tạo niềm tin, giúp bệnh nhân yên tâm điều trị, bác sĩ Thắm luôn phát huy tinh thần trách nhiệm, chủ động học tập, tham gia các lớp bồi dưỡng, đào tạo về chăm sóc sức khỏe và phục hồi chức năng người tâm thần để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; trau dồi phẩm chất, đạo đức nghề y; vận dụng linh hoạt kiến thức, kinh nghiệm, hàng ngày kiểm tra sức khỏe của bệnh nhân để có căn cứ điều chỉnh phương pháp điều trị phù hợp, hiệu quả cho mỗi người bệnh.

Khắc ghi lời Bác dạy: Lương y phải như từ mẫu!Bác sĩ CKII Nguyễn Thị Thắm (Bệnh viện Tâm thần tỉnh Thanh Hóa) thăm khám cho bệnh nhân.

Nhận xét về bác sĩ Thắm, bác sĩ CKII Phạm Đức Cường, Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần tỉnh, cho biết: Trong cuộc sống cũng như trong công việc, bác sĩ Thắm là người thầy thuốc mẫu mực. Dù ở cương vị công tác nào, bác sĩ Thắm luôn khắc phục khó khăn và không ngừng phấn đấu rèn luyện, khẳng định năng lực lãnh đạo, chuyên môn nghiệp vụ vững vàng, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, được Ban giám đốc, Ban Chấp hành Công đoàn và đồng nghiệp đánh giá cao và được bệnh nhân tin tưởng, yêu mến.

Còn với Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Phước Sung, Trưởng phòng Đào tạo – Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa, một ngày làm việc thường kéo dài tới tận 19 giờ, thậm chí nhiều hôm phải 21, 22 giờ đêm. Năm 2000, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Y Thái Bình, với khao khát được cống hiến cho quê hương, bác sĩ Phạm Phước Sung về công tác tại Bệnh viện Đa khoa huyện Ngọc Lặc (nay là Bệnh viện Đa khoa khu vực Ngọc Lặc), sau đó chuyển công tác đến Bệnh viện Nhi Thanh Hóa. Từ tháng 2-2008 đến nay, anh công tác tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa. Hơn 22 năm gắn bó với ngành y, anh đã kinh qua rất nhiều nhiệm vụ và chức trách khác nhau, hiện giữ cương vị Trưởng phòng Đào tạo – Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa, ngoài công việc chính làm quản lý tại Phòng Đào tạo - Chỉ đạo tuyến, anh còn tham gia điều trị bệnh nhân tại Khoa Thần kinh – Đột quỵ, phụ trách 1 Phòng khám chuyên gia tại Khoa Khám bệnh. Anh cũng là giảng viên thỉnh giảng bộ môn Nội, Trường Đại học Y Hà Nội và Phân hiệu Đại học Y Hà Nội tại Thanh Hóa. Bên cạnh đó, anh còn chủ trì xây dựng các chương trình đào tạo cập nhật kiến thức chuyên môn và trực tiếp giảng dạy, hướng dẫn nghiên cứu khoa học cho đội ngũ cán bộ y tế tuyến dưới và nhiều khóa học viên, sinh viên các trường đại học, cao đẳng ngành y trong và ngoài tỉnh như: Đại học Y Hải Phòng, Đại học Y Dược Thái Nguyên, Cao đẳng Y Thanh Hóa...

Ở các cương vị là bác sĩ điều trị, lãnh đạo các khoa, phòng, TS.BS Phạm Phước Sung đã cùng đồng nghiệp phát huy tinh thần đoàn kết, đóng góp tích cực cho sự phát triển của đơn vị. Hiện tại, với chức vụ Trưởng phòng Đào tạo – Chỉ đạo tuyến, anh đã chỉ đạo tập thể phòng làm tốt nhiệm vụ lập kế hoạch đào tạo cán bộ, đáp ứng yêu cầu phát triển chuyên môn, thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo về chuyên môn, kỹ thuật cho đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên, hộ lý trong bệnh viện. Phối hợp thực hiện các chương trình đào tạo - chỉ đạo tuyến với các bệnh viện tuyến Trung ương, các bệnh viện hạt nhân trong các chương trình Bệnh viện vệ tinh và 1816. Tổ chức tiếp nhận cán bộ chuyên môn của y tế tuyến dưới, học viên, sinh viên và học sinh của các trường y, dược đến thực tập, thực hành nâng cao tay nghề, trình độ chuyên môn.

Ngoài thời gian giảng dạy, khám chữa bệnh (KCB) cho bệnh nhân, Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Phước Sung còn tích cực, say mê nghiên cứu khoa học. Anh chính là tác giả của nhiều đề tài, sáng kiến được ứng dụng vào thực tiễn, mang lại hiệu quả cao, trong đó có 2 đề tài nghiên cứu cấp tỉnh anh tham gia với tư cách là thư ký đề tài, đã giành giải thưởng khoa học sáng tạo. Đó là đề tài “Tiêu sợi huyết trong điều trị nhồi máu não cấp” và “Lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học Solitaire trong nhồi máu não cấp tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa”. Anh là người sáng lập, duy trì Câu lạc bộ Tiếng Anh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa và đã truyền cảm hứng, khuấy động phong trào học tiếng Anh cho các bác sĩ, dược sĩ trẻ trong bệnh viện, góp phần phục vụ hiệu quả việc nghiên cứu khoa học, tiếp thu kiến thức y khoa mới. Với vai trò là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Thần kinh học Việt Nam và khả năng sử dụng tiếng Anh thành thạo, Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Phước Sung cũng đóng góp nhiều công sức trong việc tổ chức các chương trình đào tạo, hội thảo trao đổi kiến thức chuyên môn với các chuyên gia về Thần kinh học trong nước và quốc tế cho các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh.

Luôn tâm niệm lời dạy của Bác Hồ “Người thầy thuốc phải thương yêu, phải chăm sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn”, bởi vậy, suốt hơn 22 năm công tác trong ngành y, anh để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp đối với người bệnh cũng như đồng nghiệp bởi tính tình cởi mở, gần gũi và sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn. Các y bác sĩ và nhân viên y tế Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa đều khẳng định: Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Phước Sung là tấm gương sáng về tinh thần trách nhiệm, tính năng động sáng tạo, niềm đam mê nghiên cứu khoa học. Họ vẫn gọi anh với cái tên thân mật “Người thầy thuốc đa năng”. Từ lời dạy của Người, anh đã học tập được tinh thần tự học và học tập suốt đời.

Nâng cao chất lượng đội ngũ

Thầy thuốc Nhân dân Trịnh Hữu Hùng, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Y tế, cho biết: Để thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho Nhân dân, ngành y tế luôn đổi mới cơ chế, tạo môi trường thuận lợi thu hút nguồn nhân lực trình độ cao về làm việc tại các đơn vị y tế trong tỉnh. Đồng thời quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, tinh thần phục vụ cho đội ngũ cán bộ, y, bác sĩ, nhân viên y tế. Nhờ có đội ngũ nhân lực y tế ổn định về số lượng, không ngừng được nâng cao chất lượng chuyên môn, tinh thần phục vụ, nên nhiều kỹ thuật y khoa mới, hiện đại được triển khai thành công tại các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện. Tỷ lệ chuyển tuyến về Trung ương chỉ còn dưới 1%, góp phần giảm tải cho bệnh viện tuyến trên và giảm gánh nặng chi phí, công sức cho người bệnh.

Khắc ghi lời Bác dạy: Lương y phải như từ mẫu!Một ca phẫu thuật cắt gan tại Bệnh viện Ung bướu tỉnh Thanh Hóa.

Trong những năm qua, chất lượng nguồn nhân lực y tế Thanh Hóa ngày một nâng cao về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, y đức, từng bước đảm bảo đủ số lượng, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân. Các bệnh viện tăng cường tự chủ, khắc phục nhiều khó khăn do dịch bệnh và vướng mắc liên quan đến BHYT để tiếp tục nâng cao chất lượng KCB. Các bệnh viện công lập liên tục đẩy mạnh ứng dụng kỹ thuật cao trong chẩn đoán và điều trị bệnh, trong năm đã đưa 965 kỹ thuật mới vào KCB. Đáng chú ý là lần đầu tiên tại Thanh Hóa, kỹ thuật cắt gan tại Bệnh viện Ung bướu Thanh Hóa đã thực hiện thành công trên cơ sở nhận chuyển giao kỹ thuật từ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Việc ứng dụng, chuyển giao các kỹ thuật cao trong KCB được quan tâm; các bệnh viện tuyến huyện đã thực hiện được nhiều kỹ thuật của tuyến trên, giúp điều trị thành công nhiều ca bệnh khó, phức tạp mà trước đây phải chuyển tuyến. Công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành y tế được đẩy mạnh. Năng lực y tế tuyến cơ sở ngày được nâng cao qua các Đề án phát triển y tế cơ sở, nguồn lực xã hội hóa và các hoạt động tập huấn đào tạo, theo dõi bệnh không lây nhiễm, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, bà mẹ, trẻ em, người mắc bệnh mạn tính tại cộng đồng.

Quá trình phát triển và những đóng góp của ngành y tế là rất đáng tự hào. Niềm tự hào đó cùng với sự tin tưởng, trông đợi của Nhân dân và đòi hỏi của thực tiễn cuộc sống, nhất là sự phát triển mạnh mẽ của khoa học - công nghệ, là động lực để toàn thể cán bộ, nhân viên ngành y tế Thanh Hóa tiếp tục nỗ lực, phát huy tối đa tiềm lực, khắc phục mọi khó khăn, hoàn thành tốt sứ mệnh chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khỏe của Nhân dân.

Tô Hà



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]