(Baothanhhoa.vn) - Thời gian qua, thị trường nội tỉnh đã có nhiều sản phẩm sinh thái “made in Thanh Hóa” đáp ứng nhu cầu, thị hiếu ngày càng cao của người tiêu dùng. Đặc biệt những sản phẩm này được làm ra bởi người trẻ mang sẵn trong mình khát vọng cống hiến, sẵn sàng tiên phong, dám đối đầu với thách thức khó khăn để kiến tạo xu hướng sản xuất xanh bền vững, giúp nâng tầm giá trị sản vật quê hương.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Kéo gần giấc mơ “xanh” về quê hương

Thời gian qua, thị trường nội tỉnh đã có nhiều sản phẩm sinh thái “made in Thanh Hóa” đáp ứng nhu cầu, thị hiếu ngày càng cao của người tiêu dùng. Đặc biệt những sản phẩm này được làm ra bởi người trẻ mang sẵn trong mình khát vọng cống hiến, sẵn sàng tiên phong, dám đối đầu với thách thức khó khăn để kiến tạo xu hướng sản xuất xanh bền vững, giúp nâng tầm giá trị sản vật quê hương.

Kéo gần giấc mơ “xanh” về quê hương

Nước mắm chuẩn vị Bắc của chị Dịu.

Khởi nghiệp để thể hiện giá trị nông sản địa phương

Đó là câu chuyện khởi nghiệp của anh Lê Minh Cương (SN 1992), Giám đốc Công ty TNHH Spico (phường Hàm Rồng, TP Thanh Hóa). Anh Cương từng là du học sinh chuyên ngành quản lý du lịch tại Singapore (2012-2014), sau tốt nghiệp đã có được công việc phù hợp với chuyên ngành đào tạo ở TP Hồ Chí Minh với mức lương 20 triệu đồng/tháng. Nhưng “những năm tháng là du học sinh tôi đã ý thức được tầm quan trọng của sản vật địa phương, nó là niềm tự hào trong mỗi lần giao lưu văn hóa với sinh viên nước bạn và cũng là nỗi nhớ khi xa quê. Tôi luôn có ý định sẽ làm việc gì đó để nâng tầm nông sản địa phương”, anh Cương cho biết. Tình yêu ấy đã cho anh thêm sức mạnh từ bỏ công việc ổn định cùng mức lương đáng mơ ước để trở về từ năm 2016. Dự án khởi nghiệp từ cây ớt và tương ớt Spico cũng ra đời sau đó.

Tương ớt Spico được làm hoàn toàn từ nguyên liệu tự nhiên, mùi hương dễ chịu từ quá trình lên men tự nhiên, không dùng chất bảo quản, chất tạo màu. 100% nguyên liệu được lấy từ các địa phương trong tỉnh. Điều đặc biệt của tương ớt Spico không chỉ nằm ở chất lượng mà sản phẩm còn mang đậm nét văn hóa dân gian đặc sắc. Với mong muốn tạo ra một sản phẩm thuần Việt, anh Cương đã nghiên cứu, phân tích kỹ lưỡng, đầu tư bài bản, chuyên nghiệp. Theo đó, màu sắc chủ đạo bao bì sản phẩm được lấy cảm hứng từ lá cờ ngũ sắc trong các lễ hội, logo thương hiệu được thiết kế theo kiểu dáng một bức hoành phi, đồng thời trang trí một số họa tiết văn hóa dân gian như mây lưỡi kiếm, phong cảnh, chữ viết theo lối thư pháp...

Cũng như nhiều thanh niên tiên phong khởi nghiệp, anh Cương tâm niệm mình là người trẻ sinh ra từ làng thì phải có trách nhiệm phát triển nông nghiệp bản địa gắn với bảo tồn văn hóa vùng miền. Đó cũng là động lực to lớn thôi thúc anh từ bỏ công việc gắn với chuyên ngành được đào tạo trong nhiều năm trời, để trở về gắn bó với “bờ xôi ruộng mật”, trở thành một trong những nông dân thời đại mới.

...Vì nghề truyền thống cha ông

“Nghề làm mắm khổ lắm, có ai giàu được từ nghề này đâu” là lời mà chị Nguyễn Thị Dịu, chủ cơ sở sản xuất nước mắm truyền thống Hoàng Dịu (phường Hải Ninh, thị xã Nghi Sơn) thường xuyên nghe được khi bắt đầu khởi nghiệp. Nhưng rồi vợ chồng chị vẫn quyết đầu tư hết vốn liếng vào nghề ấy. Chị bộc bạch: “Hải Ninh có truyền thống làm mắm, nhưng vì nhiều lý do khác nhau, không ít người dân đã bỏ nghề, hoặc chuyển sang làm nghề khác. Nhiều người nghĩ làm mắm không giàu, còn mình tin nghề, tin vào bản thân, nên đặt ra quyết tâm phải sản xuất được nước mắm chuẩn vị Bắc”.

Chị Dịu chia sẻ: “Mình làm mắm bằng phương pháp truyền thống lâu đời của người dân miền Bắc là muối trong chum sành. Chum sành được làm từ đất sét tự nhiên, có khả năng chứa đựng thực phẩm trong thời gian dài, đặc biệt là loại thực phẩm chứa nhiều muối như nước mắm mà không bị ăn mòn, biến chất, an toàn cho sức khỏe. Đồng thời, chum chống ẩm và giữ nhiệt rất tốt, phù hợp với những địa phương có điều kiện thời tiết bất ổn”. Ủ mắm bằng chum sành tuy mất nhiều công sức, lượng mắm thu được cũng ít hơn các vật dụng chứa đựng khác nhưng bù lại, nước mắm có màu hổ phách, trong veo, hương thơm dịu, đậm đà, nếm thử có vị ngọt ở phía cổ họng. Đây là phương pháp ủ mắm truyền thống, lâu đời của người làm mắm miền Bắc. Duy trì phương pháp truyền thống, Dịu đã có nhiều cải tiến trong cách ngâm ủ, để mắm đạt chất lượng tốt hơn cả về mùi vị, độ trong và màu sắc, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu ngày càng cao của người tiêu dùng.

Chỉ có điều, làm mắm theo phương pháp này, thường thì thời gian ủ chượp kéo dài từ 2 - 3 năm, khiến việc quay vòng vốn gặp khó khăn. Nhưng chị Dịu khẳng định: “Làm nghề truyền thống cần trách nhiệm và sự tử tế, chỉ có như thế thì sản phẩm truyền thống mới được nâng tầm. Nếu vì lợi nhuận thì mình đã không chọn khởi nghiệp bằng nghề mắm. Khởi nghiệp từ cuối năm 2018 đến nay, mỗi năm cơ sở xuất bán được khoảng 10.000 lít nước mắm các loại, đạt doanh thu khoảng 400 triệu đồng/năm.

Phương pháp là của cha ông, nhưng tư duy và cách làm lại là của người trẻ. Làm bằng cả tâm huyết, trách nhiệm với nghề truyền thống, đã giúp Dịu khởi nghiệp thành công.

Muốn bền vững, hãy đi cùng nhau

Nét chung của những thanh niên khởi nghiệp như Dịu, Cương... đều là những người trẻ nhiệt huyết, khát khao cống hiến và khát vọng được lan tỏa sản vật địa phương bằng cách nâng tầm giá trị, tạo ra những sản phẩm sinh thái. Họ mang đến cho cộng đồng nguồn dinh dưỡng chất lượng bằng chính sự trân trọng, đam mê và trách nhiệm cao với sức khỏe của con người. Để làm điều đó, họ sẵn sàng bỏ tất cả từ công việc ổn định, mức lương mơ ước... về quê thực hiện ý tưởng và kiên định đến cùng. Họ có một tình yêu thắm đượm dành cho sản phẩm của mình bởi những sản phẩm đó sản xuất bằng tình yêu giữa đất, nghề và người. Được biết, những bạn trẻ cùng chung chí hướng, hoài bão như chị Nguyễn Thị Mai Hương “Senka”, chị Nguyễn Lê Ngọc Linh “Vườn rừng bản thổ”... đã gặp nhau và thành lập nên nhóm sản xuất xanh, sạch Thanh Hóa. Anh Lê Duy Hoàng, người điều hành sản xuất của Công ty TNHH Công nghệ sinh học FUWA BIOTECH (phường Hàm Rồng, TP Thanh Hóa) người sáng lập nên nhóm sản xuất này, cho biết: “Đến nay, “độ phủ” của sản phẩm sinh thái đến người tiêu dùng chưa rộng rãi nhưng cũng đã có chỗ đứng trên thị trường và được người tiêu dùng tin tưởng. Trong nhóm mọi người hỗ trợ nhau cùng phát triển. Những doanh nghiệp đi trước sẽ hỗ trợ về marketing, cách thức đưa sản phẩm ra thị trường, liên kết với nhà phân phối... Và chúng tôi cũng đã kết nối với những cá nhân, nhóm sản xuất cùng chí hướng, mục tiêu sản xuất trên toàn quốc để học hỏi kinh nghiệm và giúp nhau cùng phát triển”.

Những người trẻ có trình độ làm nông dân bằng lối tư duy mới, cách tiếp cận hiện đại đã và đang tìm lời giải phù hợp cho “bài toán” được giá mất mùa, được mùa mất giá vẫn thường lặp đi lặp lại. Bởi họ hướng tới nền nông nghiệp bền vững, thuận tự nhiên, tạo ra những sản phẩm có giá trị cao, an toàn cho sức khỏe, biết kết hợp hài hòa giữa các lợi ích vì môi trường tự nhiên và cộng đồng xã hội. Đồng thời gắn kết sản xuất và tiêu dùng.

Chị Phùng Tố Linh, Phó Bí thư Tỉnh đoàn, cho biết: “Tỉnh đoàn Thanh Hóa luôn có chính sách hỗ trợ cho thanh niên khởi nghiệp, nhất là đối với mô hình sản xuất sản phẩm sinh thái. Bên cạnh đó, Tỉnh đoàn phối hợp với Hội Doanh nhân trẻ Thanh Hóa hỗ trợ, tư vấn, giúp đỡ doanh nghiệp trẻ phát triển”.

Bài và ảnh: Vân Anh


Bài và ảnh: Vân Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]