Hy vọng hòa bình cho Trung Đông
Truyền thông Israel và Mỹ cho biết, Israel và nhóm Hezbollah ở Lebanon đã tiến gần hơn tới một thỏa thuận ngừng bắn. Giới phân tích cho rằng, nếu thành công đây sẽ là một thành tựu nổi bật trong nhiệm kỳ của Tổng thống Joe Biden và là “món quà” mà ông dành cho người kế nhiệm Donald Trump.
Vai trò trung gian hòa giải của Mỹ
Ngày 25/11, cổng thông tin Ynet của Israel đưa tin, nhờ nỗ lực hòa giải trong nhiều tháng của Mỹ, Israel đã “bật đèn xanh” để ký thỏa thuận ngừng bắn với Hezbollah ở Lebanon. Ynet giải thích, đây là thỏa thuận chung của chính quyền Israel nhằm tiến tới việc ngừng bắn, mặc dù một số khía cạnh của thỏa thuận vẫn chưa rõ ràng. Quyết định cuối cùng sẽ được đưa ra bởi nội các quân sự của Thủ tướng Benjamin Netanyahu.
Theo Ynet, Đặc phái viên Tổng thống Mỹ Amos Hochstein đã thông báo cho phía Lebanon về các điều kiện ngừng bắn của Israel. Trong chuyến thăm con thoi vào tuần trước, nhà ngoại giao Mỹ đã có các cuộc hội đàm với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Chủ tịch Quốc hội Nabih Berri, người đại diện cho lợi ích của Hezbollah trong các cuộc đàm phán. Ngày 25/11, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Israel Katz cũng đã gặp Phó Trợ lý Bộ Quốc phòng Mỹ Dan Shapiro tại Tel Aviv để thảo luận về một thỏa thuận ngừng bắn tiềm năng với Hezbollah, theo tờ Times of Israel đưa tin.
Theo RBC, mặc dù không xác nhận hay phủ nhận thông tin của Ynet, song Cố vấn của Thủ tướng Israel Dmitry Gendelman lưu ý rằng, Israel sẽ tiếp tục các hoạt động thù địch cho đến khi người dân các khu vực phía Bắc có thể trở về nhà an toàn. Ông Dmitry Gendelman giải thích: “Israel hoan nghênh nỗ lực của các nhà hòa giải quốc tế nhằm đạt được lệnh ngừng bắn, nhưng nếu không bảo đảm an ninh cho người dân Israel thì không thể nói về bất kỳ hình thức ngừng bắn nào”.
Thông tin Israel và Hezbollah sắp đạt được thỏa thuận ngừng bắn được nhiều phương tiện truyền thông Mỹ xác nhận. CNN tuyên bố rằng, các nhà hòa giải quốc tế vẫn chưa nhận được sự đồng thuận cuối cùng từ các bên xung đột, mặc dù một thỏa thuận hiện đã “gần hơn bao giờ hết”.
Axios cho biết vào tuần trước, thỏa thuận giữa Israel và Hezbollah trên đà sụp đổ do quyết định của Tòa án Hình sự quốc tế (ICC) ban hành lệnh bắt giữ ông Netanyahu và cựu Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Galant - vào thời điểm cùng ngày mà Đặc phái viên Tổng thống Mỹ Amos Hochstein tiến hành đàm phán với Thủ tướng Israel. Theo đó, ông Netanyahu đã rất bất bình và tình hình trở nên tồi tệ hơn khi Bộ Ngoại giao Pháp hứa sẽ thực thi lệnh của ICC. Paris, dưới sự ủy trị của Lebanon từ năm 1923 đến năm 1943, được xem là một trong những quốc gia bảo đảm cho thỏa thuận trong tương lai, và quan điểm của Pháp đã đặt ra câu hỏi về khả năng thực sự của thỏa thuận.
Ngày 22/11, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thực hiện cuộc điện đàm với người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron để thảo luận về tình hình. Theo Axios, ông Biden nói sự tức giận của Thủ tướng Israel là chính đáng và nhấn mạnh rằng, Pháp khó có thể là người hòa giải trong cuộc xung đột. Trong khi đó, Tổng thống Macron trả lời rằng, Bộ Ngoại giao Pháp chỉ nêu ra nghĩa vụ pháp lý của nước này trong việc tuân theo các quyết định của ICC. Sau cuộc điện đàm, các tuyên bố của Bộ Ngoại giao Pháp có vẻ đã “nhẹ tông” hơn. Ngày 22/11, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Pháp không trực tiếp trả lời liệu Pháp có bắt giữ ông Netanyahu hay không và gọi đây là một vấn đề “phức tạp về mặt pháp lý”.
Theo Axios và nhà phân tích Barak Ravid của CNN, ngày 23/11, Đặc phái viên Tổng thống Mỹ Amos Hochstein đã “bắn” tín hiệu tới Đại sứ Israel tại Mỹ Mike Herzog rằng, nếu không sớm nhận được phản hồi tích cực từ nhà nước Do Thái, ông sẽ ngừng nỗ lực hòa giải. Ngày 24/11, theo RBC, trong cuộc tham vấn an ninh với các quan chức cấp cao, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã nhất trí về nguyên tắc thỏa thuận ngừng bắn với Hezbollah, do Mỹ hậu thuẫn.
Thỏa thuận ngừng bắn trong tương lai: Các điều khoản dần hé lộ
Theo Axios, dự thảo thỏa thuận bao gồm các điều khoản sau:
- Trong thời gian chuyển tiếp 60 ngày, các đơn vị Israel phải rời khỏi khu vực nam Lebanon;
- Đồng thời, các lực lượng chính quy của quân đội Lebanon sẽ được phép triển khai dọc biên giới với Israel, còn Hezbollah sẽ rút quân và thiết bị quân sự về phía Bắc sông Litani;
- Một ủy ban đặc biệt do Mỹ đứng đầu sẽ được thành lập để giám sát việc thực hiện và loại bỏ các hành vi vi phạm thỏa thuận. Lebanon muốn các đại diện của Pháp tham gia, song do vụ bê bối liên quan đến lệnh bắt giữ Thủ tưởng Benjamin Netanyahu của ICC, khía cạnh này đang được bỏ ngỏ;
- Trong trường hợp xuất hiện mối đe dọa đối với an ninh của Israel, như việc Hezbollah nối lại sự hiện diện quân sự gần biên giới Lebanon-Israel hoặc việc nhóm này buôn lậu vũ khí hạng nặng, cũng như việc quân đội chính quy Lebanon không hành động theo thỏa thuận với Mỹ, Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) sẽ tiến hành các hoạt động quân sự trên lãnh thổ Lebanon.
Việc rút tất cả các lực lượng vũ trang, ngoại trừ lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc và các đơn vị chính quy của quân đội Lebanon khỏi lãnh thổ phía Bắc sông Litani được quy định bởi Nghị quyết số 1701 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, được thông qua để chấm dứt Chiến tranh Lebanon lần thứ hai năm 2006. Trong một thời gian dài, Hezbollah được cho là đã vi phạm nghị quyết này, bố trí các cơ sở quân sự phía nam con sông và từ đó tiến hành các cuộc tấn công vào miền Bắc Israel.
Theo ghi nhận, bất chấp quan điểm đàm phán của Israel và Lebanon, tình hình trong khu vực vẫn diễn ra căng thẳng. Rạng sáng 23/11, IDF tiến hành các cuộc không kích vào khu dân cư đông đúc Basta ở trung tâm Beirut, khiến ít nhất 29 người thiệt mạng và hơn 60 người bị thương. Cùng ngày, IDF tấn công một trung tâm quân đội ở miền Nam Lebanon, khiến 1 binh sĩ thiệt mạng và 18 người khác bị thương. Israel bày tỏ lấy làm tiếc về vụ việc, giải thích cuộc tấn công nằm trong khu vực giao tranh với Hezbollah. Vào ngày 24/11, Hezbollah đã tiến hành một trong những cuộc tấn công bằng tên lửa lớn nhất vào Israel (theo IDF, khoảng 250 quả tên lửa đã bay vào không phận Israel khiến ít nhất 7 người bị thương). Vào ngày 25/11, không quân Israel đã tấn công các trung tâm chỉ huy ở ngoại ô Dahiya của Beirut.
Giới phân tích cho rằng, thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Lebanon sẽ là “bài hát thiên nga” trong chính sách ngoại giao Trung Đông của Tổng thống Joe Biden khi ông rời Nhà Trắng vào ngày 20/1 và là “món quà lớn” mà ông dành cho người kế nhiệm Donald Trump. Điều này hoàn toàn khác so với quyết định của ông Biden khi “đẩy nóng” cuộc xung đột Nga - Ukraine và quan hệ giữa Nga với phương Tây khi “bật đèn xanh” cho phép quân đội Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa phương Tây tấn công sâu vào lãnh thổ Nga. Và việc Nga đáp trả bằng cuộc tấn công bằng tên lửa siêu thanh Oreshnik như “phủ bóng” lên quan hệ Nga - phương Tây, tạo ra phép thử rất lớn đối với chính quyền của Tổng thống Donald Trump sắp tới.
Hùng Anh (CTV)
{name} - {time}
-
2025-01-03 10:34:00
Tổng thống Donald Trump quay trở lại Nhà Trắng có phải là “món quà” đối với Nga?
-
2025-01-01 21:32:00
Nhật Bản: Một năm sau trận động đất Noto, quá trình tái thiết vẫn chậm
-
2024-11-26 08:34:00
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và những mối đe dọa pháp lý
Sự trở lại của Trump có làm hồi sinh mục tiêu kiểm soát Bờ Tây của Israel?
Những thách thức cho mùa mua sắm cuối năm của Mỹ
COP29: Bất đồng xung quanh 300 tỷ USD mỗi năm cho các nước nghèo chống biến đổi khí hậu
“Lằn ranh đỏ” mong manh
Chiến thắng của Donald Trump khiến các nhà lãnh đạo thế giới bối rối
Nga tấn công Ukraine bằng MIRV: Sự thay đổi rõ ràng so với học thuyết răn đe Chiến tranh Lạnh
Nga thay đổi học thuyết hạt nhân: Đòn “nắn gân” có sức nặng
COP29: Các quốc gia giàu có cam kết không xây mới nhà máy điện than
Liệu có một Thỏa thuận hòa bình giữa Nga và Ukraina trong những ngày sắp tới?