Ngân sách Liên minh châu Âu: Đề xuất mới và những giới hạn thực tế
Ngày 16/7, Ủy ban Châu Âu (EC) đã đề xuất một dự thảo ngân sách mới đầy tham vọng cho giai đoạn 2028-2034, với quy mô chi tiêu gần như tăng gấp đôi. Mục tiêu của kế hoạch là mở rộng năng lực tài khóa nhằm thực hiện các nhiệm vụ chiến lược, bao gồm cả quốc phòng, đồng thời thúc đẩy sự gắn kết nội khối. Tuy nhiên, đề xuất này của Chủ tịch EC Ursula von der Leyen đã gặp phản ứng mạnh mẽ từ nhiều quốc gia thành viên. Trước làn sóng chỉ trích, khả năng thông qua bản dự thảo vẫn còn bỏ ngỏ.
Ngân sách nhỏ, mục tiêu lớn
Ngân sách của Liên minh châu Âu (EU) được xây dựng theo chu kỳ 7 năm (hiện tại là giai đoạn 2021-2027) và được điều chỉnh hàng năm tùy theo diễn biến kinh tế và các yếu tố phát sinh. Tuy nhiên, các điều chỉnh hàng năm thường chỉ mang tính kỹ thuật, không làm thay đổi nhiều cấu trúc tổng thể. Khác với ngân sách quốc gia, ngân sách EU không mang tính toàn diện, mà chủ yếu được thiết kế để thực hiện một số mục tiêu chiến lược chung: chính sách nông nghiệp (với các khoản trợ cấp lớn), duy trì hoạt động thị trường chung, thu hẹp chênh lệch phát triển giữa các vùng, và triển khai chính sách đối ngoại.
Ủy ban Châu Âu do Chủ tịch Ursula von der Leyen đứng đầu đã đề xuất tổng ngân sách cho giai đoạn 2028-2034 là khoảng 2 nghìn tỷ Euro, tăng khoảng 50% so với ngân sách kỳ trước tính theo giá trị danh nghĩa. Xét trên bề mặt, điều này là một mức tăng đáng kể. Tuy nhiên, nếu điều chỉnh theo lạm phát dự kiến trong chu kỳ 7 năm, mức tăng thực chỉ vào khoảng 25%.
Xét theo tỷ lệ tổng thu nhập quốc dân (GNI), quy mô ngân sách chỉ tăng từ 1,13% lên 1,26% GNI. Thậm chí mức tăng này có thể sẽ thay đổi nếu GNI thấp hơn dự báo, một khả năng không loại trừ trong bối cảnh kinh tế châu Âu đang có dấu hiệu giảm tốc.
Ngoài ra, từ năm 2028, EU sẽ bắt đầu thanh toán khoản vay để hình thành Quỹ phục hồi hậu COVID-19, với chi phí khoảng 25 tỷ Euro mỗi năm. Khoản chi này, tuy không nằm ngoài ngân sách, nhưng làm giảm đáng kể dư địa tài khóa thực tế để triển khai các chính sách mới.
Đáng chú ý, ngân sách giai đoạn 2028-2034 thể hiện sự dịch chuyển rõ rệt trong ưu tiên chính sách của EU. Khoản chi truyền thống cho nông nghiệp, vốn từng chiếm tỷ trọng lớn, sẽ bị cắt giảm mạnh, còn khoảng 300 tỷ Euro. Thay vào đó, khoảng 590 tỷ Euro được dành cho “Quỹ phát triển năng lực cạnh tranh, thịnh vượng và an ninh”, trong đó khoảng 450 tỷ Euro sẽ tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp châu Âu trong cuộc cạnh tranh gay gắt với các đối thủ toàn cầu. Một khoản ngân sách đặc biệt khác là 100 tỷ Euro được phân bổ cho hỗ trợ Ukraine, phản ánh vai trò địa chính trị ngày càng rõ rệt của EU trong khu vực.
Nhiều ý kiến cho rằng, mặc dù được mở rộng cả về danh nghĩa lẫn cơ cấu chức năng, ngân sách EU vẫn duy trì một tỷ trọng rất thấp so với quy mô kinh tế của khối. Điều này đặt ra câu hỏi: liệu một thực thể có tham vọng chính trị và chiến lược lớn như EU có thể tiếp tục vận hành hiệu quả với một ngân sách mang tính “biểu tượng” như hiện nay? Trong khi các kỳ vọng về vai trò toàn cầu của EU ngày càng gia tăng thì khả năng tài chính lại chưa thực sự tương xứng.
Nông dân, Ukraine và sự bất đồng ngân sách
Một trong những điểm gây tranh cãi lớn nhất trong đề xuất ngân sách mới của EU là sự dịch chuyển rõ rệt trong cơ cấu chi tiêu, đặc biệt là việc cắt giảm trợ cấp nông nghiệp để ưu tiên các khoản hỗ trợ bên ngoài. Sự thay đổi này đã gây phản ứng dữ dội từ một số quốc gia thành viên.
Thủ tướng Hungary, ông Viktor Orbán, không ngần ngại cáo buộc Brussels “hy sinh nông dân châu Âu vì Ukraine”. Lập luận của ông dựa trên sự tương đồng về quy mô: khoản hỗ trợ dành cho Ukraine trong ngân sách 2028-2034 khoảng 100 tỷ Euro - cao hơn mức cắt giảm trong chính sách nông nghiệp chung, vốn lên tới 90-100 tỷ Euro nếu xét theo giá trị thực (theo kế hoạch, 300 tỷ Euro sẽ được dành để hỗ trợ nông dân, giảm so với mức khoảng 387 tỷ Euro của ngân sách 7 năm hiện tại).
Tại Đức - quốc gia đóng góp ngân sách lớn nhất EU - Thủ tướng Friedrich Merz đã công khai bày tỏ sự không hài lòng với đề xuất tăng ngân sách toàn khối. Ông Merz cho rằng việc mở rộng ngân sách trong bối cảnh các quốc gia thành viên đang nỗ lực thắt chặt chi tiêu công là “không thể chấp nhận được”. Trong một động thái liên quan, Berlin đã chính thức gửi văn kiện lập trường tới Brussels, trong đó khẳng định “ranh giới đỏ”: không mở rộng ngân sách, không tiếp tục vay chung - mô hình đã từng được áp dụng để lập quỹ phục hồi hậu COVID-19. Theo quan điểm của Chính phủ Đức, mọi chi phí bổ sung trong ngân sách mới sẽ chỉ có thể được chấp nhận nếu đi kèm với việc cắt giảm tương ứng ở các hạng mục khác.
Hà Lan, một trong những nước có chính sách tài khóa bảo thủ, cũng không đứng ngoài. Bộ trưởng Tài chính Hà Lan Eelko Heijnen nhấn mạnh rằng câu hỏi đặt ra không phải là “làm sao để chi tiêu nhiều hơn”, mà là “làm sao để chi tiêu hiệu quả hơn với những nguồn lực hiện có”. Quan điểm này phản ánh xu hướng chung tại Nghị viện châu Âu, nơi dự thảo ngân sách bị chỉ trích bởi đại diện của hầu hết các nhóm chính trị, từ bảo thủ đến cấp tiến.
Giới phân tích cho rằng, phản ứng tiêu cực của các nước thành viên không chỉ là biểu hiện của sự bất đồng về thứ tự ưu tiên, mà còn là hệ quả của áp lực tài khóa đang đè nặng lên nhiều nền kinh tế. Chẳng hạn Đức đang chuẩn bị tăng chi tiêu quốc phòng lên hàng trăm tỷ Euro và kế hoạch này chỉ có thể thực hiện thông qua việc tăng nợ công. Pháp vẫn đối mặt với tình trạng thâm hụt ngân sách cơ cấu, chưa có dấu hiệu được cải thiện. Thậm chí, những quốc gia có tài chính ổn định như Phần Lan cũng bắt đầu gặp khó khăn. Truyền thông các nước Bắc Âu gần đây đã nhiều lần cảnh báo về khả năng trả nợ trong tương lai.
Tất cả những yếu tố này khiến thị trường tài chính phản ứng rõ rệt. Lợi suất trái phiếu của nhiều nước EU đang tăng lên mức cao nhất trong nhiều năm, bất chấp việc Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) đã bắt đầu nới lỏng chính sách tiền tệ. Nói cách khác, chi phí vay nợ đang tăng đúng vào lúc mà nhiều chính phủ lại cần vay nhiều hơn, tạo ra một thế “tiến thoái lưỡng nan” trong điều hành ngân sách.
Trong bối cảnh này, giới phân tích cho rằng việc thông qua một ngân sách đầy tham vọng như đề xuất của Chủ tịch Ursula von der Leyen là cực kỳ khó khăn về mặt chính trị. Nhiều khả năng, các cuộc đàm phán sẽ dẫn đến việc thu hẹp quy mô ngân sách và điều chỉnh lại cấu trúc phân bổ chi tiêu, khiến bản ngân sách cuối cùng “gọn gàng” hơn để không làm phật ý bất kỳ quốc gia nào. Nếu điều này xảy ra, chương trình nghị sự lớn hơn của bà Ursula von der Leyen, hướng đến một EU gắn kết hơn và tiến tới liên bang hóa tài chính, sẽ bị gián đoạn nghiêm trọng, nếu không muốn nói là phá sản.
Hùng Anh (CTV)
{name} - {time}
-
2025-07-23 09:01:00
30 năm Việt Nam gia nhập ASEAN: Hình mẫu hội nhập và động lực đổi mới
-
2025-07-23 08:03:00
Xung đột Hamas-Israel: Báo động tình trạng người chết đói tăng nhanh tại Gaza
-
2025-07-21 16:15:00
Liên minh cầm quyền Nhật Bản đối mặt nguy cơ mất đa số tại Thượng viện