(Baothanhhoa.vn) - Đồi A1 là một trong những điểm di tích nổi bật thuộc Di tích quốc gia đặc biệt chiến trường Điện Biên Phủ. Nơi đây, trong 39 ngày đêm đã diễn ra nhiều trận giao chiến ác liệt, giành giật nhau từng tấc đất, từng mét chiến hào. Hơn 2.500 người con ưu tú của dân tộc Việt Nam đã dâng hiến tuổi thanh xuân và sinh mệnh của mình cho chiến dịch đến ngày toàn thắng. Máu của các anh thấm đẫm từng tấc đất, ngọn cỏ, hòa vào lòng đất mẹ yêu thương, làm nên A1 linh thiêng, huyền thoại, với khúc tráng ca bất tử Điện Biên Phủ anh hùng: “Thân ngã xuống thành đất đai Tổ quốc. Hồn bay lên hóa linh khí quốc gia”.

Huyền thoại đồi A1

Đồi A1 là một trong những điểm di tích nổi bật thuộc Di tích quốc gia đặc biệt chiến trường Điện Biên Phủ. Nơi đây, trong 39 ngày đêm đã diễn ra nhiều trận giao chiến ác liệt, giành giật nhau từng tấc đất, từng mét chiến hào. Hơn 2.500 người con ưu tú của dân tộc Việt Nam đã dâng hiến tuổi thanh xuân và sinh mệnh của mình cho chiến dịch đến ngày toàn thắng. Máu của các anh thấm đẫm từng tấc đất, ngọn cỏ, hòa vào lòng đất mẹ yêu thương, làm nên A1 linh thiêng, huyền thoại, với khúc tráng ca bất tử Điện Biên Phủ anh hùng: “Thân ngã xuống thành đất đai Tổ quốc. Hồn bay lên hóa linh khí quốc gia”.

Huyền thoại đồi A1Đồi A1 - nơi từng diễn ra những trận chiến đấu oanh liệt của quân đội Việt Nam.

Hòa cùng đoàn cựu chiến binh TP Hải Phòng về thăm đồi A1 những ngày tháng 3 lịch sử, chúng tôi như đang được sống lại không khí của một thời “bão lửa” nơi “cửa tử” ở cao điểm cuối cùng. Năm 1953, thực dân Pháp cho quân nhảy dù chiếm Điện Biên Phủ. Cứ điểm A1 nằm ở vị trí chiến lược quan trọng bậc nhất trong dãy đồi phía Đông, được coi là “cuống họng”, là “chìa khóa sống” trực tiếp bảo vệ căn hầm của tướng Đờ-cát. Thực dân Pháp đã bố trí lực lượng tinh nhuệ nhất, trang bị vũ khí hiện đại nhất để phản kích lại quân đội Việt Nam. Tại đây, Pháp đã xây dựng 3 hệ thống phòng tuyến chiến lược vô cùng quan trọng.

“Lô cốt cây đa cụt”, vị trí tham quan đầu tiên của di tích chính là hệ thống phòng tuyến thứ nhất bảo vệ cho tuyến đường lên đồi và đường viện binh từ Mường Thanh lên A1. Cạnh dấu tích “lô cốt cây đa cụt” là hệ thống đường hào tiếp viện của quân Pháp từ Trung tâm Mường Thanh vượt qua cứ điểm A3, qua cống con đường 41 lên cứ điểm A1. Xung quanh cứ điểm A1, Pháp cho xây dựng hệ thống hỏa lực nhiều tầng có khả năng phòng ngự độc lập và hàng rào dây thép gai kết hợp với bãi mìn dày đặc. Con đường lên đồi là đường phản kích của quân Pháp bằng xe tăng và các loại xe cơ giới. Ban đêm con đường này được khép lại bởi 1 hàng rào chắn cơ động.

Nằm ở lưng chừng đồi, tại bia mũi tên phản kích, quân Pháp xây dựng hệ thống phòng tuyến thứ 2 với các loại hỏa lực mạnh để chi viện cho tuyến ngoài và giữ vững hệ thống phòng tuyến thứ 3 trên đỉnh đồi. Để tái hiện lại con đường phản kích của thực dân Pháp, bức phù điêu hình mũi tên đã được xây dựng. Các biểu tượng trên mũi tên này là những phù hiệu lính dù tinh nhuệ nhất của quân đội viễn chinh Pháp, có lịch sử thành lập 100 năm và chưa từng biết đến chiến bại. Nhưng đến với Điện Biên Phủ nói chung và A1 nói riêng, những đơn vị “con cưng” của nước Pháp đã bị bại trận trước quân đội Nhân dân Việt Nam.

Huyền thoại đồi A1Hệ thống đường hào lộ thiên của Pháp trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

Vị trí cao nhất của ngọn đồi A1 là hệ thống phòng tuyến thứ 3 của cứ điểm này. Tại vị trí này, quân Pháp bao quát được các cứ điểm trong Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Bao quanh đồi, Pháp cho xây dựng hệ thống giao thông hào phức tạp nối liền giữa các tuyến và lô cốt xung quanh. Với hệ thống công sự chìm nổi như vậy, quân Pháp có thể tấn công và rút lui bất cứ lúc nào. Bên sườn đồi, Pháp còn đặt những thùng đựng Etxăng khô 40 lít - 1 loại Napan cô đặc, tự bùng cháy bằng điện có thể thiêu đốt đối phương ngay từ ngoài tuyến tiền duyên.

Nhận định đồi A1 có vị trí chiến lược quan trọng bậc nhất trong dãy đồi phía Đông, nếu ta tiêu diệt được cứ điểm này thì phân khu trung tâm không còn đủ sức chống đỡ và tập đoàn cứ điểm cũng bị uy hiếp nghiêm trọng. Vì thế, quân Pháp quyết giữ bằng mọi giá thì ta quyết giành giật tới cùng. Để chiếm được cứ điểm A1, Trung đoàn 102, Trung đoàn 174 đã phối hợp và thay nhau chiến đấu. Trải qua 39 ngày đêm “gan không núng, chí không mòn”, quân đội Nhân dân Việt Nam đã tổ chức 4 đợt tấn công, 1 đợt phòng ngự, đánh lui 30 đợt phản kích của Pháp.

Nơi đỉnh đồi A1 hôm nay, bên cạnh đài tưởng niệm vẫn còn nguyên chứng tích là xác của chiếc xe tăng Bazeille mà Pháp đưa từ trung tâm Mường Thanh lên để phản kích quân đội Việt Nam. Thế nhưng, nó đã bị 4 chiến sĩ của chúng ta bắn cháy vào rạng sáng ngày 1/4/1954, khiến Pháp mất hẳn hàng rào bảo vệ trên hệ thống phòng tuyến thứ 3. Để ghi danh 4 chiến sĩ đã anh dũng hy sinh, một ngôi mộ tập thể được xây dựng ngay cạnh chiếc xe tăng Bazeille. Dù vô danh, không dòng tên họ nhưng linh hồn các chiến sĩ đã được yên giấc ngàn thu cùng non sông đất nước.

Từ đỉnh đồi A1, hướng mắt nhìn về phía Tây là hố bộc phá “nghìn cân” hình loa kèn rộng lớn. Để tiêu diệt hầm chỉ huy cố thủ cứ điểm A1, ta xây dựng kế hoạch “lấy hầm trị hầm”. Sau 15 ngày đêm đổ biết bao mồ hôi, nước mắt, các chiến sĩ công binh đã hoàn thành đường hầm ngầm dài 47m và đặt khối bộc phá nặng 960kg sát hầm ngầm quân địch. Đúng 20 giờ 30 phút ngày 6/5/1954, khối bộc phá được điểm hỏa. Sức nổ mạnh của khối bộc phá đã phá hủy những lô cốt chiến hào xung quanh và tiêu diệt một phần Đại đội dù số 2 của Pháp, làm cho chúng vô cùng choáng váng.

Ở phía Tây Nam đồi A1 là căn hầm chỉ huy của Đại đội trưởng Đại đội 674 Lâm Viết Hữu, nơi đồng chí đã chỉ huy đơn vị chiến đấu và tiêu diệt chiếc xe tăng Bazeille. Năm 2009, đồng chí được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân. Phía Đông ngọn đồi là căn hầm của Trung đoàn trưởng Trung đoàn 102 Nguyễn Hùng Sinh, người vừa chỉ huy vừa trực tiếp chiến đấu và bị thương trong căn hầm này. Cùng nhìn về hướng Đông còn có bức phù điêu giành giật rất quyết liệt giữa các chiến sĩ quân đội Nhân dân Việt Nam và quân Pháp từ ngày 3/4/1954 đến ngày 6/5/1954, quân ta chỉ chiếm được 1/3 ngọn đồi và rất nhiều chiến sĩ đã hy sinh. Tại vị trí này, 1 lô cốt của quân Pháp cũng được khôi phục lại, có kết cấu bằng gỗ, đất và bao cát. Dọc theo đường hào có các hố bắn, hàm ếch và các hốc để chúng đựng đạn.

Để tiếp cận được đồi A1, các chiến sĩ quân đội Việt Nam đã đào một đường hào từ đồi Cháy sang đồi A1. Nếu đường hào của quân Pháp là những đường hào bị động, có tính chất phòng ngự và nằm ở 1 vị trí cố định thì đường hào của ta là những đường hào tấn công, bao vây, có tính chất sinh sôi và phát triển không ngừng. Với hệ thống đường hào quan trọng này, sau 8 tiếng đồng hồ, quân ta đã tiêu diệt hoàn toàn cứ điểm A1. “Chìa khóa” của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ đã hoàn toàn bị phá vỡ, tạo bàn đạp cho các chiến sĩ tấn công sang hầm Đờ-cát, bắt sống tướng Đờ-cát cùng toàn bộ Bộ Chỉ huy Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, đồi A1 đã được trùng tu, tôn tạo, khôi phục lại một số hạng mục quan trọng như: hầm chỉ huy, hầm đại liên trên đỉnh đồi; “lô cốt cây đa cụt” và 10 lô cốt khác trong tổng số 37 lô cốt của quân Pháp; 2 hầm chỉ huy của quân đội Việt Nam; hố bộc phá, đường hầm đặt khối bộc phá; 1.030m đường hào lộ thiên và 92m đường hào có nắp trong tổng số gần 4.000m đường hào của Pháp; 52m đường hào tiến công chiến đấu của bộ đội Việt Nam...

Trận đánh tại cứ điểm A1 là trận đánh ác liệt nhất, kéo dài nhất và hy sinh nhiều nhất trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Sau chặng đường dài 70 năm, A1 hôm nay vẫn là chứng nhân sừng sững của thời “hoa lửa”.

Bài và ảnh: Tố Phương



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]