Hướng tới Kỷ niệm 60 năm Hàm Rồng chiến thắng: Phà Ghép anh hùng
Trong 2 cuộc leo thang phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ, nếu trận địa Hàm Rồng là biểu tượng của sức mạnh phòng thủ trước các cuộc tấn công trực diện của địch, thì phà Ghép là hiện thân của sự kiên cường, bền bỉ trong việc duy trì “dòng chảy” hậu cần cho chiến trường miền Nam. Chính sự tồn tại và hoạt động bền bỉ của phà Ghép đã góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của chiến dịch bảo vệ cầu Hàm Rồng cũng như cuộc kháng chiến chống Mỹ của quân và dân ta.
Đài tưởng niệm anh hùng Nguyễn Bá Ngọc - người đã anh dũng hy sinh trong trận bom ác liệt của không quân Mỹ tại Phà Ghép.
Nằm trên tuyến Quốc lộ 1A huyết mạch, phà Ghép bắc qua sông Yên, nối liền hai bờ xã Quảng Trung (Quảng Xương) và phường Hải Châu (thị xã Nghi Sơn). Trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ cứu nước từ năm 1965 đến 1973, nơi đây đã trở thành một trong những trọng điểm bị đế quốc Mỹ đánh phá ác liệt nhất, nhằm cắt đứt tuyến giao thông quan trọng giữa hậu phương miền Bắc và chiến trường miền Nam.
Thực hiện âm mưu trong chiến lược “chiến tranh cục bộ”, đầu năm 1965 một lực lượng lớn tàu tuần tiễu, tàu khu trục và tàu sân bay Mỹ được lệnh về Vịnh Bắc bộ. Mục tiêu của Mỹ khi tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc là đánh sập tiềm lực kinh tế, quốc phòng miền Bắc, ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc cho miền Nam, làm lung lay ý chí, quyết tâm kháng chiến của Đảng và Nhân dân Việt Nam, nâng đỡ tinh thần quân đội Việt Nam cộng hòa.
Đối với Thanh Hóa, từ sau “Sự kiện Vịnh Bắc bộ” ngày 5/8/1964, đế quốc Mỹ liên tục cho máy bay trinh sát bầu trời Thanh Hóa. Đặc biệt là trinh sát các tuyến đường giao thông chiến lược, các khu quân sự, kinh tế tập trung. Ngày 16/3/1965, chúng cho máy bay xâm phạm bầu trời Thanh Hóa và đã bắn đạn 20mm, rocket xuống các huyện Tĩnh Gia (nay là thị xã Nghi Sơn), Nông Cống và Như Xuân, đồng thời cho máy bay trinh sát khu vực Hàm Rồng.
Cách cầu Hàm Rồng khoảng 40km về phía Nam, phà Ghép giữ vai trò trong việc vận chuyển quân đội, vũ khí và hàng hóa chi viện cho chiến trường miền Nam. Trong hai ngày 3 và 4/4/1965, cùng với khu vực Hàm Rồng - Đò Lèn, bến phà Ghép trở thành mục tiêu đánh phá ác liệt của không quân Mỹ. Được xác định là vị trí trọng yếu trong chiến tranh phá hoại, 8 giờ sáng 4/4/1965 không quân Mỹ đã đánh phá khu vực bến phà Ghép.
Từ năm 1965 đến 1972, phà Ghép trở thành một trong những “tọa độ lửa”, là “túi bom” bị đánh phá ác liệt nhất ở Thanh Hóa. Trong 8 năm với hai lần leo thang tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc, đế quốc Mỹ đã dội xuống khu vực bến phà Ghép gần 38.000 quả bom đạn các loại. Tính ra trong tọa độ đánh phá tập trung của đế quốc Mỹ, mỗi mét vuông nơi đây phải hứng chịu hơn 1 tấn bom; xóm làng phía Bắc, phía Nam phà Ghép hầu như bị hủy diệt. Giữa làn bom đạn, song công nhân bến phà, bộ đội công binh, dân quân và người dân địa phương hai bên bờ bến phà Ghép vẫn kiên trì bám chốt, “Một tấc không đi, một li không rời”, anh dũng đánh địch trên mọi cung đường.
Cầu Ghép giờ đây đã được xây dựng vững chãi vượt dòng sông Yên, thay thế cho những chuyến phà xưa, nhưng bến phà Ghép năm xưa vẫn mãi là niềm tự hào của người dân xứ Thanh.
Trong tham luận “Chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ trên mặt trận an toàn giao thông tại địa bàn Thanh Hóa nói chung và trận địa Hàm Rồng, bến phà Ghép nói riêng” của Thiếu tướng Trịnh Xuân Thu (tại Hội thảo khoa học bến phà Ghép Anh hùng thời kỳ chống Mỹ cứu nước và việc phát huy truyền thống trong thời kỳ hội nhập, phát triển hiện nay) có đoạn viết: “Tháng 2/1966, tôi được điều động và phân công làm nhiệm vụ đảm bảo an toàn giao thông, bảo vệ tài sản và tính mạng của Nhân dân tại khu vực bến phà Ghép. Tại khu vực này, mục tiêu của không quân Mỹ là tập trung oanh tạc, bắn phá bến phà Ghép nhằm ngăn chặn vận tải chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam đánh Mỹ... Với địa bàn hứng chịu bom đạn ác liệt, dày đặc suốt ngày đêm như vậy, nhưng Nhân dân ta, nhất là ở các xã Quảng Trung, Quảng Chính (Quảng Xương), Hải Châu, Hải Ninh, Thanh Thủy (Tĩnh Gia) vẫn bám trụ chiến đấu và lao động sản xuất”.
Còn trong tham luận “Bến phà Ghép anh hùng” của Anh hùng Lao động Vũ Hồng Út - chiến sĩ cảm tử phá bom từ trường trên bến phà Ghép có đoạn: “Bến phà Ghép là nơi đầu sóng ngọn gió, nơi mà địch thèm khát nhất, dội bom đạn nhiều nhất trong hai cuộc chiến tranh phá hoại. Nơi đây, bom cày lên bom, đạn cày lên đạn và đạn gùi lên đạn. Mưa rét thấm ruột gan hàng ngày, hàng giờ, tim chờ tim, mặt giáp mặt với quân thù giành giật từng phút giây. Luồn qua lửa đạn, lặn sâu dưới lòng nước lấy lên những chuỗi ngọc"...
Sau khi chiến tranh kết thúc, phà Ghép tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế, giao thông của địa phương. Cùng với sự phát triển của đất nước, cây cầu Ghép giờ đây đã được xây dựng vững chãi, sừng sững vượt dòng sông Yên, thay thế cho những chuyến phà xưa. Dẫu vậy, ký ức về những ngày tháng hào hùng, về những con người đã hy sinh, cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc tại phà Ghép đã trở thành động lực để các địa phương hai bên bờ bến phà Ghép năm xưa nói riêng, tỉnh Thanh Hóa nói chung vươn lên xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh.
Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Trung Hoàng Công Thủy cho biết: “Phát huy truyền thống quê hương anh hùng, trong thời kỳ mới Đảng bộ và Nhân dân xã Quảng Trung không ngừng nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao đời sống Nhân dân. Đồng thời, chú trọng giáo dục truyền thống cách mạng, tăng cường tinh thần đoàn kết. Với quyết tâm và khát vọng đổi mới, năm 2023 xã đã được công nhận là xã NTM kiểu mẫu; thu nhập bình quân đầu người năm 2024 đạt 79,8 triệu đồng/năm”.
Ngày nay, những câu chuyện về lòng dũng cảm, sự hy sinh với biết bao tấm gương của các cá nhân, tập thể anh hùng như Đại đội dân quân C94; đơn vị nữ dân quân Thanh Thủy; người công nhân giao thông Vũ Hồng Út cảm tử lái ca nô nhằm phá hủy bom và thủy lôi từ trường của Mỹ; thiếu niên Nguyễn Bá Ngọc băng mình dưới bom đạn cứu sống các em nhỏ và hy sinh khi mới 15 tuổi; anh hùng Lê Ngọc Giản - người trực tiếp tải đạn, tiếp đạn thay pháo thủ cùng bộ đội phòng không bắn rơi máy bay và anh dũng hy sinh; cô dân quân Lê Thị Lý một mình một thuyền vừa tải đạn, tiếp đạn cho bộ đội chiến đấu bên bờ Bắc phà Ghép... vẫn luôn là những bài học quý báu về tinh thần yêu nước, ý chí kiên cường và lòng tự hào dân tộc. Phà Ghép giờ đây không chỉ là địa danh lịch sử, niềm tự hào của người dân xứ Thanh, mà còn là biểu tượng của sự kiên cường, bất khuất của dân tộc Việt Nam trong cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do.
Bài và ảnh: Hoài Anh
(Bài viết có sử dụng tư liệu Lịch sử Đảng bộ xã Quảng Trung, Quảng Xương).
{name} - {time}
-
2025-04-02 21:51:00
Chương trình nghệ thuật “60 năm - Bản hùng ca Hàm Rồng”
-
2025-04-02 21:00:00
Tinh thần yêu nước là cội nguồn sức mạnh
-
2025-03-31 08:00:00
Hôm nay có gì? - Sự kiện nổi bật ngày 31/3/2025
Nhà Vua và Hoàng hậu Bỉ đến Hà Nội, bắt đầu thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam
PODCAST 6AM: Điểm tin nổi bật sáng 31/3
Mời bạn đọc báo Thanh Hóa số ra ngày 31/3/2025
Động đất tại Myanmar: Đội cứu hộ, cứu nạn Việt Nam đến sân bay Yangon
Động đất tại Myanmar: Dư chấn lớn - Số người thiệt mạng tăng lên 1.700 người
Bộ Công an cử 26 cán bộ, chiến sỹ hỗ trợ khắc phục động đất tại Myanmar
Hình ảnh 80 quân nhân Việt Nam lên đường sang Myanmar khắc phục hậu quả động đất
Bế mạc Giải bóng bàn, cầu lông, pickleball nhân Ngày Thể thao Việt Nam
6 tiêu chí sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã