(Baothanhhoa.vn) - Những năm gần đây, sản phẩm công nghiệp nông thôn (CNNT) của tỉnh ta ngày càng phát triển và có được vị thế nhất định trên thị trường. Không chỉ tiêu thụ nội địa, nhiều sản phẩm CNNT của tỉnh còn được xuất khẩu sang các quốc gia khu vực và thế giới, được thị trường quốc tế ưa chuộng. Đặc biệt, với việc có nhiều hàng hóa được công nhận là sản phẩm CNNT tiêu biểu từ cấp tỉnh đến quốc gia cho thấy uy tín, chất lượng, khả năng cạnh tranh và cơ hội cất cánh vươn xa.

Đẩy mạnh phát triển các sản phẩm công nghiệp nông thôn

Những năm gần đây, sản phẩm công nghiệp nông thôn (CNNT) của tỉnh ta ngày càng phát triển và có được vị thế nhất định trên thị trường. Không chỉ tiêu thụ nội địa, nhiều sản phẩm CNNT của tỉnh còn được xuất khẩu sang các quốc gia khu vực và thế giới, được thị trường quốc tế ưa chuộng. Đặc biệt, với việc có nhiều hàng hóa được công nhận là sản phẩm CNNT tiêu biểu từ cấp tỉnh đến quốc gia cho thấy uy tín, chất lượng, khả năng cạnh tranh và cơ hội cất cánh vươn xa.

Đẩy mạnh phát triển các sản phẩm công nghiệp nông thônSản phẩm mây tre đan của Công ty TNHH Quốc Đại (Hoằng Hóa).

Với sự sáng tạo và đổi mới không ngừng, các sản phẩm cói của Công ty Xuất khẩu Việt Trang (Nga Sơn) đang ngày càng chiếm lĩnh thị trường trong nước và quốc tế. Hiện nay, 90% các sản phẩm làm từ cói của công ty đã được xuất ra thị trường của 20 quốc gia, bước đầu chinh phục được những thị trường “khó tính” như Mỹ, Úc, Canada, Anh, Pháp... với đa dạng các sản phẩm như chiếu cói, túi xách, thảm cói, giỏ, hộp đựng đồ, chậu cói... Doanh thu gần 2 tỷ đồng/tháng; tạo việc làm cho khoảng 30 lao động, với thu nhập bình quân hơn 3,5 triệu đồng/người/tháng. Bà Trần Thị Việt, Giám đốc Công ty Xuất khẩu Việt Trang cho biết, công ty tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về mẫu mã, chất lượng các sản phẩm từ cói Nga Sơn. Đồng thời, tích cực tham gia các hội chợ trong nước, quốc tế và các kênh thương mại điện tử đã giúp công ty có điều kiện kết nối, giới thiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Được biết, năm 2021, sản phẩm cói của công ty được công nhận là sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp tỉnh của năm. Đây là động lực lớn để công ty tiếp tục đầu tư sản xuất, nâng cao hiệu quả, chất lượng sản phẩm.

Với mặt hàng chủ lực là các sản phẩm từ mây tre đan, trung bình mỗi tháng Công ty TNHH Quốc Đại (Hoằng Hóa) xuất khẩu từ 100 đến 130 container sang thị trường châu Âu, giải quyết việc làm cho khoảng 350 lao động tại xưởng và hàng nghìn lao động nông thôn tại các xưởng vệ tinh. Theo đại diện doanh nghiệp, hiện nhu cầu của thị trường đối với mặt hàng này đang tăng mạnh, do đó ngoài các đối tác truyền thống, đơn vị cũng hướng đến việc tiếp tục đa dạng mẫu mã, chất lượng sản phẩm để mở rộng thị trường tiêu thụ, tăng giá trị cho sản phẩm làng nghề.

Hiện trên địa bàn tỉnh việc sản xuất các sản phẩm CNNT đã và đang tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho nhiều lao động nông thôn. Đồng thời, góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế và phân bố lại lao động trong khu vực nông thôn. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, số lượng làng nghề trên địa bàn tỉnh lớn, các mặt hàng CNNT cũng khá đa dạng về chủng loại, song số sản phẩm có thị trường tiêu thụ ổn định chiếm thị phần lớn còn khá khiêm tốn. Nhiều sản phẩm CNNT chưa được chú trọng xây dựng nhãn hiệu, quảng bá sản phẩm. Việc sản xuất tại các làng nghề chủ yếu được thực hiện theo quy mô hộ gia đình, manh mún, nhỏ lẻ, thiếu sự liên kết chặt chẽ từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.

Để thúc đẩy sự phát triển cho các sản phẩm CNNT, ngành công thương cùng các huyện, thị xã, thành phố đã chú trọng xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu cho sản phẩm, đào tạo nâng cao tay nghề cho người lao động, đồng thời, cải tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm và khả năng cạnh tranh trên thị trường. Ban hành và triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Nghiên cứu, triển khai các đề án, chương trình khuyến công phù hợp để động viên doanh nghiệp, người lao động tham gia. Về phía các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất sản phẩm CNNT cũng đã và đang chủ động cập nhật thông tin, tìm kiếm thị trường, đổi mới công nghệ, đa dạng mẫu mã sản phẩm, chú trọng xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu cho các sản phẩm CNNT. Bên cạnh đó, tham gia các hội chợ, ứng dụng số hóa vào giới thiệu, quảng bá sản phẩm để tạo lợi thế cạnh tranh cho các sản phẩm CNNT.

Để mở rộng thị trường cho sản phẩm CNNT, vài năm gần đây, tỉnh Thanh Hóa đã bình chọn và hỗ trợ phát triển các sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp tỉnh. Nhiều sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp được bình chọn, tôn vinh đã góp phần quảng bá sản phẩm, thúc đẩy các cơ sở CNNT mở rộng sản xuất, nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, tích cực tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại và khả năng cạnh tranh trên thị trường. Được biết, giai đoạn 2022–2025, từ nguồn vốn các chương trình khuyến công tỉnh Thanh Hóa sẽ dành nguồn kinh phí gần 40 tỷ đồng để hỗ trợ các cơ sở CNNT nâng cao chất lượng và phát triển thương hiệu sản phẩm.

Bài và ảnh: Chi Phạm



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]