(Baothanhhoa.vn) - Nghệ thuật tuồng có trong đời sống văn hóa của người Thanh Hóa từ rất sớm. Chỉ tính riêng giai đoạn trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Thanh Hóa đã có gần 30 gánh hát tuồng.

“Giữ lửa” tuồng cổ trên quê hương xứ Thanh

Nghệ thuật tuồng có trong đời sống văn hóa của người Thanh Hóa từ rất sớm. Chỉ tính riêng giai đoạn trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Thanh Hóa đã có gần 30 gánh hát tuồng.

“Giữ lửa” tuồng cổ trên quê hương xứ ThanhCác nghệ sĩ Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa biểu diễn trích đoạn tuồng “Ông già cõng vợ đi xem hội” tại sân khấu Quảng trường Lam Sơn, phố đi bộ Phan Chu Trinh, TP Thanh Hóa.

Những người gắn bó với nghệ thuật tuồng

Nhận thấy nghệ thuật tuồng là một sản phẩm không thể thiếu được trong đời sống văn hóa của Nhân dân, tháng 5/1962, dưới sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa và Ban Tuyên huấn Khu ủy Khu 5, được sự đỡ đầu của MTTQ tỉnh Thanh Hóa và Mặt trận Giải phóng tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, Đoàn Nghệ thuật tuồng Thanh Hóa ra đời với tên gọi là Đoàn Nghệ thuật tuồng Thanh - Quảng. Trong những năm tháng chiến tranh, dưới mưa bom, bão đạn, người quê Thanh vẫn nghe tiếng trống tuồng rộn rã sau lũy tre làng, như sự hối thúc trai tráng lên đường cầm súng đánh giặc cứu nước, cứu nhà. Những vở tuồng “Chị Ngộ”, “Trần Bình Trọng”, “Đề Thám”... qua diễn xuất của các nghệ sĩ Thiện Tập, Ngọc Minh, Mai Tuyết, Mai Lan, Đức Bính, Vũ Quang... đã truyền thêm ngọn lửa yêu nước bùng cháy trong tâm thức mỗi người dân.

Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước toàn thắng, hai miền Nam - Bắc thống nhất một nhà, Đoàn Nghệ thuật tuồng Thanh - Quảng cũng hoàn thành sứ mệnh chính trị của mình. Từ năm 1976, Đoàn Nghệ thuật tuồng Thanh - Quảng được mang tên Đoàn Nghệ thuật tuồng Thanh Hóa. Năm 2017, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa được thành lập trên cơ sở hợp nhất, tổ chức lại 3 đoàn nghệ thuật tuồng, chèo, cải lương và bổ sung thêm đoàn dân ca dân vũ. Đứng trước khó khăn, thách thức của cơ chế thị trường, sự bùng nổ của công nghệ thông tin giải trí, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa vẫn luôn hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn, nhiệm vụ chính trị như nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn, phục hồi và xây dựng, tổ chức biểu diễn các tiết mục, vở diễn chèo, tuồng, cải lương, các làn điệu dân ca dân vũ Thanh Hóa. Đồng thời, tham gia phục vụ các nhiệm vụ chính trị nhân kỷ niệm các ngày lễ, kỷ niệm của tỉnh, đất nước.

Tuồng là môn nghệ thuật cổ điển, bác học và tiêu chuẩn đánh giá tài năng của nghệ sĩ tuồng là sự hội tụ “thanh, sắc, thục, tinh, khí, thần”. Như nhận xét của Nghệ sĩ Ưu tú Tố Hảo (Vũ Thị Hảo), Phó giám đốc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa: Tuồng là sự kết hợp tổng thể các yếu tố hát, múa, diễn xuất, nhạc đệm tạo nên cảm xúc mạnh mẽ cho người xem. Trong nghệ thuật tuồng, tính ước lệ, cách điệu được xem là một trong những đặc trưng cốt lõi, làm nên vẻ đẹp độc đáo của loại hình sân khấu truyền thống này. Thông qua biểu diễn của người nghệ sĩ, khán giả không chỉ nhận biết được những thay đổi về không gian, thời gian, mà còn thấy những xung đột giằng xé trong nội tâm nhân vật. Từ những yếu tố đó để thấy, đào tạo được một nghệ sĩ trẻ ở bộ môn nghệ thuật truyền thống là quá trình dài hơi, người nghệ sĩ cần yêu nghề, nỗ lực học hỏi, trau dồi. Hiện nay, nghệ thuật tuồng đang đứng trước khó khăn, thách thức lớn trong công tác đào tạo nghệ sĩ, diễn viên tuồng. Thế hệ nghệ sĩ, diễn viên tại nhà hát ngày càng lớn tuổi, thế hệ trẻ kế cận ngày một ít đi, nên chăng tỉnh Thanh Hóa sớm thành lập “Quỹ tài năng” dành cho các đối tượng thuộc lĩnh vực nghệ thuật, hỗ trợ những trường hợp mới ra trường được tuyển chọn, làm việc ở đoàn nghệ thuật. Để tuồng gần gũi hơn với Nhân dân, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống cũng đưa ra những giải pháp như xây dựng chương trình “Đưa sân khấu vào học đường”, xây dựng các trích đoạn biểu diễn tại các sự kiện chính trị lớn của tỉnh gắn với lễ hội tiêu biểu hoặc biểu diễn hàng tuần tại phố đi bộ Phan Chu Trinh (TP Thanh Hóa)...

Những làng quê vang điệu tuồng cổ

Song hành với sự đổi mới, phát triển của đoàn nghệ thuật tuồng (Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa), ở những làng quê xứ Thanh, làn điệu tuồng vẫn rộn vang như minh chứng cho sự bền bỉ, tình yêu với loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống của người dân. Ở Thanh Hóa, những vùng quê vẫn vang mãi điệu tuồng như làng Kim Sơn, xã Hoằng Kim (Hoằng Hóa) với câu lạc bộ (CLB) hát tuồng và trống hội Kim Sơn. Ở đó có những con người tâm huyết như bà Nguyễn Thị Miên, ông Nguyễn Văn Long... Hiện nay, CLB phát triển với hơn 30 thành viên. Các nghệ sĩ, diễn viên dù không qua trường lớp đào tạo nhưng với tình yêu, lòng đam mê, họ đã và đang gìn giữ nghệ thuật tuồng trong lòng thôn quê. Hay ở làng Bèo, xã Vĩnh Long (Vĩnh Lộc) vẫn còn gìn giữ, phát triển CLB tuồng làng Bèo gắn với sự tâm huyết của nhiều người, trong đó có đóng góp lớn của nghệ nhân Trần Thị Đới. Ra đời từ năm 2005 cho đến nay, CLB là mái nhà chung cho những người yêu thích tuồng ở làng Bèo.

Ở xã Thành Mỹ (Thạch Thành), vào dịp diễn ra lễ hội Mường Đòn, làn điệu tuồng rộn vang, thu hút người xem. Theo ông Nguyễn Văn Minh, Phó Chủ tịch UBND xã Thành Mỹ, cho biết: Sở dĩ làn điệu tuồng được ngân vang, biểu diễn trong lễ hội Mường Đòn diễn ra vào ngày 18 tháng Giêng hàng năm là bởi, theo các cụ cao niên trong mường kể lại, vào đầu thế kỷ XX, có một gánh hát của ông Hai Hoạt từ Phát Diệm, huyện Kim Sơn (Ninh Bình) lên đất này. Hằng ngày, gánh hát đi hết làng này sang làng nọ để biểu diễn và chỉ hát tuồng. Vốn là đất của con cháu võ quan Vũ Duy Dương có truyền thống say mê võ nghệ, lại thấy các nội dung tích tuồng thường dựng lại chân dung các anh hùng hào kiệt, lời hát sảng khoái hào hùng, động tác oai phong lẫm liệt nên dân làng say mê hát thâu đêm, suốt sáng. Nhiều người vì thế thuộc không ít tích tuồng cổ và truyền dạy cho con cháu đời sau.

Hiện nay, bà con Mường Đòn vẫn gìn giữ các làn điệu tuồng được truyền dạy qua những buổi sinh hoạt CLB văn hóa dân gian. Những vở tuồng, trích đoạn được các cụ cao niên ghi chép lại bằng sổ sách, video qua việc ghi hình. Trong đó, bà con Nhân dân các thôn Vân Đội xưa (nay là thôn Phong Phú, Vân Đình, Vân Tiến) thường xuyên biểu diễn. Tiêu biểu trong CLB văn hóa dân gian có bà Nguyễn Thị Kỷ, Bùi Thị Phiêu, Bùi Thị Uồn, Trương Thị Ty, Trương Thị Nhị... am hiểu và biểu diễn hát tuồng. Ngoài ra một số người trẻ ở các thôn như: Tây Hương, Lệ Cẩm 2... cũng đang học hỏi, luyện tập để hát và biểu diễn.

Với tác động của cơ chế thị trường, sự phát triển mạnh mẽ của các loại hình nghệ thuật mới, những người thật sự yêu thích môn nghệ thuật tuồng ngày càng ít dần. Để tiếng trống tuồng vang mãi trong các làng quê, hay ở sân khấu chuyên nghiệp, điều cần nhất vẫn là phải xây dựng được một đội ngũ diễn viên, nghệ sĩ trẻ.

Bài và ảnh: Ngọc Huấn



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]