(Baothanhhoa.vn) - Ngày 16/7, Thủ tướng Pháp Gabriel Attal và chính phủ của ông đã đồng loạt từ chức, nhưng tiếp tục đảm nhận vai trò chính phủ lâm thời cho đến khi nội các mới được thành lập.

Giới phân tích nhận định về động thái từ chức của Thủ tướng Pháp Gabriel Attal

Ngày 16/7, Thủ tướng Pháp Gabriel Attal và chính phủ của ông đã đồng loạt từ chức, nhưng tiếp tục đảm nhận vai trò chính phủ lâm thời cho đến khi nội các mới được thành lập.

Giới phân tích nhận định về động thái từ chức của Thủ tướng Pháp Gabriel Attal

Thủ tướng Pháp Gabriel Attal.

Theo tờ Reuters, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã chấp nhận đơn từ chức của Thủ tướng Gabriel Attal và toàn bộ nội các vào ngày 16/7. Tuy nhiên, ông Attal và các thành viên khác trong nội các sẽ vẫn đảm nhận vai trò chính phủ lâm thời “để xử lý các vấn đề hiện tại cho đến khi một chính phủ mới được bổ nhiệm”.

Các chuyên gia cho biết, chính phủ lâm thời sẽ điều hành các vấn đề hàng ngày ở nền kinh tế lớn thứ 2 khu vực đồng tiền chung Euro, nhưng không thể đệ trình luật mới lên Quốc hội hoặc thực hiện bất kỳ thay đổi lớn nào. Một trong những vai trò của chính phủ Pháp lâm thời sẽ bao gồm việc đảm bảo rằng Thế vận hội, bắt đầu vào ngày 26/7, diễn ra suôn sẻ. Pháp từng có chính phủ lâm thời, nhưng không chính phủ lâm thời nào duy trì quá lâu, thường chỉ vài ngày.

Đầu tháng này, Thủ tướng Attal đã đệ đơn từ chức lên Tổng thống Macron, song không được chấp nhận. Việc Thủ tướng Attal nhiều lần đệ đơn từ chức là điều dễ hiểu khi Chính phủ Pháp trên bờ vực tê liệt kể từ cuộc bầu cử Quốc hội sớm hồi đầu tháng. Chính trường Pháp đang chứng kiến sự chia rẽ giữa 3 nhóm chính trị lớn gồm: liên minh cánh tả Mặt trận Bình dân Mới (NEP), các đồng minh trung dung của Tổng thống Macron và đảng Tập hợp Quốc gia (RN) cực hữu của bà Marine Le Pen.

Kết quả vòng hai cuộc bầu cử Quốc hội sớm cho thấy, NEP giành được nhiều ghế nhất trong Quốc hội, tiếp theo là các đồng minh trung dung của Tổng thống Macron và đảng RN cực hữu. Mặc dù chưa đủ để giành thế đa số, song kết quả này cho phép NEP, tổ chức đoàn kết những người theo chủ nghĩa xã hội, cộng sản, đảng xanh và các đảng cánh tả khác, chủ động tìm kiếm liên minh để xây dựng, thống nhất về thành phần của chính phủ tiếp theo. Ngay sau kết quả vòng hai cuộc bầu cử sớm, giới quan sát cho rằng thủ tướng và chính phủ mới ở Pháp sẽ nhanh chóng được công bố, nhưng lực lượng cánh tả đã không thể đạt được thỏa thuận sớm như vậy do những căng thẳng giữa các đảng phái trong việc lựa chọn người có thể điều hành chính phủ. Kết quả là, như lãnh đạo đảng Xã hội Olivier Faure đã nói, “sẽ không có chuyện gì xảy ra cho đến ngày 18/7 khi cuộc họp đầu tiên của Quốc hội mới diễn ra và thảo luận về việc thành lập một chính phủ mới ở Pháp”.

Tổng thống Macron kêu gọi các lực lượng ôn hòa trong NEP đoàn kết với những người trung dung ủng hộ ông để có thể thành lập một nội các ổn định, đồng thời cảnh báo cho đến khi điều này xảy ra, sẽ không phê chuẩn một thủ tướng mới. Tuy nhiên, NEP đã phớt lờ những lời kêu gọi, thậm chí là cảnh báo của Tổng thống Macron. Điều này cho thấy những “sóng ngầm” chính trị trong nước Pháp hiện nay và nhiều khả năng Tổng thống Macron sẽ phải chấp nhận “chung sống” với một thủ tướng không phải là đồng minh của mình trong những năm còn lại của nhiệm kỳ thứ hai.

Giới phân tích chính trị cho rằng, việc Thủ tướng Gabriel Attal ít nhất 2 lần đệ đơn từ chức cho thấy mục tiêu, tham vọng của ông Attal là hướng đến cuộc bầu cử tổng thống Pháp vào năm 2027. Theo tờ Politico, sau kết quả cuộc bầu cử Quốc hội sớm, ông Attal được bầu vào Quốc hội từ vùng Hauts-de-Seine quê hương của ông. Ngày 13/7, ông Attal tiếp tục được bầu giữ vị trí lãnh đạo đảng Phục hưng trong Quốc hội - các đối thủ lớn nhất của ông, như cựu Thủ tướng Pháp Elisabeth Borne và Bộ trưởng Bộ Nội vụ Gerald Darmanin đã không ứng tuyển vào vị trí này. Điều này buộc ông Attal chỉ có thể lựa chọn lãnh đạo đảng Phục hưng ở Quốc hội sau khi rời khỏi chính phủ, bởi theo Hiến pháp, một người không được giữ cùng lúc hai vị trí.

Theo tờ Politico, vị trí đứng đầu đảng Phục hưng cho phép ông Attal một lần nữa trở thành nhân vật chủ chốt trong phe tự do; đồng thời, điều này tiếp tục xoáy sâu vào những bất đồng giữa ông Attal và Tổng thống Macron thời gian gần đây. “Kết quả vòng hai cuộc bầu cử Quốc hội sớm với thất bại bất ngờ của đảng cực hữu RN đã cứu cho các nhà lập pháp liên minh với Tổng thống Macron một “bàn thua nặng nề”, và giờ đây những người theo chủ nghĩa trung dung đó không còn tuân theo mệnh lệnh của Tổng thống Macron nữa vì không tin tưởng vào năng lực lãnh đạo của ông”, tờ Politico nhận định.

Có cùng quan điểm trên, chuyên gia Sergei Fedorov, nhà nghiên cứu hàng đầu tại Viện châu Âu thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga nhận định, Tổng thống Macron bổ nhiệm ông Attal làm Thủ tướng để hướng đến các cuộc bầu cử Nghị viện ở châu Âu, trong đó ông Attal sẽ tập trung cạnh tranh với Chủ tịch đảng RN cực hữu là chính trị gia trẻ tuổi Jordan Bardella. Tuy nhiên, đảng Phục hưng của Tổng thống Macron đã thất bại, và sau đó bắt đầu có khoảng cách giữa thủ tướng và tổng thống. “Tương lai của Thủ tướng Attal và các thành viên khác của Chính phủ đang bị đặt dấu hỏi - 17 bộ trưởng đã vào Quốc hội và không rõ họ nên làm gì. Thế chủ động hiện nay đang thuộc về Mặt trận Bình dân Mới, và liên minh cánh tả này yêu cầu Tổng thống Macron thừa nhận thất bại và giải tán chính phủ”, tờ RBC dẫn nhận định của chuyên gia Sergei Fedorov. Theo ông Fedorov, trong cán cân quyền lực hiện nay, một người ủng hộ Tổng thống Macron sẽ không thể lãnh đạo chính phủ, và do đó ông Attal quyết định tự mình chấm dứt chức vụ thủ tướng. “Ông ấy rõ ràng nhận thấy mình là một chính trị gia có thể tham gia cuộc đua tổng thống Pháp vào năm 2027. Dù thế nào đi nữa, vị trí người đứng đầu đảng Phục hưng trong Quốc hội Pháp mang lại cho ông Attal nhiều lợi thế”, chuyên gia Sergei Fedorov kết luận.

Còn theo nhà nghiên cứu cao cấp tại Viện Nghiên cứu Kinh tế thế giới và Quan hệ quốc tế (IMEMO) thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga, ông Andrey Kudryavtsev cho rằng, tình hình chính trường Pháp hiện nay có vẻ như đang vượt ngoài tầm kiểm soát của Tổng thống Macron. “Trong 2,5 năm qua, các lực lượng chính trị khác nhau ở Pháp nỗ lực củng cố lập trường và gây dựng ảnh hưởng. Hiện có rất nhiều ứng cử viên sẵn sàng cho cuộc bầu cử tổng thống Pháp vào năm 2027. Thủ tướng Gabriel Attal đang chứng tỏ mình là một chính trị gia nghiêm túc, trẻ tuổi, tài năng. Với những thuận lợi trên và trong bối cảnh Tổng thống Macron đang đối mặt với nhiều thách thức, ông Attal sẽ tham gia tích cực vào cuộc đấu tranh giành quyền lãnh đạo trong đảng và chuẩn bị cho cuộc chạy đua bầu cử tổng thống vào năm 2027. Và một điều nữa là trong liên minh của Tổng thống Macron hiện nay, ông Attal chắc chắn không phải là người duy nhất có tham vọng như vậy”, ông Andrey Kudryavtsev trả lời tờ RBC.

Hùng Anh (CTV)


Hùng Anh (CTV)

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]