(Baothanhhoa.vn) - Trong không gian văn hóa làng, ngôi đình là công trình kiến trúc to lớn, nổi bật nhất, được coi là biểu tượng của quyền lực làng xã, có chức năng như một ngôi nhà lớn của cộng đồng. Cho đến nay, dù vẫn còn vai trò gắn kết cộng đồng, nhưng chức năng của đình làng xưa đã dần chuyển cho UBND xã và nhà văn hóa thôn. Đây là sự chuyển dịch tất yếu đối với các ngôi đình làng Việt nói chung, đình làng xứ Thanh nói riêng.

Gìn giữ nét đẹp đình làng trong cuộc sống hiện đại

Trong không gian văn hóa làng, ngôi đình là công trình kiến trúc to lớn, nổi bật nhất, được coi là biểu tượng của quyền lực làng xã, có chức năng như một ngôi nhà lớn của cộng đồng. Cho đến nay, dù vẫn còn vai trò gắn kết cộng đồng, nhưng chức năng của đình làng xưa đã dần chuyển cho UBND xã và nhà văn hóa thôn. Đây là sự chuyển dịch tất yếu đối với các ngôi đình làng Việt nói chung, đình làng xứ Thanh nói riêng.

Gìn giữ nét đẹp đình làng trong cuộc sống hiện đại

Đình làng Phong Cốc, xã Xuân Minh (Thọ Xuân) cho đến nay vẫn còn giữ được vẹn nguyên kiến trúc cổ xưa.

Theo số liệu kiểm kê của Trung tâm Nghiên cứu lịch sử và Bảo tồn di sản văn hóa, toàn tỉnh hiện có 458 đình làng, trong đó có 149 đình làng đã được xếp hạng, với 12 đình làng xếp hạng cấp quốc gia. Trong số 458 đình làng, chỉ có 279 đình làng hiện còn giữ được tòa kiến trúc, 179 đình làng đã trở thành phế tích (song vẫn còn quỹ đất của đình được UBND các xã xác định).

Chúng tôi có dịp về thăm làng Phong Cốc, xã Xuân Minh (Thọ Xuân), làng quê yên bình với “cây đa, giếng nước, sân đình”. Phía trước đình làng, ao sen đang mùa nở rộ, hương thơm phảng phất. Với người dân làng Phong Cốc, đình làng là “chứng nhân” quan trọng trong chiều dài lịch sử của quê hương, đất nước. Ông Trịnh Văn Ân, thủ từ đình làng Phong Cốc cho biết: “Tôi lớn lên là cái đình này đã có rồi. Đình xây dựng cách đây khoảng 160 năm. Thời điểm phong trào cách mạng sôi nổi, thực dân Pháp đã về đây xây đồn để đàn áp phong trào, rất nhiều chiến sĩ cách mạng bị thực dân Pháp bắt đưa về đình làng Phong Cốc để tra tấn nhưng các chiến sĩ vẫn giữ vững khí tiết, sắt son, trung thành với Đảng”.

Ông Trịnh Văn Ân chia sẻ thêm: “Tối ở đây vui lắm, đình làng là nơi tụ họp của người dân sau một ngày lao động. Hàng ngày, cứ sau bữa cơm tối, già trẻ, gái trai trong làng lại kéo nhau ra phía trước sân đình tụ họp, trò chuyện rôm rả”.

Có thể nói, không chỉ ngày xưa, mà cho đến nay đình làng vẫn là nơi hội tụ, trình diễn nhiều nét văn hóa phi vật thể như lễ hội, nghi lễ, phong tục, tập quán, âm nhạc, dân ca, dân vũ, trò chơi dân gian... và là nơi gắn kết cộng đồng làng xã Việt Nam.

Những năm gần đây, nhiều ngôi đình trước kia là phế tích, hoặc đã hư hỏng nhưng đã được Nhân dân đóng góp công sức, tiền của để phục hồi lại như đình Trung, xã Hoằng Quỳ (Hoằng Hóa); đình Kim Phú, xã Hà Ngọc, đình Phúc Tự, xã Hà Vinh (Hà Trung); đình Liên Quy, xã Mỹ Lộc, đình Thượng, xã Phong Lộc, đình Giáng, xã Phú Lộc, đình Phúc, xã Thuần Lộc (Hậu Lộc); đình Giáp Nội, xã Nga Giáp, (Nga Sơn); đình Thạch Lỗi, xã Thạch Tân (Thạch Thành)... Điều này đã đáp ứng được nguyện vọng sinh hoạt văn hóa, tâm linh của cộng đồng làng xã. Đây còn được xem là sự “trở về” với truyền thống văn hóa đặc trưng của dân tộc.

Trở về xã Vĩnh Hòa (Vĩnh Lộc) trong những ngày tháng 8, chúng tôi có dịp đến thăm đình làng Nghĩa Kỳ. Ngôi đình được xây dựng từ thế kỷ thứ XIX, làm nơi tụ họp để bàn bạc, quyết định những việc quan trọng của làng. Đây cũng chính là địa điểm diễn ra các sự kiện lịch sử tiêu biểu ở địa phương trong thời kỳ hoạt động bí mật của Đảng và phong trào Tổng khởi nghĩa giành chính quyền (Cách mạng Tháng Tám 1945).

Trải qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo, các tài liệu văn tự cổ về đình Nghĩa Kỳ không còn lưu giữ, nhiều đồ thờ, sắc phong bị phá hủy, thất lạc. Xác định đình làng là một trong những di tích lịch sử quan trọng của địa phương, năm 2006, được sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự đồng thuận ủng hộ của toàn thể Nhân dân và các nhà hảo tâm, con em xa quê, di tích đình Nghĩa Kỳ đã được trùng tu, tôn tạo lại trên nền móng cũ. Cứ đến ngày 15 tháng Giêng tổ chức hội làng, ngày 14 tháng 11 âm lịch tổ chức ngày giỗ Thành hoàng làng, con cháu khắp nơi trở về thắp nén hương thơm cầu mong bình yên, may mắn. Ngôi đình đang được lập hồ sơ trình các cấp, ngành có thẩm quyền xem xét xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh.

Ông Vũ Văn Tuấn, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hòa, cho biết: “Trân trọng quá khứ để xây dựng cuộc sống ngày nay tốt đẹp hơn, Nhân dân xã Vĩnh Hòa nói chung, thôn Nghĩa Kỳ nói riêng thực sự mong muốn đình Nghĩa Kỳ trở thành một di tích lịch sử. Đây là sự tri ân của người đời sau với tiền nhân, đồng thời là niềm tự hào, sự phấn đấu vươn lên nối tiếp truyền thống của các thế hệ mai sau trong dòng chảy cuộc sống hiện đại”.

Đình Nghĩa Kỳ, dẫu bao lần bị tàn phá bởi chiến tranh và thiên tai, nhưng dòng chảy văn hóa, lịch sử gắn liền với không gian văn hóa mái đình vẫn thấm đẫm qua bao thế hệ người dân địa phương. Chắc chắn nếu được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh, đây sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng cho công tác bảo vệ và phát huy giá trị di tích trong việc giữ gìn những nét đẹp văn hóa, giáo dục truyền thống cách mạng, bồi đắp tình yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào dân tộc cho các thế hệ cán bộ, đảng viên, Nhân dân.

Theo TS. Lê Thị Thảo, Khoa Văn hóa - Xã hội, Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa: Bảo tồn đình làng hiện nay không chỉ để giữ lại địa điểm sinh hoạt cộng đồng mà còn tạo không gian văn hóa tinh thần của làng xã, tạo nên thế cân bằng trong sự phát triển. Bảo tồn đình làng không có nghĩa chỉ là bảo tồn “cái đình”, mà cần phải đặt đình làng trong không gian văn hóa làng, để đình làng trở thành một di sản “sống”, một thiết chế văn hóa trên thực tế, chứ không phải một bảo tàng khô cứng. Chính vì vậy, vấn đề đúng - sai trong công tác tu bổ, tôn tạo di tích đình làng hiện nay mặc dù quan trọng nhưng chưa thực sự đầy đủ mà cần phải bảo tồn “không gian văn hóa đình làng”, bao gồm cả nếp sống, phong tục, tập quán, huyền thoại, nghề thủ công truyền thống, diễn xướng dân gian, trò chơi dân gian... Điều quan trọng là làm sao để người dân hiểu và tiếp tục gắn bó với đình làng thì cộng đồng làng xã sẽ được cố kết với nhau, sẽ có chỗ dựa vững chắc trong tương lai.

Bài và ảnh: Hoài Anh


Bài và ảnh: Hoài Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]