(Baothanhhoa.vn) - Có một ngôi trường tự hào mang tên người thanh niên cộng sản đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa, đó là Trường THCS Lê Hữu Lập, đóng trên địa bàn thị trấn Hậu Lộc, huyện Hậu Lộc. Với bề dày truyền thống dạy và học, nhà trường luôn khẳng định là “cái nôi” đào tạo, bồi dưỡng nhân tài, góp phần làm rạng danh đất học xứ Thanh.

Trường THCS Lê Hữu Lập - “cái nôi” đào tạo, bồi dưỡng nhân tài

Có một ngôi trường tự hào mang tên người thanh niên cộng sản đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa, đó là Trường THCS Lê Hữu Lập, đóng trên địa bàn thị trấn Hậu Lộc, huyện Hậu Lộc. Với bề dày truyền thống dạy và học, nhà trường luôn khẳng định là “cái nôi” đào tạo, bồi dưỡng nhân tài, góp phần làm rạng danh đất học xứ Thanh.

Trường THCS Lê Hữu Lập - “cái nôi” đào tạo, bồi dưỡng nhân tàiHọc sinh Trường THCS Lê Hữu Lập trong giờ ra chơi.

Từ khối các lớp chuyên của huyện, tháng 8-1991 trường được thành lập với tên gọi Trường Năng khiếu Hậu Lộc. Từ tháng 8-1997, Trường Năng khiếu Hậu Lộc được đổi tên thành Trường THCS Lê Hữu Lập cho đến nay. Bên cạnh nhiệm vụ tổ chức giảng dạy, học tập và tổ chức các hoạt động giáo dục và đào tạo, nhà trường là đơn vị đào tạo, bồi dưỡng học sinh mũi nhọn cho ngành giáo dục huyện. Cơ cấu tổ chức của nhà trường gồm ban giám hiệu, 3 tổ chuyên môn (khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, đặc thù) và 1 tổ văn phòng. Tổng số cán bộ, giáo viên, nhân viên có 40 người, trong đó có 33 giáo viên. Tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn, trên chuẩn đạt 100%, giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, cấp huyện đạt 100%.

Những năm qua, nhà trường luôn nhận được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, sự chăm lo tạo điều kiện của các tầng lớp Nhân dân để con em yên tâm học tập. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục được đào tạo, bồi dưỡng đủ về số lượng, hợp lý, đồng bộ về cơ cấu, có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ vững vàng. Giáo viên không ngừng tìm tòi, nghiên cứu để nâng cao chất lượng bài giảng, thể hiện qua các tiết dạy chuyên đề, có nhiều sáng kiến kinh nghiệm cấp huyện và cấp tỉnh.

Cơ sở vật chất trường, lớp học, thiết bị giáo dục, phòng thí nghiệm, thư viện được đầu tư xây dựng theo hướng kiên cố và hiện đại. Nhà trường hiện có 13 phòng học, 5 phòng chức năng (phòng ngoại ngữ, phòng tin học, phòng nghệ thuật, phòng thực hành Hóa - Sinh, phòng thực hành Vật lý – Công nghệ), 1 phòng thư viện, sân chơi bãi tập, nhà đa năng, khu nhà ăn, ngủ bán trú, khuôn viên nhà trường xanh, sạch, đẹp... đáp ứng đầy đủ các hoạt động giáo dục của nhà trường. Từ năm học 2009-2010 đến nay, thực hiện đề án của huyện, học sinh trong nhà trường có nhà cách trường từ 5 km trở lên được hưởng chế độ ăn bán trú với số tiền 200 nghìn đồng/tháng; được hỗ trợ tiền học phí 50% đối với tất cả học sinh trong trường. Từ năm học 2010-2011 nhà trường được đầu tư xây dựng khu bán trú (trong đó có 16 phòng ngủ và bếp nấu, phòng ăn, các trang thiết bị phục vụ việc ăn, ngủ bán trú của học sinh đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm) trên diện tích 7.000m2. Năm học 2019-2020, nhà trường được đầu tư xây dựng và sửa chữa thêm 8 phòng ngủ cho học sinh ăn bán trú. Qua đó đã thu hút được học sinh ở các xã xa trung tâm về trường học tập, rèn luyện. Vì vậy, số lượng học sinh năm sau luôn cao hơn năm trước. Từ đó góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường nói riêng và toàn huyện nói chung.

Trong 5 năm qua, nhà trường luôn phấn đấu cho mục tiêu giáo dục toàn diện với chất lượng và hiệu quả cao. Coi trọng giáo dục đạo đức, lối sống, rèn luyện kỹ năng sống thông qua các hoạt động học tập, trải nghiệm cho học sinh. Thực hiện tốt cuộc vận động “Kỷ cương – Tình thương – Trách nhiệm”. Xây dựng môi trường giáo dục thân thiện, chia sẻ, đoàn kết. Thực hiện tốt các chương trình công tác Đoàn và Đội. Các em học sinh thực hiện tốt các nội quy, quy định của nhà trường, giữ vững nền nếp kỷ cương, xác định đúng thái độ, động cơ học tập, chuyên cần và trung thực. Do vậy, tỷ lệ học sinh đạt hạnh kiểm tốt ngày càng tăng, hạnh kiểm khá giảm và không có học sinh hạnh kiểm trung bình hoặc yếu kém.

Nhà trường luôn quan tâm nâng cao chất lượng giáo dục qua các kỳ thi học sinh giỏi các cấp. Tổ chức thực hiện nghiêm túc việc coi thi, chấm chữa bài cho học sinh nhằm đánh giá chất lượng giáo dục một cách thực chất, khách quan. Chất lượng văn hóa đại trà được duy trì vững chắc, tỷ lệ học sinh đạt loại giỏi ngày càng tăng. Chất lượng mũi nhọn của nhà trường trong những năm gần đây đã có những bước tiến đột phá, luôn dẫn đầu tốp các trường THCS trên toàn tỉnh. Đặc biệt, trong 2 năm học 2017-2018 và 2018-2019, nhà trường được xếp thứ nhì; năm học 2021-2022 xếp thứ 5 toàn tỉnh.

Phong trào thi đua “Dạy tốt - Học tốt” đã trở thành truyền thống của ngành trong nhiều thập kỷ. Phong trào thi đua “Giỏi việc trường - đảm việc nhà” và các cuộc vận động “Dân chủ - Kỷ cương - Tình thương - Trách nhiệm” tiếp tục được triển khai. Nhà trường đã đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh”, cuộc vận động “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”, cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” và phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Các phong trào thi đua và các cuộc vận động đã tạo nên bước đột phá trong công tác thi đua, khen thưởng của nhà trường. Bên cạnh đó, nhà trường đã đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, thực hiện nghiêm các quy định dạy thêm, học thêm. Tích cực đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài, xã hội hóa giáo dục, tham gia các hoạt động từ thiện xã hội...

Với những thành tích đạt được, nhà trường đã được công nhận trường chuẩn quốc gia mức độ 2 giai đoạn 2021-2026, được xếp thứ nhất thi đua bậc THCS của huyện Hậu Lộc, xếp thứ nhì bậc THCS cụm thi đua các huyện, thị xã, thành phố đồng bằng ven biển. Suốt nhiều năm liền, nhà trường được UBND huyện Hậu Lộc tặng giấy khen. Những năm gần đây, nhà trường được UBND tỉnh tặng Cờ thi đua (2017, 2021), Thủ tướng Chính phủ tặng Cờ thi đua (2018), Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhì (2019).

Thầy Trịnh Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường THCS Lê Hữu Lập, chia sẻ: Để đạt được những thành tích trên, nhà trường đã tăng cường sự chỉ đạo của cấp ủy đảng, sự phối hợp của các tổ chức đoàn thể, hiệu lực quản lý Nhà nước, đổi mới phương thức hoạt động của đơn vị ngày càng vững mạnh toàn diện. Thường xuyên đẩy mạnh phong trào thi đua “Hai tốt” để nâng cao chất lượng giáo dục. Tăng cường công tác tự học, tự bồi dưỡng, viết sáng kiến kinh nghiệm để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, giáo viên. Đổi mới công tác quản lý, phương pháp giảng dạy. Làm tốt công tác xã hội hóa giáo dục, thi đua khen thưởng. Tăng cường xây dựng cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, khuôn viên trường lớp xanh, sạch, đẹp theo hướng kiên cố hóa, hiện đại hóa và trường chuẩn quốc gia. Chăm lo cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của đội ngũ cán bộ, giáo viên... Tự hào với bề dày truyền thống, thời gian tới nhà trường tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, giữ vững chất lượng học sinh giỏi cấp tỉnh. Thực hiện sáng tạo, hiệu quả các cuộc vận động và các phong trào thi đua bằng những nội dung, hình thức thiết thực, tạo chuyển biến rõ nét trong hoạt động giáo dục, góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, xây dựng quê hương, đất nước giàu đẹp, văn minh.

Ngọc Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]