(Baothanhhoa.vn) - Gắn công tác đào tạo với định hướng phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu thực tế việc làm của địa phương, Trường Cao đẳng Nông nghiệp Thanh Hóa luôn nỗ lực đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, tăng cường liên kết, phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp. Qua đó, tăng hiệu quả đào tạo và tỷ lệ học sinh có việc làm sau khi ra trường.

Trường Cao đẳng Nông nghiệp Thanh Hóa gắn đào tạo với nhu cầu thực tế

Gắn công tác đào tạo với định hướng phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu thực tế việc làm của địa phương, Trường Cao đẳng Nông nghiệp Thanh Hóa luôn nỗ lực đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, tăng cường liên kết, phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp. Qua đó, tăng hiệu quả đào tạo và tỷ lệ học sinh có việc làm sau khi ra trường.

Trường Cao đẳng Nông nghiệp Thanh Hóa gắn đào tạo với nhu cầu thực tếGiờ học thực hành của học sinh, sinh viên Khoa Nông Lâm nghiệp, Trường Cao đẳng Nông nghiệp Thanh Hóa.

Trường hiện đào tạo 13 ngành nghề trình độ cao đẳng,12 ngành nghề trình độ trung cấp, 26 nghề trình độ sơ cấp. Năm 2022, trường tuyển sinh được 899 học sinh, sinh viên (HSSV), tăng 18,6% so với năm 2021. Để tạo cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp và nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, nhà trường xác định việc hợp tác với doanh nghiệp là giải pháp quan trọng. Do đó, trường đã tích cực kết nối với nhiều doanh nghiệp trong hoạt động đào tạo và hỗ trợ sinh viên. Qua đó, tăng khả năng đào tạo, ứng dụng chuyển giao khoa học - công nghệ gắn với dịch vụ sản xuất, giúp HSSV học và thực hành gắn với nhu cầu thực tiễn của xã hội. Đến nay, trường đã kết nối, ký kết và duy trì hợp tác với hơn 20 doanh nghiệp. Điển hình như doanh nghiệp tư nhân Sông Xanh; Công ty Nông sản Phú Gia, Công ty TNHH Bò sữa Thống Nhất Thanh Hóa...

Thông qua chương trình ký kết, HSSV tại trường được tham gia các buổi thực hành tại các doanh nghiệp. Nhờ đó, ngay từ khi học tập và thực tập các em đã được tiếp xúc, làm quen với môi trường làm việc thực tế, góp phần củng cố kiến thức, nâng cao kỹ năng, chất lượng nguồn nhân lực cho nhà trường và xã hội. Hàng năm, tỷ lệ HSSV ra trường có việc làm đúng nghề đào tạo đạt 83%. Một số nghề có tỷ lệ HSSV ra trường làm đúng việc đạt 100% như: chăn nuôi, trồng trọt... Trưởng phòng Đào tạo Nguyễn Văn Ngọc cho biết: Do nhu cầu của doanh nghiệp về lao động trong lĩnh vực chăn nuôi và trồng trọt tương đối lớn nên HSSV sau khi tốt nghiệp đều tìm được việc làm phù hợp. Để HSSV có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp, nhà trường thường xuyên cập nhật, đánh giá xu hướng, nhu cầu việc làm tại địa phương, từ đó đưa ra định hướng, nội dung đào tạo đáp ứng tốt nhu cầu thực tế.

Song song với đó, việc nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên cũng là một trong những nhiệm vụ được nhà trường quan tâm. Trong đó chú trọng bồi dưỡng nghiệp vụ giảng viên, tăng cường trao đổi chuyên môn, khai thác có hiệu quả máy móc, thiết bị dạy học. Khuyến khích đội ngũ giảng viên luôn tích cực chỉnh sửa, đổi mới giáo án phù hợp với tình hình và rèn luyện để có tay nghề thành thạo. Nhờ vậy, 100% giáo viên, giảng viên của trường đều có giáo án phù hợp và kỹ năng thực hành...

Ngoài ra, Trường Cao đẳng Nông nghiệp Thanh Hóa cũng tập trung nghiên cứu chế tạo, đầu tư, mua sắm trang thiết bị máy móc giúp sinh viên có điều kiện tiếp cận với máy móc hiện đại trong các giờ học. Năm 2022, trường đã dành 430 triệu đồng để sửa chữa, nâng cấp máy móc, thiết bị, xây dựng phòng học. Tại khoa Cơ điện, ngành điện công nghiệp, ngoài các phòng thực hành tiêu chuẩn còn được trang bị phòng học thực hành đa năng, HSSV đọc và phân tích được các bản vẽ thiết kế lắp đặt điện công nghiệp, dân dụng; lắp đặt, vận hành, kiểm tra, hiệu chỉnh, bảo dưỡng và sửa chữa hệ thống cung cấp điện, tủ phân phối điện, máy điện và thiết bị điện trong các nhà máy, xí nghiệp. Qua đó, giúp HSSV dễ dàng tiếp thu kiến thức và áp dụng vào thực tế. Hay tại phòng thực hành chăn nuôi, thú y, các em học sinh Khoa Nông lâm nghiệp được quan sát mô hình giải phẫu vật nuôi, quan sát các mẫu bệnh phẩm thông qua hệ thống kính hiển vi điện tử, quan sát cách thiết kế hệ thống chuồng trại trong chăn nuôi, thực hành thao tác tiêm, truyền cho vật nuôi.

Em Nguyễn Đình Quang (Khoa Nông Lâm nghiệp) cho biết: “Ngoài kiến thức lý thuyết được học trên lớp, em còn được thực hành trên các mô hình rất hiện đại. Việc học trên các mô hình này, giúp chúng em tiếp thu, làm quen với các kiến thức thực tế”.

Để đáp ứng nhu cầu vừa học văn hóa phổ thông vừa học nghề của nhiều học sinh, trường phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Trường THPT Triệu Sơn 3 tổ chức đào tạo chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT cho em học sinh tốt nghiệp THCS có nguyện vọng vừa học nghề vừa học văn hóa phổ thông. Cùng với công tác giáo dục nghề nghiệp tại trường, nhà trường còn quan tâm công tác đào tạo ngắn hạn, bổ túc kiến thức cho đội ngũ lao động tại các địa phương. Trường đã tăng cường phối hợp liên kết đào tạo tại các địa phương; tổ chức đào tạo và bồi dưỡng thường xuyên dưới 3 tháng cho những người đang lao động trong lĩnh vực nông - lâm - nghiệp, thủy sản. Đặc biệt, trường đã phối hợp với các huyện miền núi thực hiện đào tạo nghề theo Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025, như năm 2022 phối hợp với huyện Mường Lát tổ chức các lớp trồng cây dược liệu, chăn nuôi và điều trị bệnh cho gia súc, gia cầm, điện dân dụng.

Với việc đào tạo theo nhu cầu thực tế, Trường Cao đẳng Nông nghiệp Thanh Hóa đã và đang nâng cao chất lượng nguồn lao động, tăng hiệu quả làm việc. Phát huy những kết quả đạt được, trường tiếp tục tăng cường liên kết, phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp, đánh giá nắm bắt nhu cầu thị trường, nâng cao chất lượng đào tạo để tăng tỷ lệ HSSV có việc làm ngay sau khi ra trường.

Bài và ảnh: Thùy Linh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]