(Baothanhhoa.vn) - Có điểm trường, có đội ngũ giáo viên tâm huyết, trách nhiệm, sự học ở bản Mùa Xuân đã có nhiều chuyển biến hơn trước. Nhưng rồi, khi trường lớp còn thiếu thốn từ phòng học cho đến trang thiết bị, đồ dùng dạy học, đời sống của người dân còn chưa cao nên việc đến trường của nhiều em nhỏ bản đồng bào Mông này vẫn còn không ít gian nan.

Gian nan chuyện học ở bản Mùa Xuân

Có điểm trường, có đội ngũ giáo viên tâm huyết, trách nhiệm, sự học ở bản Mùa Xuân đã có nhiều chuyển biến hơn trước. Nhưng rồi, khi trường lớp còn thiếu thốn từ phòng học cho đến trang thiết bị, đồ dùng dạy học, đời sống của người dân còn chưa cao nên việc đến trường của nhiều em nhỏ bản đồng bào Mông này vẫn còn không ít gian nan.

Gian nan chuyện học ở bản Mùa XuânHọc sinh vui chơi ở điểm lẻ bản Mùa Xuân, Trường Mầm non Sơn Thủy (Quan Sơn).

Trước năm 2020, bản đồng bào Mông Mùa Xuân, xã Sơn Thủy (Quan Sơn) còn chìm đắm trong hủ tục, tập quán sản xuất lạc hậu, đói nghèo và ma túy bủa vây. Vì nghèo, nên việc học tập của con em trong bản cũng thất thường. Trong khi trình độ dân trí còn chưa cao, nhiều đứa trẻ Mùa Xuân mới quen mặt chữ đã phải ở nhà lang thang nơi xó rừng góc núi, hoặc đi làm dâu, làm mẹ...

“Được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, năm 2021, bản Mùa Xuân được đầu tư lưới điện, đường giao thông và nhiều mô hình kinh tế, đời sống của người dân ngày càng được cải thiện, nâng cao. Chuyện học tập của con em trong bản đã có nhiều tiến bộ hơn trước. Các thầy cô giáo rất nhiệt tình, tâm huyết, đã vận động bà con trong bản cho con cháu đến trường đúng độ tuổi. Nhưng là bản đặc biệt khó khăn, giáp biên giới, nên việc học ở bản còn chưa như mong muốn”, bí thư chi bộ, trưởng bản Mùa Xuân Sung Văn Cấu cho biết.

Chúng tôi đến khu lẻ Mùa Xuân của Trường Mầm non Sơn Thủy nằm phía trên một con suối. Khu trường là một dãy nhà ngang với 3 phòng học đơn sơ, làm nơi học tập của 136 cháu nhỏ bản Mông. Nói là vậy, nhưng ở đây thực chất chỉ có 88 cháu nhóm lớp mẫu giáo được học. Bên trong mỗi căn phòng ấy chỉ vỏn vẹn khoảng 30m2, nhưng có gần 30 trẻ chật chội học bài và tuyệt nhiên không có nhà vệ sinh riêng biệt. Phía ngoài sân là bộ đồ chơi cầu trượt được đặt trên nền đất. Hết giờ chơi, không một cháu nào không lấm lem quần áo. Nhưng ở bản Mùa Xuân, các cháu được vui chơi thỏa thích trên bộ đồ chơi ấy là cả sự nỗ lực, cố gắng của thầy cô giáo đi vận động nhà hảo tâm.

Do chỉ có 3 phòng học, nên 48 cháu nhỏ nhóm nhà trẻ phải học ở nhà văn hóa bản. “Ở nhà văn hóa bản, thiếu thốn trang thiết bị và đồ dùng học tập, nên các cháu đến lớp không đều đặn. Các thầy cô giáo đã nhiều lần đi vận động phụ huynh cho các cháu đến lớp, nhưng tỷ lệ trẻ duy trì học thường xuyên cũng không cao. Trong khi những hôm bản có sự kiện tổ chức ở nhà văn hóa thì việc học của các cháu bị dừng lại”, cô giáo Ngân Thị Vui, khu trưởng khu Mùa Xuân, Trường Mầm non Sơn Thủy trải lòng.

Gian nan chuyện học ở bản Mùa XuânKhắc phục khó khăn về cơ sở vật chất, những cô giáo mầm non nỗ lực “gieo chữ” ở bản Mùa Xuân.

Trong khi phòng học còn thiếu thốn, thì câu chuyện về nhà công vụ đã trở thành ước mơ xa xỉ của những giáo viên lên đây cắm bản. Điểm trường có 8 giáo viên, trong đó chỉ có 1 thầy giáo là người bản địa, số còn lại đều công tác xa nhà. Do bản giáp biên giới, cách trung tâm xã Sơn Thủy hơn 20 cây số, đường đi lắm đèo nhiều dốc, nên những giáo viên đã buộc phải xin ở nhờ nhà dân. Ngoài giờ lên lớp, các cô cũng theo dân bản vào rừng hái măng, lội suối bắt tôm cá, hoặc trồng thêm rau xanh cải thiện bữa ăn. Trong số họ, có những người ở cách điểm trường gần 200km như trường hợp của cô giáo Lê Thị Dung ở huyện Triệu Sơn. Gần hơn, nhà cô giáo Ngân Thị Vui cũng cách điểm trường hơn 30km. Song vượt lên tất cả, họ đã nỗ lực để “gieo chữ” trên vùng đất khó.

Theo cô giáo Vui, đối với nhóm lớp mẫu giáo, các cháu đi học rất chuyên cần. Ngoài chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước cho các cháu ở vùng đặc biệt khó khăn, khu vực biên giới, các thầy cô giáo đã vận động các tổ chức thiện nguyện hỗ trợ thêm thức ăn dinh dưỡng cho các cháu. Các thầy cô giáo đã làm thêm nhiều đồ chơi, đồ dùng dạy học, nên các giờ dạy đã được đổi mới, mang lại sự thích thú cho trẻ...

Trong khi đó, khu lẻ bản Mùa Xuân của Trường Tiểu học Sơn Thủy cũng chẳng khá hơn là bao. Bị ảnh hưởng của thiên tai năm 2019, khu trường được dựng lại theo kiểu nhà lắp ghép với 5 phòng học cho gần 100 trẻ của 5 lớp. Tuy nhiên, cho đến nay khu trường cũng chỉ có 1 tivi và tuyệt nhiên chưa có một bộ máy vi tính, bộ bảng mới nào để phục vụ dạy học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Có chăng, mới đây, được sự quan tâm hỗ trợ của các nhà hảo tâm, khu trường đã được xây dựng thêm một khu nhà công vụ cho giáo viên lên đây cắm bản.

Bà Phạm Thị Lựu, Hiệu trưởng Trường Mầm non Sơn Thủy, cho biết, nhà trường mong muốn Đảng, Nhà nước các cấp sớm quan tâm đầu tư xây dựng khu lẻ mầm non bản Mùa Xuân, nhằm phục vụ việc học tập của các cháu. Đồng thời quan tâm xây dựng nhà công vụ và các công trình phụ trợ nhằm tạo điều kiện cho giáo viên yên tâm bám bản, bám lớp.

Bài và ảnh: Đỗ Đức



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]