Các tỉnh ven biển Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội và vị thế sẽ còn tăng lên trong bối cảnh quốc gia tiến ra biển, song đây cũng là khu vực chịu tác động rất lớn bởi mưa bão, rủi ro thiên tai.

Giảm rủi ro thiên tai ven biển: Cần phải dự báo chính xác theo từng cấp độ

Giảm rủi ro thiên tai ven biển: Cần phải dự báo chính xác theo từng cấp độ (Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN)

Các tỉnh ven biển Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội và vị thế sẽ còn tăng lên trong bối cảnh quốc gia tiến ra biển, song đây cũng là khu vực chịu tác động rất lớn bởi mưa bão, rủi ro thiên tai.

Để giảm thiệt hại, theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, việc xây dựng mức độ, các cấp cảnh báo rủi ro thiên tai sẽ giúp phòng ngừa, ứng phó, giảm thiểu thiệt hại và khắc phục hậu quả thiên tai một cách hợp lý, hiệu quả hơn.

11,8 triệu người bị ảnh hưởng trực tiếp do lũ

Tiến sỹ Nguyễn Quốc Khánh - Phó Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết trong những năm qua, Việt Nam đã ghi nhậnnhiều cơn bão gây nước biển dâng cao kèm theo sóng lớn, làm tràn, vỡ đê, gây ngập lụt trên diện rộng .

Trong số đó, có nhiều cơn bão đổ bộ vào thời điểm triều cường với nước dâng bão cao từ 1-2m làm vỡ đê, gây ngập úng nghiêm trọng.

Một số cơn bão gây ảnh hưởng nghiêm trọng như bão Washi năm 2005 tại Hải Phòng; bão Damrey năm 2005 tại tỉnh Nam Định; bão Kalmaegi năm 2014 tại tỉnh Quảng Ninh, bão Doksuri năm 2017 tại tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh; bão Vamco năm 2020 tại tỉnh Quảng Bình và tỉnh Quảng Trị...

Ông Khánh cũng lưu ý biến đổi khí hậu, nước biển dâng có xu hướng ngày càng gia tăng về tần suất, thời gian và cường độ, là tác nhân gia tăng xói lở bờ biển, xâm nhập mặn và ngập lụt vùng ven biển.

Theo kịch bản biến đổi khí hậu năm 2020, khi nước biển dâng lên 100cm sẽ khiến các tỉnh ven biển Đồng bằng sông Cửu Long có nguy cơ ngập từ 30-80% diện tích, Đồng bằng sông Hồng từ 20-40%.

Thực tế thời gian qua cho thấy tại các khu vực ven biển, rủi ro thiên tai cận kề nhất là nước biển dâng, bão, hạn hán, xâm nhập mặn. Trong đó, bão, mưa lớn dẫn đến ngập lụt là những rủi ro thiên tai tác động nhiều nhất.

Đơn cử với các tỉnh từ Quảng Ninh đến Thừa Thiên Huế, với mức cảnh báo rủi ro thiên tai do nước biển dâng đến cấp 5, mực nước dâng có thể từ 5-6m.

Nghiên cứu đánh giá rủi ro thiên tai năm 2020 của Ngân hàng thế giới và Quỹ Giảm nhẹ Rủi ro Toàn cầu cho thấy với xu hướng diễn biến thời tiết, khí hậu như hiện nay, vùng ven biển Việt Nam sẽ có 11,8 triệu người bị ảnh hưởng trực tiếp do lũ; thiệt hại 1 triệu đô la GDP trong nông nghiệp do lũ.

Ngoài ra 42% khách sạn ven biển nằm trong khu vực bị sạt lở; một nửa số khu công nghiệp đứng trước nguy cơ bị ảnh hưởng do lũ lớn; 22% trường học, 26% các cơ sở y tế đứng trước nguy cơ bị ảnh hưởng do lũ lớn...

Công tác dự báo cần xây dựng thành chiến lược

Theo Phó Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu Nguyễn Quốc Khánh, trong bối cảnh biến đổi khí hậu, bão được dự đoán sẽ diễn biến phức tạp và ngày càng khó lường hơn. Do đó, công tác dự báo theo cấp độ rủi ro cần xây dựng thành chiến lược làm cơ sở cho việc xây dựng kế hoạch phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.

Giảm rủi ro thiên tai ven biển: Cần phải dự báo chính xác theo từng cấp độTăng cường trồng cây chắn sóng, bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ, rừng ngập mặn ở cửa sông, ven biển. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

“Việc xây dựng mức độ, các cấp cảnh báo rủi ro thiên tai nhằm phục vụ hoạt động phòng ngừa, ứng phó, giảm thiểu thiệt hại và khắc phục hậu quả thiên tai một cách hợp lý, phù hợp và hiệu quả hơn,” ông Khánh lưu ý.

Theo ông Khánh, các vùng, địa phương, lực lượng chức năng sẽ tùy theo cấp độ rủi ro thiên tai để huy động sự tham gia của các thành phần. Ví dụ như rủi ro thiên tai do lũ, ngập lụt ở cấp 4 (mức cảnh báo gần cao nhất) thì phải huy động sự vào cuộc của tất cả các bộ, ngành, địa phương và người dân, từ đó sẽ quyết định đến hiệu quả trong công tác phòng ngừa, ứng phó, giảm thiểu thiệt hại và khắc phục hậu quả thiên tai.

“Cùng một cao độ, các cấp độ rủi ro do nước biển dâng đối với các vùng ven biển sẽ khác nhau phụ thuộc vào các yếu tố địa phương như địa hình, cơ sở hạ tầng, sức chống chịu và năng lực ứng phó. Điều này đòi hỏi việc xây dựng cấp độ rủi ro cần phải chi tiết hóa theo đặc thù địa phương,” ông Khánh nói.

Ông Khánh cũng cho biết hiện nay, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu đang triển khai một số đề tài cấp bộ, cấp Nhà nước về nghiên cứu phân cấp, đánh giá rủi ro các loại hình thiên tai ở Việt Nam; nghiên cứu xây dựng hệ thống cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai bão và áp thấp nhiệt đới theo các bản tin dự báo khí tượng thủy văn và áp dụng thử nghiệm cho khu vực Bắc Trung Bộ.

Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu cũng nghiên cứu về các giải pháp khoa học và công nghệ quản lý đa thiên tai, xây dựng công cụ hỗ trợ cho khu vực ven biển, ven biển Trung Trung Bộ,... góp phần đánh giá được mức độ rủi ro thiên tai ngày càng gia tăng.

“Những giải pháp cấp thiết để phòng tránh các rủi ro thiên tai như nâng cao hiệu quả công tác dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn biển; củng cố, nâng cấp hệ thống đê biển, đảm bảo sức chống chịu trước các cấp bão thường xuyên xảy ra (bão kết hợp triều cường); tăng cường trồng cây chắn sóng, bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ, rừng ngập mặn ở cửa sông, ven biển, bảo tồn cồn cát tự nhiên ven biển,” ông Khánh lưu ý.

Đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng nhấn mạnh để nâng cấp và đổi mới hệ thống cảnh báo, bộ đề xuất áp dụng các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo và học máy để nâng cao độ chính xác của các mô hình dự báo thiên tai, đặc biệt là đối với lũ lụt, bão và sạt lở đất; bổ sung thêm các trạm quan trắc tự động với các công nghệ quan trắc thế hệ mới, nhất là ở các khu vực dễ bị ảnh hưởng, đảm bảo thu thập dữ liệu chính xác, kịp thời; xây dựng hệ thống thông tin cảnh báo thiên tai.

Bên cạnh đó, các cơ quan liên quan cần xây dựng các chương trình giáo dục và truyền thông về biến đổi khí hậu và nguy cơ thiên tai nhằm nâng cao ý thức của người dân về các biện pháp tự phòng ngừa và bảo vệ trước thiên tai; rà soát lại các quy hoạch, chiến lược của địa phương bao gồm quy hoạch về hạ tầng, sử dụng đất, dân cư, phòng chống thiên tai đặc biệt tại những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề của cơn bão vừa qua./.

Theo TTXVN



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]