(Baothanhhoa.vn) - Dù đã ra khỏi khu vực đặc biệt khó khăn (ĐBKK), nhưng cái “được” lại chưa phải là vòng nguyệt quế; mà là nỗi ám ảnh về “vòng kim cô” luẩn quẩn của thoát nghèo - tái nghèo. Bởi con đường thoát khỏi nghèo nàn lạc hậu sẽ như cành đa... cụt, nếu không dựa trên nền tảng cơ bản là sinh kế, việc làm bền vững.

Giảm nghèo hay câu chuyện “con kiến leo cành đa...” (Bài 2): “Leo phải cành cụt”

Dù đã ra khỏi khu vực đặc biệt khó khăn (ĐBKK), nhưng cái “được” lại chưa phải là vòng nguyệt quế; mà là nỗi ám ảnh về “vòng kim cô” luẩn quẩn của thoát nghèo - tái nghèo. Bởi con đường thoát khỏi nghèo nàn lạc hậu sẽ như cành đa... cụt, nếu không dựa trên nền tảng cơ bản là sinh kế, việc làm bền vững.

Giảm nghèo hay câu chuyện “con kiến leo cành đa...” (Bài 2): “Leo phải cành cụt”Trồng và sơ chế luồng mới giải quyết được nhu cầu kinh tế trước mắt cho người dân huyện Quan Hóa. Ảnh: P.V

Giảm sâu - kém bền

Trở lại với con số về tỷ lệ giảm nghèo - cơ sở để 74 xã ĐBKK giai đoạn 2016-2020 thoát diện ĐBKK giai đoạn 2021-2025. Theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016-2020, tỷ lệ hộ nghèo của 74 xã khu vực ĐBKK giảm rất nhanh, rất sâu và chỉ còn 6,92%. Tỷ lệ này gần như đã “chạm đáy” (trừ các đối tượng nghèo bảo trợ, người không có sức lao động do già yếu, mắc bệnh hiểm nghèo, hay nghèo đột xuất do thiên tai, dịch họa...), song kết quả giảm nghèo lại chưa thật sự bền vững.

Minh chứng là, khi tính theo chuẩn nghèo giai đoạn 2021-2025, đến cuối năm 2022 tỷ lệ hộ nghèo của 74 xã đã tăng lên nhanh chóng và cán mốc 23,2%, gấp hơn 3,3 lần cuối giai đoạn trước. Có ý kiến cho rằng, do chuẩn nghèo giai đoạn 2021-2025 tăng một số tiêu chí, đã khiến tỷ lệ hộ nghèo của 74 xã thoát diện ĐBKK tăng trở lại. Điều này đúng, nhưng chưa đủ. Bởi, vấn đề không nằm ở bộ công cụ đo lường giai đoạn 2021-2025, mà nằm ở cách tính toán tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn trước.

Bên cạnh tỷ lệ hộ nghèo còn khá cao, thực tế nếu đưa lên “bàn cân” để so sánh thì 74 xã không còn thuộc diện ĐBKK giai đoạn 2021-2025 so với các xã ĐBKK hiện nay, sẽ thấy không có sự chênh lệch đáng kể về trình độ phát triển kinh tế - xã hội, mức thu nhập, hay mức hưởng thụ các dịch vụ xã hội cơ bản (việc làm, giáo dục, y tế, viễn thông, thông tin...). Trong khi đó, cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển sản xuất và đời sống ở các xã này dù đã được đầu tư, nhưng so với yêu cầu vẫn còn thiếu và yếu. Việc huy động nguồn lực trong Nhân dân ở các xã này để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội gần như bất khả thi...

Đơn cử như huyện Quan Hóa. Theo kết quả rà soát tính đến tháng 12-2020, toàn huyện còn 712 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 6,4%; 3.771 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 33,9%. Đặc biệt, một số xã thuộc diện ĐBKK có tỷ lệ hộ nghèo giảm rất sâu như Phú Nghiêm 2,98%, Nam Xuân 5,23%, Phú Lệ 5,94%, Phú Xuân 6,64%, Phú Sơn 6,67%... Theo Quyết định số 582/QĐ-CP, ngày 28-4-2017 của Thủ tướng Chính phủ, huyện Quan Hóa có 14/15 xã, thị trấn và 74/107 thôn, bản thuộc diện ĐBKK. Sau khi Quyết định số 861/QĐ-TTg và Quyết định số 612/QĐ-UBDT có hiệu lực, huyện Quan Hóa không còn xã khu vực III (xã ĐBKK), mà chỉ còn 8 xã khu vực II, 7 xã khu vực I và 36 thôn bản ĐBKK (giảm 14 xã khu vực III và 38 thôn/bản ĐBKK so với giai đoạn 2016-2020).

Song, theo đánh giá của chính quyền địa phương, kết quả trên chưa phản ánh đúng tình hình kinh tế - xã hội và đời sống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn. Bởi thực tế, Quan Hóa hiện vẫn thuộc diện huyện nghèo nhất cả nước. Tính theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025, cuối năm 2021 số hộ nghèo trên địa bàn tăng lên 3.738 hộ, chiếm 33,51%; hộ cận nghèo tăng 3.773 hộ, chiếm 33,83%. Đến cuối năm 2022, hộ nghèo tuy có giảm nhưng vẫn còn 3.154 hộ, chiếm 28,16%; cận nghèo là 3.997 hộ, chiếm 35,68%. Nhiều xã có tỷ lệ hộ nghèo tăng rất cao, chiếm gần 45% như Trung Thành, Thành Sơn, Trung Sơn, Hiền Kiệt...

Kết quả rà soát đến tháng 12-2020, xã Phú Xuân còn 73 hộ nghèo, chiếm 6,64%; 425 hộ cận nghèo, chiếm 38,64%. Sau khi rà soát lại theo tiêu chí giai đoạn 2021-2025, tỷ lệ hộ nghèo tăng mạnh trở lại. Cụ thể, cuối năm 2021 toàn xã còn 450 hộ nghèo, chiếm tới 40,95%; 383 hộ cận nghèo, chiếm 34,85%. Đến cuối năm 2022, hộ nghèo giảm còn 382 hộ, chiếm 34,41%; 453 hộ cận nghèo, chiếm 40,54%.

Lý giải về nguyên nhân khiến địa phương dù còn gặp rất nhiều khó khăn nhưng vẫn thoát diện ĐBKK, Chủ tịch UBND xã Phú Xuân (Quan Hóa) Cao Hồng Được - người vừa đảm nhiệm chức vụ này chưa lâu, không khỏi bối rối: “Có lẽ do cách tính của địa phương có phần chủ quan. Theo như quy định giai đoạn trước, thường sẽ lấy tỷ lệ hộ nghèo và hộ cận nghèo làm căn cứ để xét khu vực ĐBKK. Nếu theo cách tính cũ thì dù tỷ lệ hộ nghèo có giảm, nhưng khi cộng cả hộ cận nghèo, thì địa phương vẫn đủ cơ sở để nằm trong khu vực ĐBKK”?!

Có lẽ, ông Được và lãnh đạo nhiều địa phương lúc bấy giờ đã không lường hết được sự thay đổi của công cụ chính sách, mà cụ thể ở đây là tiêu chí đo lường khu vực III, để có sự tính toán làm sao cho “vẹn cả đôi đường”. Đó là vừa đạt được chỉ tiêu giảm nghèo, lại vừa không bị “mất” khu vực ĐBKK. Bởi, ra khỏi khu vực ĐBKK với Phú Xuân lúc này - một xã mà dân tộc thiểu số chiếm tới 98,21%, có 34,41% hộ nghèo và 40,54% hộ có nguy cơ tái nghèo cao - quả là khó chồng thêm khó. Vậy mới nói, đôi khi chỉ “sai” một ly - dù chỉ là vài con số, vài cái phết phẩy, vài lần nâng lên đặt xuống thôi... là đã “đi” so với mục tiêu hàng chục dặm!

Nghèo là tiêu chí “cứng”

Chuẩn nghèo quốc gia được xem là cơ sở để xây dựng các chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội và hoạch định các chính sách kinh tế - xã hội của đất nước, khu vực và của từng địa phương. Do đó, từ năm 1993 đến nay Việt Nam đã 8 lần ban hành chuẩn nghèo quốc gia (1993-1995, 1995-1997, 1997-2000, 2001-2005, 2006-2010, 2011-2015, 2016-2020 và 2021-2025). Đồng thời, qua mỗi giai đoạn, chuẩn nghèo lại có sự điều chỉnh cho phù hợp với yêu cầu của công tác giảm nghèo, cũng như tiệm cận dần với chuẩn nghèo thế giới.

Giảm nghèo hay câu chuyện “con kiến leo cành đa...” (Bài 2): “Leo phải cành cụt”Mô hình chăn nuôi lợn giúp một số hộ nghèo tại xã Mường Mìn (Quan Sơn) vươn lên thoát nghèo.

Đặc biệt, giai đoạn 2021-2025 Việt Nam đã thiết kế và áp dụng chuẩn nghèo đa chiều mới. Theo đó, chuẩn nghèo được nâng lên để sát với mức sống tối thiểu, đặc biệt là tăng gấp đôi ngưỡng thu nhập. Cụ thể, tiêu chí về thu nhập tương ứng với 1,5 triệu đồng/người/tháng ở khu vực nông thôn (giai đoạn 2016-2020 là 700.000 đồng/người/tháng); và 2 triệu đồng/người/tháng ở khu vực thành thị (giai đoạn 2016-2020 là 900.000 đồng/người/ tháng). Ngoài ra, có 6 dịch vụ xã hội cơ bản (bổ sung thêm 1 chiều thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản về việc làm) và 12 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản.

Theo đánh giá từ Chương trình phát triển của Liên hợp quốc (UNDP), việc áp dụng chuẩn nghèo đa chiều làm công cụ xác định mục tiêu, theo dõi tình hình nghèo đói và xây dựng chính sách những năm gần đây đã cho thấy sự thay đổi về chất rất quan trọng trong việc đo lường, giám sát, cũng như thực thi các giải pháp, chính sách giảm nghèo của Việt Nam. Vấn đề là, có bộ công cụ đo lường chuẩn, nhưng việc triển khai hay áp dụng bộ công cụ ấy vào thực tiễn càng phải chuẩn, để chuẩn nghèo không bị “méo mó” và trở nên “lệch chuẩn”. Có như vậy, công tác giảm nghèo mới thật sự hiệu quả và bền vững từ thực tiễn cuộc sống, chứ không phải chỉ hiệu quả và đẹp trên những... con số.

Cũng như nhiều nhiệm vụ khác, việc giao chỉ tiêu giảm nghèo được xem là “điều kiện cần” hay là cơ sở, là căn cứ để các địa phương xây dựng chỉ tiêu, kế hoạch, phương án, thậm chí là giải pháp cụ thể để triển khai công tác giảm nghèo. Đồng thời, việc giao chỉ tiêu giảm nghèo cho các địa phương cũng được xem là một tiêu chí để đánh giá vai trò, trách nhiệm, sự chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy; cũng như năng lực điều hành, tổ chức thực hiện nhiệm vụ của chính quyền các cấp.

Đặc biệt, việc đưa chỉ tiêu này vào nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp, trong đó Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XVIII đã xác định Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững là 1 trong 5 chương trình trọng tâm của cả nhiệm kỳ, đã cho thấy công tác giảm nghèo bền vững là chủ trương lớn, quan trọng, nhất quán, xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta. Trên cơ sở đó, Quyết định số 289-QĐ/TU, ngày 27-5-2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về ban hành Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2016-2020, được xem là cơ sở để huy động tổng hợp các nguồn lực và sự tham gia của cả hệ thống chính trị trong quá trình thực hiện công tác giảm nghèo. Và thực tế những năm qua cho thấy, việc thực hiện Quyết định số 289-QĐ/TU đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện về công tác giảm nghèo, đặc biệt tại các huyện nghèo, xã, thôn, bản ĐBKK, vùng dân tộc, miền núi, bãi ngang ven biển, đúng với phương châm “Chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”!

Chiều thuận thể hiện qua những con số giảm nghèo, mà cụ thể ở đây là số xã ĐBKK đã thoát diện ĐBKK. Song ở chiều ngược lại, khi nghèo là tiêu chí “cứng” đã buộc cơ sở nhiều khi phải “xoay xở” để đạt chỉ tiêu từ trên “áp” xuống. Từ đó, có nơi, có thời điểm đã tạo nên một cuộc chạy đua thành tích, với kết quả giảm nghèo “ảo” và ít nhiều còn mang tính “chủ quan duy ý chí”. Bởi chỉ dựa vào tỷ lệ để đánh giá, chứ chưa dựa vào thực chất công tác giảm nghèo, hay nói đúng hơn là chưa dựa vào nội lực - khả năng giảm nghèo chắc chắn và bền vững của bản thân người nghèo - đối tượng được thụ hưởng chính sách giảm nghèo. Chính vì đưa vào kế hoạch và “áp” chỉ tiêu cụ thể, buộc các địa phương phải giảm theo đúng lộ trình vạch sẵn. Thế nên, xung quanh câu chuyện bên lề, rằng vì sao còn gặp không ít khó khăn, thế nhưng nhiều xã vẫn thoát diện ĐBKK, chúng tôi đã được nghe những điều tưởng vô lý mà ngẫm ra cũng thật... hợp lý.

Ví như chuyện giảm nghèo nhanh, sâu nhưng kém bền vững. Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Quan Hóa Hà Văn Thủy cho biết: Giai đoạn trước, huyện đặt ra mục tiêu phấn đấu giảm từ 10% hộ nghèo/năm. Theo đó, chỉ khoảng 3 năm là gần như... hết nghèo. Chính vì áp chỉ tiêu giảm nghèo cao, nên đã kéo tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống sâu. Song khi nhìn lại kết quả thực, địa phương không thể không quay trở lại “thước đo” thực tế. Theo đó, năm 2020 thu nhập bình quân đầu người là 32 triệu đồng/người/năm. Đến năm 2021, sau khi tiến hành khảo sát lại số liệu hộ nghèo, nhất là về thu nhập, thì thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn đã giảm xuống chỉ còn 24 triệu đồng/người/năm.

Hay như chuyện về cách người ta tính tỷ lệ giảm nghèo trên... giấy. Chẳng hạn, một địa phương X., đầu năm 2022 có 3.738 hộ nghèo, chiếm 33,31% (tỷ lệ này tăng đột biến do tiêu chí thu nhập tăng). Năm 2023, kế hoạch địa phương đề ra là giảm 4,7 - 5% hộ nghèo, nhưng kế hoạch cấp trên giao phải giảm 5,62%, tương đương với 630 hộ. Căn cứ kế hoạch được giao thì cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo của địa phương sẽ giảm còn 22,54% (tương đương với 2.254 hộ). Và nếu cứ theo cách tính ấy (giảm trên 5% hộ nghèo/năm), thì đến cuối năm 2025, địa phương này “có khả năng” sẽ hoàn thành chỉ tiêu giảm nghèo của cả nhiệm kỳ!?

...

Không có được “bệ đỡ” căn bản là việc làm hay sinh kế mang lại thu nhập ổn định. Đây được xem là nguyên nhân chính khiến cho tỷ lệ nghèo ở 74 xã đã thoát diện ĐBKK dễ dàng “trồi” - “sụt”. Đồng thời, nó cũng cho thấy tính dễ bị tổn thương và tình trạng nghèo về thu nhập của người dân. Chưa kể, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, thiên tai... là những nguy cơ thường trực khiến cho nhiều nỗ lực xóa bỏ nghèo đói gặp nhiều thách thức; đồng thời, khiến mục tiêu giảm nghèo khó trở nên bền vững như kỳ vọng. Để rồi hệ quả là, công cuộc giảm nghèo có lúc, có nơi không khác gì cuộc hành trình của bầy kiến leo cành đa: “Leo phải cành cụt leo ra leo vào...”!

Nhóm Phóng viên

Bài cuối: Cần “hàng rào kỹ thuật” làm điểm tựa.

Tin liên quan:


 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]