(Baothanhhoa.vn) - Thoát khỏi khu vực đặc biệt khó khăn, những tưởng sẽ “chào đón” một tương lai mới. Song thoát vùng khó liệu có chắc sẽ thoát nghèo, khi mà các chính sách vốn là “trụ đỡ” suốt hàng chục năm qua, cũng bị “gỡ xuống”?

Giảm nghèo hay câu chuyện “con kiến leo cành đa...” (Bài 1): Thoát khó, có thoát nghèo?

Thoát khỏi khu vực đặc biệt khó khăn, những tưởng sẽ “chào đón” một tương lai mới. Song thoát vùng khó liệu có chắc sẽ thoát nghèo, khi mà các chính sách vốn là “trụ đỡ” suốt hàng chục năm qua, cũng bị “gỡ xuống”?

Giảm nghèo hay câu chuyện “con kiến leo cành đa...” (Bài 1): Thoát khó, có thoát nghèo?

Sản phẩm OCOP được bày bán tại HTX nông nghiệp xanh Duy Linh (huyện Quan Sơn). Ảnh: P.V

Từ “cái rốn” chính sách....

Xác định vị trí chiến lược quan trọng của công tác dân tộc; đồng thời, với mục đích tạo điểm tựa đưa khu vực đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nhất là vùng đặc biệt khó khăn (ĐBKK) thoát khỏi “vùng trũng” của sự phát triển, Đảng và Nhà nước ta đã xây dựng một “lưới chính sách” có tính bao trùm, nhằm “phủ” lên hầu khắp các lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội.

Cũng nhờ đó mà hàng chục năm qua, hàng ngàn hộ dân vùng dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) Thanh Hóa nói chung, vùng ĐBKK nói riêng (với 225 xã miền núi, gồm 42 xã khu vực I, 83 xã khu vực II và 100 xã khu vực III), đã được thụ hưởng hàng loạt chính sách đầu tư phát triển kinh tế và an sinh xã hội. Theo thống kê chưa đầy đủ, chỉ tính riêng giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh đã triển khai ngót cả chục chương trình, cơ chế, chính sách lớn. Điển hình trong đó phải kể đến chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo nhanh và bền vững (bao gồm cả Chương trình 135); Chương trình Mục tiêu quốc gia XDNTM; dự án định canh định cư; chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt theo Quyết định số 755/QĐ-TTg; các chính sách về an sinh xã hội; hỗ trợ trực tiếp cho người nghèo theo Quyết định 102/QĐ-TTg; chính sách cho người có uy tín cho đồng bào dân tộc thiểu số theo Quyết định 56/QĐ-TTg và Quyết định số 18/QĐ-TTg; chính sách cấp một số ấn phẩm báo và tạp chí; một số chính sách về tuyên truyền pháp luật...

Trong đó, với Chương trình 135, các xã, thôn, bản vùng ĐBKK đã được hỗ trợ 363 tỷ đồng để đầu tư xây dựng hơn 420 công trình giao thông, thủy lợi, nhà văn hóa, điện...; hỗ trợ hơn 98 tỷ đồng mua giống cây trồng, vật nuôi, phân bón, vật tư và xây dựng các mô hình phát triển sản xuất, mô hình giảm nghèo... Chương trình giảm nghèo bền vững theo Nghị quyết 30a, đã phân bổ cho các xã thuộc 7 huyện nghèo hơn 557 tỷ đồng, để đầu tư hơn 29 công trình giao thông, thủy lợi, nhà văn hóa, trường học, điện... với mức bình quân khoảng 15 tỷ/công trình; hỗ trợ 40 tỷ để phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo. Chương trình XDNTM đầu tư hơn 677 tỷ đồng xây dựng kết cấu hạ tầng và hơn 52 tỷ đồng hỗ trợ phát triển sản xuất trên địa bàn các xã, thôn, bản đạt chuẩn NTM... Ngoài ra, Ngân hàng Chính sách xã hội đã giải ngân hơn 2.629 tỷ đồng vốn ưu đãi, cho vay phát triển sản xuất, tạo việc làm, vay hộ nghèo, học sinh, sinh viên...

Như một lối ví von thì khu vực dân tộc thiểu số và miền núi, nhất là khu vực ĐBKK, giống như “cái rốn” chính sách - nơi “hút” về phía nó hàng loạt cơ chế, chính sách lớn, từ đầu tư phát triển đến an sinh xã hội. Cũng nhờ hệ thống chính sách khá toàn diện, được triển khai thực hiện tương đối đồng bộ và hiệu quả, đã tạo cơ sở để đẩy nhanh tốc độ giảm nghèo ở các huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa. Kết quả là, tốc độ giảm nghèo khu vực này luôn cao hơn 1,7 lần bình quân chung toàn tỉnh; trong đó, riêng 7 huyện nghèo (Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn, Bá Thước, Lang Chánh, Thường Xuân, Như Xuân) cao gấp 2,1 lần bình quân chung toàn tỉnh; tỷ lệ hộ nghèo bình quân giảm 2,3%/năm (theo tiêu chí nghèo đa chiều). Đến năm 2020, huyện Như Xuân đã thoát khỏi diện huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ. Đồng thời, qua rà soát, có 74/100 xã khu vực III thoát diện ĐBKK.

...đến sự “chới với” khi mất "bệ đỡ"

Được “bao bọc” trong tấm lưới chính sách khá dày và chắc chắn là điều kiện để người dân khu vực miền núi nói chung, vùng ĐBKK nói riêng, vươn lên từng bước thoát nghèo. Những tưởng, mọi việc cứ đúng theo lộ trình, theo “kịch bản”, nghĩa là 74 xã đã đủ các điều kiện để thoát khỏi khu vực III (theo quy định tại Quyết định số 33/2020/QĐ-TTg, ngày 12-11-2020 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí phân định vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2025), sẽ “từ đây đổi mới”. Nhưng không! Sau khi thoát khỏi diện ĐBKK, người ta mới “tá hỏa” lên vì thấy... bất lợi, thiệt thòi quá. Bởi 12 chính sách là những “trụ cột” chống đỡ cả về kinh tế lẫn an sinh trước đó như chính sách đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng (Chương trình 135), các chính sách về y tế, giáo dục, chính sách đối với cán bộ, công chức... gần như bị “gỡ” hết, khiến nhiều người không khỏi... hụt hẫng!

Giảm nghèo hay câu chuyện “con kiến leo cành đa...” (Bài 1): Thoát khó, có thoát nghèo?Mô hình nuôi thỏ tại xã Thành Trực (Thạch Thành).

Đơn cử một vài ví dụ. Với chính sách mua thẻ BHYT cho các đối tượng được ngân sách Nhà nước đóng và hỗ trợ mức đóng cho 74 xã thoát diện ĐBKK, có tới 312.668 người bị ảnh hưởng. Chính sách miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập có 39.125 người bị ảnh hưởng; chính sách phát triển giáo dục mầm non có 12.370 người bị ảnh hưởng; chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn ĐBKK có 6.904 người bị ảnh hưởng. Chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng ĐBKK, có tới 6.317 người bị ảnh hưởng. Hay chính sách bảo vệ và phát triển rừng gắn với giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số có 62 xã bị ảnh hưởng (trong đó: hỗ trợ khoán bảo vệ rừng, hỗ trợ bảo vệ rừng là 13.450 hộ/60.813 người/114.517,4 ha; trồng rừng thay thế là 430 hộ/1.850 người/660 ha)...

Quan Sơn là một trong những địa phương có nhiều xã, thôn ĐBKK nhất toàn tỉnh Thanh Hóa (huyện có 12 xã khu vực III và 1 bản ĐBKK thuộc xã khu vực II). Trong giai đoạn 2016-2021, ngân sách Nhà nước hỗ trợ trực tiếp cho địa phương nguồn kinh phí lên đến trên 451,42 tỷ đồng (bình quân mỗi năm hỗ trợ trên 90,28 tỷ đồng). Nguồn kinh phí này đã được dùng đầu tư cơ sở hạ tầng và hỗ trợ sản xuất, giúp hộ dân tộc thiểu số, hộ nghèo vùng ĐBKK đã có điều kiện giảm nghèo. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện giai đoạn 2016-2021 giảm còn 5,77%; tỷ lệ hộ cận nghèo 28,44%...

Sang giai đoạn 2021-2025, theo Quyết định số 861/QĐ-TTg, ngày 4-6-2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt danh sách các xã khu vực III, II, I thuộc vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2025 và Quyết định số 612/QĐ-UBDT, ngày 16-9-2021 của Ủy ban Dân tộc về phê duyệt danh sách thôn ĐBKK vùng DTTS &MN giai đoạn 2021-2025, huyện Quan Sơn chỉ còn 2 xã là Sơn Thủy, Na Mèo và 9 thôn bản (xã khu vực I) thuộc diện ĐBKK. Do số xã ĐBKK giảm nên tổng kinh phí hỗ trợ cho các xã này tính đến tháng 6-2021 giảm còn 42,4 tỷ đồng và đến hết năm 2021 chỉ còn trên 14 tỷ đồng. Việc kinh phí thực hiện các chính sách “giảm sâu” đã thực sự gây ra “cú sốc” đối với người dân và cả đội ngũ cán bộ, công chức địa phương thời gian đầu khi mới thoát khỏi khu vực ĐBKK.

Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Quan Sơn Hà Xuân Thành, thừa nhận: Mặc dù 9 xã đã thoát khỏi diện ĐBKK giai đoạn 2021-2025, song thực tế các xã này hiện vẫn rất khó khăn. Thậm chí, nhiều xã vùng dưới đã thoát diện ĐBKK còn khó khăn hơn các xã vùng cao đang trong diện ĐBKK. Đơn cử như một số bản thuộc diện ĐBKK do thiếu điện, viễn thông, nhưng lại không khó khăn về thu nhập. Ngược lại, một số bản vùng dưới tuy thoát diện ĐBKK, nhưng thu nhập của người dân lại rất bấp bênh, thiếu cơ sở để bảo đảm cho việc thoát nghèo, thoát khó một cách bền vững.

Là những người thực thi chính sách ở cơ sở, ông Thành và một số cán bộ địa phương cho rằng, việc “cắt” các chính sách sau khi các xã, thôn thoát khỏi diện ĐBKK, về lý thuyết là đúng. Tuy nhiên, căn cứ vào khả năng phản ứng chính sách của chính quyền cơ sở và năng lực thích ứng của người dân - mà thực tế là cả 2 điều này còn rất hạn chế - thì thay vì “cắt” luôn và gây ra nhiều hệ lụy, thì nên “cắt giảm” theo giai đoạn, nhằm giúp chính quyền và người dân có sự điều chỉnh và thích ứng.

Theo Quyết định số 582/QĐ-TTg, ngày 28-4-2017 về phê duyệt danh sách thôn đặc biệt khó khăn, xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng DTTS&MN giai đoạn 2016-2020, tỉnh Thanh Hóa nằm trong “top đầu” cả nước với 225 xã khu vực I, II, III (chỉ sau Nghệ An 252 xã và Lạng Sơn 226 xã). Đồng thời, với 100 xã khu vực III, Thanh Hóa cũng chỉ xếp sau một số tỉnh như Lạng Sơn (125 xã), Sơn La (112 xã), Điện Biên (101 xã)... về số xã ĐBKK trong giai đoạn này.

Thực hiện Quyết định số 861/QĐ-TTg, ngày 4-6-2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt danh sách các xã khu vực III, II, I thuộc vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2025 và Quyết định số 612/QĐ-UBDT, ngày 16-9-2021 của Ủy ban Dân tộc về phê duyệt danh sách thôn ĐBKK vùng DTTS &MN giai đoạn 2021-2025, Thanh Hóa là tỉnh có số xã thoát khỏi khu vực ĐBKK nhiều nhất cả nước, với 79/100 xã (sau sáp nhập còn 74 xã). Toàn tỉnh có 340.398 đối tượng thuộc 74 xã ĐBKK vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2016-2020, nhưng không thuộc diện ĐBKK giai đoạn 2021-2025, chịu tác động bởi Quyết định số 861/QĐ-TTg và Quyết định số 612/QĐ-UBDT. Trong khi, một số tỉnh có số xã khu vực III lớn, nhưng số xã thoát khỏi khu vực ĐBKK giai đoạn 2021-2025 lại không đáng kể. Điển hình như Hà Giang chỉ thoát 1/134 xã; Điện Biên thoát 7/101 xã; Nghệ An thoát 18/94 xã; Lào Cai thoát 32/102 xã; Lạng Sơn thoát 37/125 xã... Thậm chí, một số địa phương còn tăng thêm số xã ĐBKK so với giai đoạn 2016-2020. Điển hình là Sơn La tăng 14 xã (126/112 xã); Bắc Kạn tăng 13 xã (67/54 xã); Quảng Ngãi tăng 6 xã (52/46 xã)...

Nhóm Phóng viên

Bài 2: “Leo phải cành cụt”.



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]