Giảm áp lực học thêm
Dạy thêm, học thêm là nhu cầu, nguyện vọng có thực và mang lại nhiều lợi ích cho học sinh. Song, việc dạy thêm, học thêm dường như đang bị biến tướng, tràn lan, chạy theo phong trào, tạo nên những áp lực “vô hình” dành cho những đứa trẻ đang lớn và cả phụ huynh.
Học sinh trên địa bàn huyện Hoằng Hóa tham gia các hoạt động tại Lễ hội Bút Nghiên năm 2023 (ảnh minh hoạ).
Quay cuồng với lịch học
Đang học lớp 5 tại một trường tiểu học ở trung tâm TP Thanh Hóa nhưng lịch học của cậu con trai út 11 tuổi nhà chị N.T.T.D., ở phường Điện Biên gần như kín cả tuần. Ngoài học và ăn bán trú ở trường từ thứ 2 đến thứ 6, mỗi tuần chị đăng ký cho con học thêm 3 môn Toán, Văn, tiếng Anh với tổng số 6 buổi/tuần. Lịch học được sắp xếp vào các buổi chiều muộn từ 17h15 đến 19h15 hoặc buổi tối từ 19h30 đến 21h30 và vào các ngày thứ 7, chủ nhật. Lịch học thêm dày đặc, không chỉ khiến con chị không có thời gian nghỉ ngơi, vui chơi mà bố mẹ cũng bận rộn với việc đưa đón con đi học ở trường, đi học thêm nhà thầy, cô giáo. “Nhiều lúc muốn cho con tham gia cầu lông hay đi xe đạp theo sở thích nhưng cũng khó có thời gian trống bởi năm nay cuối cấp, muốn thi vào trường chuyên, trường chất lượng tốt thì phải tranh thủ thời gian để các thầy, cô ôn luyện kiến thức”, chị D. chia sẻ.
Mệt mỏi và bức bối, chị N.T.H., ở phường Đông Thọ cũng kể lại câu chuyện học thêm của các con trong gia đình. Nhà có 2 cháu đang tuổi ăn, tuổi học, cháu lớn học lớp 6, cháu nhỏ học lớp 1. Từ năm học trước, khi đứa lớn ôn thi để vào trường chuyên, vợ chồng chị đã quay cuồng với đưa đón con đi học thêm. Sang đến năm nay, vòng học thêm vẫn cứ tiếp diễn, khiến nhịp sinh hoạt của gia đình nhiều lúc “căng như dây đàn” khi cả bố mẹ, con cái quay cuồng trong vòng quay từ nhà tới trường và tới lớp học thêm. Cháu lớn, ngoài một buổi sáng học chính thức ở trường, hầu như chiều nào cũng có ca học thêm, thậm chí có 2 - 3 ca học thêm mỗi ngày. "Nhiều hôm, cháu phải học thêm 2 - 3 ca liên tục vào buổi chiều, buổi tối và mệt mỏi trở về nhà làm bài tập, chuẩn bị bài đến khuya mới xong. Biết là học nhiều, áp lực nhưng hầu như các bạn trong lớp đều đi học như thế, con mình không học thì sợ theo không kịp kiến thức. Hơn nữa, bố mẹ đi làm cả ngày, con học chính có 1 buổi, 1 buổi ở nhà mà không đi học thêm là cũng phải khóa cửa ở trong nhà, dễ sa vào tivi, điện thoại nên cho con đi học thêm để nâng cao kiến thức là tốt hơn cả”.
Không chỉ đứa lớn học THCS, đứa nhỏ năm nay lớp 1, học và ăn bán trú ở trên lớp cả ngày, chỉ có chiều tối mới về nhà. Chương trình mới nhiều áp lực, trẻ lại chưa tự giác, ý thức trong học tập, nhiều khi bố mẹ dạy cho ôn bài ở nhà nhưng trẻ nhõng nhẽo, không nghe lời. Bài tập về nhà tương đối nhiều, thế là “đánh vật” dạy con học nhưng không thấy con tiến bộ, vẫn nằm ở tốp cuối của lớp, chị H. đành phải gửi con đến nhà cô giáo học thêm 2 buổi tối/tuần. Cộng thêm 2 buổi/tuần học tiếng Anh ở trung tâm, một tuần 4 buổi tối, con trai út nhà chị phải đi học thêm đến hơn 21h30 mới về đến nhà. “Đứa lớn học thêm đã đành, đứa nhỏ lớp 1 mà áp lực, cực chẳng đã tôi đành phải cho cháu đi học thêm. Cả hai đứa học thêm nên hết giờ làm việc là tôi lại vội vã chợ búa, nấu nướng cho bọn trẻ ăn, đưa đón chúng đi học đúng giờ. Nhiều lúc cũng cảm thấy rất áp lực và mệt mỏi khi thường xuyên phải “gồng mình” để hoàn thành tốt cả việc nhà, việc cơ quan", chị H. phàn nàn.
Trên thực tế, tình trạng cả gia đình áp lực, mệt mỏi vì học thêm không hề hiếm gặp. Không chỉ áp lực về thời gian, không ít gia đình áp lực về kinh tế. "Mỗi buổi học thêm của học sinh tiểu học hiện dao động ở mức trên dưới 50.000 đồng/buổi, trung bình các nhóm học thêm Toán, Văn, tiếng Anh sẽ tổ chức dạy 8 buổi/môn/tháng thì phụ huynh đã phải chi khoảng 1,2 triệu đồng/tháng cho con đi học thêm", một phụ huynh có con học thêm chia sẻ.
Áp lực học thêm hiện nay không chỉ phổ biến ở khu vực thành thị mà ngày càng “lan rộng” ở nhiều vùng nông thôn khi việc dạy thêm, học thêm đã trở nên rất phổ biến. Nhiều gia đình trẻ chỉ có 2 con, kinh tế khá giả hơn nên quan tâm nhiều hơn tới việc học hành của con cái, vì thế sẵn sàng cho con đi học thêm. Các lớp học thêm tại nhà thầy, cô giáo được mở nhiều hơn, học sinh này tham gia, bố mẹ học sinh khác cũng trăn trở, lo sợ con mình kém tiến bộ nên cũng phải đăng ký cho con học, từ đó, số lượng học sinh đi học thêm ở nhà thầy, cô giáo ngày càng nhiều hơn, không chỉ dành cho học sinh cuối cấp ôn thi mà các lớp bậc tiểu học cũng trở nên ồ ạt, thậm chí là đại trà theo phong trào.
Không dạy thêm đối với học sinh tiểu học
Theo các chuyên gia, khi trẻ phải học thêm quá nhiều sẽ tạo áp lực khiến trẻ mệt mỏi, ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất cũng như sự minh mẫn để tiếp thu kiến thức hiệu quả. Đối với học sinh cấp tiểu học, nhất là học sinh đã học 2 buổi/ngày thì phụ huynh không nhất thiết phải cho con học thêm bởi lứa tuổi này, thời gian học và chơi cần được cân đối. Việc học thêm quá sớm và quá nhiều còn khiến các em nảy sinh tâm lý ỷ lại, ít chịu tìm tòi, khám phá.
Chia sẻ về chủ đề này trên Báo Sức khỏe và Đời sống hồi cuối tháng 11/2023, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam cho rằng, việc dạy thêm, học thêm cần có từng giai đoạn nhất định, sau đó phải để các em học sinh tự học, tự phát triển, đó mới là nền giáo dục lành mạnh. Phía cha mẹ cũng không nên ép con học tràn lan, học quá nhiều buổi trong một tuần, như vậy vừa hại sức khỏe, vừa tạo sự ỷ lại cho con.
Về hoạt động dạy thêm, học thêm, Thông tư số 17/TTBGDĐT, ngày 16/5/2012 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về nguyên tắc dạy thêm, học thêm, các trường hợp không được dạy thêm, học thêm. Theo đó, về nguyên tắc, hoạt động dạy thêm, học thêm phải góp phần củng cố, nâng cao kiến thức, kỹ năng, giáo dục nhân cách của học sinh; phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý và không gây nên tình trạng vượt quá sức tiếp thu của người học. Không cắt giảm nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính khóa để đưa vào giờ dạy thêm; không dạy thêm trước những nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính khóa. Đối tượng học thêm là học sinh có nhu cầu học thêm, tự nguyện học thêm và được gia đình đồng ý; không được dùng bất cứ hình thức nào để ép buộc gia đình học sinh và học sinh học thêm... Điều 4 của Thông tư 17 quy định các trường hợp không được dạy thêm: Không dạy thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày. Không dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp: bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục - thể thao, rèn luyện kỹ năng sống...
Quy định là vậy, song để thực hiện nghiêm túc còn nhiều vấn đề phải bàn. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất phải xuất phát từ việc thay đổi cách nhìn nhận của cha mẹ về việc học của con cái, không nên quá tập trung vào điểm số, trường chuyên, lớp chọn để tạo áp lực lên con trẻ. Cha mẹ cần hiểu rõ về điểm mạnh, điểm yếu của con để xây dựng kế hoạch học tập phù hợp để không ồ ạt chạy theo phong trào, mà cho con thường xuyên tham gia các hoạt động trải nghiệm thực tế, rèn luyện kỹ năng sống, từ đó giảm áp lực cho trẻ cũng như áp lực cuộc sống sinh hoạt của mỗi gia đình.
Bài và ảnh: Minh Hiền
{name} - {time}
-
2024-11-21 10:11:00
IELTS 7.0 cần bao nhiêu từ vựng? Bí quyết học từ vựng hiệu quả
-
2024-11-21 10:01:00
Đầu tư mua sắm trang thiết bị theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 gặp khó
-
2023-12-11 15:01:00
Tham gia lớp ôn thi chứng chỉ đại lý thuế ở trung tâm nào tốt?
Thanh Hóa cho phép thành lập Trường Trung cấp Công nghệ xanh quốc tế
Đổi mới công tác hướng nghiệp cho học sinh
Bàn giao phòng học và tủ sách thư viện tại Trường Tiểu học Văn Sơn (Bá Thước)
Review khóa học TOEIC Giao Tiếp tại Anhle English có đáng tiền không?
Đánh giá chi tiết khóa học luyện thi TOEIC cấp tốc tại Anhle English có tốt không?
7 sinh viên Trường ĐH Hồng Đức dự Kỳ thi Olympic Vật lý sinh viên toàn quốc đều đoạt giải
Xây dựng thư viện xanh trong ngành giáo dục Triệu Sơn
Quan tâm xây dựng trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia
Đã bố trí được giáo viên dạy Tiếng Anh cho trường học có khả năng không thể tổng kết học kỳ