(Baothanhhoa.vn) - Các sở, ngành, địa phương trong tỉnh đã chú trọng kết nối, quảng bá, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP. Đây là một trong những giải pháp hiệu quả góp phần thúc đẩy sản xuất và đưa sản phẩm OCOP đến gần người tiêu dùng.

Đưa sản phẩm OCOP đến gần hơn với người tiêu dùng

Các sở, ngành, địa phương trong tỉnh đã chú trọng kết nối, quảng bá, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP. Đây là một trong những giải pháp hiệu quả góp phần thúc đẩy sản xuất và đưa sản phẩm OCOP đến gần người tiêu dùng.

Đưa sản phẩm OCOP đến gần hơn với người tiêu dùngCác mặt hàng của Tổ hợp tác thảo dược thiên nhiên Hương Quê (Thường Xuân) được bày bán tại Công viên Hội An (TP Thanh Hóa).

Để khẳng định vị trí thứ 2 trên cả nước về số lượng sản phẩm OCOP, hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá, kết nối sản phẩm OCOP đặc trưng, tiêu biểu của Thanh Hóa đến với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh đã được các sở, ngành quan tâm, triển khai có hiệu quả. Nhiều chương trình đã tạo được dấu ấn và thu hút đông đảo người tiêu dùng, như: Hội chợ kết nối cung cầu nông sản và thực phẩm an toàn, Chợ sản phẩm OCOP dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 và nhiều hội chợ triển lãm, hội nghị xúc tiến thương mại khác. Một số địa phương còn hỗ trợ để các thành phần kinh tế xây dựng cửa hàng trưng bày, bán sản phẩm OCOP, như: Hoằng Hóa, Nông Cống, thị xã Nghi Sơn, TP Thanh Hóa...

Nhằm tạo điều kiện cho người dân tiếp cận với sản phẩm OCOP, thị xã Nghi Sơn đã và đang khuyến khích các thành phần kinh tế xây dựng được 3 cửa hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP ở các phường trên địa bàn. Bởi đây không chỉ là giải pháp để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm địa phương mà còn tạo thêm cơ hội để người dân tiếp cận, sử dụng những sản phẩm đặc trưng, đặc hữu, sản phẩm OCOP trong, ngoài tỉnh. Bà Lê Thị Liên, người dân xã Hải Nhân, là khách hàng thường xuyên tại cửa hàng OCOP trên địa bàn thị xã, chia sẻ: "Sau khi tham quan, sử dụng một số sản phẩm OCOP tại cửa hàng, tôi thấy có nhiều sản phẩm OCOP của thị xã, tỉnh Thanh Hóa và một số sản phẩm tỉnh bạn phù hợp với nhu cầu tiêu dùng của các gia đình. Khi mua các sản phẩm OCOP, khách hàng rất yên tâm về nguồn gốc xuất xứ cũng như chất lượng. Hy vọng rằng thị xã sẽ có nhiều điểm cung ứng và quảng bá sản phẩm uy tín, tin cậy tương tự để người dân dễ tiếp cận hơn với sản phẩm có chất lượng của tỉnh".

Tại TP Thanh Hóa, từ năm 2024, sản phẩm OCOP được triển khai các gian hàng trưng bày, bán tại Công viên Hội An vào thứ 7 hằng tuần. Đây là hình thức quảng bá, giới thiệu rộng rãi sản phẩm đặc trưng, thế mạnh của địa phương đến với khách trong và ngoài tỉnh. Qua đó, không chỉ người dân có cơ hội tiếp cận, sử dụng sản phẩm tiêu biểu của tỉnh mà du khách khi đến tham quan, vui chơi cũng có thêm những lựa chọn khi mua quà tặng, quà lưu niệm. Tại đây, bà Quách Thị Anh, Tổ trưởng Tổ hợp tác thảo dược thiên nhiên Hương Quê (Thường Xuân), cho biết: “Tham gia trưng bày tại các chương trình xúc tiến thương mại, hội chợ, hội nghị trong và ngoài tỉnh không chỉ là cơ hội để quảng bá sản phẩm mà còn là dịp để mang sản phẩm trải nghiệm đến cho người tiêu dùng. Thông qua sự phản hồi của người tiêu dùng, chúng tôi có thể hoàn thiện, nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường”.

Theo thống kê sơ bộ của Văn phòng Điều phối Chương trình XDNTM, trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 30 cửa hàng trưng bày, bán sản phẩm OCOP và hàng chục điểm bán sản phẩm OCOP dưới dạng quà tặng, quà lưu niệm tại các khu, điểm du lịch. Đây không chỉ là những địa chỉ tin cậy nhằm quảng bá và giới thiệu những sản phẩm đặc trưng của tỉnh Thanh Hóa và cả nước, mà còn là địa chỉ mua sắm tin cậy cho người tiêu dùng, du khách.

Để trợ lực phát triển Chương trình OCOP, HĐND tỉnh đã có Nghị quyết 185/2021/NQ-HĐND về việc ban hành chính sách nông nghiệp, nông thôn, nông dân trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2022-2025. Theo đó, quy định hỗ trợ một lần, với mức 75 triệu đồng/sản phẩm để hỗ trợ quảng bá, tuyên truyền; thiết kế mẫu mã, mua bao bì, nhãn mác hàng hóa, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cho các sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên. Cùng với đó, các địa phương cũng xây dựng những cơ chế riêng để hỗ trợ, hướng dẫn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm, ứng dụng khoa học - công nghệ, chuyển đổi số trong sản xuất, bảo quản, chế biến, tiêu thụ nông sản. Từ đó, không chỉ sản phẩm được nâng sức cạnh tranh mà còn đáp ứng được nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng.

Bài và ảnh: Lê Hòa



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]