Du xuân lên thăm làng Ngọc
Nằm bên bờ Bắc sông Mã, dựa lưng vào núi Trường Sinh, trước mặt là cánh đồng lúa rộng lớn, làng Lương Ngọc (làng Ngọc) xã Cẩm Lương (Cẩm Thủy) đẹp như một bức tranh sơn thủy. Nơi đây còn có khu di tích danh thắng Cẩm Lương với quần thể suối cá, hang động, đền thờ, cùng không gian văn hóa truyền thống... tất cả tạo nên sức hút riêng của vùng đất Mường cổ.
Du khách thích thú khi về thăm và khám phá suối Ngọc với đàn “cá thần” nổi tiếng.
Cách trung tâm TP Thanh Hóa khoảng hơn 80km, làng Lương Ngọc nằm giữa một thung lũng rộng lớn. Dãy núi Trường Sinh kéo dài khi “chạy” qua làng Ngọc đã tạo nên hệ thống hang động nguyên sơ, cảnh quan thiên nhiên bình yên và xinh đẹp.
Đặc biệt, từ trong núi đá Trường Sinh có dòng suối mát lành tuôn chảy như chưa bao giờ cạn, người dân vẫn thường gọi là suối Ngọc (mó Ngọc) - nơi có “đàn cá thần” nổi tiếng. Dưới làn nước mát trong xanh bốn mùa, đàn cá quẫy mình bơi lội tung tăng trước sự dõi theo thích thú của du khách.
Men theo dòng suối mát, theo chỉ dẫn của người dân địa phương, chúng tôi ghé ngôi đền thiêng thờ Thủy Phủ Long Vương (thần Rắn) bên bờ suối Ngọc dâng hương kính thần. Rồi từ đây đi tiếp tới mạch nguồn suối chảy thì “bắt gặp” dãy núi Trường Sinh. Theo những bậc đá bước vào trong núi là hệ thống hang động (động Cây Đăng) hoang sơ với nhiều nhũ đá hình thù kỳ lạ, màu sắc lấp lánh thật đẹp. Vào động đá, bước chân du khách như lạc nơi tiên cảnh, mải mê khám phá. Động Cây Đăng thông hai đầu, người làng Ngọc vẫn thường nói: “Vào cửa cha, ra cửa mẹ”.
Khi hành trình khám phá bản làng, dòng suối Ngọc, núi Trường Sinh như chừng đã thấm mệt, du khách có thể ngồi bên bờ suối nhấm nháp một vài ống cơm lam do người Mường tại đây tự tay làm ra. Cơm nếp nướng trong ống nứa dẻo thơm mà không nát, chấm cùng chút muối vừng cũng thật thú vị. Theo người dân làng Ngọc, cơm lam trước đây chủ yếu được làm và sử dụng trong những dịp lễ, tết của bản làng. Từ khi khu di tích danh thắng Cẩm Lương trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn thì cơm lam cũng theo đó thành món quà dành tặng du khách khi ghé thăm Mường cổ. Từ những hạt gạo được thu hoạch trên cánh đồng làng, “đóng” trong những ống nứa nhỏ và nướng trên bếp lửa theo cách của người dân bản địa, cơm lam đã trở thành món quà dân dã - ẩm thực hút khách về với làng Ngọc.
Trên hành trình khám phá làng Ngọc, chúng tôi có dịp trò chuyện cùng ông Bùi Hùng Mạnh - người có uy tín trong cộng đồng người Mường ở làng Ngọc. Từ đây, lại biết thêm nhiều điều thú vị về vùng đất Mường cổ Lương Ngọc.
Theo lời kể của ông Bùi Hùng Mạnh, với người Mường ở Lương Ngọc, suối (mó) Ngọc là dòng suối thiêng, gắn liền với quá trình hình thành nên bản làng người Mường nơi đây. Từ xa xưa, đời nối đời những thế hệ người Mường đến nay vẫn kể lại truyền thuyết: Xưa lắm rồi, khi rừng núi còn hoang sơ, làng Ngọc còn chưa có con người đến ở, có chàng trai người Mường (Hòa Bình) vào rừng săn thú, một con nai trúng mũi tên của chàng song không chết, chú nai dùng sức lực của mình băng qua những ngọn núi, cây rừng để trốn chạy. Còn người thợ săn cũng không bỏ cuộc, anh xuyên ngày đêm quyết tâm lần theo vết máu của chú nai. Cho đến một ngày, chú nai nhỏ “dẫn” người thợ săn đến bên dòng suối mát lành. Tin rằng đây là nơi đất tốt có thể lập nghiệp, chàng thợ săn vội vã trở về quê hương, đưa vợ và người thân đến bên dòng suối mát dưới chân núi Trường Sinh lập làng, xây dựng cuộc sống. Làng Ngọc có từ thuở đó.
Cuộc sống của đôi vợ chồng người Mường bên suối Ngọc cứ như vậy mà bình lặng trôi qua. Cho đến một ngày, ra bờ suối, người chồng bắt được một quả trứng nhỏ, mang về nhà không nỡ ăn, bèn cho gà ấp. Đến một ngày, quả trứng nở ra một chú rắn nhỏ, trên đầu lại có mào đỏ. Cho rằng sự lạ, người chồng quyết định mang chú rắn nhỏ ra bờ suối Ngọc để thả. Nhưng khi quay trở về nhà, đã lại thấy chú rắn nhỏ ở đó. Thấy vậy, hai vợ chồng quyết định nuôi chú rắn nhỏ. Năm tháng trôi qua, chú rắn nhỏ đã trở thành rắn khổng lồ, được người dân trong bản Mường yêu quý.
Bỗng một hôm, rắn khổng lồ biến mất. Cũng trong những ngày ấy, đất trời vần vũ, mưa giông sấm chớp khủng khiếp, từ núi Trường Sinh phát ra những thanh ầm ĩ, phía ngoài xa nước sông Mã cũng không ngừng dâng cao khiến cho đá lở, nước lũ cuốn trôi... Đến khi trời quang mây tạnh trở lại, ra bờ suối Ngọc, dân bản bất ngờ thấy xác rắn khổng lồ ở đó, bên cạnh còn có xác của loài thủy quái. Sau khi chôn cất xác rắn bên bờ suối Ngọc, đêm đó người dân trong bản mộng thấy thần linh “mách bảo”: Chàng Rắn được thần linh cử đến để bảo vệ dân làng. Những ngày qua là chàng Rắn đã chiến đấu với thủy quái để mang lại cuộc sống bình yên.
Thương tiếc và biết ơn chàng Rắn, người dân làng Ngọc đã lập đền thờ thần (đền Rắn hay còn gọi là đền Ngọc) ngay bên bờ suối, quanh năm phụng thờ. Tục thờ thần Rắn đã trở thành tín ngưỡng văn hóa lâu đời của người Mường ở Lương Ngọc. Trải qua thời gian, các triều đại phong kiến nhiều lần sắc phong cho thần là “Tôn Thần Thượng Đẳng” và “Thủy Phủ Long Vương”.
“Cũng từ suối Ngọc xuất hiện đàn cá có tới hàng nghìn con, có đuôi và vây đỏ tía bơi thành từng đàn chầu về đền Ngọc uy linh, soi hình trên mặt nước trong xanh. Màn đêm buông xuống, đàn cá từ mó Ngọc lại chui vào lòng núi Trường Sinh, chỉ còn lại rùa và thuồng luồng hóa đá phủ phục trước ngôi đền uy linh... Đàn cá lạ có đuôi, vây đỏ, mắt như chiếc nhẫn vàng lấp lánh... đàn cá thân thiện và gần gũi với cuộc sống của người dân làng Ngọc. Họ không bao giờ đánh bắt và ăn thịt cá... Người trong vùng nói rằng đàn cá chính là những binh lính của chàng Rắn đã biến thành cá thần để hàng ngày chầu bên đền Ngọc - thờ thần Rắn” (theo Hoàng Minh Tường, tác giả sách Về miền du lịch xứ Thanh).
“Suối Ngọc là dòng suối thiêng, gắn liền với đời sống vật chất - tinh thần, tín ngưỡng văn hóa của người dân làng Ngọc, được người dân trân trọng như báu vật trời ban. Không người dân nào được phép làm tổn hại đến dòng suối thiêng và các vị thần, đó thực sự là điều cấm kị” - ông Bùi Hùng Mạnh khẳng định.
Hằng năm, từ ngày mùng 7 đến mùng 9 tháng Giêng, người dân địa phương lại nối chân nhau trở về suối Ngọc tổ chức lễ hội Khai hạ - cầu nước, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. Trong lễ hội, người dân sẽ tổ chức rước kiệu thần Rắn từ đền Ngọc ra khu vực nhà sàn lớn (nhà sàn của thôn) để tổ chức. Vào ngày lễ hội diễn ra, từ bên dòng suối Ngọc, người già trong làng đánh lên những hồi chiêng vang vọng bản Mường, kính cáo các vị thần, đánh thức muôn loài, hiệu triệu người trong bản cùng về vui hội. Trong không gian thiêng, dân làng tin rằng thần Rắn - vị thần “bảo trợ” cho người làng Ngọc sẽ thấu tỏ những mong cầu và phù trợ cho cuộc sống của người dân mỗi ngày thêm no đủ. Sau phần lễ thành kính là phần hội sôi động với những trò chơi, trò diễn dân gian đặc sắc của đồng bào Mường...
Trong những ngày xuân căng tràn sức sống, về Lương Ngọc, về với bản làng xinh đẹp nép mình dưới chân núi Trường Sinh, thấp thoáng những ngôi nhà sàn ẩn hiện, dạo bộ bên dòng suối Ngọc mát lành, ngắm nhìn “cá thần” tung tăng bơi lội,... ta bỗng thấy, cuộc sống này bình yên và tươi đẹp biết bao.
Bài và ảnh: Khánh Lộc
{name} - {time}
-
2024-12-11 10:35:00
Những kiệt tác bonsai hội tụ ở xứ Thanh
-
2024-12-11 10:20:00
Hình ảnh về Thị xã Thanh Hóa trong thời kỳ kháng chiến và bảo vệ Tổ quốc
-
2024-03-08 07:00:00
[WOW! Thanh Hoá] Thành Nhà Hồ - Kỳ bí kỹ thuật xây thành
Báo Thanh Hoá ra mắt chuyên mục Wow! Thanh Hoá
Tưng bừng lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Hói Đào
Về Nga Bạch xem lễ hội bơi chải truyền thống
Về Đạt Tài xem hội vật cù
Miễn phí vé tham quan Khu di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn
TP Thanh Hóa: Nhiều hoạt động văn hóa, TDTT đặc sắc dịp Tết Giáp Thìn
“Chợ sớm bình yên” - Phiên chợ xanh giữa lòng thành phố
Thủ phủ quất cảnh xứ Thanh nhộn nhịp vào Tết
Chàng thanh niên trẻ với ước mơ lan tỏa gia vị truyền thống Việt