(Baothanhhoa.vn) - Có ý kiến cho rằng, du lịch không chỉ giúp thúc đẩy sự tăng trưởng bền vững 3 trụ cột môi trường - văn hóa - kinh tế, mà còn là một cơ sở cho sự ổn định xã hội. Bởi khi du lịch mang bản chất của ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp có giá trị cao, thu hút nhiều lao động, giúp các giá trị văn hóa dân tộc thấm sâu và lan tỏa mạnh mẽ.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Tăng cường tính liên ngành, liên vùng trong phát triển du lịch

Có ý kiến cho rằng, du lịch không chỉ giúp thúc đẩy sự tăng trưởng bền vững 3 trụ cột môi trường - văn hóa - kinh tế, mà còn là một cơ sở cho sự ổn định xã hội. Bởi khi du lịch mang bản chất của ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp có giá trị cao, thu hút nhiều lao động, giúp các giá trị văn hóa dân tộc thấm sâu và lan tỏa mạnh mẽ.

Đoàn khảo sát du lịch tỉnh Thanh Hóa thăm làng gốm Thanh Hà (TP Hội An, tỉnh Quảng Nam).

Song, để du lịch phát huy được vai trò của nó, không cách nào khác là phải tạo sự liên kết giữa du lịch với các ngành, các lĩnh vực trong chuỗi giá trị hình thành nên sản phẩm du lịch.

Bên cạnh nguồn tài nguyên du lịch nghỉ dưỡng biển vô cùng dồi dào, Thanh Hóa cũng được đánh giá cao ở tiềm năng phát triển sản phẩm du lịch văn hóa – tâm linh. Với hơn 800 di tích đã được xếp hạng các cấp (trong đó có 1 di sản văn hóa thế giới, 3 di tích quốc gia đặc biệt, 141 di tích quốc gia) và hệ thống di sản văn hóa phi vật thể đa dạng và đặc sắc, mà tiêu biểu nhất phải kể đến các di sản quốc gia trò Xuân Phả, Kin Chiêng Bọoc Mạy, Pồn Pôông, lễ hội Cầu Ngư; bên cạnh các lễ hội lớn là lễ hội Bà Triệu, Lam Kinh, Sòng Sơn, Hàn Sơn; cùng hệ thống các làng nghề truyền thống và nhiều nét riêng biệt về ẩm thực, dân ca dân vũ, tín ngưỡng, phong tục... Để phát huy tiềm năng, lợi thế này, những năm qua, việc phát huy giá trị di sản phục vụ phát triển du lịch đã được tỉnh đặc biệt quan tâm. Cụ thể, nhiều di tích, danh thắng có giá trị nổi bật đã được quy hoạch, đầu tư trùng tu, tôn tạo và khai thác, như Di tích lịch sử Lam Kinh, Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ, Di tích lịch sử đền Bà Triệu... Một số lễ hội và loại hình nghệ thuật truyền thống đặc sắc được phục dựng thành công, tổ chức thường niên, gìn giữ được thuần phong mỹ tục. Nhờ đó, việc xây dựng thương hiệu du lịch từ di sản văn hóa, bước đầu mang lại kết quả tích cực, khi khách du lịch ngày càng biết nhiều về Thanh Hóa thông qua các di sản nổi tiếng được quảng bá.

Mặc dù vậy, du lịch di sản, du lịch văn hóa - tín ngưỡng của tỉnh ta vẫn chưa thể bật lên, tương xứng với tiềm năng to lớn. Bên cạnh nguyên nhân cơ bản là nguồn kinh phí ngân sách dành cho công tác bảo tồn, tôn tạo còn hạn hẹp; trong khi, công tác xã hội hóa trong trùng tu, phục hồi di tích đang gặp không ít khó khăn, bất cập...; không thể không nhắc đến nguyên nhân quan trọng là công tác quản lý và khai thác các di sản văn hóa/tài nguyên du lịch còn chồng chéo giữa các cấp, các ngành, công tác phối hợp chưa chặt chẽ, dẫn đến hiệu quả khai thác chưa cao. Đơn cử như Thành Nhà Hồ, di sản mà ngay sau khi được UNESCO vinh danh, đã nhận được vô số lời ngợi khen có cánh và được đặt nhiều kỳ vọng sẽ tạo ra cú hích cho du lịch Thanh Hóa. Thế nhưng, sau hơn 6 năm, việc đầu tư nhằm khai thác di sản phục vụ du lịch mới dừng lại ở nguồn kinh phí khiêm tốn để thực hiện bảo tồn, khai quật và xây dựng hệ thống biển chỉ dẫn, quảng cáo tấm lớn, webside di sản... Cho nên, hiệu quả khai thác cũng hết sức khiêm tốn. Năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Quy hoạch tổng thể bảo tồn, phát huy giá trị Di tích Thành Nhà Hồ và vùng phụ cận gắn với phát triển du lịch” (tại Quyết định số 1316/QĐ-TTg, ngày 12-8-2015), làm cơ sở cho việc bảo tồn và kêu gọi đầu tư vào di sản. Tuy nhiên, điều đáng nói ở di sản này không chỉ là vấn đề kinh phí đầu tư cho công tác bảo tồn, tôn tạo; mà còn là sự gắn kết, mối liên hệ trách nhiệm và hài hòa lợi ích giữa đơn vị được giao quản lý di sản, với chính quyền địa phương và cộng đồng dân cư nơi di sản đứng chân.

Tuy là ngành kinh tế được đặc thù bởi tính liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao, thế nhưng trong thực tế, không phải ở đâu và lúc nào, du lịch cũng có được sự thừa nhận mạnh mẽ và rõ rệt về vị trí, vai trò của nó, cũng như được nhận hỗ trợ hiệu quả từ các ngành kinh tế khác và của cả chính quyền địa phương. Tăng cường các giải pháp liên ngành nhằm thu hút khách du lịch từng được đặt ra cho du lịch Việt Nam cách đây vài năm. Trong đó, nhấn mạnh đến việc kết nối, phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp, các địa phương, doanh nghiệp và của cả cộng đồng, nhằm phát triển một nền du lịch chuyên nghiệp và hiệu quả. Đối với Thanh Hóa, thực trạng xây dựng sản phẩm du lịch di sản, du lịch văn hóa – tín ngưỡng nêu trên, có thể xem như một ví dụ phản ánh phần nào sự thiếu liên kết, phối hợp liên ngành, liên vùng trong phát triển du lịch. Nhằm từng bước khắc phục hạn chế trên, những năm gần đây tỉnh ta đã chú trọng tạo sự liên kết trong xây dựng các sản phẩm du lịch. Ví như việc xây dựng sản phẩm nghỉ dưỡng biển thành sản phẩm mũi nhọn, gắn với sự hình thành nhiều khu, điểm du lịch ven biển, có khả năng kết nối, hỗ trợ và giảm tải cho các khu du lịch trọng điểm (như Sầm Sơn) vào mùa cao điểm.

Cùng với đó là xây dựng và triển khai kế hoạch liên kết với các tỉnh, thành phố, tổ chức các đoàn khảo sát, kết nối tour tuyến, thu hút khách du lịch. Trong đó phải kể đến hợp tác phát triển du lịch với 4 tỉnh Bắc Trung bộ (Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh, Quảng Bình); hợp tác phát triển khu vực Tây Bắc mở rộng; tổ chức xúc tiến, ký kết hợp tác phát triển du lịch với Nghệ An, Ninh Bình, Hà Nội, Nha Trang (Khánh Hòa), TP Hồ Chí Minh, Quảng Nam, Đà Nẵng. Đồng thời, Thanh Hóa cũng đã tổ chức nhiều sự kiện du lịch, như lễ hội du lịch biển, lễ hội văn hóa, tâm linh, hội chợ thương mại - du lịch; cũng như tích cực tham gia nhiều sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch và thương mại ở các tỉnh, thành phố trong cả nước, như Hội chợ du lịch quốc tế thường niên, liên hoan văn hóa du lịch tại TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Thừa Thiên Huế, TP Đà Nẵng, Nghệ An, Hòa Bình... Tỉnh cũng đã tổ chức các đoàn khảo sát, xúc tiến kêu gọi đầu tư, trong đó có xúc tiến du lịch tại thị trường các nước trong khu vực Asean, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapo; tổ chức các đoàn Farmtrip, Presstrip của Hàn Quốc về khảo sát, tuyên truyền các điểm đến du lịch của Thanh Hóa... Kết quả đạt được từ sự kết nối liên ngành, liên vùng đã góp phần thu hút du khách về với Thanh Hóa; cũng như đưa hình ảnh du lịch Thanh Hóa đến gần hơn với du khách trong nước và quốc tế.


Bài và ảnh: Lê Dung

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]