(Baothanhhoa.vn) - Trong khi du lịch nghỉ dưỡng biển vẫn đang loay hoay với nan đề về tính mùa vụ; thì du lịch sinh thái với những ưu thế riêng có, lại cho thấy khả năng thu hút du khách quanh năm và tiến gần đến mục tiêu trở thành sản phẩm du lịch 4 mùa.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Du lịch sinh thái:

Sản phẩm hướng đến du lịch 4 mùa

Sản phẩm hướng đến du lịch 4 mùa

Bản Đôn (huyện Bá Thước) hấp dẫn du khách nhờ cảnh quan thiên nhiên và bản sắc văn hóa đồng bào Thái.

Trong khi du lịch nghỉ dưỡng biển vẫn đang loay hoay với nan đề về tính mùa vụ; thì du lịch sinh thái với những ưu thế riêng có, lại cho thấy khả năng thu hút du khách quanh năm và tiến gần đến mục tiêu trở thành sản phẩm du lịch 4 mùa.

Từ một điểm sáng...

Để du lịch sinh thái trở thành sản phẩm có khả năng hút khách mọi thời điểm trong năm, thì 2 trong nhiều yếu tố mang tính quyết định là tiềm năng và cách khai thác. Tiềm năng ở đây thiên về các ưu thế vượt trội về tài nguyên du lịch tự nhiên; đồng thời là cách làm du lịch hay việc phát triển du lịch sinh thái, sinh thái cộng đồng, cần tiệm cận với xu thế chung của du lịch và nhu cầu của du khách. Không phải ngẫu nhiên mà Bá Thước đang là điểm sáng của du lịch sinh thái, sinh thái cộng đồng xứ Thanh. Để có được vị trí nhất định trên bản đồ du lịch, là cả một quá trình chuẩn bị tương đối bài bản, của cả huyện Bá Thước nói riêng và tỉnh Thanh Hóa nói chung. Bá Thước được thiên nhiên ưu ái cho nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên vô cùng phong phú, với nhiều điểm đến đã và đang trở thành cái tên quen thuộc, thu hút hàng chục nghìn lượt khách trong nước và quốc tế mỗi năm.

Đặc biệt, Bá Thước có nhiều “vườn treo trên cao” hay những điểm đến du lịch, có độ cao hàng vài trăm đến cả nghìn mét so với mặt nước biển. Điển hình nhất là Son Bá Mười quanh năm ẩn trong sương và các điểm cao như Bản Đôn, Thác Hiêu, Kho Mường, Phố Đòn... Dựa vào lợi thế tự nhiên này, huyện Bá Thước đang phát triển khá nhiều loại hình du lịch sinh thái, sinh thái cộng đồng, tham quan, trải nghiệm và nghỉ dưỡng núi, trekking (du lịch khám phá bằng cách đi bộ), phượt tự túc, du lịch bụi. Điều đáng nói là hầu hết các khu, điểm du lịch sinh thái và sinh thái cộng đồng đều nằm trong lòng Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông. Đồng thời, khu bảo tồn lại gần với các điểm du lịch nổi tiếng trong và ngoài tỉnh như Suối cá Cẩm Lương (Cẩm Thủy), Thành Nhà Hồ (Vĩnh Lộc), Vườn Quốc gia Cúc Phương (Ninh Bình), bản Lác (Hòa Bình)... Đây là một trong những điều kiện đủ để tạo nên một vòng du lịch khép kín, mang đến cho du khách sự trải nghiệm đa dạng, tránh nhàm chán.

Nằm trong lòng “viên ngọc xanh” Pù Luông, bản Đôn (xã Thành Lâm) vốn được du khách biết đến nhờ cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp và hiện càng nổi tiếng khi có nhiều khu nghỉ dưỡng cao cấp và homestay chất lượng. Trong đó, Pù Luông Home dù mới đưa vào khai thác được vài năm, nhưng đã trở thành sự lựa chọn thường xuyên của du khách. Anh Hà Văn Thược, chủ cơ sở lưu trú, cho biết: Khách du lịch đến bản Đôn rải rác quanh năm. Nhưng từ khi huyện Bá Thước công bố tour du lịch khám phá ruộng bậc thang Pù Luông, thì lượng khách tăng nhanh hơn và tập trung nhiều ở 2 thời điểm tháng 5 và tháng 10. Chỉ tính riêng tháng 4 và tháng 5 vừa qua, cơ sở lưu trú này thường xuyên kín phòng vào dịp cuối tuần và đã phục vụ ăn nghỉ cho khoảng 600 lượt khách/tháng. Lựa chọn bản Đôn là điểm dừng chân cùng bạn bè, chị Hoàng Khánh An, một du khách đến từ Quảng Ninh, đã không giấu được sự ngỡ ngàng trước cảnh sắc thiên nhiên và cuộc sống người dân nơi đây. Đồng thời, chị cũng có ấn tượng tốt với cách làm du lịch cộng đồng. “Họ làm du lịch khá bài bản, chuyên nghiệp, nhưng không mất đi nét thân thiện, mộc mạc tự nhiên. Đặc biệt, môi trường được bảo vệ tốt cũng là một điểm cộng lớn cho bản Đôn”.

... đến nhìn trên diện rộng

Tỉnh Thanh Hóa có 11 huyện miền núi, với diện tích tự nhiên chiếm 3/4 tổng diện tích của toàn tỉnh. Khu vực này có khí hậu mát mẻ, trong lành, hệ sinh thái rừng nguyên sinh, núi đá vôi, hang, động, sông, hồ phong phú. Đặc biệt, trữ lượng tài nguyên du lịch tập trung chủ yếu trong các Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, Pù Hu, Xuân Liên và Vườn Quốc gia Bến En. Thêm vào đó, đồng bào các dân tộc thiểu số còn gìn giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống, đậm đà bản sắc trong cách thức sinh hoạt, ẩm thực, âm nhạc... Để từng bước khai thác được lợi thế sẵn có, vài năm trở lại đây, tỉnh Thanh Hóa đã tập trung nhiều nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy, đường hàng không, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận các điểm đến. Đồng thời, xúc tiến nhanh các dự án xây dựng trạm dừng chân kết hợp khai thác, phục vụ du lịch trên tuyến Quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh; thúc đẩy nhanh tiến trình xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch tại các khu, điểm du lịch như nhà hàng, khách sạn, điểm vui chơi giải trí.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã tích cực thực hiện việc khoanh vùng, lập quy hoạch các khu, điểm du lịch quan trọng, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai các dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật và thu hút các dự án kinh doanh du lịch. Ngoài ra, việc nghiên cứu, xây dựng mô hình phát triển du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng cũng đã được tính đến. Qua đó, mở rộng không gian phát triển du lịch, đáp ứng xu hướng phát triển du lịch xanh và phục vụ nhu cầu đa dạng của du khách. Điển hình là đề tài khoa học “Nghiên cứu xây dựng mô hình du lịch dựa vào cộng đồng tại các huyện miền núi Thanh Hóa”; đề án “Phát triển loại hình du lịch cộng đồng tại làng Năng Cát, xã Trí Nang, huyện Lang Chánh”; đề án “Phát triển du lịch cộng đồng tại huyện Bá Thước đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030”; đồng ý cho các huyện Thường Xuân, Quan Sơn, Quan Hóa xây dựng các đề án phát triển du lịch sinh thái cộng đồng, làm cơ sở cho việc khai thác tiềm năng, lợi thế du lịch trên địa bàn.

Có thể nói, các khu bảo tồn và vườn quốc gia là kho tài nguyên du lịch vô tận. Tuy nhiên, cũng cần khách quan nhìn nhận, sự phát triển của loại hình du lịch sinh thái và sinh thái cộng đồng ở Thanh Hóa hiện vẫn đang ở giai đoạn bước đầu, vừa tìm hiểu, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm. Bởi, nếu du lịch cộng đồng tại Bá Thước đã ít nhiều đi vào ổn định, quy củ và mang lại thu nhập cho doanh nghiệp, người dân; thì nhiều địa phương giàu tiềm năng như Thường Xuân, Như Thanh, Quan Sơn vẫn đang loay hoay trong nhiều câu hỏi khó. Trong khi, để khai thác hiệu quả và bền vững nguồn tài nguyên tự nhiên, nhằm hiện thực hóa mục tiêu phát triển du lịch sinh thái thành sản phẩm 4 mùa, thiết nghĩ, các địa phương cần có cách nghĩ khác và làm khác. Đó là một chiến lược xây dựng sản phẩm khác biệt, hay tìm được mô hình làm du lịch có điểm hấp dẫn riêng, tránh na ná, trùng lặp. Đồng thời, đầu tư bài bản cho hệ thống hạ tầng, nhất là giao thông cả trong và ngoài điểm đến. Chú trọng quảng bá điểm đến và kết nối chặt chẽ với các doanh nghiệp lữ hành để thu hút du khách. Quan tâm đến chất lượng dịch vụ và văn hóa giao tiếp, ứng xử của cộng đồng làm du lịch. Ngoài ra và cũng quan trọng hơn cả là phải gìn giữ, bảo vệ được cảnh quan môi trường tự nhiên và bản sắc văn hóa, hạn chế thấp nhất những tác động không mong muốn do phát triển du lịch gây ra.

Khôi Nguyên


Khôi Nguyên

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]