(Baothanhhoa.vn) - “Quy hoạch tổng thể bảo tồn, phát huy giá trị Di tích Thành Nhà Hồ và vùng phụ cận gắn với phát triển du lịch” là quy hoạch sát, đúng, phù hợp với tình hình thực tế cũng như điều kiện của di sản, quy hoạch này có tính khả thi cao, nếu yêu cầu về vốn được đáp ứng đúng, đủ, kịp thời. Tuy nhiên, đây cũng là “điểm nghẽn” lớn nhất, khiến cho việc triển khai thực hiện quy hoạch đang gặp không ít khó khăn.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Quy hoạch phát triển du lịch Di sản Thành Nhà Hồ: Còn nhiều khó khăn

“Quy hoạch tổng thể bảo tồn, phát huy giá trị Di tích Thành Nhà Hồ và vùng phụ cận gắn với phát triển du lịch” là quy hoạch sát, đúng, phù hợp với tình hình thực tế cũng như điều kiện của di sản, quy hoạch này có tính khả thi cao, nếu yêu cầu về vốn được đáp ứng đúng, đủ, kịp thời. Tuy nhiên, đây cũng là “điểm nghẽn” lớn nhất, khiến cho việc triển khai thực hiện quy hoạch đang gặp không ít khó khăn.

Du khách đến tham quan Di sản Văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ.

Di sản Thế giới Thành Nhà Hồ được UNESCO ghi vào danh mục Di sản Văn hóa thế giới từ năm 2011. Cùng với việc xây dựng hồ sơ khoa học đề cử UNESCO, tỉnh Thanh Hóa cũng đã xây dựng và ban hành kế hoạch quản lý Di sản Thành Nhà Hồ với tầm nhìn dài hạn trong 30 năm (từ năm 2010 đến năm 2040). Căn cứ theo Luật Di sản văn hóa và quy chế quản lý bảo vệ của di sản, thì khu vực I Thành Nhà Hồ là khu vực bất khả xâm phạm. Tuy nhiên, do nhu cầu đời sống, còn 292 hộ dân đang sinh sống trong khu vực I di sản (thuộc xã Vĩnh Tiến và Vĩnh Long) vẫn đang xây dựng nhà cửa và các công trình dân sinh. Điều này đã và đang gây ra không ít khó khăn, lúng túng trong quá trình quản lý, bảo vệ di sản của chính quyền địa phương và Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ. Bên cạnh đó, hiện còn 155,5 ha đất thuộc khu vực Thành Nội vẫn thuộc quyền quản lý của chính quyền địa phương và người dân vẫn đang canh tác, sản xuất lúa, hoa màu trong khu vực bảo vệ đặc biệt. Thực trạng này đang và sẽ gây ảnh hưởng đến kiến trúc khảo cổ của di sản, cũng như gây khó khăn cho công tác quản lý, bảo vệ và bảo tồn di sản. Trong khi đó, kế hoạch quản lý mới chỉ phát huy hiệu quả ở công tác nghiên cứu, bảo tồn di sản, còn các lĩnh vực khác như phát triển du lịch cộng đồng, quản lý chiều cao xây dựng trong khu vực đệm, định hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế dịch vụ cho người dân trong khu vực di sản còn gặp rất nhiều khó khăn.

Từ thực trạng trên, “Quy hoạch tổng thể bảo tồn, phát huy giá trị Di tích Thành Nhà Hồ và vùng phụ cận gắn với phát triển du lịch”, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1316/QĐ-TTg, ngày 12-8-2015 đã tạo cơ sở pháp lý và tiền đề quan trọng cho việc quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản hiện nay. Theo đó, quy hoạch tổng thể có quy mô 5.078,5 ha, gồm vùng lõi và vùng đệm (vùng lõi rộng 155,5 ha, với 3 hợp phần của khu di sản là Thành Nội, La Thành và Đàn tế Nam Giao; vùng đệm rộng 4.923 ha, gồm hệ thống di tích quốc gia, cấp tỉnh, các công trình tôn giáo tín ngưỡng và khu vực cảnh quan đồi, núi, sông hồ có mối quan hệ với di sản, khu vực phát huy giá trị di tích phục vụ du lịch, thị trấn Vĩnh Lộc, các làng xã và đồng ruộng).

Quy hoạch đặt ra mục tiêu bảo tồn, phát huy các giá trị nổi bật toàn cầu của Di sản Văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ và bảo vệ cảnh quan, môi trường khu di sản. Đồng thời, kết nối các điểm tham quan di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh để xây dựng sản phẩm du lịch văn hóa - lịch sử đặc biệt của khu vực Bắc Trung bộ. Cùng với đó, tiến hành xác định chức năng và diện tích đất sử dụng cho khu vực di tích, khu dân cư, khu vực bảo vệ môi trường sinh thái và tổ chức không gian, bố trí hệ thống hạ tầng trong từng giai đoạn bảo tồn và phát huy giá trị di tích. Định hướng kế hoạch, lộ trình và các nhóm giải pháp tổng thể quản lý, đầu tư xây dựng, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị Di tích Thành Nhà Hồ. Ngoài ra, quy hoạch còn tạo căn cứ pháp lý cho công tác quản lý và triển khai các dự án bảo tồn, tôn tạo, chỉnh trang tổng thể khu di tích theo đồ án quy hoạch được duyệt. Đồng thời, xây dựng quy định quản lý kiểm soát không gian quy hoạch kiến trúc cảnh quan khu di tích, các biện pháp khuyến khích bảo vệ di tích, kiểm soát sự thay đổi dân số.

Cùng với đó, quy hoạch cũng xây dựng 7 nhóm dự án thành phần, bao gồm: Nhóm dự án bồi thường và giải phóng mặt bằng, cắm mốc giới bảo vệ di tích; nhóm dự án khai quật khảo cổ bổ sung và tiếp tục nghiên cứu các giá trị của Di tích Thành Nhà Hồ và các khu vực có liên quan, nghiên cứu, sưu tầm hiện vật và tư liệu về di tích; nhóm dự án tu bổ, bảo tồn, tôn tạo di tích vùng lõi, trưng bày khảo cổ trong thành, phục hồi Đông Thái Miếu, Tây Thái Miếu; nhóm dự án bảo tồn các làng truyền thống Xuân Giai, Tây Giai và Đông Môn; nhóm dự án nâng cao năng lực bảo vệ và quản lý di tích; nhóm dự án bảo tồn, tôn tạo các di tích, công trình tôn giáo, tín ngưỡng, cảnh quan khu vực vùng đệm và di tích Ly Cung; nhóm dự án bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể trong khu di sản và tôn tạo các công trình phát huy giá trị di tích phục vụ du lịch. Đồng thời, kinh phí thực hiện dự án được xác định cụ thể theo tổng mức đầu tư của từng nhóm dự án và thời gian thực hiện quy hoạch từ năm 2015 đến năm 2030, trong đó, giai đoạn 2015- 2020 triển khai nhóm dự án số 1, số 2 và số 3; giai đoạn 2021-2025 triển khai nhóm dự án số 4, số 6 và số 7; giai đoạn 2026-2030 triển khai dự án còn lại.

Theo đánh giá của đại diện lãnh đạo Trung tâm Bảo tồn Di sản thế giới Thành Nhà Hồ, thì “Quy hoạch tổng thể bảo tồn, phát huy giá trị Di tích Thành Nhà Hồ và vùng phụ cận gắn với phát triển du lịch” là quy hoạch sát, đúng, phù hợp với tình hình thực tế cũng như điều kiện của di sản. Đồng thời, quy hoạch có độ tin cậy khoa học cao, do có sự tham gia của nhiều chuyên gia hàng đầu. Theo đó, quy hoạch này có tính khả thi cao, nếu yêu cầu về vốn được đáp ứng đúng, đủ, kịp thời. Tuy nhiên, đây cũng là “điểm nghẽn” lớn nhất, khiến cho việc triển khai thực hiện quy hoạch đang gặp không ít khó khăn. Đơn cử như dự án khai quật khảo cổ tổng thể Khu Di tích Thành Nhà Hồ đã được Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt có tổng diện tích 56.000m2, với tổng mức đầu tư 87,486 tỷ đồng, thời gian triển khai từ năm 2013-2020. Năm 2015, dự án được cấp kinh phí 2 tỷ đồng để thực hiện khai quật di tích Hào thành phía Nam (2.000m2), đến năm 2016, dự án được cấp thêm 2 tỷ đồng để khai quật Hào thành phía Bắc (3.000m2). Như vậy, với kinh phí được cấp mới đạt 4,57% tổng số dự toán được duyệt và diện tích khai quật là 5.000m2/56.000m2, chiếm tỷ lệ 8,9% tổng diện tích khai quật, hiện dự án đã chậm 61% diện tích khai quật so với tiến độ (theo lộ trình đến năm 2017 phải hoàn thành 70% tổng diện tích khai quật), nên rất khó để hoàn thành trong năm 2020. Trước thực trạng trên, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ đã và đang tiếp tục kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo, xem xét và bố trí kinh phí thực hiện dự án theo tiến độ. Bởi, việc hoàn thành dự án này sẽ là tiền đề cho việc triển khai các nhóm dự án tiếp theo trong “Quy hoạch tổng thể bảo tồn, phát huy giá trị Di tích Thành Nhà Hồ và vùng phụ cận gắn với phát triển du lịch” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.


Bài và ảnh: Hoàng Xuân

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]