(Baothanhhoa.vn) - Không ai hiểu được đặc trưng văn hóa và đời sống một cộng đồng bằng chính các thành viên đang sinh sống trong cộng đồng ấy. Do đó, trong phát triển du lịch, nhất là du lịch cộng đồng, việc thu hút sự tham gia và nhấn mạnh vai trò của người dân, được xem là một điều kiện cần thiết và quan trọng.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Mỗi người dân là một hướng dẫn viên du lịch

Không ai hiểu được đặc trưng văn hóa và đời sống một cộng đồng bằng chính các thành viên đang sinh sống trong cộng đồng ấy. Do đó, trong phát triển du lịch, nhất là du lịch cộng đồng, việc thu hút sự tham gia và nhấn mạnh vai trò của người dân, được xem là một điều kiện cần thiết và quan trọng.

Mỗi người dân là một hướng dẫn viên du lịch

Người dân bản Đôn chế biến món ăn phục vụ khách du lịch.

Có dịp ghé về bản Đôn (xã Thành Lâm, huyện Bá Thước) để nghỉ ngơi, thăm thú, chúng tôi mới hiểu vì sao bản du lịch sinh thái – cộng đồng này sớm tìm được chỗ đứng trong lòng du khách. Ngoài cảnh quan tự nhiên còn tương đối nguyên sơ, trong lành và yên bình, thì con người là một trong những nguyên do, để lý giải cho sức hấp dẫn của bản Đôn. Những cư dân bản địa, bất kể là người trực tiếp hay gián tiếp tham gia làm du lịch, đều đón tiếp du khách bằng thái độ tự nhiên, chân thành, hòa nhã và dễ chịu. Tôi đã gặp nhiều người trong số họ, từ quản lý một homestay, nhân viên phục vụ, đến người dân... và mỗi người đều có thể mang lại cho tôi thêm nhiều hiểu biết thú vị về vùng đất và con người nơi đây.

Chẳng hạn, câu chuyện ẩm thực riêng có được một chàng trai người Thái “kể” trực tiếp qua quá trình chế biến, nêm nếm gia vị, qua hương thơm, màu sắc của món lợn mán nướng. Hoặc chuyện về quá trình chuyển từ làm nương rẫy, sống dựa vào lúa ngô sang làm du lịch và các dịch vụ kèm theo của người nông dân tôi vô tình gặp. Khi du lịch đang dần “đổi màu” đời sống cộng đồng, từ nghèo đói trở nên no đủ; thì bản thân mỗi thành viên sẽ càng ý thức được, là cần bảo vệ môi trường sống, môi trường tự nhiên và phong tục, tập quán của cộng đồng mình. Và với tôi, mỗi người trong số họ đều như một hướng dẫn viên du lịch đầy hiểu biết, nhiệt tình và trách nhiệm. Qua đó, mang đến cho khách du lịch sự trải nghiệm phong phú và cảm giác hài lòng.

Du lịch phát triển gắn với con số triệu du khách, hàng chục tỷ đô la và hệ thống các chính sách vĩ mô, các dự án đầu tư lớn, các công trình hạ tầng, phương tiện kỹ thuật tầm cỡ. Du lịch cũng gắn chặt với các di sản, phong cảnh, với khách sạn, nhà hàng... Song, sẽ là không đủ nếu du lịch không gắn với cộng đồng nhất định, hay gắn với đời sống văn hóa của một cộng đồng nào đó. Đã có không ít bài học kinh nghiệm thực tiễn, từ những địa phương đã xây dựng và áp dụng những kỹ năng thực hành du lịch lành mạnh đến cộng đồng và từng người dân. Có dịp về với di sản văn hóa phố cổ Hội An (tỉnh Quảng Nam), du khách càng cảm nhận rõ điều đó. Những kỹ năng được bắt đầu từ câu “cảm ơn”, “xin mời” nơi cửa miệng; bằng nụ cười mến khách, thái độ trung thực, được mỗi người thực hành một cách tự nhiên và chân thành. Và mỗi người trong cộng đồng ấy thực sự là một hướng dẫn viên, nếu du khách có thắc mắc về đường đi, nơi ăn nghỉ, mua sắm, giá cả... họ đều sẵn sàng giúp đỡ bằng sự nhiệt tình và trách nhiệm.

Từ vài ví dụ nêu trên để thấy rằng, vai trò của người dân trong phát triển du lịch là không thể phủ nhận. Họ - những “hướng dẫn viên du lịch cộng đồng” là người bản địa, cũng là người có hiểu biết phong phú, sâu sắc về khu, điểm du lịch. Do đó, thay vì dựa vào sách vở lý thuyết, họ dựa theo vốn sống, theo kinh nghiệm để truyền đạt những hiểu biết của mình một cách dung dị và dễ hiểu nhất. Đặc biệt, chính công việc và đời sống hàng ngày của họ đã là một bản thuyết minh có sức thuyết phục du khách. Đồng thời, khi ý thức được du lịch đang trở thành nguồn thu nhập quan trọng, thì chính họ sẽ là những người đầu tiên “nói không” với tình trạng bắt chẹt, vòi vĩnh, ăn xin, móc túi du khách. Cùng với đó là ý thức bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, an toàn giao thông cũng dần được nâng lên; cũng như giảm thiểu các biểu hiện thiếu văn minh, văn hóa trong du lịch. Nhờ vậy, mỗi người cũng là sẽ một cầu nối, một sợi dây liên hệ giữa du khách với cộng đồng làm du lịch hay điểm đến du lịch.

Câu hỏi đặt ra là, làm thế nào để mỗi người dân có thể trở thành một hướng dẫn viên du lịch tích cực và trách nhiệm? Câu trả lời không khó, nếu mỗi người đều mong muốn và nỗ lực thay đổi những thói quen, những cách làm du lịch không còn phù hợp. Từ đó, hình thành những thói quen tốt, những cách làm hay. Đơn cử như hãy làm sạch, làm đẹp thêm căn nhà của mình và làm đẹp chính con người mình bằng lối hành xử văn hóa. Hoặc, thay vì vứt bừa rác thải ra đường, xuống cống rãnh thoát nước, thì hãy xả rác đúng nơi quy định. Hoặc thay vì cố gắng chen lấn, xô đẩy để dành một chỗ đứng khi mua hàng, một chỗ ngồi trên xe buýt, thì hãy xếp hàng tuần tự và biết nhường ghế cho người già, trẻ em, phụ nữ, người tàn tật... Đó đều là những việc làm rất nhỏ, nhưng sẽ góp phần không nhỏ vào việc hình thành văn hóa du lịch. Và làm được như vậy, thì mỗi người dân đều có thể trở thành một hướng dẫn viên du lịch, đang quảng bá hình ảnh du lịch thân thiện, văn minh đến đông đảo du khách.

Đương nhiên, để có được các kỹ năng ứng xử lành mạnh, văn minh trong du lịch, không chỉ cần ngày một ngày hai. Đó là kết quả của một quá trình thực hành kiên trì và dần hoàn thiện tới mức trở thành thói quen, thành lối ứng xử tự nhiên. Từ đó, mang đến cho du khách những sản phẩm, những dịch vụ, những trải nghiệm được thực hiện bằng tấm lòng yêu nghề, yêu người và yêu cuộc sống của mỗi người dân.

Bài và ảnh: Hoàng Xuân


Bài Và Ảnh: Hoàng Xuân

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]