(Baothanhhoa.vn) - Tuy là huyện biên giới nhưng Thường Xuân chỉ cách TP Thanh Hóa hơn 50 km, rất gần tuyến đường Hồ Chí Minh chạy qua nên có nhiều thuận lợi để phát triển du lịch cộng đồng. Những năm gần đây, huyện đang có nhiều nỗ lực phát huy tiềm năng về cảnh quan thiên nhiên và văn hóa - lịch sử để hình thành các điểm du lịch. Cùng với đó là gắn phát triển du lịch cộng đồng với Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (XDNTM) để thực hiện những mục tiêu kép cho phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân.

Lấy du lịch cộng đồng làm điểm tựa xây dựng nông thôn mới ở huyện Thường Xuân

Tuy là huyện biên giới nhưng Thường Xuân chỉ cách TP Thanh Hóa hơn 50 km, rất gần tuyến đường Hồ Chí Minh chạy qua nên có nhiều thuận lợi để phát triển du lịch cộng đồng. Những năm gần đây, huyện đang có nhiều nỗ lực phát huy tiềm năng về cảnh quan thiên nhiên và văn hóa - lịch sử để hình thành các điểm du lịch. Cùng với đó là gắn phát triển du lịch cộng đồng với Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (XDNTM) để thực hiện những mục tiêu kép cho phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân.

Lấy du lịch cộng đồng làm điểm tựa xây dựng nông thôn mới ở huyện Thường XuânĐiểm du lịch cộng đồng bản Mạ tại huyện Thường Xuân gắn với phát triển hạ tầng giao thông của địa phương.

Phải khẳng định, Thường Xuân có nguồn tài nguyên du lịch phong phú và đa dạng, đặc biệt là du lịch sinh thái cộng đồng gắn với du lịch tâm linh. Từng tên núi, tên sông, tên làng, tên bản, đa phần đều gắn liền với cuộc khởi nghĩa của người Anh hùng dân tộc Lê Lợi, với phong trào Cần Vương của danh nhân Cầm Bá Thước. Đến với Thường Xuân là đến với phong tục, tập quán độc đáo của đồng bào dân tộc Thái, Mường, đồng bào vùng giáp ranh với nước bạn Lào. Những món ăn truyền thống như canh ui, cơm lam, cá sông, lợn mán, gà đồi... luôn có sức hấp dẫn đối với du khách. Đến đây, du khách được thả hồn trong men rượu cần, đắm say với điệu múa xòe, nhảy sạp cùng tiếng khèn, tiếng cồng chiêng vang vọng.

Nơi đây có công trình thủy lợi, thủy điện Cửa Đạt với sức chứa 1,5 tỷ m3 nước, cả một khu vực thượng và hạ lưu hồ nước lớn nhất xứ Thanh này là bức tranh thiên nhiên sơn thủy hữu tình, có những dãy núi trùng điệp bốn mùa mây mù che phủ. Mặt hồ rộng khoảng 6.600 ha, nơi sâu nhất 80m, vùng sâu trung bình 30m, hiện đã có các dịch vụ đi thuyền ngắm cảnh, câu cá và thưởng thức những món ăn dân dã trên thuyền. Đáng nói, những dịch vụ ngay trên tàu du lịch của chính người dân địa phương ngày càng nở rộ, giúp du khách hòa mình vào phong cảnh thiên nhiên, cùng tận hưởng cảm giác mát mẻ, khám phá một hệ thống thác nước phong phú.

Lấy du lịch cộng đồng làm điểm tựa xây dựng nông thôn mới ở huyện Thường XuânCác homestay do người dân đầu tư, xuất hiện nhiều ở bản Mạ (thị trấn Thường Xuân) và bản Vịn (xã Bát Mọt).

Du khách sẽ được sống lại không khí của Hội thề Lũng Nhai tại xã Ngọc Phụng - nơi cách đây gần 600 năm, chủ tướng Lê Lợi cùng 18 vị anh hùng hào kiệt đã cắt máu thề nguyện quyết tâm chống giặc Minh bảo vệ đất nước. Khu Di tích đền Cửa Đạt - nơi thờ vị Anh hùng dân tộc Cầm Bá Thước và Bà chúa Thượng Ngàn cũng thu hút hàng triệu lượt du khách mỗi năm. Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên với diện tích 23.610 ha được ví như Amazon của Việt Nam với 6.000 ha rừng nguyên sinh, quần thể cây di sản... cũng đang được phát huy để phát triển hoạt động tham quan.

Nhiệt độ chênh lệch ngày và đêm lớn, thường xuyên có mây mù bao phủ, bản Vịn của Thường Xuân được ví như Sapa của Việt Nam thu nhỏ. Bản Vịn cùng với bản Mạ đã phát triển du lịch cộng đồng (homestay), thu hút đông đảo du khách về tham quan, đem lại thu nhập cao cho các hộ sinh sống tại bản. Huyện Thường Xuân còn chú trọng phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao tạo ra các sản phẩm đặc trưng gắn với Chương trình OCOP, phục vụ nhu cầu mua sắm của khách du lịch.

Những tiềm năng, thế mạnh trên chính là nền tảng để du lịch nông thôn Thường Xuân trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, là động lực thúc đẩy quá trình XDNTM. Thông tin từ UBND huyện Thường Xuân: Nhiệm vụ phát triển du lịch cộng đồng gắn với XDNTM đã được các cấp ủy đảng, chính quyền hết sức quan tâm bởi nội hàm của du lịch nông thôn - một xu hướng mới về phát triển du lịch cũng chính là một phương thức kinh tế đối với công tác XDNTM. Tuy lồng ghép 2 chương trình chưa lâu, nhưng Thường Xuân đã gặt hái được kết quả khích lệ. Toàn huyện đã có 6 xã đạt chuẩn NTM, 1 xã đạt NTM nâng cao; 41 thôn đạt chuẩn NTM, 5 thôn đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân không ngừng được cải thiện, trình độ dân trí tiếp tục được nâng cao. Mô hình kinh doanh dịch vụ du lịch được triển khai rộng khắp, có quy mô và bài bản. Các xã, thôn, bản cũng đang quyết tâm thực hiện Chương trình OCOP, du lịch cộng đồng, các dịch vụ du lịch,... nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

Bài và ảnh: Linh Trường



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]