(Baothanhhoa.vn) - Nằm bên bờ hữu sông Mã, làng Dương Xá (nay là làng Giàng, xã Thiệu Dương, TP Thanh Hóa) - là một trong những làng cổ vừa hội tụ được nét văn hóa truyền thống của làng cổ Việt Nam vừa mang những nét riêng của vùng đồng bằng châu thổ sông Mã.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Làng cổ nơi ngã ba sông

Nằm bên bờ hữu sông Mã, làng Dương Xá (nay là làng Giàng, xã Thiệu Dương, TP Thanh Hóa) - là một trong những làng cổ vừa hội tụ được nét văn hóa truyền thống của làng cổ Việt Nam vừa mang những nét riêng của vùng đồng bằng châu thổ sông Mã.

Nghi lễ tế nam quan trong lễ hội đền thờ Dương Đình Nghệ, xã Thiệu Dương (TP Thanh Hóa).

Từ thượng nguồn chảy về, sông Mã gặp sông Chu tại địa phận làng Dương Xá. Vùng đất này phía Đông giáp núi Ngũ Hoa, đây cũng là điểm tiếp giáp với làng cổ Đông Sơn - cái nôi của nền văn minh đồ đồng rực rỡ. Phía Bắc làng là ngã ba Đầu và sông Chu hiền hòa, thơ mộng. Vây quanh làng Dương Xá là cơ man những ngọn núi kỳ lạ, mang tên những con vật thiêng, như: Núi Voi, núi Ngựa, núi Rùa... Làng Dương Xá nằm ở vị trí đắc địa, nơi hội tụ khí thiêng. Cũng là nơi ghi chép lại những lớp lang trầm tích về văn hóa - lịch sử được bao thế hệ con người nơi đây cùng chung sức, đồng lòng kiến tạo nên. Từ buổi khai thiên lập địa đến nay, làng Dương Xá không chỉ là nơi tập kết, trao đổi hàng hóa qua các thuyền buôn ngược xuôi sông Mã, sông Chu lên miền núi, vào các tỉnh phía Nam. Theo sử sách, với vị trí đắc địa của mình, làng Dương Xá không chỉ thuận lợi để hình thành một vùng đất sầm uất, thịnh vượng mà còn là nơi giao lưu văn hóa của người dân mọi miền đất nước. “Làng Giàng trên bến dưới sông/ Vui người, vui cảnh đến không muốn về” (Ca dao cổ).

Dương Xá là một trong những làng cổ được thành lập từ rất sớm của Việt Nam nói chung và Thanh Hóa nói riêng. Xưa, làng Dương Xá có tên nôm là Kẻ Giàng. Một trong những căn cứ quan trọng, chứng tỏ Dương Xá là nơi hội tụ, sinh sống của người Việt cổ và là nơi phát hiện di chỉ khảo cổ học Thiệu Dương của nền văn hóa Đông Sơn. Theo ghi chép của Trung tâm Bảo tồn di sản văn hóa tỉnh, trên vùng đất bằng phẳng của làng Dương Xá, di chỉ khảo cổ Thiệu Dương được phát hiện từ đầu thập kỷ 60 của thế kỷ 20. Di chỉ được xác định thuộc thời đại đồng thau, niên đại trước Công nguyên (khoảng trước, sau thế kỷ thứ V). Trong phạm vi khai quật khoảng 10.000 m2 các nhà khảo cổ học đã phát hiện ra nhiều vật dụng sinh hoạt như ấm đồng, gương đồng, đồ trang sức, lưỡi đục và một khu mộ, gồm 115 ngôi mộ nhỏ. Trong đó, có 113 ngôi mộ có chứa những đồ tùy táng khác nhau như: Bát, đĩa, đồ trang sức, đồ gốm, cuốc, đồ đồng... Những hiện vật được phát hiện từ di chỉ khảo cổ Thiệu Dương là những căn cứ chứng minh cho sự phồn thịnh trong đời sống, sinh hoạt của cư dân làng Giàng thời Hùng Vương. Theo tiến sĩ Phạm Văn Tuấn, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản văn hóa Thanh Hóa: Kẻ Giàng chính là một trong những địa điểm khảo cổ học, mang trong mình những chứng tích đáng giá. Trong đó, có chứa cả những di chỉ khảo cổ học thời kỳ tiền Đông Sơn và văn hóa Đông Sơn. Những cổ vật được phát hiện trong quần thể di chỉ khảo cổ Thiệu Dương càng minh chứng cho lập luận, Dương Xá chính là một trong những trung tâm văn hóa, lịch sử của nền văn minh Đông Sơn và khu vực đồng bằng sông Mã.

Vùng đất Dương Xá xưa đã có một thời gian dài (từ thế kỷ I đến đầu thế kỷ VII) giữ vai trò là đô thị cổ với tên gọi thành Tư Phố, quận Cửu Chân. Là nơi lưu dấu, ghi chép lại những sự kiện lịch sử bi tráng, kiên cường, bất khuất của đất nước thời kỳ chống quân xâm lược nhà Hán. Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, các thế hệ người Dương Xá đã có nhiều đóng góp quan trọng để người của đời họ Dương, cũng như những dấu mốc về sự nghiệp của Dương Đình Nghệ, Ngô Quyền và các con Dương Tam Kha, Dương Thị Nga đến nay vẫn được lưu truyền trên vùng đất này. Nhằm đáp lại ân đức và tưởng nhớ về Dương Đình Nghệ, trên vùng đất Dương Xá người dân đã xây dựng đền thờ vị danh tướng này ngay trên đất thổ cư của dòng họ Dương để người dân quanh năm hương khói. Trong công trình khảo sát di tích của các nhà văn hóa Phạm Trường Xuân và Ngô Quốc Túy những năm 1975, cho biết: Hiện nay không còn ai biết rõ đền thờ Dương Đình Nghệ xây dựng năm nào. Song, đền được xây ở quy mô lớn, theo kiểu “thượng sàng, hạ mộ” nghĩa là đền được xây dựng trên mộ. Ở đây có 5 tấm bia đá, ghi niên hiệu Thiệu Trị năm thứ 6, Tự Đức năm thứ 2, Thành Thái năm thứ 4. Ba tấm bia nói về trùng tu, một bia nói về đúc chuông, một bia ghi chép những người đóng góp công đức xây dựng, sửa chữa ngôi đền. Đền được xây dựng không rõ thời gian nào, chỉ biết trung đường và hậu cung được sửa chữa lại năm Thiệu Trị thứ 6 (1846), tiền đường sửa chữa năm Tự Đức thứ 2 (1849). Cả 5 bia đều cao 1,5m, rộng 0,9m, trán bia trang trí hình mặt hổ phù và lưỡng long chầu nguyệt. Chí khí oai hùng lừng lẫy của Dương Đình Nghệ được người dân Dương Xá đúc kết qua đôi câu đối: “Dưỡng tam thiên nghĩa sĩ, dĩ phục thù hăng hăng khinh khí”/ “Chưởng bát vạn hùng sư nhi xuất chiến lẫm lẫm uy danh”. Tạm dịch nghĩa là: “Nuôi ba vạn con nuôi, khí mạnh vô cùng”/ “Cầm tám vạn quân ra trận oai danh lừng lẫy”. Qua hai cuộc chiến tranh, đền Dương Đình Nghệ không còn nguyên vẹn như xưa, nhưng những dấu tích lịch sử đậm, nhạt như: Ao sen, ao thuyền thúng, giếng đá hình bán nguyệt, hồ sao sa,... còn lưu lại cũng đủ để phác họa nên bức tranh toàn cảnh về lịch sử, văn hóa của vùng đất này.

Ở ngã ba sông Chu và sông Mã, Dương Xá là một trong những làng cổ có bề dày lịch sử văn hóa, là niềm tự hào của mỗi người con sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này. Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, Dương Xá đã để lại dấu ấn vô cùng đậm nét, làm nên một vùng đất cổ và điển hình bậc nhất ở xứ Thanh địa linh, nhân kiệt.


Bài và ảnh: Lê Hòa

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]