(Baothanhhoa.vn) - Từ thị trấn Cành Nàng của huyện Bá Thước đi theo hướng Tây Bắc vòng quanh chân núi vào đến bản Đôn, xã Thành Lâm ước chừng 16 cây số. Trong ánh nắng dát vàng của mùa hạ, những ruộng ngô, nương lúa và những nếp nhà sàn của người Thái ở bản Đôn dần hiện ra nên thơ, hữu tình, như thực như mơ, làm đắm say biết bao du khách.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Khám phá du lịch cộng đồng ở bản Đôn

Từ thị trấn Cành Nàng của huyện Bá Thước đi theo hướng Tây Bắc vòng quanh chân núi vào đến bản Đôn, xã Thành Lâm ước chừng 16 cây số. Trong ánh nắng dát vàng của mùa hạ, những ruộng ngô, nương lúa và những nếp nhà sàn của người Thái ở bản Đôn dần hiện ra nên thơ, hữu tình, như thực như mơ, làm đắm say biết bao du khách.

Du khách được đắm mình trong bể bơi vô cực của khu Pù Luông retreat.

Điểm nhấn đầu tiên mà du khách bắt gặp ở bản Đôn đó là khu nghỉ dưỡng Pù Luông retreat với những ngôi nhà trên mây, được thiết kế theo kiểu dáng đậm nét cổ kính pha lẫn hiện đại. Ở đây có các phòng nghỉ đầy đủ tiện nghi, cảnh quan tươi đẹp, khí hậu trong lành, là nơi lý tưởng để nghỉ dưỡng và ghi lại những khoảnh khắc bên bạn bè và người thân. Đặc biệt, nơi đây còn có bể bơi vô cực, như tấm gương khổng lồ phản chiếu bốn bề không gian, cảm giác như chạm được tới cả trời xanh, mây trắng và thỏa thích đắm nhìn toàn cảnh núi rừng, ruộng nương trù phú, bao la trong tầm mắt.

Rời khu nghỉ dưỡng Pù Luông retreat trong cảm xúc lâng lâng khó tả, con đường quanh co tiếp tục dẫn du khách vào trong bản Đôn với bao điều hấp dẫn khác. Theo những người cao niên trong bản kể rằng, bản Đôn có tên gọi như bây giờ là có nguồn gốc của nó. Từ thuở xa xưa, nơi đây người dân thường sinh sống phân tán nhỏ lẻ, vài hộ chúm chụm ở một chỗ, không ra bản cũng chẳng ra làng. Về sau, để thuận tiện sinh hoạt, hội họp cộng đồng, các hộ mới dồn lại thành một bản đông đúc và phát triển đến ngày nay. Tiếng Kinh gọi là dồn, tiếng Thái gọi là đôn. Từ khi khai làng, lập bản, tên bản Đôn đã được hình thành và gắn bó với người dân tộc Thái suốt hơn một ngàn năm qua.

Ông Ngân Trung Sơn, trưởng bản Đôn, phấn khởi cho biết: Bản có tổng diện tích tự nhiên 125,8 ha, có 76 hộ với 285 nhân khẩu, 100% là người dân tộc Thái. Hiện nay, bản có 24 hộ làm du lịch theo loại hình homestay, trong đó 7 hộ đã đón khách thường xuyên và có thu nhập ổn định, có thời điểm đạt 200 triệu đồng/năm. Năm 2017, bản đón được 19.000 lượt khách. Từ đầu năm 2018 đến nay, lượng khách đã bằng nửa năm ngoái, trong đó khách nước ngoài đến từ các nước: Ô-xtrây-li-a, Pháp, Đan Mạch, I-ta-ly-a, Hà Lan... chiếm tới 70% lượng khách. Để người dân được tiếp cận với cách làm du lịch, các cấp, ngành, địa phương đã quan tâm xây dựng các mô hình, mở các lớp tập huấn về giữ gìn bản sắc các điệu khặp Thái, sáo ôi, khèn bè, múa xòe, múa sạp, dạy nghề đan lát, dệt thổ cẩm... cho người dân. Nhờ đó đã góp phần từng bước cải thiện thu nhập, xóa đói, giảm nghèo cho bà con và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Điển hình như nhà anh Hà Văn Thược, hiện có 5 căn nhà sàn với 12 phòng nghỉ và 1 căn nhà sàn tập thể, có mức giá thuê bình quân từ 400.000 đến 1.200.000 đồng/phòng. Gia đình anh đã liên kết với Công ty Du lịch Amica Travel ở Hà Nội, bằng hình thức anh góp đất, phía công ty đầu tư tài chính. Năm 2017, nhà anh đầu tư toàn bộ cơ sở hạ tầng du lịch hơn 2 tỷ đồng, đầu năm 2018 đưa vào sử dụng phục vụ du lịch đã đón được khoảng 300 - 400 lượt khách, trong đó phần lớn là khách nước ngoài.

Nhà chị Lê Thị Phương Dung mới bắt đầu đón khách từ tháng 4-2018 đến nay, nhưng lượng khách đã rất đông. Nhà chị đầu tư hơn 3 tỷ đồng xây dựng 2 bungalow dành cho phòng gia đình, 3 treehouse dành cho phòng đôi và 1 nhà sàn tập thể với sức chứa 10 - 15 người, có mức giá bình quân từ 300.000 đến 1.400.000 đồng/phòng. Các phòng nghỉ được trang bị đầy đủ tiện nghi, phong cách hiện đại xen lẫn truyền thống, đặc biệt sử dụng nguyên vật liệu tự nhiên như: Tranh tre, nứa lá, đá, gỗ... vừa bảo vệ môi trường sinh thái, vừa gần gũi, thân thiện với con người. Du khách có thể thả hồn trong cảnh quan thơ mộng bên cạnh nhà sàn, nương lúa và nhâm nhi thưởng thức hương vị ẩm thực của vịt Cổ Lũng, ốc núi đá, gà đồi rang, rau bí xào lòng, măng đắng..., ngất ngây cùng rượu men lá, hẳn sẽ nhớ mãi không thể nào quên.

Là huyện miền núi có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch, nhất là du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng (homestay), toàn huyện Bá Thước hiện có 58 hộ trực tiếp làm dịch vụ homestay. Ngoài ra còn có hơn 100 hộ được hưởng lợi gián tiếp từ việc tham gia chăn nuôi, trồng rau sạch, dệt thổ cẩm và các dịch vụ khác... cung cấp cho các nhà nghỉ, nhà hàng, phục vụ khách du lịch. Thời gian qua, huyện đã tập trung nhiều nguồn lực, nhiều dự án để hỗ trợ các bản làm du lịch cộng đồng, đặc biệt là tổ chức thực hiện xây dựng nông thôn mới kết hợp phát triển du lịch cộng đồng. Trong đó huyện đã hỗ trợ gần 1 tỷ đồng cho các công trình giao thông. Ngoài ra, các phòng, ban chức năng của huyện đã hướng dẫn giúp các bản thành lập các đội văn nghệ; mở các lớp tập huấn du lịch mỗi năm 2 đợt, mỗi đợt 100 người về ứng xử, giao tiếp, lễ tân, hậu cần nấu bếp, hướng dẫn viên, đón khách; đấu mối với các ngân hàng trên địa bàn cho người dân vay vốn thuận lợi; thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện các tiêu chí nông thôn mới của các bản, trong đó chú trọng hai tiêu chí về môi trường và cơ sở vật chất văn hóa, nhằm đảm bảo phát triển du lịch hiệu quả, bền vững.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lò Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Bá Thước, cho biết: Trong những năm tới, huyện Bá Thước xác định du lịch là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để phát triển kinh tế - xã hội, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phấn đấu đưa huyện thoát nghèo vào năm 2020. Để đạt được mục tiêu đó, hiện nay huyện đã xây dựng “Chương trình hành động phát triển du lịch đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” và Đề án “Phát triển du lịch cộng đồng huyện Bá Thước đến năm 2025, tầm nhìn 2030” đã được tỉnh phê duyệt. Giai đoạn 2018-2020, huyện phấn đấu phục vụ 40.000 lượt khách (trong đó có 13.300 lượt khách quốc tế), doanh thu đạt 40 tỷ đồng. Đến năm 2025 đạt 122.000 lượt khách (trong đó có 40.000 lượt khách quốc tế), doanh thu đạt 152 tỷ đồng. Mục tiêu chung là phát triển du lịch có trọng tâm, trọng điểm, có tính chuyên nghiệp, có hệ thống cơ sở vật chất đồng bộ, sản phẩm du lịch có chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu và tính cạnh tranh cao, đưa Bá Thước trở thành một trong những trọng điểm du lịch của tỉnh trong thời gian tới.

Mô hình phát triển du lịch cộng đồng ở bản Đôn đã được huyện chỉ đạo xây dựng điểm, từ đó nhân rộng ra các thôn, bản có điều kiện tương đối thuận lợi. Huyện cũng sẽ tích cực triển khai nhiều hỗ trợ hơn nữa để xây dựng bản Đôn sớm trở thành bản nông thôn mới và là bản du lịch của huyện trong năm 2018. Theo dự kiến một vài tháng tới đây, huyện sẽ công bố và đưa vào khai thác tour du lịch cộng đồng: bản Kho Mường (xã Thành Sơn) – bản Đôn (xã Thành Lâm) – bản Hiêu (xã Cổ Lũng). Với tour du lịch này, ngoài được chiêm ngưỡng cảnh quan ruộng bậc thang và tìm hiểu cuộc sống của đồng bào các dân tộc Thái, Mường, du khách còn được tham gia nhiều hoạt động trải nghiệm thú vị, như: Trekking, nghỉ dưỡng, tham quan tự nhiên, thăm làng, thưởng thức ẩm thực địa phương... chắc chắn sẽ thỏa lòng du khách khi về với miền Tây xứ Thanh.


Bài và ảnh: Ngọc Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]