(Baothanhhoa.vn) - Nhằm xây dựng những sản phẩm du lịch phong phú, hấp dẫn, lôi cuốn du khách, đặc biệt là khách quốc tế, những năm qua huyện Quan Hóa đã tập trung xây dựng nhiều mô hình homestay đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch, góp phần nâng cao đời sống người dân, thúc đẩy du lịch địa phương phát triển.

Huyện Quan Hóa phát triển du lịch cộng đồng, tạo sinh kế cho người dân

Nhằm xây dựng những sản phẩm du lịch phong phú, hấp dẫn, lôi cuốn du khách, đặc biệt là khách quốc tế, những năm qua huyện Quan Hóa đã tập trung xây dựng nhiều mô hình homestay đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch, góp phần nâng cao đời sống người dân, thúc đẩy du lịch địa phương phát triển.

Huyện Quan Hóa phát triển du lịch cộng đồng, tạo sinh kế cho người dânMột góc bản Bút, xã Nam Xuân.

Là một trong những địa điểm đầu tiên trên địa bàn huyện Quan Hóa làm du lịch cộng đồng, bản Hang, xã Phú Lệ đã thu hút đông đảo du khách gần xa trong và ngoài nước đến tham quan, khám phá. Tại đây, nhiều hình thức du lịch trải nghiệm được triển khai đã phát huy hiệu quả, ngày càng thu hút khách du lịch và đem lại thu nhập cho người dân. Xuất phát điểm chỉ một vài hộ gia đình, đến nay, bản Hang đã có trên 30 gia đình tham gia và đủ các điều kiện làm du lịch cộng đồng, phục vụ du khách. Theo thống kê giai đoạn từ năm 2016-2019, trước thời điểm bùng phát dịch bệnh COVID-19, trung bình mỗi năm bản Hang đón khoảng 4.000 lượt khách, doanh thu trên 600 triệu đồng.

Tại xã Nam Xuân nói chung, bản Bút nói riêng, du khách đến đây được tham gia các hoạt động, như: hội cồng chiêng, hội tung còn, khua luống, đánh pàm, đẩy gậy, kéo co, múa sạp, múa bát, khặp Thái, thổi khèn bè, đốt lửa trại... Đến với bản Bút, du khách có thể trải nghiệm dịch vụ homestay, nghỉ ngơi trong nhà sàn của người Thái, tìm hiểu phong tục tập quán, sinh hoạt cùng người dân... đồng thời được thưởng thức những món ăn độc đáo mang đậm truyền thống của đồng bào dân tộc Thái được chế biến từ các loại rau rừng, nông sản thu hái từ trên rừng, dưới suối, như gà đồi, ốc đá, măng chua, măng đắng, canh đắng, cơm lam, nộm hoa chuối rừng, lợn rừng quay, măng vịt, rượu ngô, rượu cần...

Bên cạnh trải nghiệm ẩm thực, du khách có thể cùng nấu ăn, gặt lúa trên ruộng bậc thang, đánh bắt cá, trồng rau, đan lát, thêu thùa, dệt thổ cẩm cùng người dân hay trải nghiệm chèo thuyền trên lòng hồ Pha Đay ngắm cảnh thiên nhiên hùng vĩ, hoang sơ của núi rừng... Ngoài ra, khi du khách đến với huyện Quan Hóa còn có thể ghé thăm một số danh lam thắng cảnh, hang động đẹp, huyền bí như: hang Phi, núi đá Pha Đanh, chiêm ngưỡng vẻ đẹp của những thửa ruộng bậc thang lúa chín như dát vàng trải dài khắp các triền núi...

Để làm phong phú thêm hoạt động du lịch cộng đồng, huyện Quan Hóa còn tổ chức kết nối các tour du lịch từ bản Hang (xã Phú Lệ) đến điểm du lịch Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông (Bá Thước), thác Ma Hao (Lang Chánh)... Cùng với các tour du lịch, huyện tổ chức hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao và các sự kiện lớn của tỉnh: Giải Marathon băng rừng Việt Nam – Pù Luông; tổ chức lễ hội Mường Ca Da,... từ các hoạt động trên đã thu hút du khách, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương...

Tuy nhiên, trong những năm qua, việc phát triển loại hình du lịch cộng đồng tại huyện Quan Hóa còn rất hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có của địa phương; một số nơi người dân tham gia làm du lịch còn mang tính nhỏ lẻ, chưa đồng bộ và thiếu tập trung, việc cung ứng dịch vụ du lịch của các hộ dân còn gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, các sản phẩm du lịch còn chưa mang tính đặc thù, cộng đồng địa phương tham gia cung ứng và phát triển du lịch cộng đồng tại huyện Quan Hóa còn hạn chế...

Để thúc đẩy du lịch cộng đồng phát triển bền vững, huyện Quan Hóa đã xây dựng đề án phát triển du lịch giai đoạn 2015-2020, tầm nhìn đến 2025, trong đó xác định loại hình du lịch khám phá, du lịch cộng đồng là hướng phát triển trọng tâm; tiếp tục thực hiện công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch; đa dạng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ du lịch; quan tâm bảo vệ môi trường và tôn tạo tài nguyên du lịch; bảo tồn hệ thống di tích lịch sử, phát triển văn hóa truyền thống kết hợp với việc khôi phục, phát triển làng nghề truyền thống, góp phần làm phong phú thêm nguồn tài nguyên du lịch. Đồng thời, tăng cường quảng bá xúc tiến du lịch, tuyên truyền quảng bá tiềm năng, sản phẩm, tài nguyên du lịch để thu hút du khách đến với địa phương, góp phần tạo sinh kế cho người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương phát triển.

Bài và ảnh: Xuân Minh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]