(Baothanhhoa.vn) - Bảo tồn và phát huy giá trị các loại hình di sản phi văn hóa vật thể không chỉ là bảo vệ các giá trị truyền thống đặc sắc; mà còn để nó “sống” một cuộc sống đích thực, đó là làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần cho con người. Trong đó, du lịch được xem là một “con đường” để đưa di sản vào đời sống.

Đưa di sản vào đời sống bằng “con đường” du lịch

Bảo tồn và phát huy giá trị các loại hình di sản phi văn hóa vật thể không chỉ là bảo vệ các giá trị truyền thống đặc sắc; mà còn để nó “sống” một cuộc sống đích thực, đó là làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần cho con người. Trong đó, du lịch được xem là một “con đường” để đưa di sản vào đời sống.

Đưa di sản vào đời sống bằng “con đường” du lịchMột nghi lễ trong Lễ hội Lê Hoàn.

Thanh Hóa là mảnh đất của lễ hội và các loại hình văn hóa dân gian đặc sắc của các dân tộc. Những năm qua, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa cũng được tỉnh ta quan tâm. Trong đó, việc đầu tư khôi phục, bảo tồn các lễ hội, trò chơi, trò diễn, dân ca, dân vũ... đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Nhiều lễ hội đã trở thành sinh hoạt văn hóa cộng đồng rộng khắp, thu hút đông đảo Nhân dân và du khách thập phương khắp trong, ngoài tỉnh tham gia. Điển hình như lễ hội Lam Kinh, lễ hội Sòng Sơn, lễ hội Am Tiên, lễ hội Phủ Na... Đồng thời, nhiều lễ hội, trò diễn đặc sắc của các dân tộc Thái, Mường như Kin chiêng boọc mạy, khua luống, Pồn Pôông... cũng được bảo tồn để góp phần làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Mặc dù vậy, để khai thác hiệu quả hơn giá trị các di sản, để văn hóa thực sự trở thành một nguồn lực quan trọng cho phát triển, thì vẫn chưa được như kỳ vọng.

Trước thực tế đó, việc lựa chọn, tập trung đầu tư, khai thác, phát huy một số lễ hội tiêu biểu và loại hình văn hóa dân gian đặc sắc trở thành sản phẩm du lịch, hoặc hỗ trợ làm phong phú thêm các sản phẩm du lịch đã được tỉnh ta quan tâm. Đồng thời, nghiên cứu, xây dựng các lễ hội mới, mang sắc thái đặc trưng của tỉnh Thanh Hóa trở thành sản phẩm du lịch cũng bước đầu được tính toán đến. Theo đó, ngày 10-12-2018, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định 4924/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án “Nghiên cứu, phục dựng, phát huy giá trị các lễ hội tiêu biểu và các loại hình văn hóa dân gian đặc sắc trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, phục vụ phát triển du lịch”.

Cụ thể, đã lựa chọn, tổ chức 3 lễ hội tiêu biểu cấp tỉnh (gồm lễ hội Lam Kinh, lễ hội Bà Triệu, lễ hội Lê Hoàn) và 5 lễ hội tiêu biểu cấp huyện (gồm lễ hội Mẫu Tam phủ (Sòng Sơn, Phố Cát, Hàn Sơn - Cô Bơ), lễ hội Am Tiên - Phủ Nưa, lễ hội đền Đồng Cổ, lễ hội Mai An Tiêm, lễ hội Cầu Ngư của cư dân vùng ven biển), để từng bước hình thành và bổ trợ cho sản phẩm, thương hiệu du lịch Thanh Hóa. Đồng thời, tiến hành bảo tồn, phát huy 6 loại hình văn hóa dân gian đặc sắc, có khả năng trình diễn tại các khu, điểm du lịch để bổ trợ cho sản phẩm du lịch, phục vụ du khách (gồm trò Xuân Phả, hò Sông Mã, trò Chiềng, dân ca dân vũ Đông Anh, Pồn Pôông, Kin chiêng boọc mạy và khua luống). Ngoài ra, tiến hành nghiên cứu, tổ chức 6 lễ hội mới tại các khu di tích trọng điểm, nhằm từng bước phát triển thành sản phẩm, thương hiệu du lịch Thanh Hóa (gồm lễ hội tại Phủ Trịnh; lễ hội tại Lăng Miếu Triệu Tường; lễ hội Tình yêu Hòn Trống Mái; Festival Di sản Thành Nhà Hồ; lễ tế tại Đàn Tế Nam Giao; lễ hội Hương sắc vùng cao).

Lễ hội Lê Hoàn được tổ chức vào các ngày 7, 8, 9-3 âm lịch hàng năm (tại Khu Di tích lịch sử đền thờ Lê Hoàn, huyện Thọ Xuân), nhằm tưởng nhớ công lao của vị vua khai sinh triều Tiền Lê – Lê Đại Hành hoàng đế. Đây là một trong những lễ hội lớn, quy mô cấp tỉnh, được tỉnh ta chọn để xây dựng thành sản phẩm du lịch độc lập, điểm đến du lịch hoàn chỉnh. Cụ thể là phát triển lễ hội Lê Hoàn trở thành lễ hội mang tính liên vùng, kết nối với cố đô Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) - nơi in dấu tích về thời kỳ lịch sử hào hùng của dân tộc vào thế kỷ X, gắn liền với công lao to lớn của Lê Hoàn - tạo thành chuỗi kết nối tour tham quan. Theo đó, sẽ đầu tư, xây dựng kịch bản lễ hội theo hướng tổ chức nhiều loại hình văn hóa dân gian độc đáo, đặc sắc thời tiền Lê; đầu tư cơ sở hạ tầng hoàn thiện, đồng bộ, kết nối khách tham quan Khu Di tích Lam Kinh, Khu Di tích lịch sử Yên Trường, đền thờ Trung túc vương Lê Lai, các khu điểm du lịch trên địa bàn tỉnh và cố đô Hoa Lư. Đồng thời, xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích các công ty lữ hành trong và ngoài tỉnh liên kết đưa đoàn khách tham quan về với di tích và lễ hội.

Lễ hội Cầu Ngư của cư dân vùng ven biển được tổ chức vào tháng 2 âm lịch hàng năm, tại các huyện Hậu Lộc, thị xã Nghi Sơn và TP Sầm Sơn. Việc nghiên cứu xây dựng kịch bản, phục dựng, xây dựng hoàn chỉnh lễ hội Cầu Ngư của các cư dân vùng ven biển, gắn với phát triển thành sản phẩm du lịch có tính liên vùng và thành chuỗi hoạt động tín ngưỡng thờ thần biển của Thanh Hóa. Theo đó, các địa phương sẽ đầu tư cơ sở hạ tầng, dịch vụ phục vụ khách du lịch tại khu vực diễn ra lễ hội, tạo thành chuỗi trải nghiệm; xây dựng cơ chế, chính sách kêu gọi xã hội hóa các hoạt động tu bổ di tích, tổ chức lễ hội; xây dựng chương trình liên kết phát triển du lịch giữa điểm du lịch ven biển Sầm Sơn, Hoằng Hóa, Nga Sơn, Hậu Lộc, Quảng Xương, Nghi Sơn với các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ các công ty lữ hành tham gia giới thiệu, quảng bá điểm đến, đưa khách du lịch về tham dự lễ hội, tham quan các khu điểm du lịch ven biển.

...

Mặc dù định hướng đã rõ ràng và những lễ hội được lựa chọn là rất tiêu biểu cho văn hóa truyền thống xứ Thanh. Tuy nhiên, triển khai ra sao và hiệu quả mang lại là thúc đẩy du lịch phát triển thì còn cần nhiều yếu tố. Đó là cần có cơ chế, chính sách đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng, trang thiết bị phục vụ du lịch tại khu điểm du lịch và nơi diễn ra lễ hội, nhằm đáp ứng tốt nhu cầu tham quan, vui chơi, giải trí của khách du lịch. Đồng thời, xây dựng cơ chế quản lý, tổ chức lễ hội mang tính đặc thù cho từng loại hình lễ hội gắn với đầu tư trở thành sản phẩm du lịch; có cơ chế, chính sách quản lý, khai thác và kết nối tour tuyến du lịch trong tỉnh và liên vùng. Phát huy vai trò của các nghệ nhân dân gian, khai thác vốn hiểu biết về văn hóa dân gian và truyền dạy cho các thế hệ kế tiếp; đồng thời, đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực về các mặt như quản lý văn hóa, tổ chức sự kiện, hướng dẫn viên, thuyết minh viên về du lịch văn hóa lễ hội. Đặc biệt, để lễ hội trở thành một sản phẩm du lịch thì cần thiết phải tham vấn các chuyên gia, nhà hoạch định chiến lược, đầu tư xây dựng kịch bản lễ hội hoàn chỉnh, phù hợp với định hướng, cơ chế, chính sách và có tính khả thi để từng bước tạo thành sản phẩm du lịch; cũng như chú trọng sự tham gia của cộng đồng dân cư trong triển khai, thực hiện kịch bản lễ hội và bảo tồn, phát huy giá trị di sản lễ hội phục vụ du lịch.

Bài và ảnh: Khôi Nguyên



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]