(Baothanhhoa.vn) - Du lịch về miền tâm linh những năm gần đây đã và đang có sức hút đối với nhiều du khách, nhất là dịp cuối năm. Bởi cùng với tham quan, vãn cảnh, thì cuối năm chính là dịp để người dân, du khách đến các điểm di tích, chùa, đền... để dâng hương, tạ lễ, cầu bình an.

Du lịch tâm linh nhộn nhịp dịp cuối năm

Du lịch về miền tâm linh những năm gần đây đã và đang có sức hút đối với nhiều du khách, nhất là dịp cuối năm. Bởi cùng với tham quan, vãn cảnh, thì cuối năm chính là dịp để người dân, du khách đến các điểm di tích, chùa, đền... để dâng hương, tạ lễ, cầu bình an.

Du lịch tâm linh nhộn nhịp dịp cuối nămKhu Di tích lịch sử Lam Kinh thu hút đông đảo du khách đến tham quan.

Dịp cuối năm, Khu Di tích lịch sử Lam Kinh (Thọ Xuân) thu hút khá đông du khách thập phương đến để dâng hương, vãn cảnh. Trong số nhiều người đến đây, chúng tôi có dịp trò chuyện cùng bà Trịnh Thị Minh (Yên Định), bà chia sẻ: “Năm nào vào dịp cuối năm, gia đình tôi cũng về Khu Di tích lịch sử Lam Kinh để dâng hương, vãn cảnh. Mỗi khi đến đây, tôi thấy tâm hồn thanh thản, nhẹ nhàng, mọi muộn phiền, lo âu của cuộc sống dường như được hóa giải. Sau khi thắp nén hương với lòng thành kính cầu may mắn, sức khỏe cho gia đình, tôi thường đi dạo một vòng quanh khu di tích. Ở đây cảnh quan môi trường rất trong lành. Bởi vậy, tôi và gia đình rất thích thú mỗi khi đến đây”.

Phải nói rằng, trong những năm gần đây việc phát triển du lịch tâm linh tại Khu Di tích lịch sử Lam Kinh có sức lôi cuốn du khách, nhất là dịp cuối năm và đầu xuân. Theo chia sẻ của ông Vũ Đình Sỹ, Trưởng Ban Quản lý Khu Di tích lịch sử Lam Kinh: Ước tính lượng du khách tìm đến khu di tích trong 2 tháng cuối năm 2022 là gần 7.000 lượt khách. Khác với trước đây, các nghi lễ tâm linh năm nay được ban quản lý tổ chức nhiều hơn, quy mô lớn hơn và tính quảng bá cao hơn, đáp ứng nhu cầu của người dân. Cùng với đó, để đáp ứng tốt nhất nhu cầu của du khách vào dịp cuối năm cũng như đầu năm mới 2023, ban quản lý đã tổ chức tổng vệ sinh toàn bộ di tích, chỉnh trang khu làm việc, mua sắm đồ lễ phục vụ Tết Nguyên đán, phân công nhiệm vụ cho các phòng, tổ chuyên môn thực hiện theo lịch trực đảm bảo an toàn vào dịp tết. Đồng thời, chú trọng đến việc tổ chức dọn dẹp vệ sinh môi trường cảnh quan tại các tòa miếu, các đền thờ và các khu lăng mộ trên toàn bộ di tích; chỉnh trang hệ thống điện chiếu sáng, điện bảo vệ, đảm bảo an toàn cho công tác phòng cháy, chữa cháy trong dịp trước, trong và sau tết; chỉnh trang trưng bày phòng khách cơ quan, khu vực điện miếu phục vụ khách tham quan; chuẩn bị tốt người trực hướng dẫn viên để phục vụ tốt nhất khi khách đến tham quan di tích...

TP Thanh Hóa cũng là một trong những địa phương có hệ thống di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh phong phú và đặc sắc với 98 di tích đã được xếp hạng (25 di tích cấp quốc gia, 73 di tích cấp tỉnh). Trong đó, có nhiều khu, điểm di tích tâm linh hấp dẫn, thu hút đông đảo du khách thập phương nhất là dịp cuối năm và đầu xuân, như: Thiền viện Trúc Lâm Hàm Rồng, Đền thờ các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng và các Anh hùng liệt sĩ (Khu Di tích lịch sử - văn hóa Hàm Rồng); chùa Thanh Hà, chùa Mật Đa, phủ Bà... Để phát triển du lịch tâm linh cũng như phục vụ tốt nhất nhu cầu của du khách đến tham quan, thành phố đã quan tâm đầu tư tu bổ, tôn tạo các di tích. Trong năm 2022, thành phố đã có 1 quy hoạch điều chỉnh được phê duyệt: Điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu tỉ lệ 1/2.000 khu vực Hàm Rồng - Núi Đọ thuộc vành đai xanh phía Tây Bắc TP Thanh Hóa phục vụ dự án Đền thờ Dương Đình Nghệ và dự án chùa Báo Ân (Thiệu Vân); 2 quy hoạch đang lập điều chỉnh là Công viên văn hóa Hội An và Khu du lịch phía Bắc hồ Kim Quy thuộc Khu du lịch văn hóa Hàm Rồng; 6 dự án về di tích được bảo quản, tu bổ, phục hồi và chống xuống cấp do UBND phường, xã làm chủ đầu tư gồm: Di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật đình Vĩnh Trị (xã Hoằng Quang), Di tích lịch sử văn hóa miếu Đệ Nhị, Di tích lịch sử văn hóa đền thờ Lê Uy - Trần Khát Chân (phường Hàm Rồng), Di tích lịch sử văn hóa chùa Báo Ân (xã Thiệu Vân), Di tích lịch sử văn hóa chùa Long Khánh, Di tích lịch sử đình - đền Quan Nội (phường Long Anh). Cùng với đó, là tăng cường quản lý di tích nhất là vào dịp cuối năm như không để xảy ra hiện tượng sản xuất, tàng trữ, mua bán, sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ, các tệ nạn cờ bạc, mê tín dị đoan; quan tâm chỉnh trang cảnh quan môi trường, bố trí lực lượng để hướng dẫn khách đến tham quan...

Tỉnh Thanh Hóa hiện có 1.535 di tích lịch sử - văn hóa. Hàng năm tại một số khu, điểm di tích trọng điểm của tỉnh đón khá đông du khách nhất là dịp cuối năm và đầu năm mới như: Khu Di tích lịch sử Lam Kinh, Khu Di tích Am Tiên, Khu Di tích Bà Triệu... Thời gian qua, các cấp, ngành, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã quan tâm chỉnh trang, tu bổ, phục hồi nhiều di tích. Theo ước tính, tổng kinh phí đầu tư (cả Nhà nước và tư nhân) cho tu bổ, bảo tồn di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn tỉnh từ năm 2006 đến nay khoảng trên 1.900 tỷ đồng. Cùng với đó là huy động các nguồn lực đầu tư hoàn thiện hạ tầng giao thông kết nối các khu, điểm du lịch tâm linh nhằm phục vụ nhu cầu của du khách và thu hút các nhà đầu tư chiến lược trong loại hình du lịch này. Đồng thời, tập trung rà soát, kêu gọi đầu tư phát triển các khu, điểm có khả năng phát triển du lịch tâm linh; làm tốt công tác xúc tiến du lịch, đa dạng hóa sản phẩm du lịch tâm linh, gắn du lịch tâm linh với những hoạt động văn hóa, giải trí về đêm... để thu hút và giữ chân du khách.

Bài và ảnh: Nguyễn Đạt



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]