(Baothanhhoa.vn) - Với tài nguyên du lịch tự nhiên hết sức phong phú, vài năm trở lại đây, du lịch sinh thái đã và đang trở thành thế mạnh của du lịch Thanh Hóa. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 “hoành hành” suốt gần 2 năm qua và tác động tiêu cực đến ngành du lịch, thì du lịch sinh thái đang cho thấy vai trò như là “cứu cánh” giúp duy trì hoạt động du lịch.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Du lịch sinh thái: “Cứu cánh” cho du lịch thời dịch bệnh

Với tài nguyên du lịch tự nhiên hết sức phong phú, vài năm trở lại đây, du lịch sinh thái đã và đang trở thành thế mạnh của du lịch Thanh Hóa. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 “hoành hành” suốt gần 2 năm qua và tác động tiêu cực đến ngành du lịch, thì du lịch sinh thái đang cho thấy vai trò như là “cứu cánh” giúp duy trì hoạt động du lịch.

Du lịch sinh thái: “Cứu cánh” cho du lịch thời dịch bệnh

Bản Đôn (Bá Thước) – điểm đến du lịch bình yên.

Từ một “điểm sáng”

Đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát (khoảng cuối tháng 4-2021) và nhanh chóng lan rộng đã khiến cho hoạt động du lịch ngưng trệ. Đối với Thanh Hóa, đây lại là thời điểm bắt đầu “mùa” du lịch biển, nên việc bùng phát dịch bệnh đã khiến các khu du lịch biển hoặc gần như “tê liệt”, hoặc chỉ hoạt động cầm chừng. Cũng bởi thực trạng này mà các kế hoạch kích cầu, quảng bá xúc tiến du lịch của tỉnh phải tạm gác lại. Đồng thời, các hoạt động văn hóa, tín ngưỡng cũng bị hạn chế tối đa, cho nên du lịch văn hóa – tâm linh cũng không sáng sủa hơn du lịch nghỉ dưỡng biển là bao. Sự sụt giảm cả về lượng khách và doanh thu từ du lịch nghỉ dưỡng biển và du lịch văn hóa đã kéo lùi các chỉ tiêu tăng trưởng được đặt ra cho du lịch Thanh Hóa trong năm 2021.

Thế nhưng, trái với sự ảm đảm của du lịch nói chung, đến thời điểm này, du lịch sinh thái có thể xem là sản phẩm “có sức sống” hơn cả, với “điểm sáng” là Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông (Bá Thước). Trong 8 tháng, Pù Luông đã đón được 24.737 lượt khách (khách quốc tế là 1.539 lượt; khách nội địa 23.198 lượt). Từ nay đến cuối năm, huyện Bá Thước phấn đấu đón được 12.500 lượt khách đến tham quan, nghỉ dưỡng, nhằm đạt được mục tiêu đón được 37.237 lượt khách trong năm 2021. Con số này có thể còn khiêm tốn nếu so với tiềm năng sẵn có của địa phương; song đó là con số phản ánh sự nỗ lực rất lớn của cấp ủy, chính quyền, cộng đồng địa phương và nhất là sự chủ động của các doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh. Điển hình như khu nghỉ dưỡng Ebino Pù Luông resort and spa (bản Đôn, xã Thành Lâm), để thu hút du khách đơn vị đã đề ra thông điệp “Vì gặp khó khăn do COVID-19 gây ra, chúng tôi sẽ cung cấp nguồn lực khác và hỗ trợ thêm cho khách hàng”. Theo đó, đơn vị đã tung ra nhiều gói dịch vụ hấp dẫn, như “Trải nghiệm nghỉ dưỡng đẳng cấp chỉ 699k/người” (bao gồm ưu đãi hạng phòng, miễn phí ăn sáng, sử dụng bể bơi vô cực, trải nghiệm xe đạp khám phá Pù Luông...). Hay như khu nghỉ dưỡng Pù Luông Eco Garden, tháng 7-2021 đã tung ra gói siêu ưu đãi chỉ từ 690k/khách/2 ngày 1 đêm, bao gồm phòng nghỉ, ăn sáng, ăn tối, bể bơi vô cực...

Có thể nói, kết quả mà du lịch Bá Thước đạt được không phải “bỗng dưng mà có” nếu không xuất phát từ những nền tảng cơ bản. Đó là việc xác định “phát triển du lịch là một trong hai nhiệm vụ trọng tâm để phát triển kinh tế địa phương”, được nêu ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Bá Thước lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2015-2020. Từ sự định hướng trên, những năm qua, huyện Bá Thước đã đẩy mạnh công tác quy hoạch và đã được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch 1/2000 Khu du lịch Son - Bá - Mười (năm 2015), Khu du lịch Thác Hiêu (năm 2018), Khu du lịch Thác Muốn (năm 2020). Đặc biệt, năm 2019, UBND huyện cũng đã phê duyệt Quy hoạch 1/500 điểm dân cư nông thôn gắn với phát triển du lịch cộng đồng tại bản Đôn (xã Thành Lâm) và bản Kho Mường (xã Thành Sơn). Cùng với đó, địa phương cũng chú trọng thu hút đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật phục vụ phát triển du lịch. Đến nay, Bá Thước có 69 cơ sở nghỉ dưỡng, bungalow, homestay. Ngoài ra, năm 2019 bản Đôn, bản Kho Mường, bản Báng và thác Hiêu đã được UBND tỉnh công nhận là khu, điểm du lịch sinh thái cộng đồng. Đây là cơ sở để đưa Pù Luông trở thành điểm đến ngày càng hấp dẫn khách trong nước và quốc tế.

Từ “điểm sáng” Pù Luông có thể thấy, địa phương và nhất là các doanh nghiệp du lịch đã tranh thủ tốt những thời điểm dịch bệnh được khống chế, để đưa ra các gói sản phẩm, dịch vụ phù hợp, nhằm thu hút du khách. Điều này đã cho thấy khả năng “xoay xở” để duy trì các hoạt động du lịch trong bối cảnh dịch bệnh của Bá Thước mà không phải địa phương nào có tiềm năng, lợi thế cũng có thể làm được. Đồng thời, cũng minh chứng rằng du lịch sinh thái vẫn có thể duy trì nếu có địa phương, doanh nghiệp có sự chủ động, linh hoạt và luôn sẵn sàng tâm thế để vượt qua khó khăn, thách thức giữa bối cảnh dịch COVID-19 luôn diễn biến khó lường.

Gỡ khó để phát triển bền vững

Với nguồn tài nguyên thiên nhiên hết sức phong phú, gồm Vườn quốc gia Bến En, các khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, Xuân Liên đang nắm giữ một lợi thế rất lớn để xây dựng và khai thác các sản phẩm du lịch sinh thái và sinh thái cộng đồng. Trong đó, Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông đang được chú trọng đầu tư khai thác, với nhiều khu, điểm du lịch đã được công nhận. Đồng thời, Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên đã được UBND tỉnh phê duyệt đề án phát triển du lịch sinh thái nghỉ dưỡng giải trí (tại Quyết định số 5126/QĐ-UBND, ngày 30-11-2020). Trên cơ sở đó, sản phẩm du lịch sinh thái đã bước đầu định hình gắn với các dịch vụ như nghỉ dưỡng núi kết hợp tham quan ngắm cảnh núi rừng, ruộng bậc thang, thưởng thức ẩm thực, trải nghiệm văn hóa bản địa... Các hình thức lưu trú cũng khá đa dạng như homestay, hay các khu nghỉ dưỡng cao cấp được đầu tư đồng bộ, vừa truyền thống vừa hiện đại. Vì là loại hình du lịch đang khá hot hiện nay, nên du lịch sinh thái đang trở thành “nam châm” thu hút du khách, đặc biệt là khách quốc tế.

Tính riêng giai đoạn 2016-2020, các điểm du lịch sinh thái, sinh thái cộng đồng trên địa bàn đã đón được trên 2,3 triệu lượt khách, chiếm 5,5% tổng lượt khách du lịch toàn tỉnh và gấp 2 lần giai đoạn 2011-2015; tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 25,6%/năm. Trong đó, nổi bật là khu du lịch suối cá Cẩm Lương đón được trên 1,5 triệu lượt khách, gấp 1,9 lần giai đoạn 2011-2015, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 13,7%/năm; huyện Bá Thước đón được 218 nghìn lượt khách, gấp 4,1 lần giai đoạn 2011-2015, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 20,5%/năm...

Tuy nhiên, cũng cần thẳng thắn nhìn nhận, du lịch sinh thái huyện Bá Thước nói riêng và các huyện có nhiều lợi thế phát triển du lịch sinh thái như Lang Chánh, Như Thanh, Vĩnh Lộc, Như Xuân, Thường Xuân, Quan Sơn, Quan Hóa... đều đang tồn tại nhiều hạn chế. Đó là cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật phục vụ du lịch còn thiếu và yếu; trong khi các khu, điểm du lịch sinh thái chủ yếu nằm trong khu vực rừng đặc dụng, hay vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn điều kiện giao thông kết nối chưa đồng bộ. Sản phẩm du lịch và các dịch vụ chưa phong phú, chất lượng thấp, bởi chủ yếu dựa vào giá trị “thô” là tài nguyên tự nhiên và văn hóa sẵn có, mà chưa đi vào cái “tinh” là tạo ra nhiều sản phẩm khác biệt, hấp dẫn và cạnh tranh. Chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là nghiệp vụ du lịch, kỹ năng xử lý các tình huống, sự cố phát sinh và văn hóa giao tiếp, ứng xử... còn hạn chế. Công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch chưa được quan tâm đầu tư đúng mức, hiệu quả chưa cao và tính chuyên nghiệp còn thấp...

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang và sẽ còn tác động lên mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, thì hơn lúc nào hết, du lịch sinh thái phải nắm bắt lấy những cơ hội hiếm hoi để trở thành một “đầu tàu” góp phần duy trì hoạt động du lịch. Muốn vậy, giải pháp trước mắt – như nhiều chuyên gia du lịch đã chỉ ra – đó là cần sự vào cuộc trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền, doanh nghiệp và cộng đồng trong việc kiểm soát dịch bệnh, nhằm xây dựng điểm đến du lịch an toàn; đồng thời, thực hiện tốt các chính sách kích cầu du lịch để thu hút du khách khi dịch bệnh được khống chế, cuộc sống trở lại trạng thái “bình thường mới”. Còn về lâu dài, cần có định hướng, chiến lược, cơ chế chính sách để phát triển sản phẩm du lịch sinh thái một cách bài bản, hiệu quả và bền vững. Đồng thời, dành nguồn lực đầu tư thỏa đáng cho hệ thống hạ tầng (giao thông, viễn thông, điện nước, xử lý rác thải); đào tạo nguồn nhân lực; xúc tiến, quảng bá... Đặc biệt, có cơ chế thu hút các nguồn lực xã hội, các doanh nghiệp mạnh đầu tư xây dựng các khu nghỉ dưỡng cao cấp gắn với bảo vệ hệ sinh thái và cảnh quan thiên nhiên. Cùng với đó, các ngành, địa phương, doanh nghiệp cần quan tâm đầu tư xây dựng các sản phẩm – dịch vụ mới để tạo sự khác biệt và hấp dẫn, chẳng hạn như các tuyến đi bộ, xe đạp xuyên rừng, các chòi vọng cảnh, các tuyến quan sát động thực vật; hệ thống tàu thuyền chất lượng cao để khám phá, thưởng ngoạn cảnh sắc lòng hồ; tổ chức các giải thể thao như maratong xuyên rừng... Có như vậy, du lịch sinh thái mới có cơ sở để “ứng phó” với diễn biến bất thường của dịch COVID-19, hay trở thành một “cứu cánh” cho du lịch thời dịch bệnh, cũng đồng thời là cơ sở cho phát triển bền vững.

Bài và ảnh: Khôi Nguyên


Bài và ảnh: Khôi Nguyên

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]