(Baothanhhoa.vn) - Là một huyện miền núi nằm ở phía Tây Nam của tỉnh, huyện Như Xuân có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch, đặc biệt là loại hình du lịch sinh thái cộng đồng gắn với văn hóa tâm linh. Tuy nhiên, nếu đánh giá một cách tổng quát, việc khai thác các thế mạnh du lịch của huyện hiện vẫn còn nhỏ lẻ, chưa thực sự tương xứng với tiềm năng.

Để du lịch Như Xuân “cất cánh”

Là một huyện miền núi nằm ở phía Tây Nam của tỉnh, huyện Như Xuân có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch, đặc biệt là loại hình du lịch sinh thái cộng đồng gắn với văn hóa tâm linh. Tuy nhiên, nếu đánh giá một cách tổng quát, việc khai thác các thế mạnh du lịch của huyện hiện vẫn còn nhỏ lẻ, chưa thực sự tương xứng với tiềm năng.

Để du lịch Như Xuân “cất cánh”Hang Kẽm (xã Xuân Bình) được các chuyên gia du lịch, doanh nghiệp lữ hành trong và ngoài tỉnh đánh giá cao về tính hấp dẫn.

Huyện Như Xuân có cảnh quan thiên nhiên phong phú, với các khu vực địa hình chuyển tiếp từ Tây sang Đông, xen lẫn các thung lũng và hồ nước đã tạo nên những danh lam thắng cảnh độc đáo, như: Hồ Sông Mực, thác Đồng Quan, thác Cổng Trời... Trong đó, Vườn quốc gia Bến En (nằm trên địa bàn 2 huyện Như Thanh và Như Xuân) có chức năng bảo tồn hệ sinh thái rừng núi đất đai thấp Bắc Trường Sơn và là nơi cư trú của các loài lim xanh, cá và nhiều loài chim di cư. Nằm trong Vườn quốc gia Bến En, hồ sông Mực là hồ nước ngọt lớn trong vùng, phong cảnh sơn thủy hữu tình với 21 hòn đảo lớn, nhỏ. Cảnh quan nơi đây đã thu hút khách du lịch đến tìm hiểu, trải nghiệm. Cùng với đó, thác Đồng Quan (xã Hóa Quỳ) là một trong những danh thắng hấp dẫn của huyện Như Xuân. Thác được hình thành từ những khe suối, dòng chảy lớn, nhỏ trên đỉnh núi Pù Mùn, qua các vách đá, thảm thực vật rậm rì, hòa vào nhau chia thành 3 dòng lớn là thác Mơ, thác Đồng Quan và thác Cổng Trời. Thuộc khu vực rừng đầu nguồn được bảo vệ nghiêm ngặt, cảnh quan xung quanh thác Đồng Quan được gìn giữ khá nguyên sơ, trong lành.

Bên cạnh nguồn tài nguyên thiên nhiên đa dạng, huyện Như Xuân còn lưu giữ được nhiều nét văn hóa đặc sắc. Đây là nơi sinh sống của đồng bào các dân tộc Thái, Mường và Thổ với nhiều phong tục, truyền thống văn hóa, lễ hội dân gian như: Lễ hội Đình Thi của dân tộc Thổ; lễ hội dâng trâu tế trời tại đền Chín Gian của dân tộc Thái... Nhiều bản làng còn giữ được những nhà sàn theo kiến trúc truyền thống và nghề dệt thổ cẩm.

Xác định rõ tiềm năng, thế mạnh trong phát triển du lịch cộng đồng, huyện Như Xuân đã tập trung xây dựng, hoàn thiện hạ tầng cơ bản, cải tạo cảnh quan tại thác Đồng Quan (xã Hóa Quỳ), thác Cổng Trời (xã Xuân Quỳ) và nhanh chóng đưa vào khai thác, phát triển thành điểm du lịch hấp dẫn. Bên cạnh đó, huyện còn quan tâm đầu tư, tôn tạo các điểm đến văn hóa tâm linh gắn với du lịch cộng đồng. Với nguồn kinh phí của địa phương và sự huy động từ nguồn lực xã hội hóa trong Nhân dân, nhiều di tích trên địa bàn đã được đầu tư hàng chục tỷ đồng để trùng tu, tôn tạo trở thành điểm du lịch hấp dẫn như: đền Chín Gian (xã Thanh Quân), chùa Di Lặc (thị trấn Yên Cát)...

Với lợi thế đường giao thông thuận lợi, hạ tầng cơ bản, song đến nay các hoạt động du lịch nói chung, điểm đến, sản phẩm du lịch nói riêng của huyện chưa thực sự được khai thác hiệu quả. Đối tượng khách du lịch chủ yếu là khách trong huyện và một số địa phương lân cận, với nhu cầu tham quan, trải nghiệm trong ngày. Bên cạnh đó, công tác đầu tư phát triển du lịch còn gặp nhiều khó khăn; việc thu hút các nhà đầu tư vào phát triển du lịch địa phương còn nhiều hạn chế.

Những năm gần đây, huyện Như Xuân đã chủ động phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hiệp hội Du lịch tỉnh, mời các đoàn chuyên gia du lịch, doanh nghiệp lữ hành đến tìm hiểu, khảo sát, đánh giá tư vấn xây dựng điểm đến và sản phẩm du lịch đặc trưng. Qua nhiều lần khảo sát, đánh giá, một số điểm đến được kỳ vọng sẽ phát triển thành điểm đến hấp dẫn, đặc sắc như: hang Kẽm, làng cổ Tân Hùng - nơi lưu giữ tới 79 ngôi nhà sàn cổ của đồng bào dân tộc Thái, bến thuyền Tân Bình...

Qua khảo sát, các chuyên gia và đơn vị lữ hành đánh giá cao tiềm năng, thế mạnh trong phát triển du lịch của huyện Như Xuân, đặc biệt là hướng phát triển du lịch sinh thái cộng đồng. Tuy nhiên, để tránh sự trùng lặp, mỗi điểm đến cần tạo ra những sản phẩm đặc trưng, khác biệt và tạo nên thương hiệu, thế mạnh cạnh tranh từ sản phẩm du lịch chất lượng cao bởi chính tiềm năng, bản sắc văn hóa của cộng đồng.

Chuyên gia nghiên cứu phát triển dự án du lịch Ngô Kỳ Nam cho rằng: Để tạo nên nét riêng có, không trùng lắp với các điểm du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh, bên cạnh ưu thế tài nguyên thiên nhiên đa dạng, huyện Như Xuân cần thu hút du khách bằng những nét văn hóa bản địa độc đáo của cộng đồng các dân tộc anh em cư trú trên địa bàn. Trước hết cần khảo sát lại các điểm đến, lập bản đồ dựa trên ưu thế vùng, mời gọi nhà đầu tư vừa và nhỏ; phát động khởi nghiệp du lịch cộng đồng tại địa phương; nghiên cứu kỹ về nguồn khách, định hướng thị trường để phát triển sản phẩm du lịch phù hợp; khôi phục lại các nghề và làng nghề truyền thống để hoàn thiện sản phẩm du lịch cộng đồng.

Theo “Đề án phát triển du lịch cộng đồng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030”, huyện Như Xuân sẽ tập trung phát triển tại 3 khu vực: Về phía Tây của huyện, sản phẩm du lịch nổi bật với các hoạt động khám phá, trải nghiệm “thung lũng người Thái vùng 6 Thanh”, với điểm nhấn là đền Chín Gian và lễ hội Dâng trâu tế trời. Về phía Đông của huyện, bao gồm các thôn thuộc vùng lõi Vườn quốc gia Bến En phát triển các sản phẩm du lịch cộng đồng mang đặc trưng vùng sông nước, tạo nên những trải nghiệm độc đáo. Về khu vực trung tâm, bao gồm các thôn thuộc phạm vi thác Đồng Quan, thác Cổng Trời với sản phẩm khám phá thác và các hoạt động vui chơi, giải trí.

Phó Chủ tịch UBND huyện Như Xuân Lê Anh Tuấn cho biết: Huyện Như Xuân đề ra mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế trọng điểm và chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế của huyện, tạo sinh kế mới hỗ trợ giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Trong đó chú trọng phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, nâng cao ý thức người dân địa phương và khách du lịch, góp phần bảo vệ cảnh quan thiên nhiên. Theo đó, trong thời gian tới cùng với đẩy mạnh quảng bá, thu hút đầu tư... huyện sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các nhà quản lý, người dân có cơ hội tìm hiểu, học tập kinh nghiệm từ các mô hình du lịch cộng đồng tiêu biểu trong và ngoài tỉnh để phát huy nội lực tại chỗ. Đồng thời phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hiệp hội Du lịch tỉnh tổ chức các chương trình bồi dưỡng kiến thức, tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ du lịch cho cán bộ quản lý từ huyện đến cơ sở; tổ chức các hoạt động khảo sát, tham vấn ý kiến của các chuyên gia du lịch nhằm định hướng thị trường, phát triển sản phẩm du lịch phù hợp. Hướng tới mục tiêu phát triển du lịch cộng đồng một cách bài bản và bền vững, thu hút sự quan tâm của đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh.

Bài và ảnh: Lê Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]