Chuyện ghi bên Thành Nhà Hồ
Về với vùng đất Tây Đô, dạo bước bên Thành Nhà Hồ - Di sản văn hóa thế giới với sức sống hơn 600 năm tuổi, các thế hệ cháu con hôm nay như thấy vang vọng lời tiền nhân thuở trước, thấy xao động lên bao sự kiện, dấu ấn lịch sử dân tộc.
Di sản Văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ.
Hơn 600 năm đã qua đi, thế sự xoay vần, thuận - nghịch có lúc, thành - bại mấy khi, Thành Nhà Hồ vẫn bền bỉ sức sống. Nhiều điều xoay quanh đó, đến nay, vẫn là bí ẩn, chứa đựng bao điều mới lạ, vừa kích thích vừa là thử thách với hậu thế. Gửi những ngỡ ngàng, thán phục và cả băn khoăn, trăn trở tới người xưa. Gửi muôn vàn câu hỏi vì sao dội vào đá - núi hay thăm thẳm lòng đất, nơi vẫn ôm ấp hiện vật trăm năm. Bao lần kiếm tìm, bao công sức lần theo tư liệu cổ - kim, cốt cũng để cho thấu tỏ ngọn ngành, hiểu sâu sắc hơn về giá trị, tầm vóc di sản.
Mộc bản sách Đại Việt sử ký toàn thư, quyển 8: Năm Đinh Sửu (1397), mùa xuân, tháng Giêng, Quý Ly sai Lại bộ thượng thư kiêm Thái sử lệnh Đỗ Tỉnh (có sách chép là Mẫn) đi xem đất và đo đạc động An Tôn phủ Thanh Hóa, đắp thành đào hào, lập miếu xã, mở đường phố, có ý muốn dời kinh đô đến đó. Tháng 3 thì công việc hoàn tất.
Thành Nhà Hồ được đắp với mỗi mặt dài 120 trượng, cao 1 trượng 2 thước. Mộc bản sách Đại Nam nhất thống chí ghi lại rất chi tiết Thành Nhà Hồ về diện tích và vật liệu đắp thành: thành vuông mà rộng hơn 200 mẫu. Cửa Nam của thành xây bằng đá ba tầng, như cửa Chu Tước ở thành Thăng Long. Ba cửa Đông, Tây, Bắc xây bằng đá, nền đều đắp bằng đá xanh. Các đường thông với thành đều lát đá hoa văn nên gọi là Hoa Nhai (đường hoa). Ngoài thành có hào, tả hữu có đá núi, phía trước là sông Mã, sông Bảo. Bao quanh thành lại đắp đất làm la thành. Phía tả từ tổng Cổ Biện qua các xã Bỉnh Bút và Cổ Điệp theo sông Bảo chạy về phía Nam đến Đốn sơn (núi Đốn). Phía hữu từ tổng Quan Hoàng huyện Cẩm Thủy men theo sông Mã chạy về Đông thẳng đến núi An Tôn mấy vạn trượng...
Nếu như đến nay, cách thức người ta xây dựng Kim Tự Tháp như thế nào vẫn còn là bí ẩn, gây tò mò và thán phục thì Thành Nhà Hồ của xứ Thanh cũng như vậy. Làm thế nào để những tảng đá lớn được đục đẽo vuông vức, xếp chồng khít lên nhau, liên kết với nhau mà chẳng cần viện nhờ đến chất kết dính nào cả? Bí quyết nào để hoàn thành việc xây dựng Thành Nhà Hồ chỉ vỏn vẹn trong 3 tháng? Người đương đại đã rất nỗ lực, công phu tìm tòi, khám phá với mong muốn giải mã bí ẩn này nhưng vẫn chưa có kết luận thống nhất. Đến nay, “Thành Nhà Hồ là hiện tượng có tính đột khởi về kỹ thuật khai thác, chế tác và xây dựng một đại công trình với nguyên liệu cơ bản là các tảng đá lớn”.
Ván cờ lịch sử đã trả lời rất rõ, để lại những bài học đáng quý, sâu sắc cho hậu thế. Đó là bài học về “thiên thời - địa lợi - nhân hòa”, đạo nghĩa vua - tôi, giá trị và sức mạnh lòng dân... Đặc biệt, trong bất kỳ giai đoạn nào cũng vậy, mong muốn canh tân đất nước, cái giá của cải cách, đổi mới bao giờ cũng không tránh khỏi những hụt hẫng, mất mát, hy sinh. Anh hùng và bi hùng đâu phải chỉ cách nhau một chữ thành hay bại. Trong cái tĩnh lặng, thanh bình quá đỗi của không gian, hậu thế như càng thấm thía hơn nỗi cô đơn của Hồ Quý Ly - người đi ngược chiều gió, người dự cảm về tương lai...
Triều Hồ tồn tại trong 7 năm (1400 - 1407), một thời gian quá ngắn ngủi để có thể làm nên những thành tựu rực rỡ. Tuy nhiên, cũng trong khoảng thời gian ngắn ngủi ấy, vương triều này đã để lại những dấu ấn đậm nét trong lịch sử dân tộc dưới sự điều hành của Hồ Quý Ly. Hàng loạt cải cách của Hồ Quý Ly qua các chính sách “hạn điền”, “hạn nô”, đổi mới trong thi cử giáo dục, phát hành tiền giấy... được thực hiện đã cho thấy nỗ lực, khao khát canh tân đất nước. Mặc dù những cải cách ấy chưa được thực hiện một cách triệt để do những hạn chế của thời đại và còn dang dở bởi điều kiện khách quan chi phối nhưng nó đã phản ánh thực tế lịch sử: Hồ Quý Ly và vương triều của ông đã thực quan tâm và mong muốn đất nước phát triển phồn vinh trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội... (Địa chí Thanh Hóa, tập I - Địa lý và Lịch sử).
Quá trình xây dựng Thành Nhà Hồ, từ khi bắt đầu cho đến khi kết thúc trải qua nhiều gian nan, thử thách, là máu và nước mắt, tâm huyết, bản lĩnh, hy sinh của bao người. Chuyện chính sử đã lưu lại bao điều phải nghĩ suy, trăn trở. Những câu chuyện được lưu truyền trong dân gian, nhuốm màu sắc tâm linh, huyền bí xoay quanh việc xây dựng Thành Nhà Hồ như bồi đắp thêm giá trị, chiều sâu văn hóa, thổi bừng lên sắc màu di sản.
Đền thờ nàng Bình Khương.
Đứng trên tường thành - chứng tích hàng trăm năm tuổi, mở căng lồng ngực hít hà, tận hưởng hương sắc đồng quê, đưa mắt nhìn quanh những ngôi làng bình yên nhịp sống, bất giác cảm động mà nhớ về câu chuyện nàng Bình Khương khóc thương chồng rồi quyên sinh ở thành Tây Đô này. Chuyện kể rằng: Vào năm 1397, Cống sinh Trần Công Sỹ được giao việc đốc thúc xây dựng đoạn tường thành phía Đông. Đây là đoạn tường thành nằm trên nền con sông cổ nên mặc dù hết sức gia cố nhưng tường cứ xây xong lại bị lún. Khi biết tin, Hồ Quý Ly rất tức giận, nghi ngờ Trần Công Sỹ làm phản, cố ý làm chậm trễ việc xây thành nên đã sai người xử lý. Khi hay tin dữ về chồng, người vợ của Cống Sinh là nàng Bình Khương đã tìm đến nơi, than khóc kêu oan. Để giữ tiết thủy chung, nàng đập đầu vào một tảng đá dưới chân tường thành mà quyên sinh. Ngày nay, tại làng Đông Môn, xã Vĩnh Long, ngay sát Thành Nhà Hồ, đền thờ nàng Bình Khương vẫn bền bỉ sức sống, mở thêm những góc nhìn, khía cạnh khác xoay quanh di sản “độc nhất vô nhị” này.
Về với Thành Nhà Hồ bao lần như đã thành nơi chốn thân thuộc, “nẻo về nguồn cội”. Sức sống của Thành Nhà Hồ trong hơn 600 năm lịch sử là niềm tự hào, đồng thời cũng đặt ra trách nhiệm cho thế hệ hôm nay và mai sau về việc bảo tồn và phát huy “chứng nhân lịch sử” quý báu ấy, “cho hồn núi hồn sông được chép liền chẳng dứt”... Câu nói của Sử Văn Hoa, làm chức quan nhỏ chuyên việc chép sử trong tiểu thuyết Hồ Quý Ly của Nguyễn Xuân Khánh vang vọng như tiếng chuông tỉnh thức trong mỗi người: “Sử là hồn núi hồn sông. Sử là tinh túy của đất nước. Dân tộc nào biết chép sử càng sớm, càng có nhiều cơ hội văn hiến. Dân tộc nào càng biết quý trọng đến sử càng có nhiều cơ hội trường tồn. Thịnh đấy? Suy đấy! Chẳng vì thịnh mà kiêu, chẳng vì suy mà nản. Cứ bền lòng nhìn vào sử như tự ngắm mình trong một tấm gương. Ngắm để vẽ, để tô, để sửa, ắt khuôn mặt càng dễ ưa, dễ coi. Hồn núi ở đó, hồn sông cũng ở đó”.
Bài và ảnh: Hương Thảo
{name} - {time}
-
2024-12-27 10:20:00
Xây dựng hình ảnh du lịch văn minh, thân thiện
-
2024-12-26 20:55:00
Từ chuỗi sự kiện mơ về con số thực
-
2024-01-26 11:28:00
Thanh Hóa công bố các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch năm 2024
Nghỉ dưỡng, chữa lành - xu hướng du lịch trong năm 2024
“Đánh thức” Pù Luông
Tour Nhật Bản ngắm hoa anh đào độc đáo không thể bỏ lỡ
Đẩy mạnh hoạt động quảng bá, xúc tiến, phát triển sản phẩm du lịch
Các huyện miền núi chuẩn bị đón khách du lịch dịp Tết Nguyên đán
Hội nghị xúc tiến, quảng bá du lịch tỉnh Điện Biên tại Thanh Hóa, năm 2024
Đẩy mạnh kết nối du lịch Thanh Hóa với các thị trường trong nước và quốc tế
Nhà hàng Thiên Thanh và những món ăn nổi tiếng ở Gia Lai
Nâng cao hiệu quả thống kê để đánh giá, hoạch định chính sách và thúc đẩy phát triển du lịch