Các khu, điểm du lịch văn hóa tâm linh chuẩn bị đón khách dịp Tết Nguyên đán
Chuẩn bị cho kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 (từ ngày 29 tháng Chạp năm Quý Mão đến mùng 5 tháng Giêng năm Giáp Thìn), hầu hết các khu, điểm du lịch văn hóa tâm linh trọng điểm trên địa bàn tỉnh đã xây dựng kế hoạch, đồng thời khẩn trương chỉnh trang khuôn viên, đảm bảo các điều kiện đón tiếp và phục vụ du khách.
Công tác đảm bảo an toàn PCCC tại các điểm du lịch văn hóa tâm linh trên địa bàn TP Sầm Sơn được đặc biệt chú trọng.
Trong hành trình “lên rừng xuống biển” đầu xuân năm mới, Di tích lịch sử văn hóa và danh thắng Phủ Na (Như Thanh) là một trong những điểm đến hấp dẫn đông đảo Nhân dân và du khách thập phương. Phủ Na hay còn gọi là Na Sơn Động Phủ, tọa lạc ở vùng linh thiêng, sơn thủy hữu tình, là một trong những trung tâm tín ngưỡng, với rất nhiều đền miếu phối thờ nhiên thần và nhân thần, nhưng nổi bật hơn cả là thờ Mẫu Thượng Ngàn - Bà Triệu - công chúa Liễu Hạnh. Hằng năm, vào dịp đầu xuân năm mới, mỗi ngày có tới hàng nghìn người dân và du khách thập phương đến đây dâng hương, vãn cảnh chùa và xin nước “lộc” về nhà.
Thông tin từ UBND huyện Như Thanh, nhằm đáp ứng tốt nhu cầu tham quan, vãn cảnh của Nhân dân và du khách, năm nay huyện sẽ phối hợp với VNPT Thanh Hóa để tổng hợp, biên tập và số hóa thông tin điểm đến, tích hợp trong các mã QR. Trong đó, tại Di tích lịch sử văn hóa và danh thắng Phủ Na dự kiến sẽ bố trí 6 - 7 mã QR. Bên cạnh đó, để tránh tình trạng mua bán lộn xộn, gây mất mỹ quan và tình hình an ninh trật tự (ANTT) điểm đến, huyện Như Thanh sẽ chỉ đạo UBND xã Xuân Du bố trí riêng khu vực kinh doanh, đồng thời tuyên truyền đến các hộ kinh doanh thực hiện nghiêm các quy định.
Ông Đinh Xuân Thắng, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Như Thanh cho biết: “Hiện nay chúng tôi đang tập trung kiện toàn ban quản lý các di tích trên địa bàn huyện, phân công và giao nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên. Đặc biệt là đối với di tích Phủ Na, đền Khe Rồng là những trọng điểm văn hóa tâm linh trên địa bàn huyện, thu hút lượng lớn khách du lịch dịp đầu xuân, chúng tôi đang phối hợp với các ban quản lý di tích khẩn trương kiểm tra lại toàn bộ hệ thống dây điện, yêu cầu các điểm đến tổng vệ sinh môi trường, đồng thời tiến hành treo pa-nô, áp phích tuyên truyền... Theo kế hoạch, các hoạt động này sẽ hoàn thành trước ngày 15/1/2024. Ngoài ra, công tác an toàn thực phẩm (ATTP), phòng cháy chữa cháy (PCCC), ANTT cũng sẽ được đặc biệt quan tâm, đẩy mạnh tuyên truyền dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán”.
Còn tại các điểm đến như: đền Độc Cước, đền Cô Tiên và đền thờ Tô Hiến Thành (TP Sầm Sơn), đến nay đã hoàn tất công tác chỉnh trang, quét vôi ve lại một số khu vực. Đặc biệt, công tác PCCC tại tất cả các điểm đến được đặc biệt quan tâm. Theo đó, Trung tâm Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch (VH,TT,TT&DL) TP Sầm Sơn đã phối hợp với lực lượng chức năng tiến hành tập huấn công tác PCCC cho đội ngũ thủ từ tại tất cả các điểm đến. Tại đền Độc Cước và đền Cô Tiên, mỗi điểm bố trí 15 bình PCCC, đền thờ Tô Hiến Thành bố trí 10 bình PCCC. Ngoài ra, khu vực hóa vàng tại đền Độc Cước năm nay cũng được chuyển ra khu vực phía sau, đảm bảo vệ sinh môi trường và PCCC. Cùng với các thủ từ, trong suốt kỳ nghỉ lễ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Trung tâm VH,TT,TT&DL sẽ bố trí 3 cán bộ, nhân viên túc trực, hướng dẫn Nhân dân và du khách khi đến dâng hương, vãn cảnh.
Phó Giám đốc Trung tâm VH,TT,TT&DL TP Sầm Sơn Lê Trung Thành cho biết: “Hiện nay chúng tôi đã giao cho Đài Truyền thanh - Truyền hình thành phố xây dựng nội dung các bản tin, trong đó tập trung tuyên truyền về an toàn giao thông, PCCC, ANTT, ATTP để phát trên loa truyền thanh tại các điểm di tích. Cùng với đó, công tác vệ sinh, chỉnh trang môi trường được đặc biệt chú trọng. Năm nay tại các điểm đến văn hóa tâm linh sẽ bố trí thêm các chậu hoa tươi, tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp. Đối với khu vực đền Độc Cước dự kiến sẽ bố trí điểm phục vụ du khách check-in. Đồng thời chúng tôi sẽ xây dựng phương án đón tiếp và phục vụ khách, tránh tình trạng khách quá tải ở cùng một thời điểm”.
Có thể nói, du lịch văn hóa tâm linh trong những năm gần đây trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa ngày càng phát triển mạnh mẽ, theo hướng chuyên nghiệp, văn minh. Để đáp ứng nhu cầu tham quan, vãn cảnh của Nhân dân và du khách thập phương, nhiều khu, điểm du lịch đã đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng quét mã QR phục vụ công tác thuyết minh; bố trí nước uống miễn phí; xây dựng các điểm check-in nhằm tuyên truyền, quảng bá hình ảnh điểm đến... Tuy nhiên, ở một số địa phương vẫn còn diễn ra tình trạng ăn xin, bói tay, chèo kéo, tổ chức các trò chơi may rủi... Đây là những tồn tại, hạn chế cần được dẹp bỏ trong dịp Xuân Giáp Thìn 2024, để mỗi chuyến du xuân đều trở nên trọn vẹn, vui tươi, ý nghĩa.
Bài và ảnh: Hoài Anh
{name} - {time}
-
2025-01-04 07:23:00
Du lịch hứa hẹn bùng nổ với kỳ nghỉ tết dài 9 ngày
-
2025-01-03 20:25:00
Phát triển trekking tour theo hướng chuyên nghiệp, hấp dẫn
-
2024-01-12 11:53:00
"Điểm hẹn” yêu thích của du khách quốc tế
Định hướng đúng, tư vấn trúng để tour du lịch trở nên hấp dẫn
Tour du lịch trong nước trọn gói giá rẻ tại Tour Đà Nẵng City
Traveloka bật mí kinh nghiệm du lịch Malaysia siêu tiết kiệm
Đổi mới cách tiếp cận thị trường khách du lịch
Phát triển sản phẩm, tour, tuyến du lịch mới để hút thêm khách
Top những điểm đến xu hướng cho du khách Việt Nam trong năm 2024
Phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch
Đầu năm “gà đẻ trứng vàng” và hy vọng “đầu xuôi, đuôi lọt”
Khách du lịch kỳ nghỉ lễ Tết Dương lịch tăng 38,6% so với cùng kỳ