(Baothanhhoa.vn) - Trong cộng đồng các dân tộc sinh sống tại huyện miền núi Ngọc Lặc, người Mường chiếm hơn 70% dân số. Cho đến nay, toàn huyện có gần 1.500 nhà sàn, trong đó nhiều nhà sàn có tuổi đời trên dưới 100 năm, giữ được nét kiến trúc truyền thống, đặc trưng của người Mường. Nhằm gìn giữ, phát huy nét đẹp văn hóa vốn có, huyện Ngọc Lặc đã gắn việc bảo tồn nhà sàn truyền thống người Mường với phát triển du lịch cộng đồng.

Bảo tồn nhà sàn truyền thống của người Mường gắn với phát triển du lịch ở Ngọc Lặc

Trong cộng đồng các dân tộc sinh sống tại huyện miền núi Ngọc Lặc, người Mường chiếm hơn 70% dân số. Cho đến nay, toàn huyện có gần 1.500 nhà sàn, trong đó nhiều nhà sàn có tuổi đời trên dưới 100 năm, giữ được nét kiến trúc truyền thống, đặc trưng của người Mường. Nhằm gìn giữ, phát huy nét đẹp văn hóa vốn có, huyện Ngọc Lặc đã gắn việc bảo tồn nhà sàn truyền thống người Mường với phát triển du lịch cộng đồng.

Bảo tồn nhà sàn truyền thống của người Mường gắn với phát triển du lịch ở Ngọc Lặc

Nhiều nhà sàn tại thôn Lập Thắng, xã Thạch Lập, có tuổi đời gần 100 năm được xây dựng trở thành mô hình nhà sạch - vườn đẹp.

Ngôi nhà sàn của gia đình bà Phạm Thị Sáu, thôn Lập Thắng, xã Thạch Lập, có tuổi đời gần 100 năm. Ngôi nhà có 3 gian 2 chái, 2 cầu thang lên xuống, giữa nhà là nơi thờ tổ tiên và tiếp khách nam giới, bên trong là bếp đồng thời là nơi sinh hoạt của phụ nữ. Nhà sàn của gia đình bà Sáu có nhiều ô cửa sổ xung quanh để đón không khí, ánh sáng, thoáng mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông. Đây là một trong 10 ngôi nhà sàn có kiến trúc gỗ đẹp nhất được huyện Ngọc Lặc chọn là nơi bảo tồn không gian nhà sàn truyền thống của người Mường gắn với phát triển du lịch để nơi đây trở thành điểm du lịch cộng đồng đầu tiên của địa phương.

Bà Phạm Thị Sáu chia sẻ, trong thời gian gần đây đã có một số đoàn khách đến Thạch Lập để tham quan, du lịch nhưng chưa lưu trú. Gia đình bà mong muốn được tham gia các lớp tập huấn, tham quan học hỏi để về áp dụng phục vụ du khách và có thêm thu nhập cho gia đình.

Cùng với gia đình bà Sáu, để chuẩn bị làm du lịch cộng đồng, 9 hộ khác tại thôn Lập Thắng được chọn thí điểm cũng rất phấn khởi. Các hộ đang khẩn trương dọn dẹp khuôn viên, chỉnh trang cảnh quan, trồng thêm các loại hoa và sẵn sàng các điều kiện phục vụ du khách khi đến tham quan, trải nghiệm tại đây.

Ông Phạm Văn Phẩm, thôn Lập Thắng cho biết: “Trong tâm thức người Mường, nhà sàn không chỉ là nơi ở mà còn là biểu hiện của lối sống, phong tục, tập quán, tín ngưỡng. Mặc dù ngôi nhà sàn đơn giản nhưng chứa đựng cả một kho tàng văn hóa lịch sử vô cùng đặc sắc từ sử thi “Đẻ đất, đẻ nước” cho đến hôm nay. Vì thế, khi chính quyền địa phương chọn nhà sàn của gia đình làm du lịch, chúng tôi rất phấn khởi, tới đây gia đình sẽ tu sửa để vừa bảo tồn giá trị truyền thống của nhà sàn người Mường vừa đáp ứng tiêu chuẩn mô hình lưu trú phục vụ khách du lịch”.

Bên cạnh những ngôi nhà sàn truyền thống, xã Thạch Lập còn có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, nguồn tài nguyên du lịch sinh thái, du lịch nhân văn phong phú và đa dạng. Tiêu biểu nhất là hang Gió, đồi Hích, thác Cha, hang Quăn. Ngoài ra, xã còn có các thửa ruộng bậc thang thấp... tạo nên sự đa dạng, phong phú về điểm đến cho khách du lịch. Tới đây, khi hoạt động du lịch cộng đồng dần được hoàn thiện, du khách đến với Thạch Lập có thể lưu trú, tham gia vào các hoạt động trải nghiệm sinh hoạt hàng ngày cùng các hộ dân hoặc thăm thú cảnh quan thiên nhiên, cắm trại, đi bộ, tắm suối...

Việc định hướng phát triển du lịch cộng đồng bước đầu đã làm thay đổi ý thức người dân nơi đây. Người dân đã chủ động, tích cực thay đổi diện mạo môi trường cảnh quan làng xóm như: lắp điện chiếu sáng, sử dụng nước sạch, vệ sinh môi trường; giữ gìn, khôi phục và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, ẩm thực. Người dân không còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước mà bắt đầu tìm hướng làm ăn, phát triển kinh tế nhằm tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững.

Theo kết quả rà soát của UBND huyện Ngọc Lặc, trên địa bàn hiện có gần 1.500 nhà sàn, trong đó riêng tại xã Thạch Lập có hơn 700 nhà sàn truyền thống, trong đó nhiều nhà sàn có tuổi đời trên dưới 100 năm.

Để bảo tồn và phát huy nét đẹp nhà sàn truyền thống của người Mường, huyện Ngọc Lặc đã xây dựng Đề án “Bảo tồn, phát triển nhà sàn truyền thống của đồng bào dân tộc Mường gắn với phát triển du lịch cộng đồng giai đoạn 2021-2025” với những bước đi, lộ trình cụ thể. Việc xây dựng đề án chính là cơ sở thực hiện hỗ trợ, khuyến khích sự tham gia tích cực của cộng đồng dân cư vào hoạt động du lịch. Từ đó nhằm quảng bá, phát huy giá trị di tích lịch sử, bản sắc văn hóa, cảnh quan thiên nhiên và môi trường, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn khó khăn của huyện.

Để thực hiện hiệu quả đề án, thời gian tới, huyện Ngọc Lặc sẽ từng bước hoàn thiện điểm đến, đa dạng hóa các hoạt động trải nghiệm, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch cộng đồng; tích cực tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá điểm du lịch; bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống gắn với tăng cường công tác quản lý nhà nước về du lịch. Trước mắt, huyện Ngọc Lặc sẽ hỗ trợ hoàn thiện các nhà làm điểm tại thôn Lập Thắng trước, với các hạng mục như cảnh quan, vị trí chụp ảnh, nhà vệ sinh công cộng, làm nhà sàn truyền thống với quy mô 7 gian. Huyện Ngọc Lặc phấn đấu giai đoạn 2021-2025 sẽ bảo tồn được khoảng 400 nhà sàn truyền thống người Mường, nâng tổng số nhà sàn truyền thống trên địa bàn huyện lên khoảng 1.800 nhà sàn.

Có thể nói, việc xây dựng khu du lịch cộng đồng tại thôn Lập Thắng gắn với bảo tồn nhà sàn truyền thống người Mường đang mở ra cơ hội để huyện Ngọc Lặc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, khai thác tiềm năng du lịch sẵn có tại địa phương. Hy vọng, những nét đẹp, bản sắc văn hóa truyền thống đặc sắc của người Mường huyện miền núi Ngọc Lặc tiếp tục được giữ gìn, phát huy hơn nữa trong thời gian tới, trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn của đông đảo du khách gần xa.

Bài và ảnh: Hoài Anh


Bài và ảnh: Hoài Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]