(Baothanhhoa.vn) - Cùng với việc đổi mới, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, các khu du lịch biển trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa xác định việc bảo đảm an toàn cho du khách là một trong những nhiệm vụ đặc biệt quan trọng. Qua đó góp phần xây dựng hình ảnh điểm đến “an toàn, văn minh và thân thiện”.

Bảo đảm an toàn cho du khách mùa du lịch biển

Cùng với việc đổi mới, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, các khu du lịch biển trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa xác định việc bảo đảm an toàn cho du khách là một trong những nhiệm vụ đặc biệt quan trọng. Qua đó góp phần xây dựng hình ảnh điểm đến “an toàn, văn minh và thân thiện”.

Bảo đảm an toàn cho du khách mùa du lịch biểnĐội Cảnh sát PCCC và CNCH trên sông, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, Công an tỉnh Thanh Hóa kiểm tra các điều kiện an toàn PCCC tại các cơ sở lưu trú trên địa bàn TP Sầm Sơn.

Đợt nắng nóng gay gắt kéo dài diện rộng nên lượng khách từ các tỉnh, thành khu vực phía Bắc và cả khách nội tỉnh đến các khu du lịch biển tại Thanh Hóa tăng mạnh. Trong đó, khu du lịch biển Sầm Sơn đón hàng nghìn lượt khách mỗi ngày. Để bảo đảm an toàn cho khách khi tắm biển, hơn 50 thành viên đội cứu nạn cứu hộ (CHCN) và sơ cấp cứu biển được bố trí khắp các bãi tắm A, B, C, D, nếu phát hiện sự cố sẽ khẩn trương ứng cứu và thông báo tới các lực lượng phối hợp như: Thuyền cứu hộ, nhân viên y tế để làm công tác sơ cứu ban đầu. Dưới cái nắng cháy da, những thành viên của đội cứu hộ vẫn bám biển, căng mình quan sát, liên tục phát cảnh báo nhắc nhở khi du khách ra xa tắm biển.

Anh Lê Văn Chung, thành viên trong đội CHCN và sơ cấp cứu biển, là người có nhiều năm kinh nghiệm trong nghề cho biết: “Tôi làm nghề này đến nay cũng gần chục năm, bất kể thời tiết khắc nghiệt chúng tôi đều cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ. Trước mỗi mùa du lịch, chúng tôi được tham gia huấn luyện và chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị phục vụ công tác cứu hộ như thiết bị y tế, cờ, phao tiêu, biển báo... Tuy nhiên, đây là nghề đòi hỏi sự tinh nhanh trong quan sát, sự từng trải và vững vàng. Khó khăn mà hàng ngày chúng tôi gặp phải đó là một số du khách mặc dù biết nguy hiểm, nhưng do tâm lý chủ quan, biết bơi nên bơi vượt qua giải phao tiêu gây khó khăn cho công tác cứu hộ”.

Là đô thị du lịch biển trọng điểm của tỉnh, mỗi năm TP Sầm Sơn đón hàng triệu lượt khách du lịch, do đó công tác CNCH tại đây được đặc biệt chú trọng. Tháng 4 vừa qua, trước khi bước vào thời gian cao điểm, UBND tỉnh đã tổ chức diễn tập CNCH và sơ cấp cứu biển Sầm Sơn, với sự tham gia của hơn 100 chiến sĩ là lực lượng chức năng của Công an tỉnh, Bệnh viện Phục hồi chức năng Thanh Hóa, Bệnh viện Đa khoa Sầm Sơn, Đồn Biên phòng Sầm Sơn, Công an TP Sầm Sơn, Đội sơ cấp cứu biển - Trung tâm Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch TP Sầm Sơn. Qua đó giúp nâng cao kỹ năng CNCH, chiến thuật ứng cứu sự cố đuối nước; năng lực chỉ huy, điều hành các lực lượng phối hợp xử lý tình huống tai nạn và sơ cấp cứu trên biển; đảm bảo tính thường trực chiến đấu của các lực lượng tại chỗ với mục tiêu ứng phó nhanh, hiệu quả, hạn chế thấp nhất thương vong; nhằm đảm bảo an toàn cho du khách và người dân khi đến tham quan, nghỉ dưỡng.

Cùng với công tác CNCH trên biển, vấn đề đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy (PCCC) được các lực lượng chức năng và TP Sầm Sơn đặc biệt quan tâm. Trong năm 2023, công tác tuyên truyền về PCCC được lực lượng cảnh sát PCCC thực hiện đến các cơ sở lưu trú và khách du lịch với nhiều hình thức đa dạng, phong phú hơn. Bên cạnh đó, việc kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm cũng được thực hiện thường xuyên. Qua đó yêu cầu các cơ sở lưu trú chấp hành nghiêm quy định về PCCC, để du khách về lưu trú tại Sầm Sơn có một kỳ nghỉ vui vẻ, an toàn.

Đại úy Lê Tiến Dũng, Đội trưởng Đội Cảnh sát PCCC và CNCH trên sông, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Trước mùa du lịch cao điểm chúng tôi đã triển khai đồng bộ các biện pháp nhằm đảm bảo an toàn PCCC tại các cơ sở lưu trú trên địa bàn TP Sầm Sơn. Trọng tâm là đổi mới công tác tuyên truyền để người dân, các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch dễ hiểu, dễ nắm bắt và thực hiện tốt các quy định PCCC. Đồng thời yêu cầu người đứng đầu cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch phải thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong công tác PCCC theo quy định. Trong đó chú trọng công tác bảo dưỡng hệ thống điện tại các khu vực có nguy cơ xảy ra cháy, nổ cao; duy trì hệ thống báo cháy, chữa cháy, đặc biệt là các phương tiện chữa cháy ban đầu... qua đó xử lý kịp thời các tình huống cháy, nổ có thể xảy ra”.

Nằm cách trung tâm TP Thanh Hóa khoảng 30 phút di chuyển, Khu du lịch sinh thái biển Hải Tiến (Hoằng Hóa) là một trong những bãi biển đẹp nhất xứ Thanh. Tại đây hiện có 84 cơ sở lưu trú, với trên 6.700 phòng nghỉ, cùng với đó là hàng chục nhà hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống. Với quyết tâm xây dựng hình ảnh điểm đến du lịch an toàn, thân thiện và hấp dẫn du khách, huyện Hoằng Hóa đã, đang tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để đảm bảo các điều kiện an ninh, an toàn, mang đến cho du khách cảm giác thoải mái, an tâm khi tham gia các hoạt động và sử dụng dịch vụ tại đây.

Để bảo đảm an toàn cho du khách tắm biển, huyện Hoằng Hóa đã triển khai phương án bố trí lực lượng và phương tiện cảnh báo, tìm kiếm CNCH mùa du lịch biển. UBND huyện yêu cầu Công an huyện Hoằng hóa chỉ đạo các xã trong khu du lịch thành lập các tổ an ninh trật tự (ANTT), các đội CNCH để bảo đảm công tác ANTT và CNCH trong suốt mùa du lịch. Đối với các xã: Hoằng Thanh, Hoằng Tiến, Hoằng Hải, Hoằng Trường tổ chức sắp xếp các ghế quan sát (mỗi xã đặt ít nhất 2 ghế quan sát tại bãi biển, phân công lực lượng trực) tuyên truyền, nhắc nhở du khách tắm thực hiện nghiêm các quy định khi tắm biển tại các bãi tắm công cộng. Đồn Biên phòng Hoằng Trường xây dựng phương án, vận hành mô tô nước phục vụ công tác CNCH. Đồng thời, tổ chức hướng dẫn các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch thực hiện tốt các biện pháp bảo đảm ANTT, PCCC và CNCH trong suốt mùa du lịch biển.

Cùng với các khu du lịch biển Sầm Sơn, Hải Tiến, tỉnh Thanh Hóa còn sở hữu nhiều bãi tắm đẹp khác như: Tiên Trang, Quảng Thái (Quảng Xương); Hải Hòa, Bãi Đông (thị xã Nghi Sơn)... mỗi năm thu hút hàng triệu lượt du khách đến tắm biển, nghỉ dưỡng. Theo đó, cùng với sự nỗ lực của các cấp, ngành, lực lượng chức năng và chính quyền địa phương, mỗi du khách cần nâng cao ý thức tự bảo vệ bản thân, chấp hành nghiêm nội quy, quy định bãi biển; quan sát các biển cảnh báo, khuyến cáo và tuân thủ theo sự hướng dẫn của nhân viên cứu hộ tại bãi biển; không tiếp tục tắm biển khi có hiệu lệnh thông báo hết giờ trực cứu hộ... Ngoài ra, du khách có thể gọi đến số điện thoại đường dây nóng được niêm yết tại các khu du lịch biển khi cần phản ánh hoặc hỗ trợ kịp thời.

Bài và ảnh: Lê Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]