(Baothanhhoa.vn) - “Dân vận khéo” còn là thể hiện khả năng vốn có của người phụ nữ. Việc phụ nữ làm dân vận là cách để khẳng định vai trò, vị trí của mình trong gia đình và xã hội. Đặc biệt là xây dựng hình ảnh phụ nữ quê hương Bà Triệu vừa giữ được vẻ đẹp truyền thống, vừa năng động, sáng tạo và nhân ái…

Xây dựng hình ảnh phụ nữ Thanh Hóa thời đại mới yêu nước qua công tác dân vận (Bài 2): Khơi dậy khát vọng vươn lên và hội nhập

“Dân vận khéo” còn là thể hiện khả năng vốn có của người phụ nữ. Việc phụ nữ làm dân vận là cách để khẳng định vai trò, vị trí của mình trong gia đình và xã hội. Đặc biệt là xây dựng hình ảnh phụ nữ quê hương Bà Triệu vừa giữ được vẻ đẹp truyền thống, vừa năng động, sáng tạo và nhân ái…

Xây dựng hình ảnh phụ nữ Thanh Hóa thời đại mới yêu nước qua công tác dân vận (Bài 2): Khơi dậy khát vọng vươn lên và hội nhậpCác đồng chí lãnh đạo Hội LHPN Việt Nam; lãnh đạo tỉnh và Đoàn Liên minh Châu Âu tham quan các sản phẩm sáng tạo của phụ nữ Thanh Hóa.

Tin liên quan:
  • Xây dựng hình ảnh phụ nữ Thanh Hóa thời đại mới yêu nước qua công tác dân vận (Bài 2): Khơi dậy khát vọng vươn lên và hội nhập
    Xây dựng hình ảnh phụ nữ Thanh Hóa thời đại mới yêu nước qua công tác dân vận ...

    Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cảm hóa được mọi người dân, kể cả những ai vốn chưa có cảm tình với Đảng Cộng sản và chính quyền cách mạng để làm cho họ tự nguyện đi theo sự nghiệp cách mạng và những người đã tích cực đi theo sự nghiệp cách mạng thì càng hăng hái hơn. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, ở đâu, bất cứ cương vị nào, trong công tác dân vận, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn gương mẫu thực hiện, đồng thời giáo dục cán bộ, đảng viên làm dân vận là phải “óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”.

Sáng tạo, trách nhiệm và bản lĩnh

Sản phẩm dưa lưới bao tử ngâm giấm mơ của HTX nông nghiệp xanh, công nghệ cao Hồng Nhuệ, xã Hoằng Thắng (Hoằng Hóa) (còn gọi là Nông trại Nhung Farm) do chị Lê Thị Nhung làm chủ đã ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất và chế biến được nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh tin dùng. Sản phẩm bán tại các hệ thống siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch, chuỗi cửa hàng giới thiệu sản phẩm OCOP 3 sao trong tỉnh và các tỉnh, thành: Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Phòng, Ninh Bình, Nghệ An, Đà Nẵng... và đạt giải tiềm năng cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp” năm 2022 do Hội LHPN tỉnh tổ chức. Sản phẩm được Hội LHPN tỉnh giới thiệu với Phái đoàn Liên minh châu Âu và các tổ chức quốc tế về Thanh Hóa trong chuyến đoàn về khảo sát các mô hình kinh tế do phụ nữ nông thôn khởi nghiệp…

Các thành viên trong đoàn đánh giá cao sự sáng tạo, độc đáo của sản phẩm và bản lĩnh vượt khó làm kinh tế nông nghiệp xanh của chị Nhung. Khởi nghiệp đã khó, khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp lại càng khó hơn. Chị Nhung chia sẻ: “Nếu không thử thách sao biết mình làm được?”. Tư tưởng, bản lĩnh của chị Nhung là một trong số nhiều hội viên, phụ nữ trong tỉnh những năm qua đã mạnh dạn khởi nghiệp thành công nhờ ý chí, nghị lực và sự quan tâm của tổ chức hội phụ nữ, chính quyền địa phương tạo điều kiện về pháp lý và động viên khích lệ. Mô hình nông trại xanh của gia đình chị Nhung đang tạo việc làm cho nhiều lao động và là điểm học tập, chia sẻ kinh nghiệm của nhiều đoàn trong và ngoài huyện, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đồng thời khẳng định vai trò, vị thế của phụ nữ trong gia đình và xã hội.

“Bắc cầu” cho hội viên hiện thực hóa ý tưởng khởi nghiệp là giải pháp quan trọng được hội LHPN các cấp trong tỉnh đẩy mạnh thực hiện trong những năm gần đây để hội viên tiếp cận vốn, kiến thức, thị trường… nhằm tạo động lực, khơi dậy trí sáng tạo, bản lĩnh vượt khó, giúp chị em trưởng thành và khẳng định quyền năng kinh tế của mình trong gia đình và xã hội, thực hiện bình đẳng giới. Đặc biệt, thực hiện Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp” giai đoạn 2017-2022, Hội LHPN tỉnh đã hỗ trợ thành lập 699 doanh nghiệp, chỉ đạo thành lập 162 mô hình kinh tế tập thể do nữ làm chủ; duy trì tổ chức “Ngày phụ nữ sáng tạo - khởi nghiệp” để kết nối thị trường cho chị em; có 5 dự án ý tưởng xuất sắc của hội viên, phụ nữ được nhận giải thưởng và được Hội LHPN Việt Nam hỗ trợ kinh phí tiếp tục đầu tư, mở rộng mô hình; duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động của Hiệp hội Doanh nhân nữ và 14 CLB doanh nhân nữ cùng đồng hành với tổ chức hội phụ nữ các cấp trong thực hiện an sinh xã hội...; Hội LHPN tỉnh chủ động nghiên cứu, viết 22 đề xuất dự án, kế hoạch, đề án trình sở, ban, ngành cấp tỉnh có liên quan và phối hợp với các tổ chức quốc tế, dự án phi chính phủ, công ty, nhãn hàng… hỗ trợ nguồn lực, kiến thức cho hội viên, phụ nữ có ý tưởng khởi nghiệp, kết nối thị trường.

Năng động, sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường hay “tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”… đều là những cụm từ đặc tả sự tiến bộ của phụ nữ Thanh Hóa thời đại mới. Nhiều chị em có chỗ đứng trên thương trường và thích ứng nhanh chuyển đổi số để hòa nhập và phát triển, góp phần thực hiện khâu đột phá số 1 của Nghị quyết Đại hội đại biểu Phụ nữ tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026: Phụ nữ Thanh Hóa “nâng cao năng lực, ứng dụng công nghệ thông tin, tiếp cận chính quyền số, kinh tế số, xã hội số”. Một trong những yếu tố quan trọng quyết định sự thay đổi tích cực của phụ nữ còn là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng cho hội viên, phụ nữ đã được các cấp hội gắn với phong trào thi đua “Xây dựng người phụ nữ Thanh Hóa thời đại mới - yêu nước, nhân ái, tự lực, tự cường, khát vọng vươn lên” và học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh đã chỉ đạo các cấp hội đồng loạt tổ chức sinh hoạt chuyên đề dưới nghi thức chào cờ vào sáng thứ 2 tuần đầu tiên của tháng với các nội dung quan trọng: định hướng nhiệm vụ công tác tuyên truyền và triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm công tác hội; trình chiếu phim tài liệu “Hoa lửa” và “Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh - Biên niên sử truyền hình năm 1945”, góp phần giáo dục, nâng cao lòng tự hào dân tộc, nhắc nhở cán bộ, hội viên và mọi người tinh thần phụng sự Tổ quốc, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, khơi dậy tình yêu quê hương, đất nước, nơi mình công tác… Từ đó làm việc có tinh thần trách nhiệm đạt hiệu quả hơn trong việc chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của hội viên; tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, vận động xã hội thực hiện bình đẳng giới; nâng cao chất lượng giám sát và phản biện xã hội, đề xuất các chính sách liên quan đến phụ nữ, gia đình, trẻ em và bình đẳng giới…

Có lòng nhân ái

Truyền thống “Tương thân tương ái” của người Việt Nam luôn được gìn giữ, phát huy ở mọi thời điểm. Truyền thống đó luôn có trong mỗi cán bộ, hội viên, phụ nữ và là một trong những nội dung hoạt động trọng tâm của tổ chức hội LHPN các cấp. Chia sẻ khó khăn với hội viên, phụ nữ nghèo, con em, hội viên vượt khó học giỏi, người yếu thế trong xã hội… mãi là việc làm đẹp để lại dư âm sâu sắc, ấn tượng đẹp của phụ nữ Thanh Hóa và phong trào hoạt động hội với bạn bè quốc tế.

Đó là chương trình “Mẹ đỡ đầu” do Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động nhằm hỗ trợ, chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ mồ côi do ảnh hưởng đại dịch COVID-19 và nhiều nguyên nhân khác. Khởi động chương trình này, đầu năm 2021, Hội LHPN tỉnh đã phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Thanh Hóa tổ chức truyền hình trực tiếp chương trình “Mẹ đỡ đầu - kết nối yêu thương” và đã vận động được hơn 11 tỷ đồng của nhiều đơn vị, cá nhân, trong đó nhận đỡ đầu gần 500 trẻ mồ côi, trị giá hơn 6 tỷ đồng và 4,6 tỷ đồng thực hiện chương trình “Triệu phần quà san sẻ yêu thương” hỗ trợ phụ nữ và trẻ em khó khăn. Đặc biệt, sau chương trình, nhiều đơn vị đã cân đối nguồn lực và nhận hỗ trợ thêm trẻ mồ côi, như: Công ty CP Công nông nghiệp Tiến Nông nhận đỡ đầu 30 trẻ mồ côi tăng lên 51 trẻ; Công ty CP Xây dựng và Đầu tư phát triển nông thôn Miền Tây huyện Thọ Xuân nhận đỡ đầu 12 trẻ tăng lên 14 trẻ… Từ khi phát động đến nay, Hội LHPN tỉnh đã chỉ đạo thành lập được 677 nhóm “Mẹ đỡ đầu”, nhận hỗ trợ, chăm sóc 1.292 trẻ mồ côi có hoàn cảnh khó khăn bằng hình thức nhận đỡ đầu trực tiếp (hoặc gián tiếp) và huy động nguồn lực các nhà hảo tâm, doanh nghiệp. Ngoài ra, các cấp hội lồng ghép với các chương trình/phần việc “Triệu phần quà san sẻ yêu thương”, “Từ thu gom phế liệu đến triệu phần quà để thăm hỏi, tặng quà, hỗ trợ hội viên, phụ nữ nghèo và trẻ mồ côi. Những việc làm mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc của tập thể, cá nhân, các nhà hảo tâm đã truyền lửa, tiếp sức cho trẻ mồ côi đặc biệt khó khăn có cơ hội viết tiếp ước mơ đến trường, trở thành những công dân có ích cho xã hội.

Nhân ái của phụ nữ Thanh Hóa còn là “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” xây dựng mô hình sinh kế, xóa tái mù chữ cho hội viên dân tộc Mông, truyền thông phổ biến, giáo dục pháp luật, tặng quà… tổng trị giá hơn 13 tỷ đồng (từ năm 2016 đến nay) đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho hội viên và người dân vùng biên, đặc biệt là chung tay xây dựng, bảo vệ vững chắc vùng biên. Thực hiện cuộc vận động xây dựng “Mái ấm tình thương” từ năm 2008 đến nay, các cấp hội đã vận động hỗ trợ xây 1.742 nhà, trị giá gần 45 tỷ đồng cho phụ nữ nghèo, không chỉ mang ý nghĩa xã hội lớn cho hội viên, phụ nữ nghèo đặc biệt khó khăn của tỉnh mà còn có cả hội viên, phụ nữ nghèo tỉnh Hủa Phăn nước CHDCND Lào 6 nhà trị giá 300 triệu đồng, hỗ trợ chữa bệnh cho trẻ em khuyết tật tỉnh Hủa Phăn… Trong chuyến công tác học tập kinh nghiệm tại Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa, bà Bouakhay PhengPhaChanh, Chủ tịch Hội Phụ nữ Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch (Lào) thay mặt đoàn bày tỏ sự cảm ơn trước những việc làm của Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa đã luôn hỗ trợ, chia sẻ đồng hành với Hội LHPN tỉnh Hủa Phăn và cùng nhau tiếp tục xây dựng, vun đắp mối quan hệ hữu nghị, đoàn kết đặc biệt, hợp tác giữa hai Đảng, hai Nhà nước Việt Nam - Lào và hai tổ chức Hội LHPN Việt Nam - Hội LHPN Lào.

Đối ngoại, hợp tác quốc tế để nâng tầm vị thế

Vượt qua những trở ngại, định kiến về giới và bất chấp những tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, công tác đối ngoại, hợp tác quốc tế của Hội LHPN tỉnh những năm qua đã gặt hái rất nhiều thành công, góp phần quan trọng củng cố cục diện đối ngoại ổn định, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định và tranh thủ được các nguồn lực hỗ trợ hội viên, phụ nữ phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao vị thế và uy tín của tổ chức hội, xây dựng hình ảnh phụ nữ Thanh Hóa quê hương Bà Triệu trong mắt bạn bè quốc tế…

Hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế được mở rộng và đi vào chiều sâu. Quan hệ hữu nghị hợp tác với phụ nữ các nước được mở rộng. Hội LHPN Thanh Hóa đã ký kết biên bản thỏa thuận với Hội Phụ nữ TP Seongnam (Hàn Quốc) về xúc tiến các chương trình giao lưu, tiến hành các dự án vì nhân quyền, vì sức khỏe phụ nữ và con cái, nâng cao vị thế của phụ nữ, cải thiện quan hệ giữa hai giới và tình hình bất bình đẳng giới.

Tiếp tục và tăng cường mối quan hệ đối ngoại truyền thống lịch sử giữa Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa và Hội LHPN tỉnh Hủa Phăn (nước CHDCND Lào). Mối quan hệ đặc biệt đoàn kết hữu nghị này, Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa đã hỗ trợ 300 triệu giúp phụ nữ Lào xây dựng 6 nhà Mái ấm tình thương; hỗ trợ khám chữa bệnh cho một số bệnh nhi khuyết tật điều trị tại Bệnh viên Nhi Thanh Hóa... hỗ trợ cho Bộ Chỉ huy Quân sự và Hội Phụ nữ tỉnh Hủa Phăn (Lào) nhiều vật tư y tế phòng,chống dịch COVID-19.

Năm 2022, Hội LHPN tỉnh tổ chức đón và làm việc với đoàn đối tác quốc tế gồm đại diện các đại sứ quán, cơ quan ngoại giao và Phái đoàn Liên minh châu Âu. Đoàn đã thăm mô hình phụ nữ phát triển kinh tế xanh tiêu biểu tại huyện Hoằng Hóa, thăm các gian trưng bày sản phẩm tiêu biểu sáng tạo, khởi nghiệp của các HTX do phụ nữ làm chủ để bàn giải pháp hỗ trợ nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ, hỗ trợ phụ nữ tham gia chuyển đổi số và hội nhập quốc tế, phát triển kinh tế xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu. Đoàn đã đánh giá cao sự sáng tạo của phụ nữ Thanh Hóa trong khởi nghiệp, phát triển kinh tế. Sau hội nghị này, Đoàn công tác Văn phòng Kinh tế & Văn hóa Đài Bắc (Đài Loan) tại Việt Nam đã kết nối với Hiệp hội Doanh nhân nữ Thanh Hóa tọa đàm kết nối thị trường, xúc tiến đầu tư thương mại; Hội LHPN tỉnh đã lựa chọn 20 sản phẩm tiêu biểu của hội viên, phụ nữ gửi Trung ương Hội LHPN Việt Nam lựa chọn, giới thiệu tại thị trường Đài Loan; thành lập và tập huấn 2 câu lạc bộ “Phụ nữ với hội nhập quốc tế về môi trường” tại xã Hoằng Đại (Hoằng Hóa) và phường Trường Thi (TP Thanh Hóa) do Đại sứ quán Đan Mạch tài trợ… Những hoạt động đối ngoại trên đã và đang mở ra cơ hội cho phụ nữ Thanh Hóa hội nhập, phát triển. Qua đó, khẳng định vai trò, vị thế của phụ nữ trong gia đình, xã hội. Đặc biệt là tăng quyền năng kinh tế và xây dựng hình ảnh phụ nữ Thanh Hóa tự lực, tự cường, khát vọng vươn lên.

Bà Trịnh Thị Loan, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân nữ Thanh Hóa cho biết: Hiệp hội sẽ luôn đồng hành với tổ chức hội phụ nữ các cấp trong thực hiện an sinh xã hội; tăng cường kết nối xúc tiến đầu tư để hỗ trợ các thành viên hiệp hội cùng phát triển, nâng tầm.

Với phương châm: “Trung ương định hướng chiến lược, tỉnh vận dụng sáng tạo, huyện đồng hành cùng cơ sở, xã nắm chắc hội viên, chi hội thấu hiểu phụ nữ” và “Lấy hạnh phúc và lợi ích của phụ nữ làm mục tiêu phấn đấu; lấy sự hài lòng của phụ nữ làm thước đo chất lượng, hiệu quả hoạt động của tổ chức hội”, các cấp hội LHPN trong tỉnh đang góp phần và thực hiện chương trình hành động của Tỉnh ủy với mục tiêu xây dựng Thanh Hóa đến năm 2025 trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước - một cực tăng trưởng mới ở phía Bắc của Tổ quốc, tạo nền tảng vững chắc đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại.

Bài và ảnh: Lê Hà



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]