(Baothanhhoa.vn) - Hàng chục nghìn hộ dân sinh sống trên đất ông cha nhưng chỉ là “ở nhờ” đất của các ban quản lý rừng phòng hộ, công ty lâm nghiệp. Trên những diện tích đất bao la, thậm chí bỏ hoang nhưng người dân nhiều huyện lại không có đất để đầu tư phát triển sản xuất. Tình trạng tranh chấp, xâm canh đất đai đã trở thành vấn đề nhức nhối ở nhiều địa phương. Sau nhiều năm, với nhiều văn bản chỉ đạo và giải pháp tháo gỡ những vướng mắc của tỉnh, những ngày cuối tháng 9, đầu tháng 10 này, hơn 3.800 ha đất đã và đang được bàn giao về cho các huyện quản lý, tiến tới giao cho các hộ dân...

Tín hiệu lạc quan về giao đất chồng lấn, xâm canh, tranh chấp từ các lâm trường cũ và công ty lâm nghiệp về các địa phương quản lý

Hàng chục nghìn hộ dân sinh sống trên đất ông cha nhưng chỉ là “ở nhờ” đất của các ban quản lý rừng phòng hộ, công ty lâm nghiệp. Trên những diện tích đất bao la, thậm chí bỏ hoang nhưng người dân nhiều huyện lại không có đất để đầu tư phát triển sản xuất. Tình trạng tranh chấp, xâm canh đất đai đã trở thành vấn đề nhức nhối ở nhiều địa phương. Sau nhiều năm, với nhiều văn bản chỉ đạo và giải pháp tháo gỡ những vướng mắc của tỉnh, những ngày cuối tháng 9, đầu tháng 10 này, hơn 3.800 ha đất đã và đang được bàn giao về cho các huyện quản lý, tiến tới giao cho các hộ dân...

Tín hiệu lạc quan về giao đất chồng lấn, xâm canh, tranh chấp từ các lâm trường cũ và công ty lâm nghiệp về các địa phương quản lýMột góc bản Na Phường, xã Sơn Điện (Quan Sơn).

Từ cứu cánh phát triển sản xuất thời kỳ bao cấp...

Theo thông tin tổng hợp từ Sở Tài nguyên và Môi trường, thời điểm cao nhất, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có tới 15 lâm trường, với tổng diện tích 96.824,85 ha, chủ yếu được hình thành từ năm 1956 đến năm 1960. Đây là chủ trương của Đảng, Nhà nước chuyển một bộ phận quân đội sau kháng chiến chống Pháp sang làm kinh tế và năm 1979 xây dựng mới một số lâm trường để tăng cường bảo vệ biên giới. Thời kỳ này, các lâm trường Nhà nước phát huy được vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội ở các huyện miền núi và trung du. Khai thác lâm sản cho tái thiết đất nước, phát triển các mô hình kinh tế lâm nghiệp, xây dựng nên những vùng kinh tế mới để phát triển kinh tế - xã hội vùng sâu, vùng xa, khơi dậy tiềm năng các vùng đồi núi của tỉnh... là những nhiệm vụ to lớn mà các lâm trường đã đạt được. Đến nay, những người lớn tuổi khó có thể quên được nhiều lâm trường gắn với các địa danh trong tỉnh, như: Thanh Kỳ, Như Xuân, Sông Chàng, Sim, Sông Đằn, Lang Chánh, Na Mèo, Thạch Thành, Sông Lò, Mường Lát, Tĩnh Gia (nay đổi thành Ban Quản lý rừng phòng hộ (BQLRPH) Nghi Sơn), Hà Trung...

Qua các giai đoạn khác nhau do nhiều cấp quản lý, từ năm 1995, nhiều lâm trường được chuyển về địa phương quản lý, đến năm 2003 được chuyển đổi mô hình hoạt động theo Luật Doanh nghiệp. Giai đoạn 2003-2005, tỉnh tiếp tục sáp nhập 3 lâm trường là: Bá Thước, Luồng Lang Chánh và Cẩm Thủy vào Công ty Nguyên liệu giấy Thanh Hóa (thuộc Tổng Công ty Giấy Việt Nam).

Đến năm 2004, tỉnh Thanh Hóa còn 13 đơn vị thuộc tỉnh quản lý, trong đó có 12 lâm trường và 1 ban quản lý khu vực lâm nghiệp và Rừng phòng hộ đầu nguồn Sông Chu. Để phù hợp với sự phát triển của tình hình mới, giai đoạn này, tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện việc sắp xếp lại, chuyển 12 lâm trường thành 12 BQLRPH. Sau đó, có một số BQLRPH được sáp nhập nên toàn tỉnh còn 8 BQLRPH và thành lập mới Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng khoa học - kỹ thật lâm nghiệp Thanh Hóa (nay tiếp tục sáp nhập thành Trung tâm Nghiên cứu, khảo nghiệm và dịch vụ cây trồng, trực thuộc Viện Nông nghiệp Thanh Hóa). Năm 2017, Tổng Công ty Giấy Việt Nam chuyển giao 2 công ty lâm nghiệp: Cẩm Ngọc và Lang Chánh về tỉnh quản lý (đến nay đang thực hiện việc sắp xếp, chuyển đổi theo quy định).

... đến phát sinh nhiều bất cập

Sau khi đất nước xóa bỏ cơ chế bao cấp, có thêm các chính sách về khoán đất, giao đất, thì tại các lâm trường cũ, các công ty lâm nghiệp phát sinh những bất cập về quản lý và sử dụng đất đai. Hàng chục nghìn hộ dân sinh sống ngay trên đất của các đơn vị chủ rừng quản lý lại không có đất để sản xuất. Danh nghĩa là đất rừng nhưng trên thực tế có nhiều diện tích là đất ở, đất sản xuất nông ngiệp... Quản lý dân cư và hành chính là các địa phương, nhưng quản lý đất lại thuộc các đơn vị chủ rừng nên gây nhiều khó khăn, không đồng bộ...

Chỉ tính riêng tại huyện Lang Chánh, những năm qua, đang có 4 “chủ đất” lớn là: BQLRPH Lang Chánh, Đồn Biên phòng Yên Khương, Công ty Lâm nghiệp Lang Chánh và BQLRPH Sông Lò, với tổng diện tích hơn 19.000 ha, chiếm một phần không nhỏ diện tích đất tự nhiên của huyện. Theo một cán bộ huyện miền núi này, công tác quản lý đất đai của các “chủ đất” ở đây chưa tốt, để người dân, thậm chí chính cán bộ xâm canh, lấn chiếm. Ngoài ra, còn không ít trường hợp chuyển đổi mục đích sử dụng đất sai quy định. Ngoài nguyên nhân các “chủ đất” thực hiện chưa tốt công tác quản lý đất đai thì công tác phối hợp với địa phương để giải quyết những phát sinh, tồn tại cũng chưa tốt. Với diện tích đất quản lý rộng lớn, địa hình miền núi phức tạp, con người lại có hạn nên công tác quản lý, kiểm tra trên thực địa của các đơn vị trên không được chặt chẽ, để tình trạng xâm canh, xâm lấn diễn ra nhiều nơi.

Theo kết quả rà soát mới nhất từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (chủ quản các BQLRPH, trung tâm, công ty lâm nghiệp nói trên), tổng diện tích đất các đơn vị này đang được giao quản lý những năm qua lên tới 82.067,05 ha. Trong đó, có 80.528,38 ha đất lâm nghiệp, 655,44 ha đất phi nông nghiệp và 883,23 ha đất nông nghiệp. Đáng nói, nhiều diện tích trên sổ sách quản lý là đất lâm nghiệp nhưng trên thực địa đang là đất thổ cư và sản xuất của hàng chục nghìn hộ gia đình, nhất là khu vực miền núi. Đây là những diện tích đất cần được chuyển về cho các địa phương quản lý để giao cho các hộ dân được sử dụng “danh chính ngôn thuận” mà nhiều năm qua, các ngành, các cấp chưa thể giải quyết dứt điểm do nhiều nguyên nhân.

Việc quản lý lỏng lẻo và yếu kém từ các đơn vị “chủ đất” cùng những quy định không còn phù hợp đã phát sinh nhiều bất cập, lãng phí đất đai. Theo chỉ đạo từ UBND tỉnh, những tháng gần đây, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tiến hành rà soát trên diện rộng, phối hợp với các đơn vị và địa phương để tiến hành đo đạc thực trạng đất của các đơn vị nói trên. Kết quả thu được là những con số gây bất ngờ với nhiều người. Có tới 1.714,63 ha đất trong diện chồng lấn tại các BQLRPH: Nghi Sơn, Lang Chính, Như Thanh, Thường Xuân. Việc để xảy ra chồng lấn diễn ra từ năm 2002 trở về trước do công tác giao đất lâm nghiệp được thực hiện chủ yếu bằng phương pháp thủ công, chưa rõ ranh giới ngoài thực địa. Nguyên nhân khác được các đơn vị đưa ra là, quy trình xét giao đất chưa thật sự công khai, minh bạch, chưa có sự phối hợp chặt chẽ trong quá trình giao đất dẫn đến giao trùng đất của các BQLRPH cho các hộ gia đình. Tại BQLRPH Thường Xuân còn có nhiều trường hợp đã giao đất cho các hộ gia đình sau lại giao cho BQLRPH quản lý, dẫn đến chồng lấn mà hàng chục năm qua không thể giải quyết dứt điểm.

Quản lý quá nhiều đất, các BQLRPH, công ty lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh khó có thể phát huy hết giá trị đất đai. Đáng nói, hiện nay các BQLRPH đang có 2.006,8 ha đất không còn nhu cầu sử dụng. Đơn cử như BQLRPH Quan Sơn có 1.589,44 ha, BQLRPH Mường Lát có 403,49 ha, BQL RPH Lang Chánh 1,9 ha, BQLRPH Thạch Thành 11,97 ha.

Không sát sao trên thực địa hoặc một vài nguyên nhân khác dẫn đến gần 94 ha đất của BQLRPH Như Thanh bị các hộ xâm canh. Qua điều tra, từ trước năm 2009 do ranh giới sử dụng đất không rõ ràng, năng lực quản lý của chủ rừng yếu dẫn đến việc xâm canh trên đất, đến khi “chuyện đã rồi” thì “chủ đất” đành “bó tay”.

Tín hiệu vui trong giải quyết

Khoảng chục năm qua, khi những bất cập trong quản lý đất đai ở các BQLRPH, các công ty lâm nghiệp ngày càng lộ rõ, cấp tỉnh đã có nhiều chỉ đạo các sở, ngành liên quan và các địa phương tìm giải pháp khắc phục. Tuy nhiên, do vướng cơ chế cùng sự phối hợp vào cuộc giữa các bên chưa thực sự quyết liệt và hiệu quả nên chỉ thu lại những kết quả nửa vời. Từ đầu năm 2021 đến nay, UBND tỉnh đã tổ chức nhiều hội nghị, tìm hướng tháo gỡ nhiều nút thắt. Chủ tịch UBND tỉnh đã thông báo yêu cầu từng đơn vị liên quan giải quyết những việc làm cụ thể, điểm nhấn là quyết định thu các diện tích đất chồng lấn, xâm canh, tranh chấp... về cho các huyện, thị xã quản lý. Qua rà soát từ các địa phương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Sở Tài nguyên và Môi trường, toàn tỉnh có 3.815,22 ha đất của các BQLRPH, công ty lâm nghiệp được đề xuất chuyển giao về cho các huyện, thị xã quản lý và sử dụng cho phát triển kinh tế - xã hội.

Đầu tháng 9 vừa qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Giang đã nhắc nhở Sở Tài nguyên và Môi trường trong một hội nghị liên quan bởi chậm thời gian rà soát thực trạng đất và một số nhiệm vụ liên quan theo mốc thời gian chỉ đạo của UBND tỉnh. Tiếp đó, với sự chỉ đạo quyết liệt của cơ quan chủ quản là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các BQLRPH, các công ty lâm nghiệp đã phối hợp với các huyện, thị xã để bàn giao diện tích đất chồng lấn, tranh chấp, không có nhu cầu sử dụng... về các địa phương quản lý. Đến đầu tháng 10, BQLRPH Lang Chánh đã giao 1,9 ha cho huyện Lang Chánh để mở rộng Trường THCS thị trấn Lang Chánh 1, giao 8,24 ha để làng Gốm, xã Giao Thiện xây dựng các công trình nông thôn mới. BQLRPH Thạch Thành bàn giao cho huyện Thạch Thành 11,97 ha trên địa bàn để thực hiện dự án phát triển nông nghiệp. Ở nhiều địa phương khác, những diện tích lâu nay chưa phát huy được hiệu quả thực sự, cũng được giao về các địa phương để phục vụ phát triển sản xuất, dân sinh...

Ngày 1–10, ông Nguyễn Xuân Hồng, Chủ tịch UBND huyện Lang Chánh, cho biết: Những hệ lụy phát sinh, bất cập trong việc quản lý và sử dụng đất đai của các lâm trường cũ trên địa bàn chính là “nút thắt” khó tháo gỡ trong hàng chục năm qua. Việc giao một phần diện tích từ các chủ rừng Nhà nước này về cho huyện quản lý là khát khao, là mong mỏi của chính những hộ dân và của chính quyền huyện trong nhiều năm qua. Sau khi có sự vào cuộc và chỉ đạo quyết liệt của tỉnh, đến nay diện tích đất xâm canh, lấn chiếm, chưa sử dụng... lâu nay vừa được các chủ rừng bàn giao về cho địa phương trên thực địa. Chúng tôi đang chờ quyết định giao đất từ UBND tỉnh để hoàn thành về mặt thủ tục, sau đó, huyện sẽ xây dựng phương án sử dụng đất này một cách cụ thể, trình Sở Tài nguyên và Môi trường cũng như UBND tỉnh.

Ông Lê Đức Thuận, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết: “Đến ngày 1–10, việc giao đất chồng lấn, tranh chấp, không có nhu cầu sử dụng của các BQLRPH, các công ty lâm nghiệp cho các địa phương quản lý đã hoàn thành trên thực địa theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Quá trình thực hiện việc chuyển giao khá thuận lợi do có sự vào cuộc và phối hợp giữa các bên liên quan”. Những “tấc vàng” sẽ được giao về cho các địa phương, cho từng hộ gia đình làm chủ, toàn quyền sử dụng, canh tác sẽ trở thành bước ngoặt mới trong giải quyết những bất cập trong quản lý đất đai nhiều năm qua.

Bài và ảnh: Lê Đồng



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]