(Baothanhhoa.vn) - Trào lưu thực phẩm tự làm, hay còn gọi với cái tên khá mỹ miều là “handmade”, đang khá nở rộ hiện nay. Những mặt hàng đa dạng, phong phú, bắt mắt “bùng nổ” trên không gian mạng, song còn đó nỗi lo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Tin liên quan

Đọc nhiều

“Thực phẩm handmade online” – nỗi lo an toàn và trách nhiệm của cơ quan chức năng

Trào lưu thực phẩm tự làm, hay còn gọi với cái tên khá mỹ miều là “handmade”, đang khá nở rộ hiện nay. Những mặt hàng đa dạng, phong phú, bắt mắt “bùng nổ” trên không gian mạng, song còn đó nỗi lo an toàn vệ sinh thực phẩm.

“Thực phẩm handmade online” – nỗi lo an toàn và trách nhiệm của cơ quan chức năng

Các mặt hàng thực phẩm handmade đều phải bảo đảm đầy đủ quy định của Nhà nước về an toàn vệ sinh thực phẩm. (Ảnh minh họa).

Những ngày giáp Tết Nguyên đán Tân Sửu vừa qua, nhiều gia đình chuyên sản xuất thực phẩm như mứt, thịt bò khô, thịt trâu gác bếp, hoa quả sấy khô, xúc xích, giò, chả, nem, bánh chưng, bánh răng bừa, bánh bột lọc... hoạt động hết công suất để phục vụ nhu cầu của người dân. Hầu hết các loại thực phẩm trên là tự chế biến, hay còn được biết đến với cái tên handmade. Điều đáng nói là ngày càng có nhiều cơ sở lập ra những cửa hàng “online” nhằm tận dụng tối đa ưu thế của mạng xã hội, nhất là facebook để quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Chỉ cần lướt và kích chuột, người tiêu dùng có thể tiếp cận các sản phẩm được quảng cáo hấp dẫn, hình ảnh bắt mắt, tươi ngon, đầy màu sắc, được khẳng định 100% hàng được làm từ nguyên liệu tươi, không chất phụ gia, không phẩm màu độc hại, tạo cho người mua cảm giác tin tưởng, an tâm chất lượng, an toàn thực phẩm... Không cần cửa hàng hay showroom, mọi thứ đã được “bày” sẵn trên mạng và người mua hàng chỉ cần ngắm nghía, đọc thông tin và bấm để chọn mua món hàng mình ưa thích. Điều đáng lưu tâm là những sản phẩm này thường không được kiểm tra chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, thường được mua bán bằng niềm tin của người tiêu dùng.

Chị Nguyễn Nguyệt Minh ở phường Phú Sơn (TP Thanh Hóa) cho biết: “Vì công việc bận rộn nên tôi thường xuyên mua thực phẩm online thông qua mạng xã hội facebook. Qua nhiều lần mua trên mạng, đã có lần tôi nhận được hàng không ngon như quảng cáo. Điển hình nhất là dịp tết vừa qua, tôi có đặt mua giò nạc và giò tai của một người bán trên facebook. Thông tin quảng cáo rất “kêu” như thịt lợn làm giò là lợn quê, quá trình làm giò hoàn toàn như “nhà làm”, bao ngon, bao an toàn. Tuy vậy, sau khi mua về dùng, giò không được như quảng cáo, lại nhiều bột. Chẳng những không ngon, giò còn nhanh hỏng, vì vậy gia đình tôi đã phải bỏ, mua cái khác. Khi liên hệ để đòi hỏi quyền lợi, tài khoản facebook của tôi bị chặn, gọi điện không liên lạc được”.

Đây cũng là thực trạng chung hiện nay khi hầu hết các cá nhân kinh doanh thực phẩm handmade online tận dụng tối đa không gian mạng để bán hàng. Nhiều cửa hàng online chỉ để lại số điện thoại để liên lạc, không có địa chỉ cơ sở, hộ sản xuất. Thêm vào đó, đa số các mặt hàng thực phẩm khi giao đến tay khách hàng đều không có nhãn mác, không có nguồn gốc, không có ngày sản xuất - hạn sử dụng. Loại hàng hóa “3 không” này nếu không bảo đảm, hoàn toàn có thể gây tổn hại sức khỏe cho người tiêu dùng. Khi xảy ra sự cố, các cá nhân, cơ sở sản xuất thường trốn tránh trách nhiệm bằng cách khóa tài khoản mạng xã hội, khóa số điện thoại, xóa mọi thông tin quảng cáo. Chưa hết, cuộc cạnh tranh trên mạng đối với các loại thực phẩm handmade cũng diễn ra khá khốc liệt. Nhiều cá nhân, cơ sở còn không ngần ngại copy lại ảnh của các cơ sở có tiếng khác để quảng cáo cho mình. Điều này dẫn đến tình trạng sản phẩm khi đến tay người tiêu dùng không chất lượng, không ngon như quảng cáo, thậm chí khác xa so với hình ảnh, thông tin quảng cáo. Cuộc đua về giá cũng khốc liệt không kém khi nhiều cá nhân, cơ sở sẵn sàng bán giá rẻ hơn bình thường. Tuy nhiên, “ngon – bổ” thì khó có thể đi liền với rẻ.

Trên thực tế, việc quản lý các cơ sở kinh doanh, chế biến thực phẩm đang khá lỏng lẻo. Nhiều mặt hàng được gắn mác handmade bán tràn lan mà không có sự kiểm soát hoặc kiểm tra chất lượng, nguồn gốc. Điều này có một phần do thói quen của người tiêu dùng, mua đồ handmade từ người quen nên tin tưởng, không quan tâm đến nguồn gốc và thương hiệu. Tuy nhiên, cũng không nên nhầm lẫn với những thực phẩm tự chế biến không rõ chất lượng, không đủ tiêu chuẩn, chưa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Theo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Thanh Hóa: Các mặt hàng thực phẩm được bán trên mạng không đăng ký kinh doanh, nên cơ quan chức năng khó nắm và khó quản được vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm. Thậm chí, khi người dân muốn khiếu nại cũng khó, bởi khi xảy ra vấn đề tiêu cực, các cá nhân, cơ sở ngay lập tức xóa hết các dấu vết trên mạng, gỡ bỏ mọi thông tin, bỏ luôn cả số điện thoại liên lạc. Rất may là trong 2 - 3 năm trở lại đây, trên địa bàn tỉnh chưa xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm nào liên quan đến hàng handmade, nhưng không vì thế mà người dân chủ quan. Với loại hàng hóa là thực phẩm handmade cần có sự cảnh giác để không “tiền mất tật mang”.

Theo Cục Quản lý thị trường Thanh Hóa, cho dù là kinh doanh thực phẩm online thì các cơ sở đều phải đăng ký kinh doanh và hoạt động theo đúng các quy định của pháp luật, còn người dân nên chọn cơ sở có uy tín, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, hàng hóa mua phải có đầy đủ nhãn mác, thông tin nguồn gốc xuất xứ, hạn sử dụng...

Bài và ảnh: Mạnh Cường


Bài và ảnh: Mạnh Cường

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]