(Baothanhhoa.vn) - Ưu đãi người có công với cách mạng là một chính sách đặc biệt, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, sự tôn vinh, tri ân và là trách nhiệm  của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta đối với người có công và thân nhân người có công với cách mạng, với đất nước. Xác định rõ điều này, tỉnh ta luôn quan tâm và thực hiện hiệu quả chính sách ưu đãi  người có công.

Thực hiện hiệu quả chính sách ưu đãi đối với người có công

Ưu đãi người có công với cách mạng là một chính sách đặc biệt, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, sự tôn vinh, tri ân và là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta đối với người có công và thân nhân người có công với cách mạng, với đất nước. Xác định rõ điều này, tỉnh ta luôn quan tâm và thực hiện hiệu quả chính sách ưu đãi người có công.

Thực hiện hiệu quả chính sách ưu đãi đối với người có côngTừ nguồn tiền 40 triệu đồng hỗ trợ sửa chữa nhà ở cho người có công, năm 2019 gia đình bà Lương Thị Út ở khu phố Đoàn Kết, thị trấn Mường Lát đã xây dựng được căn nhà kiên cố. Ảnh: Mai Phương

Hiện toàn tỉnh đang quản lý 350.141 người có công, trong đó có 4.625 Mẹ Việt Nam Anh hùng (111 mẹ còn sống), gần 56.000 liệt sĩ, gần 44.000 thương binh, hơn 15.000 bệnh binh, gần 15.000 người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học, trên 300.000 người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc và làm nhiệm vụ quốc tế; chi trả trợ cấp thường xuyên cho hơn 74.000 đối tượng người có công và thân nhân người có công với cách mạng, với tổng kinh phí gần 140 tỷ đồng/tháng. Ông Dương Văn Huệ, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, cho biết: Thực hiện Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, từ năm 2018 đến năm 2020, các cấp, các ngành trong tỉnh đã hoàn thiện hồ sơ, đề nghị Đảng, Nhà nước phong tặng và truy tặng danh hiệu cao quý Bà mẹ Việt Nam Anh hùng cho 106 mẹ; tiếp nhận hồ sơ, thẩm định, xét duyệt và giải quyết chế độ, chính sách mới cho 782 người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; thiết lập hồ sơ theo quy định và đề nghị công nhận 45 trường hợp là liệt sĩ, 245 trường hợp được xác nhận là thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, xét duyệt và chi trả trợ cấp cho 4.713 người được Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen trong kháng chiến; thực hiện chế độ tuất, mai táng phí, ưu đãi học sinh, sinh viên đối với 5.118 thân nhân người có công, tiếp nhận và di chuyển 991 hồ sơ người có công; trình Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cấp đổi Bằng Tổ quốc ghi công cho 3.481 liệt sĩ. Riêng năm 2020, tỉnh đã thực hiện chi trả kinh phí hỗ trợ theo Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9-4-2020 của Chính phủ và Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24-4-2020 của Thủ tướng Chính phủ cho 64.518 người có công với cách mạng, với kinh phí hơn 95,2 tỷ đồng.

Hằng năm, ngành lao động - thương binh và xã hội cũng đã tổ chức điều dưỡng tập trung và điều dưỡng tại gia đình cho gần 28.000 người có công, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho 100% người có công và thân nhân người có công theo quy định. Đời sống người có công không ngừng được cải thiện và nâng cao. Đến nay, hầu hết người có công và thân nhân người có công đã được hưởng các ưu đãi về chăm sóc sức khỏe, giáo dục, đào tạo, giải quyết việc làm, cải thiện về nhà ở. 100% Mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống được các cơ quan, ban, ngành, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh nhận phụng dưỡng, chăm sóc suốt đời. Trên 99,8% hộ gia đình chính sách có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư nơi cư trú.

Cùng với việc chăm sóc, tri ân những người còn sống, công tác tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin, xây dựng, tu bổ nghĩa trang, công trình tưởng niệm liệt sĩ cũng được chú trọng. Hằng năm, vào dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7), các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh tổ chức đi viếng các nghĩa trang liệt sĩ tại một số tỉnh ngoài và các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Các địa phương cũng tổ chức lễ “Thắp nến tri ân” tại nghĩa trang liệt sĩ, đài tưởng niệm, bia ghi danh các anh hùng liệt sĩ trên địa bàn...

Phát huy sức mạnh của cộng đồng chăm lo cho gia đình người có công với nước, trong 3 năm (2018-2020) toàn tỉnh đã vận động Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” được hơn 56 tỷ đồng để tu bổ, sửa chữa, nâng cấp nghĩa trang liệt sĩ; hỗ trợ xây dựng mới 338 căn nhà tình nghĩa, sửa chữa 555 nhà và hàng vạn suất quà thăm hỏi gia đình người có công với cách mạng; tặng 408 sổ tiết kiệm tình nghĩa cho gia đình chính sách, người có công với cách mạng. Có thể khẳng định, các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, chăm sóc người có công đã thật sự trở thành một phong trào rộng khắp trong các tầng lớp Nhân dân, các tổ chức xã hội, các cấp, các ngành, các địa phương và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh với nhiều hình thức tổ chức, nhiều việc làm cụ thể, thiết thực, hết sức phong phú, sáng tạo, trở thành nét đẹp văn hóa trong đời sống xã hội.

Bên cạnh đó, việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công vẫn còn những khó khăn và bất cập như: Công tác quản lý và thực hiện chế độ, chính sách có nơi chưa thực sự chặt chẽ; phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” có nơi chưa thực sự phát triển cả về bề rộng và chiều sâu; nội dung, hình thức tổ chức chưa phong phú, hiệu quả chưa cao. Vẫn còn một số đối tượng người có công trong các thời kỳ kháng chiến vẫn chưa được hưởng chính sách. Việc chăm sóc, hỗ trợ người có công, người tham gia kháng chiến có hoàn cảnh khó khăn ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển, đảo chưa kịp thời; công tác thanh tra, kiểm tra, chưa bao phủ kịp thời, vẫn còn tình trạng giả mạo hồ sơ, trục lợi chính sách...

Nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác chăm sóc người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, trong thời gian tới, chính quyền các cấp, các địa phương tiếp tục quán triệt sâu sắc và thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về ưu đãi người có công với cách mạng; đặc biệt là Chỉ thị số 14-CT/TW ngày 19-7-2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với người có công với cách mạng. Trong đó quan tâm ưu tiên bố trí nguồn lực, huy động sự tham gia của toàn xã hội để thực hiện tốt hơn nữa công tác chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng. Phấn đấu đến hết năm 2021, 100% gia đình người có công có mức sống cao hơn mức sống trung bình của Nhân dân nơi cư trú; không còn hộ người có công thuộc diện hộ nghèo.

Mai Phương



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]