(Baothanhhoa.vn) - Tôi rất quan tâm đến hoạt động đồng hương. Đó là tình yêu quê hương, đất nước cụ thể nhất.

Thắm đượm nghĩa tình đồng hương

Tôi rất quan tâm đến hoạt động đồng hương. Đó là tình yêu quê hương, đất nước cụ thể nhất.

Thắm đượm nghĩa tình đồng hươngBan liên lạc Hội đồng hương Thanh Hóa tại Hà Nội tặng hoa chúc mừng các đồng chí lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa.

Trong một bữa tiệc nhỏ ít người, một cán bộ cao cấp đã nói với tôi: Khi mình còn là sinh viên ở nước ngoài, lần đầu tiên bước chân xuống sân bay quốc tế, người ra đón mình là một anh bạn đồng hương. Hai năm sau đó, mình ốm phải nằm viện, người đến thăm đầu tiên vẫn là anh bạn đồng hương. Loại trừ việc bè phái, cánh hẩu và lợi ích nhóm, thì hoạt động đồng hương khơi gợi cho mỗi con người Việt Nam một nỗi nhớ da diết và hơn hết nó hàm chứa trong đó một khối sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, một tình yêu quê hương, đất nước thiêng liêng cao cả, lớn lao vô bờ. Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan có lần nói trong một cuộc tọa đàm về ngoại giao: Mọi quan hệ quốc tế bắt nguồn từ quan hệ cá nhân. Còn quan hệ cá nhân bắt đầu từ mối quan hệ đồng hương, quê hương ruột thịt. Nghĩ rộng ra, câu ấy thật sâu sắc.

Về hoạt động đồng hương, tôi đã có dịp đến dự ở một số tỉnh, vì tôi công tác ở tỉnh đó một thời gian dài, nên họ coi tôi như người đồng hương. Nhưng hầu hết chỉ gắn kết trong mối quan hệ cùng ngành nghề, cùng hội hay cùng lớp cũ. Còn với đồng hương Thanh Hóa tại Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng... tình đồng hương ấy rất rộng và có tổ chức chặt chẽ đến tận huyện, xã. Thậm chí có xã còn có hội đồng hương làng. Riêng tại Hà Nội, theo thống kê có trên 1 triệu người con xứ Thanh đang sinh sống, học tập, công tác, đủ biết sự gắn kết đồng hương thân thiết thế nào.

Thắm đượm nghĩa tình đồng hương

Đồng hương Thanh Hóa tại TP Hồ Chí Minh trao tặng Quỹ Khuyến học tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: Phan Nga

Những năm tháng công tác và sinh sống tại Thủ đô, tôi cảm nhận được sự ấm áp, nghĩa tình, gắn bó sâu sắc của Hội đồng hương Thanh Hóa tại Hà Nội. Nguyên do là vào khoảng năm 1986, một nạn đói do hậu quả của cơn bão số 6, số 7 gây ra. Hiện tượng chết đói là có thật. Mặt trận Tổ quốc tỉnh Thanh Hóa ra lời kêu gọi “lá lành đùm lá rách”. Anh em Hà Nội quyên góp được 300 triệu đồng, hơn 5.000 bộ quần áo, hơn 1 vạn quyển vở học sinh và hơn 10 tấn gạo để gửi về quê nhà (số liệu do bác Lê Thế Chữ, nguyên Chủ tịch Hội đồng hương Thanh Hóa tại Hà Nội cấp, bác đã mất). Sau đó, Hội Đồng hương Thanh Hóa được thành lập cấp bách ngày 15-6-1986 do bác Lê Tất Đắc, nguyên Chủ tịch UBND cách mạng lâm thời tỉnh (1945), làm chủ tịch hội. Ban chấp hành hội lúc đó chỉ có 25 người.

Thời gian trôi nhanh, đến nay, Hội Đồng hương Thanh Hóa tại Hà Nội đã có 37 năm hình thành, hoạt động và phát triển, tổ chức đến tận xã, nhiều xã còn có đồng hương làng. Các thế hệ Chủ tịch Hội Đồng hương Thanh Hóa từ bác Lê Tất Đắc đầu tiên, sau này đến bác Lê Thế Chữ và gần đây nhất là bác Lê Huy Ngọ... đều có sự gắn kết với tỉnh rất chặt chẽ. Các ngành, các lĩnh vực cũng có hội đồng hương hoạt động rất đoàn kết, như: Đồng hương công an, đồng hương quân đội, đồng hương văn nghệ sĩ - nhà báo, đồng hương sinh viên, đồng hương doanh nhân...

Hoạt động đồng hương Thanh Hóa ở Hà Nội có quy chế rõ ràng, đúng luật pháp và thiết thực: Hỗ trợ các cháu sinh viên nghèo học giỏi, người ốm đau bệnh tật, hỗ trợ khi thiên tai, lũ lụt... Tôi đặc biệt ấn tượng và cảm động khi biết báo đài đưa tin bão lũ xảy ra ở huyện Mường Lát năm 2019. Chỉ mấy ngày sau, Hội Đồng hương Thanh Hóa tại Hà Nội đã nhanh chóng có mặt tại địa bàn. Và cuối năm đó, những ngôi nhà tình nghĩa và trường học mới lần lượt ra đời, trong đó, có sự đóng góp của Hội Đồng hương Thanh Hóa tại Hà Nội.

Việc huy động, kêu gọi các nhà hảo tâm, các doanh nhân, hội đồng hương làm rất tốt nên đã huy động được hàng chục tỷ đồng đóng góp từ thiện. Qua đó đã tạo sự gắn bó và xây dựng ngày càng bền chặt tình yêu với quê hương Thanh Hóa cho các thế hệ trẻ, đặc biệt là sinh viên.

Thắm đượm nghĩa tình đồng hương

CLB tướng lĩnh sĩ quan Công an đồng hương Thanh Hóa tại Hà Nội trao quà tặng cho học sinh và và Nhân dân có hoàn cảnh khó khăn tại các huyện Ngọc Lặc, Quan Hóa và Quan Sơn. Ảnh: Văn Thiện

Sự quan tâm, khen thưởng của lãnh đạo tỉnh rất chu đáo và không bỏ sót một ai. Tôi đặc biệt chú ý đến sự động viên khích lệ của MTTQ tỉnh. Đây là đầu mối, thay mặt Đảng và Nhà nước để kết nối với doanh nhân, trí thức và các tổ chức xã hội nghề nghiệp khác làm công tác hỗ trợ khi cần thiết. Mà danh từ MTTQ, chỉ Việt Nam mới có.

Tôi nhìn thấy sức mạnh của các hội đồng hương Thanh Hóa tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Thừa Thiên Huế... chính là sức mạnh đại đoàn kết dân tộc. Vì thế dân tộc ta, dù 54 dân tộc khác nhau vẫn là một dân tộc Việt Nam duy nhất. Hoạt động đồng hương chính là hoạt động đại đoàn kết. Tổ chức đó tạo ra sự kết nối rất hiệu quả với các tổ chức xã hội. Đó chính là tinh thần, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc của Việt Nam.

Lê Tuấn Lộc



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]