(Baothanhhoa.vn) - Trong năm 2018 toàn tỉnh đã xây dựng được 18/37 mô hình chợ an toàn thực phẩm (ATTP), các mô hình này đã được đánh giá, cấp giấy chứng nhận và hoàn thành thủ tục công bố chợ kinh doanh thực phẩm theo TCVN 11856:2017.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Tăng cường các giải pháp nhân rộng mô hình chợ an toàn thực phẩm

Trong năm 2018 toàn tỉnh đã xây dựng được 18/37 mô hình chợ an toàn thực phẩm (ATTP), các mô hình này đã được đánh giá, cấp giấy chứng nhận và hoàn thành thủ tục công bố chợ kinh doanh thực phẩm theo TCVN 11856:2017.

Tăng cường các giải pháp nhân rộng mô hình chợ an toàn thực phẩm

Ảnh minh họa.

Thực hiện Kế hoạch số 135/KH-UBND ngày 16-8-2017 của UBND tỉnh về xây dựng các mô hình thí điểm an toàn thực phẩm (ATTP) trên địa bàn tỉnh đến hết năm 2018 và Quyết định số 335/QĐ-UBND, ngày 24-1-2018 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc giao chỉ tiêu thực hiện công tác bảo đảm vệ sinh ATTP cho các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố năm 2018, cùng với việc xây dựng các chuỗi giá trị sản phẩm an toàn, mô hình giết mổ gia súc, gia cầm ATTP, cửa hàng kinh doanh thực phẩm an toàn, bếp ăn tập thể ATTP, xã, thị trấn ATTP, trong năm 2018 toàn tỉnh đã xây dựng được 18/37 mô hình chợ ATTP, các mô hình này đã được đánh giá, cấp giấy chứng nhận và hoàn thành thủ tục công bố chợ kinh doanh thực phẩm theo TCVN 11856:2017.

Cụ thể, ở cấp tỉnh, Sở Công Thương đã lựa chọn và chỉ đạo xây dựng 6/5 mô hình chợ ATTP (đạt 120%). Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã lựa chọn chợ đầu mối rau, quả thực phẩm Đông Hương để xây dựng chợ ATTP; đã hướng dẫn thành lập tổ giám sát ATTP, phân công nhiệm vụ giám sát ATTP tại chợ; hướng dẫn ghi chép sổ nhật ký giám sát với khối lượng khoảng 1.000 tấn thực phẩm/ngày. Ở cấp huyện đang triển khai xây dựng 24/32 chợ ATTP (đạt 75%), trong đó TP Thanh Hóa xây dựng 3 chợ; các huyện Đông Sơn, Hoằng Hóa, Quảng Xương mỗi huyện xây dựng 2 chợ.

Thông qua việc xây dựng mô hình chợ ATTP đã góp phần tác động tích cực đến việc nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm ATTP, tạo dựng hành lang pháp lý để các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm chính đáng và người sử dụng thực phẩm tại các chợ trên địa bàn tỉnh được hưởng quyền lợi và yên tâm hơn khi mua sắm thực phẩm tại các chợ. Đồng thời là cơ sở để các cơ quan quản lý Nhà nước kiểm tra, xử lý các vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh thực phẩm. Từ đó, thúc đẩy việc liên kết sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, chất lượng và an toàn giữa các hộ kinh doanh tại chợ với người sản xuất; thu hút người tiêu dùng mua thực phẩm ở các quầy cố định tại chợ, góp phần nâng cao hiệu quả kinh doanh cho các tiểu thương.

Năm 2018, chợ Cột Đỏ (TP Sầm Sơn) là 1 trong 6 chợ do cấp tỉnh chỉ đạo thực hiện xây dựng mô hình chợ ATTP để làm cơ sở nhân rộng tại hệ thống các chợ trên địa bàn tỉnh. Khi chủ trương trên được triển khai, người dân và các tiểu thương chợ Cột Đỏ rất đồng tình, ủng hộ. Bà Trần Thị Huệ, tiểu thương chợ Cột Đỏ, chia sẻ: Từ khi tham gia mô hình này, tôi nhận được nhiều lời khen ngợi từ khách hàng. Điều đầu tiên họ quan tâm đó là khu này khá sạch vì các vật dụng được lau chùi cẩn thận, bàn để thực phẩm bằng inox ít bám bẩn, công tác vệ sinh dễ dàng hơn.

Theo ông Lê Văn Hùng, Phó Giám đốc Công ty CP chợ Cột Đỏ: Là địa bàn trọng điểm về du lịch, TP Sầm Sơn đặc biệt coi trọng phát triển mô hình chợ, trong đó vấn đề ATTP được đặt lên hàng đầu. Theo đó, hàng năm các hộ kinh doanh được đào tạo, tập huấn và được cấp giấy chứng nhận về công tác đảm bảo vệ sinh ATTP, vì thế ý thức của các hộ kinh doanh ngày càng tốt hơn, mọi người tự giác chấp hành các quy định...

Dù đạt được những kết quả tích cực nhưng việc xây dựng mô hình chợ ATTP hiện còn gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do hiện trạng các chợ trên địa bàn tỉnh chủ yếu là chợ hạng 2 và hạng 3, cơ sở vật chất kỹ thuật bị xuống cấp, cần phải đầu tư, tu bổ, mua sắm trang thiết bị trong điều kiện nguồn vốn hạn hẹp. Hiện UBND tỉnh đã cấp nguồn kinh phí cho các địa phương và đơn vị xây dựng mô hình chợ ATTP. Tuy nhiên, theo quy định, nguồn kinh phí chỉ được giải ngân khi chợ được công nhận là chợ ATTP. Hơn nữa, việc đầu tư xây dựng các hạng mục phải tuân thủ các quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng, như: Khảo sát, nghiên cứu lập dự án, được thẩm định, phê duyệt dự án và thiết kế kỹ thuật thi công công trình... dẫn đến các chợ hiện nay mới tiến hành đầu tư nên không bảo đảm tiến độ, kế hoạch. Bên cạnh đó, việc thực hiện các tiêu chí về thực phẩm kinh doanh tại chợ phải có nguồn gốc rõ ràng; không bán thực phẩm nhiễm vi sinh vật, hóa chất độc hại, thực phẩm quá hạn sử dụng, chất lượng không bảo đảm; các sản phẩm thịt gia súc, gia cầm phải có sự kiểm soát và chứng nhận ATTP của cơ quan thú y; các sản phẩm rau, củ, quả phải có giấy xác nhận xuất xứ, nguồn gốc; hàng thực phẩm chế biến được bảo quản trong tủ kính, tủ bảo ôn hoặc che đậy, bao gói vệ sinh; phải có ngày sản xuất và hạn sử dụng ghi đầy đủ trên bao, gói sản phẩm... nhưng trên thực tế hiện nay, hàng hóa nông sản kinh doanh tại các chợ trên địa bàn tỉnh chủ yếu được cung cấp từ chợ đầu mối rau, quả thực phẩm Đông Hương (TP Thanh Hóa), đại lý tại chợ cũng chưa quan tâm và chứng minh được nguồn gốc xuất xứ hàng hóa. Ngay cả những chợ đã được công nhận là chợ ATTP vẫn chưa thực hiện triệt để vấn đề này.

Để giải quyết được những khó khăn trên, cần có sự phối hợp và nỗ lực chung của các ngành, địa phương. Trong đó, các cơ quan quản lý Nhà nước phải tăng cường giải pháp, cách làm hay để xây dựng thành công chợ ATTP, góp phần cung cấp thực phẩm sạch, bảo đảm sức khỏe và quyền lợi cho người tiêu dùng; là cơ sở để nhân rộng mô hình, triển khai ở các chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh, góp phần hoàn thành mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, các loại thực phẩm được sử dụng hàng ngày được kiểm soát chặt chẽ ở tất cả các khâu và cơ bản bảo đảm vệ sinh ATTP.

Tô Hà



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]