(Baothanhhoa.vn) - Mưa lạnh khiến những con phố cũng trở nên thưa vắng. Đầu những con hẻm, góc phố là sạp hàng rong, quán trà đá, cùng vài ba tốp "cửu vạn" lầm lũi, chờ người gọi.

Phận người giáp tết

Mưa lạnh khiến những con phố cũng trở nên thưa vắng. Đầu những con hẻm, góc phố là sạp hàng rong, quán trà đá, cùng vài ba tốp “cửu vạn” lầm lũi, chờ người gọi.

Phận người giáp tếtBà Nguyễn Thị Thạnh ở phường Quảng Đông, TP Thanh Hóa mưu sinh trong ngày cận tết.

Bà Nguyễn Thị Thạnh ở phường Quảng Đông, TP Thanh Hóa năm nay gần 80 tuổi, lom khom trong bộ quần áo dày cộm, mặt mũi bịt kín bưng bằng chiếc khăn vuông nhung. Duy có đôi bàn tay gầy guộc bà vẫn để trần. Đôi tay run run vì cóng lạnh, chốc chốc lại giơ khay hàng, giọng thều thào mời khách: “Mua giúp bà phong kẹo, gói bông tăm”. Khách quen thì lắc đầu. Có người thì mua lấy lệ...

Bà thủ thỉ: “Hôm nay trời lạnh, lại đi từ sáng nên cái chân đã mỏi. Anh mua giúp tôi phong kẹo là tôi vui rồi!”. Qua trò chuyện, bà Thạnh cho biết mươi năm về trước còn sức khỏe, bà có đám ruộng hơn 1 sào để làm. Sau Nhà nước thu hồi đất làm mặt bằng dự án khu dân cư, bà không còn ruộng để làm, nên chuyển sang nghề bán hàng rong cho đến nay.

10 giờ sáng! Khi cái lạnh đã vơi bớt, dòng người đổ ra phố cũng nhiều hơn. Hàng hoa, hàng quất, hàng đào... đã có khách hỏi han, mua bán. Bà bán nước chè cũng tất bật, nhóm “cửu vạn” cũng bắt đầu tản ra khi có người thuê. Trong đám đông, anh Nguyễn Văn Tân ở phường Nam Ngạn dáng người cao dõng, nước da sạm đen cật lực giằng níu, vận chuyển chậu đào thế cho một vị khách. Trong khi mọi người đang co ro với cái lạnh, thì trên mình anh lại sũng mồ hôi. Song anh rất vui, nói: “Bình thường một chuyến khách trả cho mình 200 nghìn đồng tiền công, cho quãng đường từ 5 đến 7 cây số. Còn vị khách này bảo chằng buộc cẩn thận, đến nhà sẽ bồi dưỡng thêm 100 nghìn đồng”.

Vốn là hộ dân chài lưới, khi con sông đục, cá tôm khan hiếm, nghề vận tải đường sông không còn phù hợp với người không học hành, bằng cấp, thì anh Tân cũng như bao hộ dân chài khác lên cạn, chuyển nghề. Đa phần họ làm lao động tự do.

Đầu cầu Sâng, chị Hạnh vợ anh Tân thu mình trong chiếc áo mưa nhìn xa xăm vào dòng người trên phố, cố kiếm tìm cho mình những vị khách tiềm năng để mời mọc: “Cá trắm, cá diêu hồng... anh ơi! Chị ơi!”. Thay vì kiếm tìm một công việc làm thuê, để có thời gian chăm lo cho 3 đứa con tuổi ăn, tuổi lớn, chị gắn mình với nghề bán cá.

Sáng sớm, chị đi nhập hàng rồi đem về khu cầu Sâng bày bán. Quầy hàng của chị Hạnh duy chỉ tấm áo mưa trải ra bên lề đường, nhưng chị nói đây là vị trí tiềm năng, đắt khách. “Bán cá ở đây cũng chủ yếu cho khách quen họ mua. Cá tươi đảm bảo chất lượng là họ đến lấy. Nhiều khách do bận bịu công việc còn lưu số của mình gọi mang đến tận nhà”, chị Hạnh chia sẻ.

Đến quá trưa, anh Tân, chị Hạnh vội vã về nhà lo bữa cơm cho mấy đứa nhỏ. Ăn qua loa rồi lại tất bật với công việc.

Trái với nhiều tuyến phố, quang cảnh tại khu chợ đầu mối rau củ quả Đông Hương đông đúc, nhộn nhịp hơn cả. Những công ten nơ chở rau củ, các mặt hàng hoa, quả từ các tỉnh, thành phố đổ về nườm nượp. Mỗi khi có xe hàng dừng là cả chục chiếc xe ba gác, xe vận tải cỡ nhỏ kéo về bốc nhập hàng. Anh Lê Đình Thắng ở xã Trường Sơn, huyện Nông Cống ngồi bệt xuống vỉa hè sau khi bốc xong gần 1 tấn hoa quả, nói: “Để đỡ chi phí thuê cửu vạn, tôi tự bốc hàng, vận chuyển về chợ xã cho vợ bán”.

Với những người bán đào, quất, cây cảnh như vợ chồng anh Hùng, chị Mai ở huyện Như Thanh thì việc lo cho cái tết của gia đình bắt đầu từ trưa 30, là thời điểm mà việc buôn bán thành công hay thất bại đều đã rõ. Anh Hùng cho biết, phải vất vả lắm mới thuê được một điểm bán hàng ở phường Đông Hương. Mấy hôm nay trời lạnh giá, hai vợ chồng phải mua cả đèn sưởi, chăm đệm để nằm nhưng vẫn không đủ ấm. Riêng hai đứa con nhỏ, anh chị giao cho ông bà nội chăm sóc. Nhà đóng cửa, trưa 30 mới dọn hàng để về.

“Thực tình gia đình cũng chẳng sắm sanh gì, mua cho mấy đứa nhỏ bộ quần áo mới, trong nhà có cặp giò, đôi cái bánh chưng, là có tết!”, anh Hùng tâm sự.

Giờ Tý, những con phố tấp nập cũng dần đi vào giấc ngủ. Thế nhưng đâu đó vẫn văng vẳng lên tiếng chổi xào xạc của công nhân môi trường lầm lũi làm sạch cho phố phường. Với chị Nguyễn Thị Phụng, người có hơn 10 năm gắn bó với nghề, thì những ngày cận tết là vất vả nhất bởi lượng rác nhiều. Công việc đòi hỏi hơn 100% sức lực mới hoàn thành.

Dẫu vất vả song chị Phụng bật mí một chút niềm vui từ nghề. Với công nhân, viên chức có thêm tháng lương, có tiền thưởng tết hậu hĩnh; anh “cửu vạn” có nhiều người thuê; bà bán nước có nhiều khách hơn, thì với nghề của chị cũng có thêm thu nhập từ lượm ve chai. “Hết năm, nhiều đồ đạc cũ họ bỏ, họ cho, mình gom lại bán phế liệu, tháng tết cũng kiếm thêm được đôi ba triệu”, chị Phụng chia sẻ.

Sương xuống dày hơn, lạnh buốt, tôi trở về nhà tìm cho mình hơi ấm trong chiếc chăn dày. Sau lưng, ánh điện vàng vọt trên phố phả xuống rọi chiếu những bóng người lầm lũi mưu sinh!

Bài và ảnh: Đình Giang



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]