(Baothanhhoa.vn) - Theo số liệu của Tòa án Nhân dân tỉnh, năm 2021, Tòa án Nhân dân 2 cấp đã thụ lý hơn 6.100 vụ, việc ly hôn, trong đó có nhiều cặp đôi hôn nhân chỉ kéo dài 1 đến 5 năm đầu tính từ sau khi kết hôn.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nỗi đau sau những cuộc ly hôn

Theo số liệu của Tòa án Nhân dân tỉnh, năm 2021, Tòa án Nhân dân 2 cấp đã thụ lý hơn 6.100 vụ, việc ly hôn, trong đó có nhiều cặp đôi hôn nhân chỉ kéo dài 1 đến 5 năm đầu tính từ sau khi kết hôn.

Nỗi đau sau những cuộc ly hôn

Cha mẹ ly hôn dễ dẫn đến tâm lý của trẻ nhỏ bị tổn thương (ảnh minh họa).

Bố mẹ ơi, đừng ly hôn...!

... Đó là những lời nói nghẹn ngào trong nước mắt của đứa con gái vừa tốt nghiệp đại học nói với anh Nguyễn Văn H., sinh năm 1975 và chị Trần Thị P., sinh năm 1977 ở TP Thanh Hóa trong cuộc trò chuyện gia đình trước khi anh chị quyết định nộp đơn ra tòa xin ly hôn.

Anh H. và chị P. lấy nhau được 23 năm. Khoảng thời gian đầu sau khi kết hôn 2 vợ chồng anh chị sống rất hạnh phúc và có với nhau được 3 người con. Nhưng rồi mâu thuẫn vợ chồng phát sinh khi anh chị đi vay mượn xây dựng ngôi nhà 3 tầng khang trang, rộng rãi. Cũng vì áp lực tiền trả nợ xây nhà, tiền nuôi con cái ăn học, trong khi công việc làm ăn ngày một khó khăn nên anh chị thường xuyên cãi nhau, thậm chí đánh nhau trước mặt con cái. Lâu dần, tình cảm vợ chồng phai nhạt, anh chị không còn trao đổi, trò chuyện với nhau nữa. Việc ai người ấy làm, cơm ai người ấy ăn. Cuộc sống căng thẳng cứ thế kéo dài hơn 3 năm, đến khi cô con gái đầu của anh chị tốt nghiệp đại học thì chị làm đơn xin ly hôn với mong muốn được thoát khỏi cảnh “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”.

Nghe bố mẹ bàn với nhau việc phân chia tài sản và trách nhiệm nuôi con, các con của anh chị ôm nhau khóc. Chúng van xin bố mẹ đừng ly hôn vì không muốn gia đình tan nát. Bỏ mặc con cái khóc, anh chị ngồi phân chia tài sản “Nhà có 2 cái ti vi, mỗi đứa 1 cái, ngôi nhà xây dựng trị giá hơn 2 tỷ đồng, nhưng đất đang là của bố mẹ tôi đứng tên. Vì vậy, tôi sẽ trả cho cô hơn 1 tỷ tiền nhà, tôi lấy ngôi nhà. Còn nếu cô có tiền thì trả nửa tiền nhà, mua lại đất của bố mẹ tôi... Về con cái, 1 đứa đã trưởng thành không phải nuôi dưỡng, 2 đứa nhỏ, cô nuôi 1 đứa, tôi nuôi một đứa...” – anh H. nói.

Nhìn cảnh gia đình con trai tan vỡ hạnh phúc, mẹ anh H. chỉ biết đứng lên đi ra ngoài sân khóc. “Đau tâm lắm cô ạ!. Bố mẹ nào mà chẳng mong con cái hạnh phúc. Bao năm trời khuyên can chúng nó hàn gắn nhưng lúc đứa này chùng xuống thì đứa kia lại găng lên. Bây giờ thì cả 2 đứa đều găng cả nên thành thử “già néo đứt dây”, cuối cùng chúng nó đi đến bước đường ngày hôm nay. Chúng tôi tuổi cũng trên dưới 80 cả rồi. Không sống được mấy nữa nhưng bọn trẻ còn nhỏ, còn cả bước đường sau này của chúng. Liệu bố mẹ chúng như thế, chúng nó có thành người được hay không? Mấy hôm nay tôi suy nghĩ nhiều mà phát ốm rồi...” – những giọt nước mắt lăn dài trên khuôn mặt nhăn nheo của mẹ anh T. cùng với những tiếng khóc nấc quặn trong lòng.

... Cuộc chiến chưa hồi kết

Những tưởng ly hôn là sẽ được giải thoát, không còn những trận tranh giành, cãi vã nữa. Thế nhưng đối với anh Nguyễn Văn T., sinh năm 1994 và chị Nguyễn Thị B., sinh năm 1998 ở TP Sầm Sơn thì “cuộc chiến” vẫn tiếp diễn. Họ lại tiếp tục đưa nhau ra tòa tranh chấp về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn.

Tại phiên tòa phúc thẩm, anh Nguyễn Văn T. trình bày: Anh và chị Nguyễn Thị B. kết hôn, sinh được 2 con chung, một cháu tên là V. sinh năm 2015, cháu còn lại tên là H. sinh năm 2016. Ban đầu cuộc sống vợ chồng rất hạnh phúc nhưng rồi do bất đồng quan điểm, giữa hai người không tìm được tiếng nói chung nên thường xuyên xảy ra va chạm. Hai vợ chồng đã quyết định ra tòa ly hôn. Tại quyết định công nhận thuận tình ly hôn có công nhận sự thỏa thuận của vợ chồng, đó là giao cho chị B. trực tiếp nuôi cả 2 con cho đến khi cháu V. đủ 36 tháng tuổi thì giao lại cho anh T. trực tiếp nuôi dưỡng. Hiện tại, cháu V. đang ở với anh T. Còn chị B. đã đi lấy chồng, sinh sống cùng gia đình nhà chồng và giao cháu H. cho mẹ đẻ chị B. nuôi dưỡng. Chị B. mới sinh con nhỏ được 3 tháng tuổi. Hiện anh T. đang sống chung cùng bố mẹ đẻ, chưa lập gia đình mới, mức thu nhập ổn định 10 triệu đồng/tháng, anh hoàn toàn có điều kiện về mọi mặt để nuôi dưỡng, chăm sóc 2 con của mình. Vì vậy, anh tha thiết được nuôi cháu H. Và, nếu được nuôi dưỡng cháu, anh sẽ không yêu cầu chị B. phải cấp dưỡng nuôi con.

Trình bày tại phiên tòa, chị B. cho rằng mặc dù chị lập gia đình mới và sinh con nhưng chị vẫn là người trực tiếp nuôi dưỡng cháu H. Hiện chị cũng có việc làm với mức thu nhập hơn 6 triệu đồng nên chị vẫn có điều kiện bảo đảm có thể nuôi con. Chị không đồng ý giao cháu H. cho anh T. trực tiếp nuôi dưỡng.

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong vụ án, được thẩm tra tại phiên tòa, nghe lời trình bày của các đương sự và ý kiến của đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh tại phiên tòa. Hội đồng xét xử nhận định: Anh T.và chị B. đều có nguyện vọng trực tiếp nuôi cháu H. là chính đáng, tuy nhiên việc giao cháu H. cho ai nuôi phải trên cơ sở đảm bảo quyền lợi về mọi mặt từ vật chất đến tinh thần cho cháu H. có thể phát triển một cách tốt nhất. Thấy rằng, hiện nay chị B. đã lập gia đình mới, chị sống chung với gia đình nhà chồng, mặc dù theo tài liệu chứng cứ chị giao nộp chị có công việc, thu nhập từ 6 - 8 triệu đồng mỗi tháng tại nhà hàng, nhưng không có hợp đồng lao động, vì vậy, không thể coi là công việc ổn định. Mặt khác, chị B. mới sinh con được ba tháng tuổi, thu nhập của chị chắc chắn bị gián đoạn trong thời gian sinh con và nuôi con nhỏ. Hơn nữa, trong thời gian chị sinh và nuôi con chị sẽ không thể đảm bảo về mặt sức khỏe, thời gian để chăm sóc cháu H. như anh T. Hội đồng xét xử thấy việc tòa án cấp sơ thẩm giao cháu H. cho anh T. trực tiếp nuôi dưỡng là phù hợp pháp luật và đảm bảo quyền lợi chính đáng của cháu H. nên không chấp nhận kháng cáo của chị B. về việc hủy án sơ thẩm và giao cháu H. cho chị B. trực tiếp nuôi dưỡng. Hội đồng xét xử chấp nhận khởi kiện yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn của anh T. Giao con chung của anh T. và chị B. là cháu H. cho anh T. trực tiếp nuôi dưỡng, chị B. không phải cấp dưỡng nuôi con, chị B. có quyền thăm nom con chung, không ai được cản trở. Khi tòa tuyên bố bản án xong, lòng chị B. nặng trĩu. Bước chân ra khỏi phiên tòa trong nước mắt, chị B. nói sẽ quyết dành lại quyền nuôi cháu H. từ phía anh T...

Trao đổi với chúng tôi về những vụ xét xử tranh chấp trong ly hôn, Thẩm phán Lê Quốc Thành, Chánh Văn phòng Tòa án Nhân dân tỉnh cho biết: Những năm qua, Tòa án Nhân dân 2 cấp xét xử rất nhiều vụ án ly hôn, tranh chấp con cái, tài sản ly hôn. Là người “cầm cân nảy mực” trong phiên tòa, các thành viên trong hội đồng xét xử đã cố gắng phân tích để các cặp vợ chồng đoàn tụ. Tuy nhiên, không thể hòa giải thành mâu thuẫn của các cặp vợ chồng được, bởi tình cảm đã rạn nứt quá lớn nên họ chọn giải pháp cuối cùng là chia tay. Có nhiều vụ ly hôn kéo dài từ sơ thẩm lên phúc thẩm do tranh chấp quyền nuôi con, về phân chia tài sản và công nợ, nghĩa vụ chu cấp hàng tháng cho con chung... không chỉ khiến cho những người trong cuộc tổn thương mà còn khá mệt mỏi vì mất quá nhiều thời gian, công sức để đeo đuổi vụ việc.

“Ngồi ghế chủ tọa phiên tòa, chứng kiến nhiều vụ việc tranh chấp sau ly hôn, chứng kiến những đứa trẻ ngồi khóc dưới phiên tòa khi cha mẹ tranh cãi nhau vì quyền nuôi mình; những cháu nhỏ vô tư chạy nhảy ngoài phiên tòa mà không hay biết chỉ vài giờ đồng hồ nữa là anh em chúng phải xa nhau, xa bố, xa mẹ... biết có còn cơ hội để anh, chị, em chạy nhảy chơi cùng nhau nữa không. Khi bố hoặc mẹ cấm đoán... mà thấy thương vô cùng. Hơn nữa, thiếu vắng tình cảm, sự dạy bảo của cả cha lẫn mẹ, nhiều trẻ đã rơi vào tâm trạng chán nản, bi quan, dễ bị sốc và sa ngã vào những tệ nạn xã hội dẫn đến vướng vào vòng lao lý...” – anh Thành chia sẻ.

Bài và ảnh: Ngân Hà


Bài và ảnh: Ngân Hà

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]