(Baothanhhoa.vn) - Khai thác, bào chế, chữa bệnh từ cỏ cây, lá rừng... là nét văn hóa độc đáo, mang giá trị nhân văn của đồng bào dân tộc Dao nói riêng và đồng bào các dân tộc thiểu số nói chung trên dải đất biên cương Mường Lát. Bởi, việc này không chỉ nuôi sống nhiều người, mà còn là khởi nguồn của không ít các bài thuốc quý, giúp người bệnh thoát khỏi cơn thập tử nhất sinh.

Người Dao giữ gìn vốn quý nam dược

Khai thác, bào chế, chữa bệnh từ cỏ cây, lá rừng... là nét văn hóa độc đáo, mang giá trị nhân văn của đồng bào dân tộc Dao nói riêng và đồng bào các dân tộc thiểu số nói chung trên dải đất biên cương Mường Lát. Bởi, việc này không chỉ nuôi sống nhiều người, mà còn là khởi nguồn của không ít các bài thuốc quý, giúp người bệnh thoát khỏi cơn thập tử nhất sinh.

Người Dao giữ gìn vốn quý nam dược

Lương y Triệu Văn Lĩu (bên phải) giới thiệu các loại thuốc nam. Ảnh: Tiến Đông

Nối nghiệp tiền nhân

Non cao Mường Lát sở hữu hệ thực vật và động vật vô cùng phong phú, đặc biệt là nguồn dược liệu quý đa dạng. Chính vì lẽ đó, từ xa xưa, đồng bào dân tộc thiểu số ở đây chữa trị bệnh, chăm sóc sức khỏe phần lớn dựa vào thiên nhiên và kinh nghiệm của cha ông để lại. Trong chuyến công tác Mường Lát cách đây ít lâu, khi đang trò chuyện với ông Triệu Văn Lĩu, Trưởng bản Hạ Sơn, xã Pù Nhi (Mường Lát) về những đổi thay nơi đây, tôi ngửi thấy mùi dược liệu tỏa nồng trong không gian nhà. Đem thắc mắc hỏi chủ nhà, ông Lĩu chỉ về căn nhà nhỏ nơi góc sân và cho biết đó là kho thuốc nam của gia đình.

Kho khá rộng, thoáng đãng, chứa cả chục bao cây thuốc đã được hong khô. Vừa giới thiệu tên từng loại và công dụng của chúng, ông Lĩu cho biết: “Trước đây, gia đình tôi chủ yếu chữa bệnh bằng cây thuốc tươi tự trồng và khai thác, chỉ những cây hoặc lá thuốc khan hiếm mới phải phơi hong rồi đóng gói cho vào kho để dùng dần. Tuy nhiên hiện tại, do tuổi cao và không có nhiều thời gian đi rừng, tôi thuê người khai thác hoặc mua lại nguyên liệu từ những người dân địa phương”.

Thật vậy, ngoài kho thuốc khô, mảnh vườn nhỏ quanh nhà, dọc con đường lớn hay trên quả đồi cách nhà không xa... đều được ông Lĩu tận dụng trồng nhiều loại cây dược liệu quý. Hỏi ông, trong những cánh rừng mà ông đã đi qua, liệu có bao nhiêu cây có thể dùng để chữa bệnh? Ông Lĩu trầm ngâm giây lát rồi lắc đầu: “Tôi không biết rõ nhưng chắc chắn phải hàng trăm”. Bởi, ngoài những cây thuốc có thể gọi bằng tên, còn rất nhiều loại cây mà ông nhận dạng được nhưng không biết tên. Song, ông biết chắc những cây thuốc đó có thể chữa được bệnh gì. Thứ cây đáng quý nhất mà ông muốn kể đến là: cây xạ đen, cây cỏ máu, hà thủ ô, trà hoa vàng, sâm xuyên đá, củ tài lệch, cỏ chân vịt, cỏ chân ngỗng, sâm cau... Chúng là những vị thuốc lành và mỗi thứ lại mang một công dụng riêng chữa trị các bệnh thông thường, như: thiếu máu, bạc tóc sớm, rắn cắn, mất ngủ, cảm hàn, đau lưng, đau gan, viêm khớp, đại tràng, đau dạ dày, ăn khó tiêu, ngộ độc... Ưu điểm của những loại thuốc này là khi uống không để lại phản ứng phụ, dễ nấu, dễ uống.

Ngoài những tác dụng khi được sử dụng độc lập, những loại lá, vỏ, rễ cây rừng trên khi kết hợp lại sẽ tạo ra vô vàn bài thuốc chữa bệnh khác. Theo ông Lĩu, với người Dao ở Mường Lát, họ nổi tiếng nhất là những bài thuốc chữa trị các bệnh cho phụ nữ, như: hậu sản, vô sinh, điều hòa kinh nguyệt và thuốc tắm cho phụ nữ sau khi sinh; các bệnh về da, như: sởi, phỏng dạ, zona thần kinh, thủy đậu, chân tay miệng... Nhiều người bị bệnh hiểm nghèo, nan y cũng được cải thiện rõ rệt sau khi uống bài thuốc được kết hợp từ các loại lá rừng, như: lá giành giành, rúc rúc, cây trân châu... với các loại cây thân dây, như: tài lệch, xó nhà, xạ đen, trà hoa vàng, sâm nam, sâm xuyên đá...

No ấm nhờ rừng

Bản Hạ Sơn có 51 hộ với 228 nhân khẩu, 100% đều là người dân tộc Dao nên hầu như nhà nào cũng biết làm thuốc và bốc thuốc. Tuy nhiên, đây vẫn là nghề tay trái, nghề chính của bà con dân tộc Dao ở đây vẫn là làm ruộng, chăn nuôi. Trước đây, những bài thuốc nam chỉ dùng chữa bệnh cho những người trong gia đình và bà con làng xóm. Lâu dần công dụng của những bài thuốc hay được lan truyền, người ở xa đến xin thuốc ngày một nhiều, bà con mới bắt đầu nghĩ đến việc phát triển nghề thuốc, người già truyền cho người trẻ, cứ như thế nghề bốc thuốc nam của đồng bào dân tộc Dao được lưu truyền, phát triển. Bản thân ông Lĩu cũng là một thầy thuốc có thâm niên. Ông là thế hệ thứ 3 - 4 tiếp nối truyền thống làm thuốc của gia đình. Ngay từ khi còn rất nhỏ, ông đã theo chân bố vào rừng lấy thuốc. Khi đã nhận biết được cây thuốc, ông được dạy cho kinh nghiệm xem bệnh và cách bốc thuốc. Gần 60 tuổi, ông đã có hơn 30 năm làm nghề, đã chữa khỏi bệnh cho nhiều người.

Được biết, gia đình ông Lĩu là 1 trong 5 gia đình của bản Hạ Sơn được cấp chứng chỉ hành nghề y học cổ truyền. Nhiều bài thuốc gia truyền của gia đình được giới chuyên môn về nghiên cứu, ghi nhận, đánh giá cao.

Trong khi các bệnh viện lớn đang trở nên quá tải thì việc chữa bệnh bằng các loại thảo dược được nhiều người lựa chọn và tin dùng, người Dao bản Hạ Sơn được nhiều người biết đến, cuộc sống của người dân đổi thay từng ngày. Từ 5 hộ gia đình di cư từ đỉnh Pù Quăn xuống, Hạ Sơn hôm nay là bản đầu tiên của xã Pù Nhi hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới, đồng thời cũng là bản duy nhất của xã có 100% nhà, công trình phụ kiên cố. Năm 2021, thu nhập bình quân đầu người đạt gần 40 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 2,7%. Nhiều người con của bản học hành đỗ đạt, làm cán bộ huyện và xã. Tuy nhiên, theo Trưởng bản Triệu Văn Lĩu, đa số các “thầy thuốc” ở Hạ Sơn là thầy thuốc của gia đình, thương hiệu và uy tín mới chỉ dừng lại ở mức truyền miệng, người này giới thiệu cho người kia chứ chưa được công nhận là bản thuốc nam và các thầy vẫn chưa được kiểm tra về trình độ nên nghề thuốc ở đây vẫn chỉ phát triển ở quy mô nhỏ lẻ.

Ở một khía cạnh khác, việc người dân đổ xô vào rừng lấy thuốc một cách bừa bãi, cây thuốc quý hiếm sẽ vì thế mà cạn kiệt. Ngày nay, nhiều người ví việc vào rừng lấy thuốc không còn là “hái” nữa mà giống đi “săn”. Để tìm được một số cây thuốc quý có nguy cơ tuyệt chủng hoặc còn rất ít, họ phải lên tận núi cao, công việc hết sức vất vả. Chính ông Lĩu cũng thừa nhận, việc khai thác quá mức và không có tổ chức làm cho nhiều loại thảo dược quý hiếm đang có nguy cơ cạn kiệt, nhiều người vì lợi ích trước mắt mà vô tình làm mất đi sự đa dạng của các bài thuốc quý. Thêm vào đó, việc thiếu diện tích canh tác cùng những khó khăn về kinh tế, người dân chỉ khai thác mà chưa chú ý đến việc trồng và bảo vệ nguồn thuốc quý hiếm. Vì thế, mỗi lần ông vào rừng hái thuốc thấy loài cây nào mọc nhiều ông đều nhổ lấy một nhánh nhỏ về trồng, loại nào giâm được cành là ông mang về. Mảnh vườn trồng dược liệu quanh nhà là kết quả hàng chục năm vào rừng tìm thuốc của ông. Tuy vậy, đây cũng chỉ là giải pháp tạm thời của cá nhân người làm nghề hái thuốc như ông Lĩu.

Cũng như nhiều đồng bào dân tộc thiểu số khác, ông mong muốn có được những lớp học nhằm giới thiệu về cây thuốc và HTX chuyên trồng, chế biến thuốc nam, nhằm góp phần bảo tồn và phát triển các loài cây thuốc cũng như các bài thuốc quý của dân tộc. Chia sẻ về vấn đề này, ông Bùi Văn Nhân, Chủ tịch UBND xã Pù Nhi, bày tỏ: “Để có định hướng bảo tồn nghề thuốc gia truyền của đồng bào Dao, từng bước tạo được thương hiệu thuốc nam. Thời gian tới, cấp ủy, chính quyền địa phương sẽ khảo sát, thống kê lại những loài cây thuốc nam trong rừng; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân trong xã cùng bảo tồn và phát triển những cây thuốc quý đang dần bị mai một. Bên cạnh chữa bệnh cứu người, nghề thuốc nam gia truyền cũng đang góp phần phát triển kinh tế cho các hộ gia đình người Dao. Tuy nhiên, rất cần sự quan tâm, hỗ trợ của các ngành chức năng và cộng đồng để phát triển bền vững nguồn tài nguyên cây thuốc, mang lại giá trị kinh tế cho người dân tại địa phương.

Tăng Thúy


Tăng Thúy

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]