(Baothanhhoa.vn) - Có được việc làm ổn định sau khi chữa trị, phục hồi là ước mơ của nhiều người sau cai nghiện ma túy, là “cầu nối” đưa họ trở lại với cuộc sống lành mạnh, là nhân tố giúp giảm nguy cơ tái nghiện. Tuy nhiên, do trình độ thấp, tay nghề chưa cao, cộng với cái nhìn không mấy thiện chí từ cộng đồng, họ rất khó tìm được việc làm sau những va vấp cuộc đời.

Nan giải trong công tác dạy nghề và tạo việc làm cho người sau cai nghiện ma túy

Có được việc làm ổn định sau khi chữa trị, phục hồi là ước mơ của nhiều người sau cai nghiện ma túy, là “cầu nối” đưa họ trở lại với cuộc sống lành mạnh, là nhân tố giúp giảm nguy cơ tái nghiện. Tuy nhiên, do trình độ thấp, tay nghề chưa cao, cộng với cái nhìn không mấy thiện chí từ cộng đồng, họ rất khó tìm được việc làm sau những va vấp cuộc đời.

Nan giải trong công tác dạy nghề và tạo việc làm cho người sau cai nghiện ma túyNgười sau cai nghiện ma túy học nghề may túi PP xuất khẩu, túi dùng 1 lần tại Cơ sở cai nghiện số 1, xã Hoàng Giang (Nông Cống).

Gian nan hòa nhập

Sau cai nghiện, anh Nguyễn Tuấn H. ở huyện Thọ Xuân trở về địa phương nhưng xin việc ở nhiều nơi đều nhận được cái lắc đầu ái ngại. "Có cơ sở xây dựng đã đồng ý nhưng khi biết tôi từng nghiện thì lại viện lý do đã đủ lao động để từ chối. Cuối cùng tôi quyết định vào Tây Nguyên phụ việc chăm sóc vườn cà phê cho một người họ hàng để có thu nhập trang trải cuộc sống, cũng mong tránh xa sự cám dỗ của ma túy”, anh H. trao đổi với chúng tôi. Tương tự, anh Trần Văn B. ở phường Đông Sơn (TP Thanh Hóa), năm 2021 đã có thời gian cai nghiện 3 tháng tại Cơ sở cai nghiện ma túy số 1, xã Hoàng Giang (Nông Cống). Tại đây, anh đã được học nghề mộc. Sau khi cai nghiện thành công, anh B. trở về địa phương để tìm kiếm cho mình một công việc thích hợp. Tuy nhiên, khi xem hồ sơ của anh, các chủ doanh nghiệp đều tìm đủ lý do để trả lại. Anh B. tâm sự: “Phải ở trong cuộc mới thấy sợ ánh mắt thương hại và sự kỳ thị đối với người sau cai nghiện ma túy. Bản thân tôi, dù đã cai nghiện thành công nhiều năm và tự tạo cho mình một công việc ổn định, song cũng không hoàn toàn rũ bỏ được mặc cảm. Tôi biết nhiều người khác cũng vì bất lợi khi xin việc nên không nỗ lực học nghề”.

Anh Lương Văn T. ở xã Điền Quang (Bá Thước) nghiện ma túy đã hơn 10 năm. T. không nhớ nổi số lần anh phải vào cơ sở cai nghiện nữa. T. chỉ tự răn rằng, mỗi lần cắt cơn, cai nghiện thành công là anh tăng thêm niềm tin vào cuộc sống, quyết tâm sẽ đoạn tuyệt ma túy, trở thành người con, người chồng, người cha như bao người bình thường khác. Nhưng rồi, lần nào anh cũng thất bại. Nguyên nhân lớn nhất đó là không có việc làm. "Trước đây, vì đi làm ăn xa nên tôi vướng vào ma túy. Bao lần cai rồi lại tái nghiện cũng bởi vì tôi không tìm được việc làm. Không có việc làm, tôi lại phải đi làm ăn xa, lại sa ngã. Lần cai tại Cơ sở cai nghiện ma túy số 2, xã Xuân Phú (Quan Hóa), tôi được dạy nghề mây tre đan. Khi trở về hòa nhập cộng đồng, tôi hy vọng sẽ xin được việc làm ổn định", anh T. chia sẻ.

Mặc dù trong những năm qua có sự vào cuộc đồng bộ của các địa phương và các cơ quan liên quan, tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, tạo việc làm cho người sau cai nghiện ma túy vẫn gặp không ít khó khăn. Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hóa, hàng năm, số người sau cai nghiện ma túy có việc làm chỉ chiếm khoảng 10% so với số người được chữa trị, phục hồi và cũng chỉ khoảng 20% trong số đó có việc làm ổn định, đủ nuôi sống bản thân.

Cần nhiều hơn sự cảm thông

Đến hết tháng 6-2023, toàn tỉnh có khoảng trên 6.300 người nghiện ma túy, trong đó chỉ có gần 1.000 người đang chữa trị, cai nghiện tập trung tại các cơ sở cai nghiện; hơn 100 người đang bị giam giữ tại các trại giam trên địa bàn tỉnh. Như vậy, vẫn còn trên 5.000 người đang sinh sống trong cộng đồng. Tính riêng 6 tháng đầu năm, các cơ sở cai nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh đã tiếp nhận, chữa trị cai nghiện mới cho 137 người (121 người cai nghiện bắt buộc, 16 người cai nghiện tự nguyện); tổ chức tái hòa nhập cộng đồng cho 218 đối tượng hết thời hạn cai nghiện trở về cộng đồng.

Cơ sở cai nghiện ma túy số 1 Thanh Hóa, xã Hoàng Giang (Nông Cống) hiện đang quản lý trên 750 đối tượng nghiện ma túy. Cơ sở thường xuyên tổ chức dạy và truyền nghề cho các học viên với các nghề như mộc, sản xuất gạch không nung, may túi PP xuất khẩu, túi dùng 1 lần, trồng trọt, chăn nuôi... và coi đây là nhiệm vụ quan trọng nhằm giúp học viên có việc làm khi trở về với đời thường, hạn chế tình trạng tái nghiện. Tại đây, tuy chương trình dạy nghề được tổ chức trong quá trình cai nghiện, nhưng hầu hết những nghề này đều mang tính “trị liệu” là chính chứ chưa thực sự tạo được công ăn, việc làm cho người sau cai nghiện ma túy. Chưa kể, khi tái hòa nhập cộng đồng, cơ hội việc làm đối với người đã từng nghiện ma túy rất khó khăn, bởi rất ít cơ sở sản xuất nhận họ vào làm việc và bản thân người sau cai nghiện ma túy chưa thực sự có ý chí để tự tin tìm việc làm phù hợp, tránh xa môi trường cũ. Cũng có không ít trường hợp do thiếu sự quan tâm, giúp đỡ của gia đình khiến cho quá trình cai nghiện trước đó nhanh chóng thất bại, người nghiện ma túy lại quay trở về con đường tái nghiện.

Những năm qua, song song với công tác tuyên truyền phòng, chống tệ nạn ma túy, thay đổi nhận thức của cộng đồng về tránh phân biệt đối xử với người sau cai nghiện ma túy thì việc quản lý, giáo dục, giúp đỡ người nghiện ma túy chấp hành xong quyết định cai nghiện tại các cơ sở cai nghiện trở về tái hòa nhập cộng đồng luôn được chính quyền và các đoàn thể quan tâm. Từ đó, tạo động lực và niềm tin cho người sau cai nghiện ma túy quyết tâm từ bỏ ma túy, chí thú lao động để có thể tự nuôi sống bản thân và gia đình, trở thành những công dân có ích cho xã hội. Tuy nhiên, trên thực tế, có được việc làm ổn định sau cai nghiện đối với nhiều người từng nghiện ma túy lại là vấn đề quá khó khăn.

Nguyên nhân chủ yếu là do các doanh nghiệp vẫn coi họ là những đối tượng có “lý lịch đen” nên không tiếp nhận. Bên cạnh đó, sau khi học nghề tại các cơ sở cai nghiện, họ vẫn chưa có đủ kỹ năng, kinh nghiệm để tìm và gắn bó với công việc. Đấy là chưa kể đến tình trạng người sau cai nghiện ma túy không có nhu cầu học nghề, không muốn lao động, một số người sau cai nghiện không về địa phương gây khó khăn cho việc theo dõi, quản lý... Ngoài ra, công tác dạy nghề cho những đối tượng này mới chỉ được triển khai ở các cơ sở cai nghiện mà chưa có sự gắn kết giữa các chương trình dạy nghề với các doanh nghiệp, công ty nên chưa tạo được nhiều cơ hội việc làm cho người sau cai nghiện ma túy. Ngay cả chính sách cho người sau cai nghiện ma túy được vay vốn để tạo việc làm, chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp nhận các đối tượng vào làm việc còn nhiều vướng mắc về thủ tục. Vì vậy, hầu hết người sau cai nghiện ma túy và doanh nghiệp đều chưa tiếp cận được với nguồn vốn vay này do đặc thù về học vấn, nghề nghiệp, tình trạng sức khỏe và đặc biệt là “mức độ tín nhiệm thấp”.

Theo nhiều chuyên gia trong lĩnh vực công tác xã hội, để nâng cao hiệu quả công tác giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện ma túy, nên dành những khoản cho vay ưu đãi, lãi suất thấp cho người sau cai nghiện thiếu việc làm và ưu đãi cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có thu hút người sau cai nghiện bị thất nghiệp. Bên cạnh đó, UBND cấp xã, phường, thị trấn có trách nhiệm phân công các ban, ngành, đoàn thể quản lý đối tượng sau cai; liên hệ với các doanh nghiệp đóng trên địa bàn để tìm việc làm cho những đối tượng đã hoàn thành tốt các chương trình quản lý sau cai nghiện nói chung. Các địa phương cần nghiên cứu thiết lập và nâng cao năng lực cho các trung tâm làm nhiệm vụ tư vấn dạy nghề, học nghề có chất lượng và xúc tiến tạo việc làm cho người sau cai nghiện ma túy trở về, nhằm giúp họ tái hòa nhập cộng đồng hiệu quả và bền vững.

Bài và ảnh: Trần Hằng



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]