(Baothanhhoa.vn) - Sau ngày ký Hiệp định Pari về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (ngày 27-1-1973), Báo Thanh Hóa chuyển từ nơi sơ tán về đường Nguyễn Du, thị xã Thanh Hóa, gần Xí nghiệp In Ba Đình và Bưu điện tỉnh để thuận lợi trong việc in ấn và phát hành báo. Được tỉnh đầu tư, Ban Biên tập Báo Thanh Hóa khẩn trương triển khai xây dựng 5 dãy nhà cấp 4 vừa làm nơi ở, vừa nơi làm việc cho cán bộ, phóng viên, nhân viên và bộ phận tòa soạn. Mỗi gian nhà bố trí 2 phóng viên, kê 2 giường cá nhân, 2 bàn con làm chỗ viết bài, còn lại để 2 xe đạp. Anh chị em có gia đình được bố trí 1 gian nhà tập thể trong khu làm việc của cơ quan.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Làm báo sau ngày đất nước thống nhất

Sau ngày ký Hiệp định Pari về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (ngày 27-1-1973), Báo Thanh Hóa chuyển từ nơi sơ tán về đường Nguyễn Du, thị xã Thanh Hóa, gần Xí nghiệp In Ba Đình và Bưu điện tỉnh để thuận lợi trong việc in ấn và phát hành báo. Được tỉnh đầu tư, Ban Biên tập Báo Thanh Hóa khẩn trương triển khai xây dựng 5 dãy nhà cấp 4 vừa làm nơi ở, vừa nơi làm việc cho cán bộ, phóng viên, nhân viên và bộ phận tòa soạn. Mỗi gian nhà bố trí 2 phóng viên, kê 2 giường cá nhân, 2 bàn con làm chỗ viết bài, còn lại để 2 xe đạp. Anh chị em có gia đình được bố trí 1 gian nhà tập thể trong khu làm việc của cơ quan.

Làm báo sau ngày đất nước thống nhất

Ảnh minh họa.

Từ chiến trường Quảng Trị ra Bắc cuối năm 1974, tôi vào học Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, đầu năm 1980 tốt nghiệp ra trường, tôi được Tỉnh ủy Thanh Hóa tiếp nhận, phân công về Báo Thanh Hóa, làm phóng viên Ban Kinh tế Nông - Lâm nghiệp. Công việc chính của phóng viên lúc bấy giờ là xuống cơ sở, các nông - lâm trường, xí nghiệp, HTX lấy tư liệu về viết bài. Thời kỳ này mỗi tuần báo ra 2 số, 4 trang khổ nhỏ nên không “ngốn” nhiều tin, bài. Vì thế theo đề cương hằng tháng, tôi chuẩn bị tư trang buộc chiếc cặp vào chiếc xe đạp Phượng hoàng rồi lên đường. Đến huyện gần cũng phải 1 - 2 ngày, huyện xa 3 - 4 ngày, lên các huyện miền núi có khi phải mất cả tuần, có chuyến lâu hơn. Mỗi chuyến đi phải tranh thủ khai thác tài liệu, thu thập thông tin nhét vào cặp ít nhất được 2 - 3 bài, mấy cái tin. Hết đợt quay về nhà đóng cửa ngồi lì trong phòng viết bài xong nộp cho lãnh đạo phòng rồi lại chuẩn bị cho chuyến đi sau.

Có một chuyện vui: Anh Nguyễn Văn Giá, Tổng Biên tập những năm ấy bận việc lâu ngày không về nhà. Chị Chắt (vợ anh) ở quê lên chơi thấy anh thường xuyên ngồi vào bàn với la liệt sách, báo, bản thảo trước mặt, chị không hiểu nhưng cũng không dám hỏi. Rồi chị đi một lượt qua các phòng phóng viên ở, xuống khu tập thể thấy mọi người đều đóng cửa cũng ngồi giống chồng mình, chị tạt vào phòng tôi, hỏi: “Các chú làm việc gì mà tôi thấy suốt ngày ngồi ở trong phòng thế?”. Tôi giải thích: “Chị ơi, anh chị em đóng cửa ngồi trong phòng cho yên tĩnh để viết báo đấy chị ạ”. Chị cười: À ra thế, tôi hiểu rồi! Sau vụ ấy, cánh phóng viên trẻ hễ gặp nhau ở cơ quan thường hỏi: Hôm nay ở nhà hay “ra đồng”?.

Làm báo sau ngày đất nước thống nhất cần mẫn, thầm lặng là thế nhưng mọi người ở các bộ phận ai cũng vui vẻ, phấn khởi và rất say mê công việc. Có dịp về quê lên, mỗi người một món quà nhỏ nào là ngô, khoai hoặc sắn hay thuốc lào, lạng chè, chai rượu nút lá chuối đều mời nhau thưởng thức. Các chị phóng viên đi cơ sở lúc về cơ quan thường tạt vào các chợ mua đồ ăn thức uống, quà quê về chia cho cả khu tập thể. Chiều chiều, anh chị em phóng viên hay ngồi bậc thềm, đầu hồi nhà hóng mát trò chuyện về tình hình cơ sở, kinh nghiệm các chuyến đi công tác, về chuyện đời, chuyện nghề. Ai có thời gian thì chơi vài séc bóng bàn hoặc ngồi vào bàn cờ tướng. Đều đặn tối nào cũng vậy, anh Nguyễn Văn Giá bê cái ti vi Neptune vỏ gỗ để ra hè cho anh chị em khu tập thể cùng các cháu xem. Tình cảm anh em, đồng chí, đồng nghiệp thật đầm ấm, chan hòa. Cơ quan Báo Thanh Hóa như một gia đình lớn...

Làm báo bây giờ đòi hỏi cao hơn, thông tin nhanh nhạy, kịp thời, chính xác, cạnh tranh quyết liệt, nhưng sướng hơn nhiều so với thời kỳ bao cấp. Các phóng viên thỏa sức hành nghề, đầu tư mua sắm, trang bị đủ phương tiện máy ảnh, máy ghi âm, máy vi tính, xe máy, ô tô. Cơ quan Báo Thanh Hóa hiện nay có trên 40 xe ô tô con của cá nhân cộng 2 ô tô của tập thể tính ra gần 70% cán bộ, phóng viên, nhân viên có ô tô. Phóng viên có thể không đến cơ quan nhưng vẫn có tin, bài, ảnh gửi về tòa soạn vì có đường truyền internet...

Nhắc lại một vài kỷ niệm nhỏ làm báo sau ngày đất nước thống nhất để “Ôn cố tri tân”, để tự hào về ngôi nhà lớn Báo Thanh Hóa có lịch sử 57 năm hào hùng mà tôi rất hạnh phúc được cầm bút suốt hơn 35 năm. Tự hào lắm khi Báo Thanh Hóa đã kế tục vẻ vang sự nghiệp báo chí cách mạng tỉnh nhà; đã và đang tiếp tục đổi mới, phát triển toàn diện để xứng đáng hơn nữa với sự mong đợi của đảng bộ, chính quyền, nhân dân và bạn đọc trong tỉnh.

Lê Tiến Kiên

Nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Thanh Hóa


Lê Tiến Kiên

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]