(Baothanhhoa.vn) - Nhắc đến nghề thủ công truyền thống của huyện Nông Cống, không thể không nhắc tới nghề làm nón lá ở xã Trường Giang. Về làng nghề này những ngày hè nắng như đổ lửa, bên trong từng ngôi nhà vẫn thấp thoáng bóng dáng những người phụ nữ thoăn thoắt tay kim làm nên những chiếc nón mộc mạc, duyên dáng. Đó như một cách người dân nơi đây âm thầm gìn giữ hồn quê.

Đau đáu giữ nghề truyền thống

Nhắc đến nghề thủ công truyền thống của huyện Nông Cống, không thể không nhắc tới nghề làm nón lá ở xã Trường Giang. Về làng nghề này những ngày hè nắng như đổ lửa, bên trong từng ngôi nhà vẫn thấp thoáng bóng dáng những người phụ nữ thoăn thoắt tay kim làm nên những chiếc nón mộc mạc, duyên dáng. Đó như một cách người dân nơi đây âm thầm gìn giữ hồn quê.

Đau đáu giữ nghề truyền thốngCơ sở sản xuất nón lá của gia đình bà Nguyễn Thị Hiên, xã Trường Giang.

Hồn quê trong chiếc nón lá

Được sự giới thiệu của Hiệp hội sản xuất nón lá Trường Giang, chúng tôi đến thăm cơ sở sản xuất nón lá của vợ chồng ông Nguyễn Văn Cưởi, bà Nguyễn Thị Hiên. Nói là cơ sở sản xuất nhưng chỉ có quy mô hộ gia đình, hai ông bà đều đã qua tuổi “thất thập” và đã có hơn 50 năm làm nghề nón lá.

Theo lời kể của bà Hiên, người dân xã Trường Giang từ bao đời nay đã gắn bó với nghề làm nón lá. Bà vốn là người xã bên, lấy chồng về đây từ thuở đôi mươi, cũng từ ngày theo chồng về làng, bà đã bắt đầu học làm nón và gắn bó với nghề kể từ đó. Ngày còn trẻ, nghề nông vẫn là nghề chính, làm nón chỉ là tranh thủ lúc nông nhàn, rảnh rỗi. Bây giờ có tuổi rồi, con cái đã lớn, có gia đình riêng, ông bà không làm ruộng nữa nên nghề làm nón lại trở thành nghề chính. “Nghề làm nón tuy không vất vả, cực nhọc “một nắng hai sương” nhưng lại yêu cầu sự cần mẫn, kiên trì và khéo léo. Thời còn trẻ, mỗi ngày tôi có thể làm được đến 3 - 5 chiếc nón nhưng nay mắt kém, tay chân không còn linh hoạt nên mỗi ngày chỉ làm được khoảng 2 chiếc. Mỗi chiếc lấy công làm lãi được vài chục nghìn đồng nhưng cũng rất vui, vì mình vừa giữ được nghề, giữ được hồn quê của vùng đất chiêm trũng, vừa có thêm nguồn thu nhập trang trải chi tiêu hằng ngày của đôi vợ chồng già”, bà Hiên vui vẻ chia sẻ.

Theo các cụ cao niên trong làng kể lại, nghề nón lá Trường Giang được du nhập vào làng Tuy Hòa rồi tới Yên Lai từ khoảng năm 1867. Nghề do cụ Lê Văn Huầy, dòng họ Lê Văn, người gốc ở Kỳ Anh (Hà Tĩnh) truyền nghề và gây dựng. Trải qua thời gian và những biến thiên của lịch sử, nghề nón lá vẫn luôn gắn bó với đời sống kinh tế, văn hóa của người dân địa phương và tồn tại cho đến ngày nay.

Cũng như nhiều làng nghề khác, nghề nón lá cũng có lúc thịnh, lúc suy, song điều đặc biệt ở đây là ở thời kỳ nào cũng vậy, những người lớn tuổi trong xã luôn đau đáu giữ nghề và miệt mài truyền dạy lại cho thế hệ trẻ. Cũng từ sức sống bền bỉ và những đôi bàn tay khéo léo của những người thợ lành nghề, những chiếc nón mộc mạc, thanh tao mang thương hiệu Trường Giang cũng tỏa đi khắp trăm miền, che chở nắng mưa và làm đẹp cho đời. Cũng nhờ nghề truyền thống này mà hàng trăm gia đình trong xã có việc làm quanh năm với thu nhập ổn định. Nghề làm nón cũng từ đó lan sang các xã lân cận trong vùng như: Trường Trung, Trường Sơn, Trường Minh...

Điều đặc biệt ở làng nghề này là cách thức sản xuất các sản phẩm nón lá vẫn làm bằng phương pháp thủ công. Bà Nguyễn Thị Tùng, 56 tuổi, một trong những người có nhiều năm kinh nghiệm làm nón, cho biết: Nón lá Trường Giang được làm từ nhiều nguyên liệu khác nhau, một phần nguyên liệu là nguồn địa phương có sẵn, còn lại hầu hết đều phải nhập từ nơi khác. Lá được lấy từ các tỉnh phía Nam, có khi tận Campuchia, Lào; vành tạo hình dáng lấy từ cây vàu, cây nứa trên các huyện miền núi Quan Sơn, Quan Hóa, Bá Thước... Từ những nguyên vật liệu được chọn lựa kỹ càng, để làm ra một chiếc nón đẹp phải trải qua nhiều công đoạn tỉ mỉ, đòi hỏi sự cần mẫn, khéo léo của bàn tay người thợ. Từ chọn khung, uốn vành, lợp lá, cắt hoa văn, đến việc khâu hoàn thiện chiếc nón và cuối cùng là đánh bóng bảo quản, đưa ra thị trường. Ở làng nghề, sự phân công lao động ở từng công đoạn cũng được thể hiện rõ nét, người làm khung, người chuốt vành, người may nón...

Theo bà Tùng và những người thợ lành nghề trong làng, làm khung chuốt vành là công đoạn đầu tiên quyết định độ khum, độ tròn, hình dáng, kích cỡ của chiếc nón. Khung nón được làm bằng gỗ nhẹ, có mái cong đều với nhiều kích cỡ. Vành nón được làm bằng thân nứa được chẻ, chuốt tròn thanh thoát, uốn thành vòng tròn to, nhỏ khác nhau. Lá may nón bằng lá dừa nước, được chọn lọc, xử lý qua nhiều khâu, hấp, sấy, phơi sương, ủi phẳng sao cho mặt lá giữ được màu trắng và độ phẳng. Ngày xưa ủi lá phải dùng than củi, bây giờ thì tiện hơn rất nhiều khi thợ điện trong xã đã tự chế chiếc bàn là bằng nồi cơm điện để hỗ trợ người dân làm nghề. Các công đoạn lợp lá, đặt hoa văn và may lá vào vành (hay còn gọi là chằm nón) là khâu quan trọng nhất, đòi hỏi người thợ phải có sự khéo léo để đường kim, mũi cước thẳng đều, mềm mại theo độ cong của vành nón... Để tăng thêm nét sinh động cho từng chiếc nón, các hộ gia đình còn gắn các hình ảnh bông hoa, cảnh thiên nhiên vào bên trong nón, nhiều hộ còn in lôgô tên cơ sở để đánh đấu “bản quyền” chiếc nón mà cơ sở mình làm ra.

Theo bà Tùng, nón lá Trường Giang có 2 loại, loại 1 lớp và loại 2 lớp. Bình quân mỗi chiếc nón có giá 40.000 - 60.000 đồng, tùy từng loại. Các năm trước, cứ vào độ hè nắng lên, nón làm ra đến đâu bán hết đến đó, tuy nhiên vài năm trở lại đây, trước sự cạnh tranh của thị trường, nón từ các nước lân cận nhập vào giá rẻ nên cũng ảnh hưởng nhiều đến việc tiêu thụ sản phẩm của làng nghề.

Giữ nghề cho mai sau

Theo thống kê của UBND xã Trường Giang, hiện toàn xã có hơn 1.000 hộ làm nón với hơn 2.000 lao động tham gia làm nghề. Hằng năm, xã Trường Giang đưa ra thị trường hơn 1,5 triệu sản phẩm. Nghề làm nón mang lại thu nhập ổn định cho người dân địa phương, chiếm khoảng 20% tổng thu nhập toàn xã và giải quyết việc làm cho hơn 40% lao động nông thôn.

Ông Lê Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội sản xuất nón lá Trường Giang cho biết: Nón lá Trường Giang được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng bởi sự thanh thoát và bền đẹp, đáp ứng được thị hiếu của người tiêu dùng. Năm 2014, làng nghề nón lá Trường Giang đã được công nhận làng nghề truyền thống. Năm 2015, sản phẩm nón lá Trường Giang vinh dự lọt top 100 thương hiệu nổi tiếng cả nước. Năm 2016, sản phẩm cũng đã được chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu tập thể. Kể từ khi được chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu tập thể, Hiệp hội sản xuất nón lá Trường Giang đã nâng cao chất lượng mẫu mã hàng hóa, tăng cường các hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm, liên kết với các làng nghề du lịch để mở rộng thị trường tiêu thụ, đưa sản phẩm nón lá Trường Giang đến với thị trường trong và ngoài tỉnh.

Với xu thế phát triển hiện nay, do điều kiện nghề làm nón chỉ là nghề phụ, thu nhập không cao, lực lượng lao động trẻ không mặn mà với nghề mà có xu hướng đi làm ăn xa, làm công nhân để phát triển kinh tế gia đình. Vì vậy, nghề làm nón ở Trường Giang cũng ảnh hưởng rất nhiều. Tuy nhiên, nghề làm nón chủ yếu tận dụng lao động nhàn rỗi để có thêm thu nhập cải thiện đời sống, địa phương vẫn luôn tuyên truyền, vận động và tạo điều kiện để bà con duy trì nghề truyền thống.

Với trăn trở giữ nghề truyền thống cho mai sau, hiệp hội đang cố gắng bảo tồn nghề truyền thống bằng nhiều cách khác nhau, như: Có chính sách hỗ trợ, mở lớp đào tạo cho bà con trong xã tham gia học tập, nâng cao tay nghề, chất lượng sản phẩm; đồng thời tìm kiếm, liên kết với đơn vị hoạt động trong lĩnh vực du lịch để quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nón lá Trường Giang. Đồng thời, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để các cơ sở sản xuất, các doanh nghiệp trong quá trình phát triển, tiêu thụ sản phẩm, xây dựng sản phẩm OCOP cấp tỉnh.

Bài và ảnh: Việt Hương



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]