(Baothanhhoa.vn) - Giữa một vùng đất khô cằn, những mầm xanh mơn mởn trong những khu nhà màng, nhà lưới vẫn mọc lên, đơm hoa và cho trái ngọt. Đó là thành quả từ sự nỗ lực của những người trẻ, mang hơi ấm từ bàn tay, trí tuệ, nhiệt huyết và đam mê để xanh hóa những cánh đồng hoang.

Đất ấm hơi người

Giữa một vùng đất khô cằn, những mầm xanh mơn mởn trong những khu nhà màng, nhà lưới vẫn mọc lên, đơm hoa và cho trái ngọt. Đó là thành quả từ sự nỗ lực của những người trẻ, mang hơi ấm từ bàn tay, trí tuệ, nhiệt huyết và đam mê để xanh hóa những cánh đồng hoang.

Đất ấm hơi ngườiAnh Đặng Đình Hải, Giám đốc HTX NNCNC Điền Trạch và cộng sự trao đổi về vụ dưa sắp cho thu hoạch. Ảnh: Việt Hương

Điền Trạch! Cái tên gắn liền với đất vốn là tên một thôn làng của xã Thọ Lâm (Thọ Xuân) – nơi có diện tích đất nông nghiệp lớn. Nếu như toàn xã Thọ Lâm có 1.104,74 ha đất nông nghiệp, thì thôn Điền Trạch đã chiếm đến 50%. Điền Trạch cũng là tên của sản phẩm dưa vàng, dưa chuột... của Công ty CP Ứng dụng và Phát triển nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) Điền Trạch đã có mặt tại các siêu thị ở Hà Nội, một số tỉnh khu vực phía Bắc và miền Trung.

Tôi có dịp vài lần ghé thăm nông trại sản xuất của Công ty CP Ứng dụng và Phát triển NNCNC Điền Trạch và được gặp gỡ những “ông chủ” trẻ của mô hình này. Khác với hình ảnh người nông dân chân lấm tay bùn, ấn tượng của tôi khi lần đầu gặp anh Đỗ Văn Tùng (giám đốc công ty), anh Đặng Đình Hải (Giám đốc HTX NNCNC Điền Trạch), anh Lê Xuân Cường (kỹ sư nông nghiệp phụ trách kỹ thuật) là phong cách trẻ trung, năng động, tràn đầy nhiệt huyết, dám nghĩ, dám làm của những người có trình độ, có chuyên môn. Tâm thế của họ khi bắt tay khởi nghiệp nông nghiệp xuất phát từ tinh thần “Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao”.

Khi nắm bắt được chủ trương, chính sách về tích tụ đất đai để phát triển NNCNC, họ đã lấy kiến thức làm nền tảng, niềm đam mê làm động lực, cùng nhau “xắn tay áo” góp công, góp vốn thuê đất, dựng lên những khu sản xuất hiện đại với nhà màng, nhà lưới, trang bị hệ thống ứng dụng công nghệ tưới thông minh, hiện đại, bộ châm phân tự động 5 cổng có thể định lượng phân bón, pH nước tưới chính xác và quản lý các thông số theo cài đặt từ xa... Điểm đặc biệt là nông trại sản xuất ở Điền Trạch áp dụng quy trình sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, với yêu cầu nghiêm ngặt từ khâu chọn giống, vật tư đến thu hoạch, đóng gói, vận chuyển và tiêu thụ. Đây chính là nền tảng để sản phẩm của Điền Trạch tiếp cận thị trường và giữ được uy tín, mối hàng và đầu ra thuận lợi. Những quả dưa vàng trĩu nặng, đều tăm tắp được thị trường đón nhận. Lợi nhuận thu về bước đầu tiếp tục được sử dụng để tái đầu tư mở rộng sản xuất.

Sau hơn 2 năm triển khai, mô hình này đã được nhân rộng cả về diện tích và quy mô. Từ 15.000m2 ban đầu của riêng công ty, đến nay diện tích nhà màng, nhà lưới ở Điền Trạch đã nâng lên 36.000m2 với sự tham gia của HTX NNCNC Điền Trạch được thành lập vào đầu năm 2021. Công ty và HTX liên kết đồng hành, cùng nhau dẫn dắt 15 thành viên của HTX là các hộ dân ở thôn Điền Trạch cùng tham gia vào quy trình sản xuất NNCNC...

“Để có được thành công bước đầu khi khởi nghiệp từ nông nghiệp, phải cảm ơn vùng đất Điền Trạch này”, anh Đặng Đình Hải, Giám đốc HTX NNCNC Điền Trạch chân tình bộc bạch. Anh vốn là người dân tộc Mường, sinh ra lớn lên ở đây nên anh hiểu về quê hương mình.

Là thôn đặc thù của xã, có diện tích đất nông nghiệp lớn, song không màu mỡ. Dân cư nơi đây có tới 68% là người dân tộc Mường gốc Hòa Bình di cư về vùng đất này khai hoang, lập làng từ xa xưa. Nếu như chỉ vài năm trước, đất đai vẫn là những vùng cồn cao, khó canh tác, chỉ để trồng sắn, dứa, thậm chí còn bị bỏ hoang thì nay từ phong trào sản xuất của nông trại NNCNC ở Điền Trạch, đất đã ấm hơi người, chuyển mình kết trái đơm hoa. Hoạt động sản xuất đã từng bước ổn định, cho lợi nhuận cao và tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động địa phương. Hơn nữa, thành công từ cách làm NNCNC của những người trẻ tuổi đã thổi “luồng gió mới” thay đổi tư duy của người dân ở Điền Trạch nói riêng, xã Thọ Lâm nói chung. Một bộ phận người dân đã bắt đầu quan tâm, đầu tư vào sản xuất nông nghiệp. HTX NNCNC Điền Trạch ra đời từ tinh thần đồng hành cùng người dân làm giàu từ nông nghiệp.

Với những gì mắt thấy, tai nghe tại Điền Trạch, tôi nhận thấy rằng trên con đường đi đến thành công của những người có trình độ, chuyên môn khởi nghiệp từ nông nghiệp, họ đã luôn xác định ứng dụng khoa học - kỹ thuật là chìa khóa để tạo ra đột phá.

“Hiện nay, chúng tôi đang đấu mối với các đơn vị chuyển đổi số để áp dụng các phần mềm quản lý sản xuất, truy xuất nguồn gốc, xuất xứ hiệu quả. Mới đây, HTX NNCNC Điền Trạch đã trở thành đơn vị được lựa chọn thực hiện thí điểm Dự án “V-Chain - một nền tảng phát triển và triển khai ứng dụng phi tập trung dựa trên công nghệ Blockchain” do Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup (VINIF) tài trợ. Chúng tôi cũng đang phấn đấu để sản phẩm Dưa vàng Điền Trạch được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao trong năm 2022”, anh Đặng Đình Hải chia sẻ.

Cũng như ở Điền Trạch, ở xã miền núi Thọ Thanh (Thường Xuân), vẻ đẹp trù phú của những cánh đồng cây trồng hàng hóa giá trị là nguồn cảm hứng tạo động lực để nhiều người gắn bó với đất. Nếu như trước đây trên các xứ đồng trong xã, bà con chủ yếu trồng sắn, mía, cỏ voi nhưng giá trị kinh tế mang lại thấp, có những thửa ruộng gần như bị “bỏ rơi”, hoang cằn theo năm tháng, thì nay, sau hơn 5 năm nỗ lực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, khuyến khích, động viên tích tụ tập trung đất đai vào sản xuất, trên địa bàn xã đã có 61,8 ha sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao.

Cánh đồng trồng măng tây hữu cơ của gia đình chị Lê Thị Hòa, ở thôn Đồng Xuân, xã Thọ Thanh chỉ rộng 0,3 ha song lại là mô hình chứng minh cho nhiều người thấy rằng mỗi tấc đất đều có thể trở thành tấc vàng nhờ bàn tay cần mẫn, tư duy linh hoạt của người nông dân. “Tháng 7-2020, cùng với đất cơ bản của gia đình, tôi chuyển đổi đất cho 2 hộ dân khác để dồn được 0,3 ha, đầu tư khoảng 130 triệu đồng lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm, bạt phủ, mua giống và phân bón, thuê công nhân, trồng măng tây theo hướng hữu cơ. Sau một năm xuống giống, chăm sóc và rút kinh nghiệm, cây măng tây phát triển thuận lợi. Đến nay, vườn măng đã cho thu hoạch vài đợt, mỗi đợt thu hoạch khoảng 20 ngày, trung bình mỗi ngày thu hoạch được 12 - 13kg búp măng. Măng tây là thực phẩm giàu dinh dưỡng, được trồng theo hướng hữu cơ càng tốt cho sức khỏe nên giá bán của sản phẩm càng cao”, chị Hòa phấn khởi chia sẻ.

Đi trên những cánh đồng mùa xuân, ngắm những người nông dân thế hệ mới làm việc trong môi trường mới, tôi lại chợt nhớ đến những câu thơ ý nghĩa trong “Bài ca vỡ đất” của tác giả Hoàng Trung Thông: “Bàn tay lao động/ Ta gieo sự sống/ Trên từng đất khô/ Bàn tay cần cù/ Mặc dù nắng cháy/ Khoai trồng thắm rẫy/ Lúa cấy xanh rừng/ Hết khoai ta lại gieo vừng/ Không cho đất nghỉ, không ngừng tay ta”. Dù ở một tâm thế hoàn toàn mới, song tinh thần yêu lao động, sản xuất, không ngại khó, ngại khổ vẫn là những giá trị trường tồn để đất ấm hơi người, cho những mùa bội thu.

Việt Hương



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]