(Baothanhhoa.vn) - Ngoài kia, thế giới bao la, rộng lớn, còn thế giới của cô giáo trẻ Lữ Hồng Nhung, sinh năm 1994 chỉ gói gọn ở bản nghèo sâu hút, biệt lập nơi cổng trời Trung Lý; gói gọn trong nụ cười của những đứa trẻ người Mông hồn nhiên. Ấy vậy mà thế giới ấy vẫn mênh mông lắm, vì đi mãi, đi mãi mà chẳng hết yêu thương.

Chọn niềm vui, nuôi ước mơ nơi bản nghèo

Ngoài kia, thế giới bao la, rộng lớn, còn thế giới của cô giáo trẻ Lữ Hồng Nhung, sinh năm 1994 chỉ gói gọn ở bản nghèo sâu hút, biệt lập nơi cổng trời Trung Lý; gói gọn trong nụ cười của những đứa trẻ người Mông hồn nhiên. Ấy vậy mà thế giới ấy vẫn mênh mông lắm, vì đi mãi, đi mãi mà chẳng hết yêu thương.

Chọn niềm vui, nuôi ước mơ nơi bản nghèoCăn nhà nhỏ ở bản Cá Giáng - nơi Nhung và mẹ đang sinh sống.

Chiều về, sương mù vờn trên đỉnh Pù Hu. Ngọn núi lởm chởm đá, phủ cây dại lằng nhằng, tỏa khí lạnh buốt. Lên đồi nhặt củi, Nhung thấy loi nhoi trong sương những khuôn mặt trẻ con tím tái, lấm lem bùn đất đang lúi húi chặt cây khô, cắt cỏ trâu, bò. Những đứa trẻ mới 5, 6 tuổi mà chiếc gùi sau lưng chất đầy những khúc củi to, dài gấp đôi thân người. Dưới bóng tà nhập nhoạng, chúng lầm lũi bước trên lối về bản...

Nhung lên dạy chữ cho trẻ em người Mông ở điểm trường Cá Giáng, thuộc Trường Tiểu học Trung Lý 2 (xã Trung Lý, huyện Mường Lát) mới chỉ ba năm, nhưng duyên nợ dường như đã gắn kết mảnh đất này với cô từ rất lâu về trước. Bố mất khi Nhung mới hơn 10 tuổi. Một mình lo gánh nặng kinh tế, bà Phạm Thị Nhân - mẹ Nhung một mình ngược sông Mã từ xã Trung Sơn, huyện Quan Hóa lên cổng trời xã Trung Lý, huyện Mường Lát buôn bán, gửi tiền về nuôi 3 con ăn học.

Bản Cá Giáng - nơi mẹ Nhung mưu sinh có 118 hộ với 574 khẩu, 99% người dân sống ở mức nghèo, chỉ 1 hộ duy nhất thoát nghèo. Cả bản có vài khoảnh đất nhỏ trồng lúa nước quanh suối Y. Còn lại, bà con sống nhờ những nương ngô, nương sắn và phụ thuộc hoàn toàn vào ông trời. Năm nào mưa thuận gió hòa, bà con có gạo, có sắn ăn đủ trong nửa năm. Nửa năm còn lại trông cả vào hỗ trợ từ nhà nước. Có nhiều người ở Cá Giáng cả đời không biết mặt chợ, chưa một lần xuống chợ tình Chiềng Nưa, Nhi Sơn phía bên kia sông Mã vì đường xa, cách sông, cách núi. Cuộc sống cứ lặng lẽ trôi đi... không quá khứ, cũng chẳng có tương lai?!

Nhưng sự đời, khó khăn của người này lại là cơ hội cho người khác. Mảnh đất Cá Giáng thiếu thốn là thế nhưng vẫn là miền đất hứa của bà Nhân; là miếng cơm manh áo của các con bà; là ước mơ, hoài bão, tương lai của Nhung. Nhung lớn lên, đi học chính từ những đồng tiền mẹ gửi về mỗi tháng. Hằng năm vào dịp lễ, tết, nghỉ hè, Nhung được đón lên ở với mẹ. Đây như một món quà dành tặng cô gái nhỏ sau những tháng ngày phải xa mẹ. Cá Giáng hiển nhiên trở thành chốn về, chốn chơi, chốn ngóng đợi suốt tuổi thơ của Nhung.

Những ngày ở Cá Giáng, Nhung có cảm giác sống trong một thế giới biệt lập. Căn nhà bé nhỏ của 2 mẹ con nép mình nơi góc núi. Đêm, Nhung nằm nghe tiếng dúi gặm măng rồm rộp. Thậm chí, những ngày trời mưa, rắn bò vào nhà, trườn qua người.

“Hôm qua ở đây có người mới bị rắn cắn, phải chở ra trạm y tế sơ cứu đấy”. Nhung hồn nhiên kể về vụ việc như khẳng định rằng, những chuyện như thế ở đây không hiếm. Nhưng “nơi nào có mẹ, nơi đó là nhà”, Nhung nói. Có lẽ vì thế mà dù có học cao, đi đây đi đó, nhưng với một đứa trẻ mồ côi cha và xa mẹ từ nhỏ, Nhung vẫn muốn được về gần nơi mẹ.

Chọn niềm vui, nuôi ước mơ nơi bản nghèoNhung và học sinh của mình.

Và giờ, Nhung dường như đã trở thành đứa con của Cá Giáng, học tiếng Mông để dạy những đứa trẻ người Mông biết tiếng phổ thông, với ước mơ giản dị là sẽ có nhiều những đứa trẻ nơi đây thi đậu vào đại học. Nhưng với những phận người ăn còn chưa đủ no thì cái chữ chỉ là thứ yếu. Và việc đầu tiên của giáo viên trước ngày khai giảng là “dân vận” để đưa học sinh đến trường. Ba năm gieo chữ nơi cổng trời, Nhung đã thấm thía vất vả của người giáo viên cắm bản. Không ít lần vận động trẻ đến lớp, Nhung đi trong mưa gió, sương mù, ngã dúi xuống mặt đường lầy nhầy bùn đất lẫn phân trâu, bò. “Trẻ con trên này giỏi lắm. Ngay từ nhỏ đã biết tự lập, biết vượt khó nên em rất quý. Đương nhiên cũng có nhiều em không hứng thú lắm với chuyện học hành. Chúng cứ thấy cô giáo là chạy trốn. Lần nào em đi tìm cũng không gặp. Thế là em phải nhờ mấy học trò bắt lại, rồi ngồi nói chuyện, giảng giải. Hôm sau thấy cu cậu đến lớp, em thấy rất vui", Nhung hào hứng kể về cậu học sinh có phần bướng bỉnh của mình.

Thiếu thốn, vất vả, nhưng sự nghiệp trồng người ở vùng cao - thứ Nhung cảm nhận rõ nhất, đó là tình cảm giữa người với người. Ở nơi đây, mẹ con Nhung như một phần ruột thịt với đồng bào, được dân bản chở che đùm bọc. Nhung hay cùng lũ trẻ lên nương nhặt củi, hái rau sau giờ học.

“Đi hái rau rừng với cô không?”, Nhung gọi với sang lũ trẻ đang tụm năm, tụm ba nơi góc đường. Lũ trẻ gật đầu, một đứa te te chạy vào bếp cắp chiếc rổ rồi theo chân cô giáo lên nương hái rau. Vừa đi, cô trò vừa trò chuyện, cười đùa. Tiếng chim non ríu rít hòa với tiếng cười nói rộn ràng khiến không gian vui tươi đến lạ.

Tắm táp mỗi ngày bằng mây gió vùng cao, làn da trắng đã không còn tươi mởn nữa. Hỏi Nhung có dự định khi nào lập gia đình không? Có sợ ở núi thế này sẽ ế không, Nhung cười, nói: “Em cũng chưa nghĩ đến chuyện đó nữa. Điều em nghĩ lúc này là làm sao để các em ở Cá Giáng ham thích đi học, rồi sau này học lên cao, trở về phụ giúp cha mẹ, phát triển kinh tế".

Bản không có điện, không có internet, Nhung xuống huyện kiếm tranh ảnh in ra vừa chỉ, vừa diễn tả bằng hành động để học sinh hiểu. Những bài hát, Nhung cố gắng thể hiện tiết tấu, ca từ bằng hình thể chỉ mong học sinh nhớ được vài câu, thuộc vài động tác. Tháng 9/2023, điện về bản, Nhung quyết định mua trả góp một cái laptop để soạn giáo án và dạy học qua internet. Từ đó, mỗi chuyến xuống huyện, từ điểm trường chính về, máy tính của cô lại chứa đầy những hình ảnh, video nhạc thiếu nhi, audio truyện cổ tích. Bởi, dù có điện nhưng Cá Giáng vẫn chưa có internet. Muốn sử dụng mạng, Nhung phải đi “hứng sóng” ở đỉnh đồi cách điểm trường khoảng 300m. “Mỗi lần đi bắt sóng không khác gì “đánh trận”, Nhung cười, ví von.

Những hình ảnh, video tải từ trên mạng là cả một thế giới mới mẻ của đám học trò vùng cao. Mỗi lần máy tính bật lên, lũ trẻ xúm lại chăm chú lắng nghe, nhìn ngắm. Những bài hát trong sách dạy nhạc, cô trò trầy trật cả tháng không xong thì nay chỉ vài lần nghe và nhìn qua máy tính các em đã thuộc làu. Đám trẻ đặc biệt thích cô giáo cho đi tham quan vườn bách thú qua mạng, hươu cao cổ, tê giác, cá sấu... các loài động vật xuất hiện nhiều trong sách vở nhưng nay các em mới được thấy hình thù. Có em nhanh tay lấy giấy vẽ lại để ghi nhớ, có em bắt chước tiếng khỉ gọi đàn, tiếng hổ gầm inh ỏi khắp bản. Cũng nhờ có Internet mà những đứa trẻ mới biết thế nào là xe buýt, tàu hỏa, tàu thủy...

“Tụi trẻ tranh nhau làm phi công, thủy thủ - những ngành nghề lạ lẫm với những đứa trẻ vùng cao. Rồi giáo viên, bác sĩ... Các em bắt đầu có cái nhìn cơ bản về thế giới bên ngoài. Em thấy hạnh phúc khi học trò của mình bắt đầu biết ước mơ”, cô giáo 30 tuổi nói.

So với các bạn trẻ khác thích khám phá điều mới lại, thu hút bởi nơi có niềm vui và nhiều cơ hội, thì những cô giáo trẻ như Nhung lại chọn gửi gắm tuổi trẻ của mình ở chốn xa xôi này. Nhưng rõ ràng mọi sự so sánh đều khập khiễng, Nhung có hoài bão và niềm vui riêng của mình. Tôi đọc đâu đó người ta viết rằng, cô đơn và tẻ nhạt nhất là khi ngủ dậy và không biết mình sẽ đi đâu, về đâu. Còn với Nhung, cô biết mình là ai, và mình muốn làm gì. Ở trên những đỉnh núi cao hơn, xa hơn, còn nhiều người thầy vẫn âm thầm với "hành trình con chữ”.

Bài và ảnh: Tăng Thúy



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]